Con sẽ về với má – Tác giả Thạch Sene

02/12/22 – 02:12

Tác giả Thạch Sene

Chỉ khi bất chợt nghe từng cơn gió mang theo hơi lạnh thổi ngang qua người, chim muông từ khắp nơi bay về hưởng sắc cảnh mùa xuân, những âm thanh rộn ràng từ những quán cafe vỉa hè, tiếng cười hân hoan của những đứa trẻ hàng xóm chạy đuổi nhau khoe ba mẹ sắm cho quần áo mới… tôi mới bừng tỉnh; Mùa Xuân đã đến rồi sao? Mỗi năm đến gần Tết, kỷ niệm xưa cứ hiện về. Và cũng hình như lâu lắm rồi, kể từ khi rời khỏi gia đình, rời khỏi quê hương bước chân lên thành phố đông đúc chật chội này để kiếm sống, tôi chưa lần nào dành thời gian để nhìn lại những mùa Tết đã qua của mình. Cuộc sống khẩn trương, tất bật, hối hả không cho phép tôi mộng mơ với những điều đã cũ kỹ, không có thời gian để nghĩ đến những điều lãng mạn xa vời, không có thời gian để thả hồn theo mây gió, mơ màng dưới ánh trăng. Tôi thì cũng giống như bao nhiêu người khác, học xong, đi làm, và loay hoay trong vòng xoáy cuộc đời. Nhà cửa và bài toán cơm áo gạo tiền hàng ngày đã chiếm hết thời gian, không còn tâm trí đâu để nhớ nhà, nhớ quê. Quê tôi không xa lắm nhưng mỗi năm chỉ về một, hai lần không phải vì ngại khó mà vì kinh tế eo hẹp không cho phép. Thương ba má ở quê lao động vất vả lo cho con, vậy mà khi con lớn có nghề nghiệp rồi vẫn không thể thường xuyên về thăm ba má. Biết sao được, thời buổi kinh tế thị trường mà, nó cứ quấn con người vào, khiến họ không thoát ra được.Và tôi chỉ biết có làm và làm, ngoảnh lại thì mùa xuân đã đến và tôi lại thêm một tuổi đời.

Tôi còn nhớ ngày tôi còn nhỏ, cái tết được ba má tôi chuẩn bị rất chu đáo. Do nhà nghèo lại đông con nên má tôi tính toán rất kỹ. Những tháng nắng, má tranh thủ ra vườn kiếm củi, những tàu lá dừa đem phơi nắng cho thật khô; sau đó củi được đem chất vào nhà củi ngay ngắn, thẳng hàng; lá dừa cũng bó thành từng bó lớn đem chất lên giàn bếp, má bảo chuẩn bị sẵn vì tết sẽ nấu nướng nhiều. Thời đó chưa có bếp điện, bếp ga nên nhà  nào cũng có bếp củi và nhóm lửa bằng lá dừa nên nhà nào sân trước, sân sau, bên hông nhà, nơi nào trống có nắng là dùng để phơi củi. Cũng chính vì lo xa mà ngay từ tháng chạp má tôi đã sắm sửa dần dần: Khi thì đậu xanh, khi thì măng khô, nấm mèo, đường… chẳng mấy chốc má tôi đã mua đầy đủ mọi thứ; má nói gần tết xem qua một lượt còn thiếu thứ gì thì mua một cái là xong. Không chỉ thế, má còn mua vải tự cắt may quần áo cho chúng tôi, chị em tôi mỗi đứa chỉ có được một bộ quần áo mới, rộng thùng thình. Má nói “tụi con mau lớn, may vừa vặn sẽ mau chật, may rộng mặc thoải mái lại mặc được lâu dài.”  Thời đó có được bộ quần áo mới là mừng rồi, có ai thắc mắc rộng hay chật, dài hay ngắn đẹp hay xấu đâu.

 Mấy ngày cận tết cả quê tôi như một nhà máy sản xuất bánh mứt, sân nhà ai cũng rộn ràng tráng bánh, nướng bánh, phơi bí làm mứt, rồi mứt dừa, mứt mãng cầu, chuối ngào gừng đậu phộng… Gia đình tôi cũng rộn ràng, tất bật hòa vào không khí tết. Từ 23 tháng chạp, sau khi đưa ông táo về trời, ba và mấy anh chị em tôi đã lo làm cỏ mồ mã ông bà, nhà cửa được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, bộ lư đồng cũng được ba tôi chùi bóng loáng. Sáng 30 tết mọi việc đã hoàn tất, chậu mai mà ba tôi cất công chăm sóc cũng được đem vào đặt ở giữa nhà, những cành mai vàng đã bắt đầu nở lác đác làm cho căn nhà nhỏ của chúng tôi sáng hẳn lên. Trên bàn thờ, dĩa trái cây cũng đã được bày lên nào là trái sung, trái mãng cầu, đu đủ, xoài… có cả cặp dưa hấu to tròn. Bà tôi nói qua mâm trái cây thể hiện niềm mong ước của mọi người, mỗi gia đình là được sống hòa thuận, sung túc, đầy đủ. Chị em tôi sung sướng ngắm nhìn công trình mà mấy ba con đã bỏ công sức mấy hôm nay. Ba tôi thì luôn đi ra, đi vô nhìn ngắm, dẹp cái này, dọn cái kia rồi gật gù tỏ vẻ hài lòng.

          Về phía má và bà tôi thì khỏi nói; tôi còn nhớ năm nào cũng vậy, sau khi đưa ông Táo về trời là má tôi bắt đầu chuẩn bị làm các món dưa: dưa kiệu, dưa cải, dưa ngó sen với củ cải đỏ, củ cải trắng. Má bảo tết thịt mỡ nhiều có dưa chua ăn cho đỡ ngán. Má còn làm bánh kẹp, mứt dừa, mứt gừng, chuối ngào đường với gừng, đậu phộng. Tôi khuyên má đừng làm cho cực nhà ít người ra chợ mua là được, má bảo làm để con cháu về có cái ăn; má cực nhưng vui. Hàng ngày sáng sớm, má đã thức dậy nhóm lửa (có lẽ suốt cuộc đời má gắn liền với bếp lửa) nấu một nồi nước to châm đầy hai bình thủy nước, sau đó pha bình trà nóng, ba má uống trà, nói về công việc làm trong ngày, chuyện nhà cửa, ruộng vườn, chuyện học hành của các con… Sau đó, sẵn bếp lửa, má bắt nồi cơm để mọi người ăn sáng cho vững bụng; khói bếp như dải lụa trắng bao phủ mái nhà. Ngày thường đã thế, ngày tết còn bận hơn, sáng 29, má tôi đã chuẩn bị kho nồi thịt. 3 ký thịt ba rọi tươi ngon được má tôi rửa cắt từng miếng bản to đem luộc sơ, vớt ra để ráo nước, má nói như vậy khi kho sẽ ít bọt, nước sẽ trong hơn, sau đó ướp đường, hành, tỏi đem phơi nắng chừng 2-3 tiếng cho thấm rồi bắt lên bếp củi kho với nước dừa tươi. 20 trứng vịt cũng được má luộc chín bóc vỏ sẵn để kho chung với thịt, má để nhỏ lửa cho thịt thấm và mềm. Nhìn những miếng thịt vàng, trong vắt thơm mùi nước dừa, là thấy them; Má bảo muốn cho miếng thịt trong khi ướp nhỏ vào vài giọt chanh. Tối 29 bà và má tôi đã không ngủ vì phải lo gói bánh tét. Một chiếc chiếu rộng được trải ra giữa nhà, đậu xanh đã được nấu chín nắm thành từng nắm dài, nếp ngâm từ hôm trước cũng được vo sạch, vớt ra để ráo  từ chiều, thịt mỡ cũng được cắt thành từng miếng ướp gia vị cho thấm. Lá chuối cũng được chùi sạch, xếp từng xấp, từng bó dây lạt cột bánh cũng được mang ra, thùng nước nấu bánh cũng được bắt tạm sau nhà. Bánh gói xong thì thùng nước cũng vừa sôi, bà và má cẩn thận thả bánh vào nồi từng chiếc một, sau đó chèn lá chuối lên cho kỹ rồi đậy nắp lại. Chị em tôi thay phiên nhau đút củi vào cho lửa cháy đều và “lắng nghe nồi bánh rộn ràng sôi” (Nguyễn bính). Bếp đỏ lửa, nóng như thiêu đốt, chỉ một chút thôi mà chị em tôi đã không chịu được, vậy mà ngày nào má và bà tôi cũng bên bếp lửa mà có nghe than bao giờ. Thỉnh thoảng má tôi đến thăm, thêm củi và đổ thêm nước vào cho bánh chín đều. Xế chiều thì bánh chín, má tôi vớt bánh ra rửa qua nước lạnh và treo lên cây ngang trong nhà bếp. Xong nồi bánh là má tôi bắt tay vào chuẩn bị mâm cơm cúng đón ông bà. Năm nào cũng vậy trên bàn không thể thiếu con gà trống chéo cánh đã luộc mềm, dĩa thịt kho hột vịt, nồi thịt hầm, dĩa dưa kiệu, dĩa dưa hấu đỏ chói và vài món khác. Bà tôi đốt nhang khấn vái, không biết bà vái gì chỉ nghe bà nói mời bà con những người đã khuất về ăn cơm cùng gia đình, mong ông bà phù hộ cho gia đình ta được bình an. Ba tôi cũng thắp hương trên bàn thờ ông bà, những ngọn nến ấm áp cháy đến tận cùng và trầm hương cứ thoang thoảng trong nhà. Gia đình tôi không ăn cơm chiều như thường lệ. Má dăn ai đói thì ăn tạm gì đó lót dạ nhưng tất cả phải có mặt trong bữa cơm cuối năm của gia đình. Bữa cơm giao thừa cũng là bữa cơm cuối năm của gia đình tôi bắt đầu lúc nửa đêm. Những món ăn cúng ban chiều được má hâm nóng lại và dọn ra, thêm mấy dĩa bánh tét còn nóng hổi. Cả nhà quây quần bên bàn ăn, rượu được rót ra trong một cái ly nhỏ, bọn trẻ thì chọn cho mình thứ nước ngọt ưa thích. Sau khi chúc mừng ông bà, ba má, bữa ăn thực sự bắt đầu cùng với những câu chuyện râm ran, thường là nhắc lại chuyện xưa và những lời khuyên bảo, dạy dỗ con cháu cách cư xử, cách sống sau cho trọn đạo của ông bà tôi. Có những điều mà tôi đã nghe rất nhiều lần, đến nỗi thuộc nằm lòng từng câu từng chữ. Bà tôi chưa nói hết câu, tôi đã nói tiếp. Những lần như thế bà không giận mà còn mắng yêu tôi “Tổ cha mày, dám nhại lại bà à!”. Cả nhà cười vui vẻ. Cứ thế năm nào cũng từng ấy việc, từng ấy lời dạy bảo mà khi đã lớn khôn tôi vẫn không quên. Ở quê, đêm 30, nhà nào cũng bày mâm cỗ ra trước nhà, trải chiếu cúng lạy, sau đó đốt tiền vàng mã, mùi giấy hòa lẫn với mùi nhang, không khí thật đầm ấm, trang nghiêm. Cúng xong, nhà nhà mời nhau qua ăn cỗ, tiếng đùa giỡn của bọn trẻ, tiếng cười nói của những người con xa quê trở về đón tết khuấy động màn đêm, cùng với mùi khói nhang, mùi vị của thức ăn phảng phất xung quanh; không khí vui vẻ thấm đượm tình người.

     Thuở nhỏ tôi rất thích tết vì tết được mặc quần áo mới, được vui chơi thỏa thích, được ăn ngon và nhất là không bị ba má rầy la. Lúc đó tôi vô tâm không biết nỗi khổ tâm của ba má mỗi khi tết đến, chỉ biết vui mừng khi có quần áo mới, được tiền lì xì, được ăn ngon, được vui chơi; giờ thì tôi đã hiểu; cũng như tôi bây giờ vậy, làm việc cả năm trời vẫn không đủ tiền cho 3 ngày tết.

Đã nhiều năm trôi qua, giờ đây, tôi vẫn cảm nhận được mùi nhang trầm, hình ảnh ba má đứng trước bàn thờ khấn vái cho gia đạo được bình an. Cả hồi ức về hương vị bánh tét do má gói, mùi dưa hành, củ kiệu, mùi nồi thịt kho nước dừa thơm phức cùng hình ảnh bếp lứa bập bùng. Nhìn hình ảnh mẹ, tôi nhớ đến bài thơ “Tết của mẹ tôi” của Nguyễn Bính:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều.

Tất cả để lại trong lòng tôi cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, vui vui và nuối tiếc một thời đã qua.

        Mùa này ở dưới quê lạnh lắm bởi xung quanh là đồng ruộng, tôi lại lo không biết má có chịu đựng nổi cái rét của mùa này không bởi sức khỏe má tôi giờ rất yếu, nhất là từ lúc ba tôi mất vì bệnh. Nhớ xưa, vào mùa này trời lạnh, má dành tiền mua áo ấm cho chị em tôi. Còn má, sáng sớm má mặc 2-3 cái áo cũ bên trong, chỉ có cái ngoài là tươm tất, không có áo ấm, má nói mặc như vậy cũng ấm lắm rồi chịu khó vận động một chút là ấm ngay. Má quét sân, gom lá khô lại thành đống và đốt, lửa làm cho không khí ấm hẳn lên. Vậy nên khi làm có tiền, việc đầu tiên của tôi là mua tặng má cái áo ấm. Tôi vẫn còn nhớ gương mặt vui mừng, xúc động của má tôi lúc ấy. Không biết giờ má có đem áo ra mặc hay cứ đem cất mãi trong tủ không nỡ mặc vì sợ nó sẽ cũ đi. Má tôi là thế đấy! hy sinh tất cả vì con.

        Trưởng thành, tôi tự mình phải bươn chải với đời, với cuộc sống và nhiều nỗi lo khác, cái dư vị ngày tết không còn nôn nao như hồi nhỏ, thay vào đó là những trăn trở, lo toan. Mãi lo cho công việc, tôi vẫn chưa có kế hoạch tết, nhưng khi má gọi điện hỏi thăm tình hình công việc, sức khỏe, hỏi bao giờ về và không quên dăn: “đừng mua gì, mang xách cho mệt, má lo đủ cả rồi”. Lời nhắc của má làm tôi sực tỉnh, người ta có thể giàu có, địa vị cao nhưng chẳng ai là không muốn về đoàn tụ với gia đình. Thật sự tết là điều gì đó thiêng liêng trong tình cảm của mỗi con người. Lời nhắc của má làm tôi sực tỉnh và lòng cảm thấy nao nao. Đã khá lâu rồi tôi chưa về thăm má, chắc giờ má đã già yếu lắm rồi. Nỗi nhớ cồn cào. Nhớ má, tôi thấy lòng vui vui, càng lớn tuổi má như một đứa trẻ, má giận khi tôi không gọi điện, không về thăm nhà và những giận hờn vu vơ khác. Con người, dù giàu hay nghèo, có địa vị cao hay thân phận thấp hèn, thuộc bất cứ tầng lớp nào trong xã hội chẳng ai là không muốn về đoàn tụ với gia đình bên bữa cơm giao thừa cùng với tiếng cười rộn rã, ấm áp tràn đấy tình thương. Thật sự: Tết là điều gì đó thiêng liêng, kỳ diệu trong tình cảm của mỗi con người. Tôi có gia đình, người thân, mọi người đang chờ tôi; bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho tôi bỏ lại tất cả để… về nhà với má.

Ảnh minh hoạ internet

Thạch Sene

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: