Chùm thơ xuân – Trần Đức Tuấn

11/02/23 – 09:02

Tác giả Trần Đức Tuấn

THÁNG HAI

Tháng HaI con lại về làng
Bâng khuâng hoa cải nở vàng bến sông
Mây trời sóng nước mênh mông
Bến xưa còn đó, người không thấy về
Gió chiều vời vợi chân đê
Nhắn ai còn nhớ lời thề ngày xưa…

 

TƯƠNG TƯ HOA BƯỞI

Giữa trời xuân muôn hoa khoe sắc hương
Em yêu nhất là mùi hoa bưởi
Gần nửa cuộc đời bon chen lạc lối
Lòng lại rưng rưng khi hoa nở trước nhà…

Thuở còn thơ, mỗi khi bưởi đơm hoa
Em chọn hái những chùm đẹp nhất
Chùm này ông pha trà
Chùm này bà ướp mía
Chùm này mẹ gội đầu
Chùm này cô gái nhà sau
Tết vòng hoa bưởi đội đầu đi chơi

Em hái mùa xuân
Em hái tuổi thơ
Em hái mưa bụi, hương bay và nồng nàn nỗi nhớ
Hái bao năm rồi mà hoa vẫn nở
Vẫn thơm như cái thuở ầu ơ em nằm trong cánh võng bà ru dưới gốc bưởi năm nào

Tháng năm trôi
Em đi mê mải với đời
Say sưa thành bại, bồi hồi thắng thua
Xuân này bưởi vẫn đơm hoa
Mà cô hàng xóm ngày xưa đâu rồi?

 

NGUYÊN TIÊU CON LẠI VỀ LÀNG

Rằm tháng Giêng con lại về làng
Về với Hoằng Châu quê cha đất tổ
Với hương bưởi thơm êm đềm trong gió
Với tiếng trống đêm xuân nao nức ngoài đình

Kính cẩn nghiêng mình dâng một nén hương
Tạ ơn bao lớp người đã có công khai canh làng xã
Từ thuở hồng hoang, đất cằn sỏi đá
Cắm gậy tre lập làng, cho măng mọc sinh sôi

Con lại về đây, với đồng Pho lanh lảnh tiếng cười
Mưa bụi giăng giăng không làm ướt đầu cô thôn nữ
Lúa cấy xong rồi, thuốc lào chưa tới vụ
Ý ới rủ nhau đi lễ chùa Hoàng

Về với ao Đoàn tha thiết yêu thương
Đêm mùa xuân anh trai làng hò hẹn
Tay trong tay, thì thầm câu ước hẹn
Nước ao trong in bóng cả hai người

Đi khắp thế gian, gần nửa cuộc đời
Chẳng mùa xuân nào đẹp bằng xuân nơi quê cha đất tổ
Nơi tình quê dạt dào bao nỗi nhớ
Nơi hồn quê tha thiết nặng ân tình…

 

Ảnh minh hoạ internet

SAO EM KHÔNG VỀ HOẰNG CHÂU ĂN TẾT

Hỡi người đang ở nơi xa lắc
Sao chẳng về đây đón xuân sang
Giao thừa níu áo theo các cụ
Xin lộc đầu năm ở chùa Hoàng

Sao chẳng du xuân ở cầu Dừa
Trong làn nắng ấm giữa ban trưa
Nghe trên trời biếc con chim hót
Và tiếng lòng ai cũng líu lo

Sao chẳng đi chơi hội chọi gà
Dưới miền Giang Hải ở quê ta
Thần kê bách chiến trong thiên hạ
Tết cũng nhớ ai, giống như là…

Sao chẳng về đây uống rượu làng
Cùng xem bướm lượn giữa vườn xoan
Đánh bài tam cúc, coi thi vật
Đón một mùa xuân, rất rộn ràng

Sao chẳng về đây, để mình ta
Bâng khuâng đi giữa đất quê nhà
Ân tình năm mới nơi quê nội
San nửa cho người ở chốn xa
– Mùng 5 Tết nguyên đán, khai bút năm Quý Mão

 

HOẰNG CHÂU BAO GIỜ ĐẸP THẾ NÀY CHĂNG

Ồ vui quá những ngày xuân nắng ấm
Tôi đứng giữa quê nhà lòng tràn ngập yêu thương
Xin hỏi người dân Hoằng Châu yêu dấu
Quê mình bao giờ đẹp thế này chăng

Những ngôi trường rộng rãi khang trang
Bàn ghế mới, học sinh ríu rít
Trạm y tế tươi màu sơn vừa quét
Điện sáng lung linh đầu xóm, cuối làng

Xin hỏi các bà, các chị, các anh
Cô gái trẻ bán rau ngoài chợ Rọc
Ông lão tri điền chòm râu trong như cước
Hoằng Châu bao giờ đẹp thế này chăng

Những con đường thẳng tắp dọc, ngang
Những ngôi nhà đua nhau khoe sắc
Cồn Trường mênh mông, cá tôm rào rạt
Thuốc lào đồng Trong theo gió vẫy chào

Hàng dừa xanh trong nắng xôn xao
Đoàn thuyền đậu, cờ bay phấp phới
Đàn cò trắng nghiêng chao cánh vội
Đồng mướt xanh bát ngát khoai, cà

Xin hỏi ngàn năm hồn phách ông cha
Khai canh quê hương, lập làng lập xóm
Thuở đất cằn khô, đồng chua nước mặn
Hoằng Châu bao giờ đẹp thế này chăng

Ôi cụ Quéo già, thần mộc của làng
Mấy trăm năm chở che con cháu
Chứng ghi bao thăng trầm của quê hương yêu dấu
Nay vui với quê mình, cũng trổ lộc tươi xanh

Người Liên Châu, Hóa Lộc, Hoàng Chung
Người xa quê, gái trai, dâu rể
Người trẻ, người già, thanh niên, cháu bé
Cán bộ, học sinh, buôn bán, nông dân

Người xa nhà, biền biệt quanh năm
Người ra sông, mái chèo hối hả
Người làm đồng, sớm hôm chăm chỉ
Đều chung tay xây mảnh đất này

Ôi! quê hương của chín nghìn người Hoằng Châu hôm nay
Và vạn người Hoằng Châu lớp trước
Giữa ngày vui nghe trái tim thầm nhắc
Quê hương ta đẹp nhất bây giờ.

Trần Đức Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: