Vỏ lon bia

23/11/21 – 04:11

 

NGUYỄN BÁ NHA

(Phú Yên)

 

Mặt trời đã lặn. Quán xá giờ đã lên đèn. Nó cúi nhặt những chiếc vỏ lon bia còn đọng bọt và chút nước bia thơm ngậy mùi nha bia. Đây không phải lần đầu nó đi nhặt lon ở chỗ đông người. Thường quán xá, chủ quán không cho người ngoài vào nhặt. Nó được đặc cách, ông chủ quán gọi nó tới đếm lon.

Loay hoay nhặt lon, nó không quan tâm trên bàn nhậu ồn ã, lời ra tiếng vào rôm rả. Bất chợt có ai đó nói vang lên, làm cả bàn nhậu im lặng, hướng về nó:

– Ê, thằng Lem, ủa sao nay đi lượm lon? Thanh niên trai tráng, thiếu gì nghề làm, mà đi làm nghề lấm láp, hôi bẩn vậy?

Nó chưa kịp trả lời người quen thì có người nói xen vào:

– Không nên nói vậy. Bạn già ơi, nghề nào cũng chân chính cả, người ta lao động chân chính để mưu sinh mà.

– Tôi biết cậu này, là một thanh niên chịu khó, ham học nên làm nghề ve chai để nuôi gia đình và đi học bổ túc văn hóa đó. – Chị Tư nói đỡ.

– Thôi mời em uống với anh chị ly bia, em à! – Một người có vẻ đĩnh đạc hơn cả trong nhóm vỗ vai Lem ân cần, ái mến.

– Dạ, em cảm ơn anh chị có lời ạ! Tại em tay chân lấm quá, lại vội về cân hàng kẻo tiệm phế liệu họ đóng cửa ạ.

Nó chào rồi lủi thủi ra về. Chiếc xe máy cũ cứ lốc cốc, lét két – âm thanh của các phụ tùng đã cũ kỹ, bệ rạt lẫn tiếng lon, chai, phế liệu theo suốt nó cả quãng đường, trong đêm tối mịt mờ.

Hôm nay, một ngày nắng đẹp. Ngày mà nó thật sự vui buồn lẫn lộn. Nó nhận  được giấy mời dự và nhận giải thưởng sáng tạo kỹ thuật gì đấy. Vả là, sau bao ngày tháng rong ruổi trên những con đường đầy rác mía, phế thải sinh hoạt, phế phẩm nông nghiệp rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường cảnh quan thôn xóm. Lại là nó, nó lại đi làm việc bao đồng. Sau mỗi giờ đi thu mua ve chai, nó lại đi cào rác, đi nhặt lon, nhặt bao thuốc lá, chai lọ. Trước là phân loại bán, sau là dọn bớt cho làng xóm sạch đẹp. Cứ vậy, sớm đến tối, mặt mũi nó lem luốt. Những ngày mưa, bão không đi thu gom được, nó lấy phế liệu ra mày mò phân loại. Chợt nghĩ đến việc nhà không có tiền sắm bếp ga, dùng củi thì khói và lại ảnh hưởng tài nguyên rừng. Nó lấy vỏ lon bia là làm thí nghiệm chiếc bếp mi ni. Dùng nguyên liệu từ rác mía, dăm bào, trấu để đun. Thấy hiệu quả, nó tận dụng tonle, thiếc để chế cái bếp to hơn, dùng nguyên lý quạt khò, đưa không khí vào, đốt nguyên liệu triệt để, không khói.

Ngày mai, được nhận Giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh. Nó không mừng vì giải, nó vui vì làm được điều ấp ủ, có ích cho cộng đồng. Tiền giải thưởng, nó sẽ mua quà tặng người già và mua tặng vợ một chiếc xe đạp điện để đi chợ quán và tiết kiệm nhiên liệu, không khói…

Bá Nha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: