Tôn Nữ Thanh Tịnh: Thử chạm vào… đề thơ trước mộ thanh xuân

29/06/23 – 04:06

Tác giả Tôn Nữ Thanh Tịnh

 

THỬ CHẠM VÀO…
ĐỀ THƠ TRƯỚC MỘ THANH XUÂN (Phạm Ngọc Lư)

    Giờ thì anh Phạm Ngọc Lư đã là “Giọt hư không”. Đã rời bỏ một cõi “đi về lận đận”. Có ai đó đã nói với tôi rằng: Thật ra, anh Lư đã chết kể từ khi đề thơ trước mộ Thanh xuân ra đời! Tôi chẳng ngạc nhiên chi.

    Tôi đã có đôi lần đọc đề thơ trước mộ Thanh xuân của anh Lư. Đọc qua một lần, rồi lần hai, lần ba. Bài thơ khép lại, rồi lại mở. Mở rồi lại khép… bài thơ đã khép lại rồi. Nhưng dư âm những giai điệu cuối cùng của bài thơ, sao mà vẫn ngân dài trong lòng tôi một nỗi gì thật chứa chan! Một nỗi gì quá đỗi não nùng, quá đỗi bi ai! Nghe ra như những cung bậc trầm uất, nên lòng tôi cứ nao nao… nao nao… ngậm ngùi khôn tả.

    “Nền nhà mọc lên nấm mộ
    Chữ đề bia tức tưởi tím bầm
    Ghê thay thiên địa phong trần
    Nơi đây, yểu mệnh thanh xuân một người!”

    Ngôi mộ kia chẳng phải là ai chôn ai, và cũng chẳng phải nằm đâu xa, nơi gò hoang hay một nghĩa trang nào đó, mà ngay trên nền nhà. Và ta hiểu ra là… chính tác giả tự chôn mình, ngay trong ngôi nhà mình đã sinh sống bao nhiêu năm trường, với một niềm tức tưởi vô biên! Ấy là tự mình cưỡng bức mình!

    Giai điệu thơ đi quyết liệt như thế thì đã xóa đi sạch sẽ mọi cung vui của thế gian… là những lời bi thiết dậy lên tự đáy sâu thẳm của tâm hồn. Để cho niềm tuyệt vọng vút lên, lướt đi giữa cõi thơ lồng lộng…

    Thật là một phong thái khác thường! Xưa nay có lẽ chưa từng…

    Đôi khi, ùa về trong tôi những giai điệu sát na của sự sống. Những sắc hương thắm tươi, hiền hòa, đang ngời xanh trong nắng mai, bỗng nhiên dịch chuyển dần vào cõi u minh… Những vần thơ được khơi nguồn từ một nguyên do sâu thẳm. Phơi mở ngày càng rõ nét trên quê hương mình! Những giai điệu đong đưa phận người. Sự sống và cái chết lơ lững trong từng bước chân.

    Những cuộc sống tưởng chừng như đang dần thành tựu tinh hoa. Những tâm hồn đang đầy ắp bao mộng đời. Bỗng chốc bị méo mó đến thảm hại. Cuộc sống ngày càng dị dạng quá! Bao quanh chúng ta không biết bao nhiêu là tai hại điêu linh. Những cái chết “tức tưởi, tím bầm”… Ta nhìn thấy, tim nhói đau. Có những cái chết thảm ta ngơ ngác hỏi tại sao? Nhưng cũng có những cái chết ta biết rõ nguồn cơn từ đâu, những nguồn cơn khiến ta buốt lòng, vì sự việc đã xảy ra ngay trước mắt. Hằng ngày, không biết bao nhiêu là nỗi niềm khuất tất ôm lấy những phận đời khốn khổ nhỏ nhoi…

    Sẽ không là gì cả, nếu ta cho qua những vụ việc chẳng liên quan gì đến ta. Nhưng sẽ rất băn khoăn nghĩ ngợi, nếu có một sợi tơ đời nào đó chợt nhiên vương vấn vào lòng! Mà… nhiều khi ta cũng không dễ gì quên lãng đi… Thật tình, ta không dễ gì chỉ sống cho riêng ta, vì nếu như thế thì thế gian này mất đi biết bao ân tình…

    Đôi khi, nhìn thấy những sự việc xảy ra trong cuộc sống, thì ta chợt nhiên nhớ lại câu thơ này, câu thơ nọ. Những câu thơ mang theo không biết bao nhiêu là nỗi niềm của người viết, nhưng sao ta lại cảm thấy tâm hồn mình miên mang trên lối đi về…

    “Tìm trong gia phong mấy lời răn dạy
    Hiểu đâu nhất thời
    Đâu là vạn đại
    Than ôi!
    Cái khôn mới hôm qua.
    Hôm nay bỗng trở thành cái dại
    Quay lưng với đời ư?
    Dòng đời cuồn cuộn
    Biển đời lợn cợn
    Bảy đục ba trong
    Quay mặt với người ư?
    Mặt người sắc nhọn
    Biển người sao mà ghê rợn
    Đua chen hôi lợi bòn danh.”

    Ngẫm cho cùng, thì nỗi niềm của anh Phạm Ngọc Lư lúc bấy giờ không phải là bây giờ! Nhưng giai đoạn trước và giai đoạn sau đã mở phơi, đẩy xô nhau vào một cuộc Tân thanh đoạn trường… mà trong vòng xoáy ấy, có biết bao người đã lạc mất hồn mình!

    Anh Lư thì không!

    Vì thế, nên trên thực tế lúc bấy giờ nhà thơ vẫn sống. Sống với một thân thế chán chường, và luôn mang theo trên đường đi lối về một mối sầu u uẩn khôn nguôi.

    “Hề! Mời quá khứ nâng ly
    Hề! Mời vị lai so đũa
    Ta như kẻ lỡ thời
    Giỏi giang gì mà tri với ngộ
    Chỉ biết hôm nay giày rơm áo cỏ
    Vinh danh quân tử cố cùng
    Ba mươi năm bỗng bòng bông.”

Tôn Nữ Thanh Tịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: