Thạch Hãn còn mãi yêu thương – Tản văn Lê Minh

03/08/23 – 02:08

Tác giả Lê Minh

 

THẠCH HÃN CÒN MÃI YÊU THƯƠNG

          Có nơi nào thoảng vọng hồn mê tứ bề sóng nước chan lệ mắt sầu như dòng sông Thạch Hãn. Có nơi nào mà trong hồn người cũng nổi sóng cùng nhớ thương? Thạch Hãn ơi… nơi xương tan thịt nát, tiếng lòng ngàn đời mãi xót xa. Tuổi xuân ai đã vĩnh hằng, Thạch Hãn còn mãi yêu thương.

          Tôi nhớ đến sông Thạch Hãn hiền hòa trong xanh soi bóng quê hương mình tận đáy, tôi nhớ đến Thạch Hãn đôi bờ bình yên mát lạnh trưa hè, nơi con sóng vỗ về ngân vang trong câu hát. Ơi con sông, người bạn tâm giao tuổi ấu thơ biết bao người. Nhớ những ngày đoàn thuyền đánh cá tung chài buông lưới, nụ cười vang khuấy động khúc sông chiều, cả những khi sà lan nối đuôi nhau chở cát, tiếng động cơ vang dội cả hai bờ.

          Nhìn dòng Thạch Hãn giờ đây xanh trong, thấp thoáng con đò ngang dọc, ta bỗng nhớ thương mùa hạ rực lửa năm nào, một mùa hạ hào hùng năm một chín bảy hai của dân tộc. Trước mắt ta, dòng Thạch Hãn phẳng lặng là thế, nhưng lòng người vẫn còn quặn thắt, trào dâng. Sao giá của hoà bình đắt vậy ai ơi…?! Nhớ ngày đấy những chàng trai mười tám đôi mươi vượt lên cả yêu thương, gác ước mơ hoài bão của mình theo tiếng gọi thiêng liêng từ Tổ quốc. Ơi… hàng vạn chiến sĩ giải phóng quân…! 81 ngày đêm vượt mưa bom bão đạn, không tiếc thân mình vào giữ Thành Quảng Trị. Dù máu của các anh đã đổ, dù thân xác hoà tan trong sóng nước, nhưng các anh đã làm nên trang sử vàng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Là khúc tráng ca ngân vang trên đất Quảng Trị hôm nay và ngàn đời mãi về sau. Tổ quốc kính cẩn nghiêng mình trước các anh. Ơi… Thạch Hãn yêu thương, dòng sông linh thiêng đầy máu và hoa hoà nước mắt. Thạch Hãn xuôi dòng mãi chảy theo chiều dài lịch sử, đã có biết bao người lính hóa thành hình đất nước, nằm xuống dòng sông dâng trọn đời mình cho Tổ quốc thân yêu. Ta muốn xẻ dọc ngang dòng Thạch Hãn, đưa thân xác các anh về được cõi vô tận, nơi mở ra chỉ có yêu thương ở đời.

          Đã hơn năm mươi năm trôi qua, liệu mùa xuân có về trên dòng sông Thạch Hãn năm nào, để mang được sắc thắm của hoa đào, rực rỡ của hoa mai. Các anh ra đi, có người chưa kịp gọi tên người mình thương yêu đã gửi thân cho sóng nước. Có người gọi cha ơi… mẹ ơi… bỗng tắc nghẹn nửa chừng, khi địch bất thần nã pháo vào đội hình vượt sông. Các anh không để lại, dù một tấm hình, một dòng địa chỉ, chẳng để lại gì trước lúc hy sinh. Người lính trẻ đi xa nhưng linh hồn các anh còn mãi ngàn năm, như sóng nước trên sông không ngừng nghỉ, vỗ yên bình bờ bãi mãi quê hương… Tôi nhớ đến bác tôi ngày ấy trẻ trung, tươi cười dù chỉ một lần đến Thành Cổ, Bác ra đi vẫn mãi không về…

          Ai đã từng ghé thăm Thành cổ Quảng Trị, ngồi ngắm dòng Thạch Hãn, sẽ nhớ về một câu chuyện rung cảm lòng người, từ một người còn sống sót trở về, đó chính là anh Lê Bá Dương. Anh nguyên là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam tại thành cổ Quảng Trị. Từ năm 1976 trở đi, năm nào anh cũng về Quảng Trị để thăm viếng những người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Cũng như mọi năm, năm 1987, anh vào chợ mua hoa để viếng đồng đội của mình. Xuống sát mép sông Thạch Hãn anh gặp một bà mệ chèo thuyền. Anh bước đến gần bà mệ nói “Mệ cho con đi thuyền dọc sông một vài tiếng, hết bao nhiêu tiền con trả”. Bà mệ trả lời “tám ngàn một tiếng, mi có đi không nờ?”. Anh trả lời “Dạ… mình đi mệ!” Rồi anh ngồi trên thuyền khẽ thả hoa trên sông, nước mắt nhạt nhòa. Bà mệ chèo đò cứ thế lặng thầm nhìn anh. Bốn tiếng sau anh nói với bà mệ rằng, “Tám ngàn một tiếng, con đi bốn tiếng, con xin trả mệ 50 ngàn”. Bà cụ nhìn anh khẽ nói “Mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi”. Anh không hiểu chuyện gì bèn hỏi lại bà mệ “Sao mệ nói thế, thưa mệ?”. Bà mệ giàn giụa nước mắt “Dưới đáy sông ni có con, có cháu mệ nằm bên dưới, lạnh lắm con nờ…!”. Anh ôm bà cụ khóc nức nở. Bỗng nhiên anh thấy có chiếc thuyền máy chạy ngược chiều, tung bọt trắng xóa, nước mắt anh ứa ra, và trong đầu anh hình thành lên những vần thơ.”

“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

          Lặng thầm nghe, lặng thầm nhớ, lặng thầm thương… Ta lặng người giữa không gian nghi ngút khói hương, chợt thấy lòng như đang sống trong năm còn kháng chiến. Nếu ai có dịp qua Thành Cổ, hãy dừng chân thả cành hoa trên dòng sông Thạch Hãn, thầm biết ơn đất nước đã bình yên, khi dùng máu hòa nước mắt để đánh đổi lấy hòa bình.

          Thắp nén hương lòng nghẹn ngào nước mắt. Đâu đó còn rên xiết, đâu đó muôn trùng sương giăng, đâu đó trăng nước u buồn tiếc nuối, tiếng lòng ngàn đời mãi xót xa, mưa gió ơi xin đừng ướt nữa! Đã bao năm rồi anh chưa về với mẹ? Ngày đấy anh đi, có hứa với mẹ. Hồn nhiên, tươi cười, hẹn ngày anh trở lại. Đã hứa rồi… sao anh chẳng giữ lời, chẳng trở về với mẹ? Chiều nay mẹ vẫn đứng tựa cửa chờ mong, nhưng anh chẳng thể trở về… Dòng sông Thạch Hãn là nơi các anh vĩnh viễn nằm lại…

          Những giá trị, những trang sử hào hùng luôn được vun bồi tô đắp, để Thạch Hãn còn mãi với yêu thương, bởi ông cha ta hằng đánh đổi bằng xương bằng máu để giữ gìn. Xin đừng để biển chảy ngược, đừng để nước mặn tràn vào, đau lòng cây lúa lắm ai ơi…! Hãy để những rặng tre bên bờ mãi xanh, bãi bồi tươi tốt của ngô khoai với lạc, cùng thấp thoáng mơn mởn ngát rừng tràm. Ước mong sao tháng Bảy, tháng Tám trở về, dòng Thạch Hãn không còn dữ tợn, không cuốn phăng đi, không nhấn chìm mọi thứ. Xin đừng để thiên tai trở về như lần cuối, bởi Quảng Trị hôm nay không bao giờ khuất phục ai.

          Có nơi nào thoảng vọng hồn mê tứ bề sóng nước chan lệ mắt sầu như dòng sông Thạch Hãn. Có nơi nào mà trong hồn người cũng nổi sóng cùng nhớ thương? Tôi nhớ đến sông Thạch Hãn hiền hòa trong xanh soi bóng quê hương mình tận đáy, tôi nhớ đến Thạch Hãn đôi bờ bình yên mát lạnh trưa hè, nơi con sóng vỗ về ngân vang trong câu hát… Ơi Thạch Hãn còn mãi yêu thương…

Lê Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: