Bút ký “Mênh mang tình biển” – Lê Phương Liên

17/08/23 – 05:08

Tác giả Lê Phương Liên

 

MÊNH MANG TÌNH BIỂN
(Viết về chuyến đi thực tế sáng tác đề tài Cảnh Sát Biển Việt Nam do Trường vv Ng Du và HNV VN đồng tổ chức)

          Đã sang tháng Bảy nhưng cái nắng vẫn còn gay gắt ngột ngạt. Thành phố Cảng dường như cũng khô rang dưới ánh mặt trời. Hàng phượng vĩ đỏ rực như những bó hoa thắp lửa, làm cho hơi nóng càng tăng lên khiến lũ ve sầu than vãn không ngớt. Chiếc xe 16 chỗ chở chúng tôi thẳng đường Trần Hưng Đạo, qua cảng Chùa Vẽ là tới Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1.

          Buổi chiều. Sau nghi thức gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng với Đoàn công tác số 1 (Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà văn Việt Nam), xe đưa chúng tôi xuống trải nghiệm thực tế tại tàu CSB 8003 và CSB 8004.

          Đón đoàn là các thủy thủ còn rất trẻ, hầu hết ở thế hệ 8x và 9x. Các cháu gọi chúng tôi là cô chú, thân thiết như người nhà đi xa trở về.

Sau khi dẫn đoàn đi thăm quan, Thượng úy, thuyền trưởng tàu CSB 8003 có cái tên rất ấn tượng Lại Vĩnh Đại, hẹn: “Các cô ơi, tối nay ăn cơm xong cháu qua phòng nghe các cô đọc thơ nhé!”.

          Mấy cậu lính đi cùng quay sang: “Thuyền trưởng cho chúng em bám càng với!”. Nói xong tất cả cùng cười, những nụ cười thật dễ mến.

          Tàu bố trí mỗi thành viên ở một phòng. Các phòng đều được ghi tên cụ thể: “Nhà thơ Trần Đăng Khoa”, “Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến”, “Nhà văn Vũ Đảm”…

          Đoàn có ba nữ, nhà thơ Kim Dung (Hà Nội), nhà thơ Linh Xuân (Thái Nguyên) và tôi – người con của Thành phố Hoa Phượng Đỏ. Chỉ huy tàu chiều theo nguyện vọng để ba chúng tôi ở chung một phòng.

          Tôi thật bất ngờ trước sự chuẩn bị, phục vụ rất chu đáo của các cháu khi có khách lên tàu. Khăn mặt, kem đánh răng, dầu tắm gội… tất cả cứ y như đồ đặt phòng khách sạn vậy.

          Sau khi nhận phòng, chúng tôi đi tham quan các khu vực của tàu. Phải nói là vô cùng hiện đại. Ấn tượng nhất với tôi là sân đỗ máy bay trực thăng trên tàu CSB 8004. Tàu này do Việt Nam đóng theo thiết kế của Tập đoàn Damen (Hà Lan). Mới biết ngành đóng tàu của Việt Nam mình phát triển có thua gì nước ngoài đâu.

          Đứng trên boong tàu nhìn xa xa, cầu Tân Vũ nối liền Thành phố với đảo Cát Hải như dải lụa mềm vắt qua chiều hoàng hôn tím rịm. Đại úy, thuyền trưởng tàu CSB 8004 Đặng Văn Dũng có khuôn mặt tròn, trắng trẻo nói năng nhỏ nhẹ như con gái: “Cháu rất thích ngắm hoàng hôn trên biển. Hơi buồn một tí nhưng thật đẹp và yên bình cô ạ!”.

          Đấy, ai bảo lính khô khan. Cũng lãng mạn phết đấy chứ!

          Tiếng loa báo giờ cơm cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi rẽ qua nhà bếp và thực sự ngạc nhiên, ba chàng lính trẻ tạp dề bao tay nghiêm chỉnh đang xếp từng đĩa đồ ăn vào bàn.

          – Mấy anh nuôi của tàu thành thạo nhỉ, trông cứ như là cánh làm cỗ ở khách sạn! – Tôi mỉm cười và ánh mắt không khỏi thán phục.

          – Cô ơi, tàu không có anh nuôi, bọn cháu tự nấu đấy ạ! – Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Văn Việt lễ phép trả lời.

          – Ơ, thế ai dạy các cháu mà nấu ăn có nghề thế? – Tôi ngắm nghía đĩa gà luộc được bày theo kiểu “cánh phượng”, trên rắc lá chanh thái chỉ, đĩa mực xào cắt hoa trang trí, bát canh cá chua cà đỏ xen hành thì là xanh ngắt mà không khỏi ngạc nhiên.

          – Chúng cháu tự học lẫn nhau, vã lại, nấu ăn quanh năm nên cũng quen tay cô ạ! – Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phan Quang Huỳnh, pháo thủ kiêm quản lý của tàu giải thích với tôi.

          Đấy, phục chưa! Lính biển bây giờ năng lực toàn diện nhá! Ra khơi làm nhiệm vụ thì dũng cảm, mưu trí, trở lại cuộc sống đời thường cũng khéo léo bếp núc, chả kém gì các bà, các chị. Trong lòng tôi chộn rộn niềm vui…

          Có vật gì ấm mềm dưới chân, ồ, hóa ra con mèo. Trông nàng cũng đỏm dáng ra phết. Cổ nàng thắt nơ xanh màu nước biển, đôi mắt bi ve tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy đoàn khách lạ. Nàng cứ cọ cọ vào chân hết người này đến người khác. Thấy nhiễu, một cậu lính dịu dàng: “Kìa Ni Na, về chỗ đi!”. Ơ thế mà nàng hiểu. Thủng thỉnh đi về phía cuối tàu, không quên liếc nhìn tôi một cái.

          Phòng ăn trên tàu không thông thoáng như trên đất liền nhưng gọn và ngăn nắp. Sau màn nâng cốc là lời giới thiệu “lý lịch trích ngang” của từng thành viên trong đoàn và hai tàu CSB 8003 và CSB 8004. Các sĩ quan trên hai tàu có nhiều người học nước ngoài về. Thuyền trưởng Lại Vĩnh Đại có bẩy năm học sĩ quan chỉ huy tại Bun ga ri, người thì học ở Học viện Hải quân Gretrco, Liên bang Nga…

          Có lẽ tiết mục nhận nhau đồng hương rồi nhờ mai mối là xôm nhất trong bữa cơm tối. Tôi cảm thấy tiếc vì chả còn đứa con gái nào chưa lập gia đình, chỉ còn cháu mà thôi. Ấy vậy mà mấy cậu còn nhao lên đăng ký. Cậu lính trẻ nhất tàu phấn khích đọc ngay hai câu thơ: “Tội gì mê gái đảm đang/ Chúng ta chờ lấy cháu ngoan Bác Hồ..!”. Bàn bên, nhà thơ Trần Đăng Khoa giơ cao cốc: “Này, câu ý là của tớ đấy!”. Còn nhà thơ Trần Khánh Toàn thì cười tươi góp chuyện: “Câu ấy không phải của anh đâu nhé, mà là của Hai Ùm* đấy!”.

          Hóa ra, cậu lính trẻ đã đọc “Đảo chìm” – một tập truyện được tái bản tới gần ba chục lần của Trần Đăng Khoa nên đã ngấm được ít nhiều ngôn ngữ của “thần đồng”…!

Bữa cơm kết thúc, trong lúc ngồi uống nước, trưởng đoàn – nhà văn Vũ Đảm thông báo chương trình giao lưu thơ nhạc tối nay trên sân bay của tàu. Nghe vậy, cánh lính trẻ và khách mời hưng phấn hẳn lên.

          Đêm tháng Bảy ở vùng cửa biển thật yên tĩnh. Bầu trời lung linh những vì sao khát mưa. Lắng nghe vẫn thấy biển rất gần. Sóng ì ầm phía xa xa vọng lại, tiếng con sò, con ốc âm i dũi cát gần bờ theo gió dấy lên.

          Không gian của buổi giao lưu đậm chất lính biển. Sân khấu là sàn đỗ máy bay trực thăng trên tàu. Cả chủ và khách quây quần bên nhau. Những chàng lính trẻ mang quân phục chỉnh tề ngồi ngay ngắn trên những chiếc ghế tựa chạy xung quanh sân bay, ánh mắt háo hức, đợi chờ.

          Ngồi cạnh tôi, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Huy Đáp, cậu lính quê Nam Định với nước da ngăm đen, có nụ cười rất duyên đang cầm trên tay cuốn sổ tay màu xanh nước biển (chắc là lát nữa đọc thơ, tôi đoán thế).

– Cháu có thích thơ không? – Tôi hỏi nhỏ.

Đáp vừa cười vừa đưa tôi xem quyển sổ:

– Đây là quà bạn cháu tặng lần đến thăm nhưng không gặp!

– Người yêu cháu à?

Đáp khẽ gật. Hình như hơi đỏ mặt.

          Tôi lật trang đầu. Nét chữ mềm mại: “Em lặng im trên bãi cát như mơ/ Trưa cô độc mặt trời lên chót đỉnh/ Chỉ còn em với ngàn trùng sóng đánh/ Với ngàn trùng sâu lắng thương anh!”.

          – Cô ấy không viết tên tác giả nhưng cháu biết đây là thơ của nhà thơ Bằng Việt! – Đáp thủ thỉ

          – Ơ, thế sao không gặp? – Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên.

          – Vì tàu có lệnh ra khơi đột xuất. Đợt ấy cháu đi một tuần mới về. Yêu lính thì phải cảm thông cô nhỉ…?

          Tôi chưa kịp tiếp câu chuyện thì đèn pha trên boong bật sáng trưng. Ánh điện chiếu xuống làm nổi bật sân tàu bay được sơn màu xanh nước biển, có những vạch, ô màu vàng. Chắc là kí hiệu cho trực thăng hạ cánh.

          Biết có nhà thơ Trần Đăng Khoa là khách mời danh dự của đoàn công tác, nên chả cậu nào bỏ lỡ dịp may được tận mắt thấy “thần đồng” bằng xương bằng thịt. Nhất là mấy chiến sĩ trẻ, vừa ngại ngùng, vừa rón rén đến cạnh để nhờ các chú, các anh trong tàu chụp ảnh chung với thần tượng. Với họ, đây cũng là một cơ may, một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của mình.

          Buổi giao lưu đã xóa tan đi khoảng cách e dè của cánh lính trẻ. Họ đề nghị các nhà thơ đọc thơ trước. Dĩ nhiên là các bài của nhà thơ họ Trần được lính thuộc nhiều hơn cả. Bài hát “Thư tình lính biển” được hát chung cho tất cả mọi người: “Khi chia tay, anh dạo trên bến cảng. Biển một bên và em một bên. Biển ồn ào, em lại dịu êm… “. Cả sân khấu nồng nàn trong bản tình ca đi cùng năm tháng…

          Thế rồi, sân khấu dường như bừng tỉnh khi giọng đọc hào sảng của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vang lên: “… Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/ Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/ Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn…”. Bùi Huy Đáp ghé sang tôi thì thầm: “Đây là trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” của chú Chiến phải không cô?”. “Sao cháu biết? “Dạ, đó là lời của bài hát mà chúng cháu thường hát khi sinh hoạt đơn vị. Cháu thích tất cả những bài thơ chú ấy viết về biển đảo cô ạ!”.

          Không cần kịch bản. Cái tài của người dẫn chương trình, nhà văn Lê Mạnh Thường (công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng – người trực tiếp đưa đoàn công tác xuống thâm nhập thực tế trên hai tàu) khéo léo chuyển sang phần đọc thơ của lính. Ồ, là thơ của Đáp. Giữa mênh mang gió nước, giọng thơ của Đáp vang lên da diết: “… Biển và anh tháng năm dài gắn bó/ Có khi vui và cũng có khi buồn/ Sau những chuyến ra khơi và trở lại/ Về đất liền anh sợ biển cô đơn…!”.

          Ôi chao,”…Về đất liền anh sợ biển cô đơn”, mới đọc đến câu này, nhà văn Vũ Đảm và nhà thơ Trần Khánh Toàn đã không kìm nổi cảm xúc, ôm cậu lính trẻ trong vòng tay của mình…

          Sân khấu một lần nữa lặng đi. Thương lính và yêu biển vô cùng…

          Chương trình giao lưu được tiếp tục với nhiều bài thơ và ca khúc. Nhưng rồi cũng phải khép lại trong niềm luyến tiếc của khách và chủ nhà.

Những tác phẩm văn học của các thành viên trong đoàn công tác mang theo được nhà thơ Trần Khánh Toàn trao tặng cho thư viện của hai tàu.

Trăng đụn rịn lửng lơ trên bầu trời thẳm xanh như ngọc. Gió lồng lộng từ biển thổi về mát rượi. Đêm nay, hình như phá lệ. “Chỉ còn đêm nay mai lá thu rơi. Chỉ còn đêm nay…” ngoái đầu lại thấy phóng viên Lê Mạnh Thường vừa kiểm tra máy ảnh vừa lẩm nhẩm hát.

          – Có chụp cho chị được kiểu nào không đới? – Tôi hỏi với sang.

          – Ui, nhiều lắm chị ạ. Có ảnh chị đọc thơ cho anh em này! – Mạnh Thường vừa nói vừa bấm vào màn hình máy ảnh cho tôi xem. Đã gần hai ngày trôi qua, biết Mạnh Thường cùng sinh hoạt trong Hội Nhà văn Hải Phòng, có rất nhiều giải thưởng về văn chương, báo chí nhưng vì công việc nên hai chị em cũng chưa tâm sự được nhiều.

          Thật ra, vào buổi sáng tại phòng câu lạc bộ của tàu CSB 8003, đoàn cũng đã nghe Mạnh Thường và các thủy thủ kể về nhiệm vụ mà họ thực thi trên biển. Về con tàu CSB 8003 huyền thoại và những trận đấu trí cam go với tàu hải cảnh Trung Quốc trong sự kiện giàn khoan HD 981 xâm phạm lãnh hải và thềm lục địa nước ta trên vùng biển Hoàng Sa năm 2014. Chính Lê Mạnh Thường là người cũng đã có hai chuyến với 46 ngày đêm làm nhiệm vụ tác nghiệp trên con tàu CSB 8003 và các tàu của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 năm ấy.

Có một chi tiết thật trớ trêu về tình “hữu nghị” trên biển mà tôi tâm đắc khi có lần được đọc trong bút ký “Hồn thiêng sóng nước Hoàng Sa” của Lê Mạnh Thường trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội: “… Khi biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận cách giàn khoan HD 981 khoảng 5,5 hải lý thì có 21 tàu hải cảnh Trung Quốc túa ra như một bầy kền kền trắng, lao ngược về phía tàu ta với tốc độ rất cao. Trong đó có tàu 3210. Chính trên con tàu này, cách đây một tháng đã diễn ra cuộc giao lưu học tập trao đổi kinh nghiệm kiểm tra liên hiệp nghề cá trên Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những lời chúc, những cái bắt tay thắm tình hữu nghị… vậy mà giờ đây, họ đang thể hiện sự” hữu hảo” đó bằng những hành động như thế này ư…?”.

          Tôi đang nghĩ về chuyện ban sáng thì Kim Dung và Linh Xuân lại. “Này Thường, em kể chuyện tiếp cho các chị nghe đi!”. “Ôi, lính biển chúng em thì có nhiều chuyện lắm, mà các chị thích nghe chuyện gì?” – Mạnh Thường mỉm cười nhìn mọi người.

          Chả cần chúng tôi trả lời Thường trầm giọng: “Lính biển thiệt thòi lắm các chị ạ. Có cậu bố ốm nặng, muốn nhìn con lần cuối. Đang chuẩn bị về thì có lệnh tàu lên đường làm nhiệm vụ trực trên biển. Khi về đất liền, bố cậu ấy mất đã rồi. Có cậu gia đình hết sức khó khăn, con đau yếu thường xuyên, vợ việc làm không ổn định nhưng khi có lệnh đều gác hết việc riêng tư để hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Anh em cán bộ, chiến sĩ của đơn vị ai nấy đều tỏ rõ bản lĩnh, sự dũng cảm, gan dạ của mình trong thực hiện các nhiệm vụ như đấu tranh bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn ngư dân, nhân dân chẳng may gặp nạn trên biển hay đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong thiên tai, bão lũ… Có rất nhiều chuyện khác nữa ạ..!”.

          Mạnh Thường khẽ cười, ánh mắt chùng xuống. Tôi biết, cậu ấy cũng đang giấu nỗi buồn riêng của mình. Gia đình Thường cũng thực sự khó khăn. Lê Mạnh Thường ít khi nói về mình, nhưng qua anh em trên tàu chúng tôi biết, Thường là một phóng viên Cảnh sát biển năng nổ, xông xáo, tác nghiệp nhanh nhạy, phản ánh kịp thời mọi hoạt động, sự kiện của lực lượng Cảnh sát biển cũng như Bộ Tư lệnh Vùng trên tất cả các loại hình, từ báo viết, báo nói đến báo hình. Cậu ấy đã có gần hai mươi năm công tác trong lực lượng, đã có 13 chuyến đi Trường Sa và 2 chuyến ra Hoàng Sa…

          Đêm nghiêng dần về phía biển. Trăng hiêng hiếng thả ánh nhìn trên boong tàu. Tiếc thời gian quá ít để chúng tôi trò chuyện nhiều hơn.

Ba chị em lần nào về phòng cũng lạc vì tàu rộng, lại nhiều lối đi giống nhau. May có cháu trực ban chỉ giùm.

          Kim Dung đưa cho tôi cái mắc áo: “Chị em mình treo bộ quần áo dài lên cho phẳng để sáng mai dự lễ chào cờ!”. Dung háo hức lắm.

          Theo thói quen, năm giờ sáng tôi dậy, lên boong tàu để muốn được cảm nhận không khí buổi sáng của biển. Trời xanh vời vợi báo hiệu một ngày cao điểm nắng nóng. Mặt trời nửa thức nửa ngủ, ban mai vươn dài trên ngực biển.

“Cho dẫu mai đây xa ánh đèn thành phố/ Anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời…”. Hóa ra là tiếng hát của mấy cậu lính đang làm vệ sinh boong tàu. Lính yêu cũng thật “đằm” và lãng mạn đấy chứ.

          Đúng 7h30. Lễ chào cờ bắt đầu. Lá cờ từ từ kéo lên. Mọi người cùng nhìn lên một hướng. Những thành viên trong đoàn công tác đều đặt bàn tay lên ngực trái, nơi con tim mình đang thúc giục và đồng thanh hát Quốc ca.

Lần đầu tiên được chào cờ trên biển, cảm nhận được sức mạnh và niềm tin trong mỗi chiến sĩ. Đó là lời thề sắt son, quyết tâm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

          Không ai muốn, nhưng giờ phút chia tay đã đến. Những bàn tay nắm bàn tay, mắt trong mắt hẹn ngày gặp lại.

Bên tôi, Kim Dung khẽ hát: “Ơi biển của ta, ơi sóng của ta… Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương…!”.

          Dù chỉ có hai ngày ngắn ngủi cùng các chiến sĩ, song trong tâm trí chúng tôi mãi in đậm hình ảnh người lính Cảnh sát biển Việt Nam. Họ được đào tạo chính quy, bài bản, hiện đại nhưng rất đỗi đời thường. Và chính họ là những người đã và đang viết lên bản anh hùng ca về biển đảo quê hương…

*Một nhân vật trong “Đảo chìm”.

05/8/2020

Ảnh tác giả cung cấp

Lê Phương Liên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: