Nhớ những cái tết xưa – Huỳnh Khang

07/12/21 – 08:12

 

 

Tác giả: Huỳnh Khang

Nhớ những cái tết xưa

Tôi sinh năm 1971 nên chỉ nhớ về chiến tranh man máng như thế này: tôi thường được má tôi bỏ trong cái thúng, một bên là các thứ đồ khác, một bên là tôi và chị tôi và gánh chạy lúp xúp ra soi tản cư để tránh đạn. Tháng tư năm 1975, khi từ ngoài soi trở về nhà thì tôi chứng kiến cảnh nhà bị cháy rụi, chỉ còn mấy cây cột đen sì và còn ngún khói. Thời chiến tranh trong ký ức tôi chỉ có vậy.

Những cảm nhận đầu tiên của tôi về tết có lẽ là từ những năm sau khi thống nhất đất nước. Những kỉ niệm ấn tượng nhất làm tôi nhớ từ những năm đầu tiên biết tết là tiếng pháo nổ, lăng xăng chạy lượm pháo và ngồi nhìn bà con chia thịt heo giữa sân…

Khi nói về chuyện xưa thì nhiều khi tôi phân vân không biết lấy cái mốc nào để tính là xưa hay không xưa. Riêng cái tết thì tôi có thể nói ngay và luôn là trước năm 1994 là xưa. Tôi lấy năm 1994 làm mốc là vì đó là năm đầu tiên cấm đốt pháo. Thế nên, tết xưa là tết từ 1993 về trước vì còn đốt pháo. Cũng có thêm chút khác nữa là: ngày xưa gọi là ăn tết còn ngày nay đa số gọi là chơi tết. Những ngày giáp tết thường là những ngày rất chộn rộn, bà con gặp mặt hay hỏi nhau về việc chuẩn bị tết nhất tới đâu rồi. Tết ngày xưa là nhất nên gọi là “Tết nhất”! Ngày nay, tết đối với nhiều người đã không còn là nhất nữa!

Tết ngày xưa. Ảnh: internet

Hồi còn nhỏ trông đợi tết nên cảm giác tết rất lâu tới. Tết vui nhất là vì được may quần áo mới, được mẹ dẫn về ngoại, được ăn ngon, được nghỉ học, nghỉ chận bò và được chơi đùa với pháo, với trái bóng bằng bong bóng heo…

Thường trong năm hiếm khi nào cha mẹ mua cho đồ mới vì lúc đó nghèo, vải vóc mua bằng tem phiếu nên cũng khó mua. Quần áo mặc cũng không có đồ may sẵn như bây giờ mà chủ yếu may bằng máy may tại nhà. Vải có thể mua trước, nhưng chừng đầu tháng chạp mới đem đi may.

Thời kỳ bao cấp thì mua gì cũng bằng tem phiếu. Mỗi xã có một cửa hàng bách hóa tổng hợp để bán tất cả các mặt hàng cho người dân bằng hình thức mua qua sổ và tem phiếu. Gạo thì cấp cho sổ mua gạo, các mặt hàng khác là phiếu mua hàng: phiếu mua vải, phiếu mua dầu lửa, phiếu mua đường, sữa, xà bông…Các phiếu này chỉ có giá trị trong tháng,nếu tháng đó không mua thì hết giá trị. Mỗi xã cũng có một cửa hàng ăn uống để phục vụ cà phê, nước chanh, xá xị Chương Dương…hồi đó cửa hàng ăn uống không bán bia. Mãi tới những năm sau đổi mới các quán mới bán bia nhưng chỉ là bia hơi thôi. Sự buôn bán, giao lưu bị đình trệ, công an, quản lý thị trường kiểm soát, lục soát kỹ và tịch thu những ai mang đồ đi bán.

Tháng chạp có lẽ là tháng khó khăn nhất của các gia đình xưa vì phải lo toan đủ chuyện ,như may quần áo mới cho con, lo đồ cúng ông bà , tổ tiên và đãi khách khứa…Làm gì làm, chứ tết thì ba mẹ cũng cố cố gắng may cho con mỗi đứa một bộ đồ mới. Năm nào khổ quá thì chỉ đước cái áo hay cái quần thôi. Khổ nỗi nhà nào cũng đông con, ít là năm sáu đứa, có nhà trên mười đứa con thế nên nội chuyện may đồ tết cũng là một gánh nặng. Tôi còn nhớ mẹ tôi hay nói câu “cá tháng giêng, tiền tháng chạp” ,để thấy rằng tháng chạp cực khổ như thế nào. Thường lúc ấy chỉ là những vải thô sơ, không đẹp và may bằng máy may cá nhân singer hay sinco. Trước khi may là phải đo, cắt vải, đi vắt sổ rồi mới về ngồi đạp may. Các bà mẹ ngày xưa thường yêu cầu thợ may rộng, chừa mép vải bên trong nhiều để còn nới quần cho rộng ra khi cần thiết. Mới đầu quần gài nút chứ chưa có dây kéo, mãi sau này mới có dây kéo và thường may dài hơn cỡ người nhiều để năm sau có lớn, cao hơn còn mặc tiếp được. Thế nên mặc phải xoắn lai quần lên. Áo cũng vậy, phải rộng và thường là áo có cổ côn. Vải thì không đẹp nhưng các thợ may máy thì đường may rất đẹp và chắc chắn. Quần mặc lúc đó gọi là quần âu, quần tây và thường mây xếp li phía trước: 2 li hay 3 li tùy yêu cầu người may đồ.

Thời đó nghèo, chỉ mặc toàn vải tám, vải xoa, xa-tanh( satin cotton), ủi thì bằng bàn ủi con gà, gắp than lửa bỏ vào cho nóng lên rồi ủi nên đa số cũng làm biếng ủi. Cứ giặt xong là mặc, lâu lâu mới ủi một lần cho nên quần áo tạo nếp nhăn, nếp gấp. Nhất là quần, lâu ngày nó thun lên, thun không đều thành ống thấp ống cao nên gọi là cái quần què. Còn nhớ, nhiều chị em ngày đó mặc cái quần mà nó thun lên tới đầu gối. Tụi tôi chọc bằng cách nắm kéo xuống rồi thả ra thì nó bung lên đầu gối lại kêu cái phựt. Quần loại này gọi là mặc quần chó táp bảy ngày không tới.

 Đồ tết thì tết mới mặc! Đồ mới may rồi thì chỉ mặc thử thôi chứ chưa  mặc ngay mà phải đợi đến giao thừa, hay sáng mùng một tết mới lấy ra mặc. Đồ mới còn thơm mùi vải, mặc vào là lâng lâng cả người, người  rộn ràng, chộn rộn hẳn lên. Măc đồ tết vào là như có một bầu không khí hân hoan ùa về: Tết đến rồi!

Ngày đó hay nghe nói câu: người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Một câu nữa mà ba tôi cũng thường nói với tôi là: cái răng cái tóc là góc con người. Thế nên, hàng năm làm gì làm, ngoài quần áo đẹp ra thì tết là phải hớt đầu tóc cho mới. Lúc còn nhỏ thì có ông Chụp dưới Phú Nông hay đi hớt dạo, cứ hẹn ngày ổng lên là bọn nhóc tập trung lại cho ổng hớt. Nhiều khi đông quá hớt không kịp ổng lấy cái chén nhựa ụp lên đầu và dùng tông đơ hớt xung quanh, chừa tóc trong chén lại là xong.

Ngày xưa không khí tết đến từ rất sớm, có lẽ là từ ngày 12 tháng chạp hàng năm là ngày cúng máy may. Các nhà may đồ trong xóm cân nhắc nhận đồ may nữa hay không. Nói thì nói vậy thôi, chứ bà con xóm làng tới tỉ tê là nhận hết rồi làm đêm, làm ngày để tết các con em có mặc chơi tết. Rồi sau đó là ngày cúng nghề mộc, ngày 20 tháng chạp. Nhưng có lẽ tết về rõ nhất là từ ngày 23 tháng chạp ngày đưa ông táo về trời.

Sau ngày 12 tháng chạp thì bắt đầu thấy người dân đi dẫy mả lai rai. Đa số dòng họ dẫy mả vào các ngày15, 20 và 25 tháng chạp. Trước kia dòng họ của tôi dẫy mả họ là vào ngày 20 tháng chạp, thế nhưng khi tôi đi học đại học thì ít về dẫy mả, rồi không biết sao cũng chuyển qua ngay 25 tháng chạp. Tôi thì không thích điều này, tôi vẫn thích dẫy mả trước ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông táo về trời, để ổng báo cáo là dòng họ đã dẫy mả, làm mới, sửa sang nhà cho ông bà, tổ tiên. Tôi có một vài lần nói ý này nhưng chắc dòng họ không ai có đức tin như tôi nên họ không nghe. Còn một điều nữa là cây nêu. Cây nêu với ý nghĩa là trừ tà ma, bảo vệ dân làng sau khi ông táo về trời. Khi ông táo về chầu trời thì đất đai bị bỏ, cửa nhà không ai canh nên ma quỷ hay vào phá. Vậy nên phải trồng cây nêu vào ngày 23 tháng chạp sau khi đưa ông táo về trời mới đúng. Trong những ngày tết, ông địa, ông táo, bà thủ kỳ cũng đi chơi tết . Để mọi việc trong nhà những ngày đầu năm được suông sẻ thì phải giữ cây nêu lại tới mùng 7 mới hạ nêu. Nhiều người đôi khi không hiểu, cứ để tới 30 tết mới dựng cây nêu là chưa đúng. Ông bà, tổ tiên ta bằng kinh nghiệm của mình tính toán rất chính xác các mùa, ngày trong năm cũng như sắp xếp rất hợp lý phong thủy cho ngôi nhà hay coi ngày, định ngày giờ làm các việc lớn. Chúng ta thì cứ làm cho nó tiện chứ không hiểu ý nghĩa của việc mình làm. Ác một nỗi những chuyện đó không tin nhưng lại rất mê tín, đi chùa đi phật miết nhằm xin cho trời phật phù hộ. Nhiều người tết đi chùa xin xăm, gặp xăm xấu thì không chịu dìa, xin miết cho tới khi nào xin được xăm tốt mới thôi.

Từ ngày 10 – 15 tháng chạp là bắt đầu lo lặt lá cho mai. Từ sau 15 tháng chạp là nhà nhà đều lo sửa sang cho tết như là đem lư hương đồ đồng ra chà, đánh bóng, đem chiếu ra giặt, phơi, lau nhà, quét trính, dọn vườn, phát quang cây cối xung quanh nhà…Sau 23 tháng 10 là sạ ruộng nên lúc này cơ bản là việc đồng áng, dặm dét cũng xong rồi.

Cúng tất niên là vào ngày 30 tháng chạp hàng năm chứ không phải cúng trước như bây giờ. Dứt khoát là 30 mới cúng và thường chuẩn bị từ sáng sớm để trưa cúng, nhà nào dặng công chuyện lắm mới cúng chiều tối. Thường thì nhà nào cúng nấy ăn vì cúng chung một loạt, một buổi nên ai cũng lo cho nhà mình. Sau buổi chiều thì có khi có khách là bà con, dòng họ đem quá cáp tới tặng nhau thì mời ăn luôn. Quà thì cũng đơn giản, đa số chỉ là cây nhà lá vườn như con gà, con vịt hay lít rượu gạo. Nhà tôi thì ba tôi làm thuốc nam, thuốc bắc nên tết là ba tôi hay hốt nhiều thang thuốc ngâm rượu và kêu tôi đi tặng bà con xóm làng, người thân, sui gia hay thân chủ của ba tôi. Ba tôi vừa là thầy thuốc vừa làm thầy thủy đi cúng nên nhà tôi thân chủ nhiều. Tết ba tôi đi cúng về thì hay được tặng  tợ thịt, chai rượu chứ không có trả tiền như bây giờ.

Tết ngày xưa Ảnh: internet

Về bông hoa thì chủ yếu ở thôn quê là cây nhà lá vườn. Sau 23 tháng 10 thì nhà nào cũng bắt đầu ươm vàng thọ, giâm cành cúc, trồng lại khóm bông mồng gà, đem mai ra ngoài sân để dưỡng. Ngoài mai, cúc, vạn thọ  thì các loại hoa ưa chuộng còn có hướng dương, thược dược…Ngày xưa nhà cũng hay trồng cây bông trang, bông giấy trước sân và hàng dâm bụt làm hàng rào. Dâm bụt cũng hay được cổng hai bên của ngõ ra vào nhà. Hoa tết chưng lên bàn thờ chủ yếu là vàng thọ, thêm bông trang, bông sen…và có cắm thêm nhánh dương liễu ở giữa. Mâm cỗ trái cây thì chủ yếu là chuối, trái cam hay trái dưa hấu.Thường thì trên bàn thờ cũng có cặp bánh chưng, bánh tét, bánh thuẫn, bánh kẹp.

Món ăn ngày tết thì rất phong phú. Vì gày xưa tết là ăn tết nên việc chuẩn bị cho các món ăn tết là rất sớm và chu đáo. Trước ngày 23 tết là phải lo đem nếp đi bùm cốm, vệnh cốm, rồi lo tráng bánh, các loại bánh, rim mức…Về bánh, rim mức thì làm rất đa dạng và đẹp mắt. Ngoài cốm, bánh thuẫn, bánh kẹp thì còn có bánh in, bánh tro, bánh phong lan…Rim thì có rim gừng, rim dừa, rim bí, chùm ruột, đâu cô ve…Tôi còn nhớ có cái rim rẻ quạt làm từ miếng bí cắt ra ,hình giống như cái quạt, rất đẹp. Lũ trẻ chúng tôi thì lăng xăng như con tép, búng tới búng lui, đi khắp nơi: khi thì chỗ vệnh cốm, lúc chỗ làm bánh, lát sau thấy ở chỗ làm kẹo, mứt. Trong các món tết, ngoài thịt, cá, bánh, rim …còn có thêm món dưa món và dưa cải chua. Cải chua là mòn để chuẩn bị nấu chung với món “xà bần’ sau tết.

Bánh trái cũng làm nhiều màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Lũ nhỏ chúng tôi thì hay xớ rớ quanh các chỗ vệnh cốm, làm bánh để hưởng chút xái là các cái bánh bị hư, màu không đẹp hay hộp cốm dệnh ra bị méo, nứt, hư…Do đánh bột chưa tới nên đổ bánh, nhất là bánh thuẫn, thì bánh nó cứ trịt trịt chứ ko nở ra cánh rõ ràng. Mình đứng sớ rớ bên ngoài, mấy bã đúc hư kêu vô cho ăn thì không sao, chứ mình ngồi gần đó mà mấy bã đổ hư, bánh không nở là đổ thừa, nói mình nặng vía nên đúc bánh không nở, không đẹp …và lập tức bị đuổi ra ngoài. Bánh trái làm xong đem cất trong những cái nừng, chờ tết lấy ra cúng và đãi khách. Ngày xưa nhà nào cũng có cặp nừng để đựng đồ, gánh đồ đi tản cư, chạy giặc sau giải phóng cũng còn dùng…Cái nừng nhìn giống như cái lu, nó được đan bằng tre . Đan xong lấy cứt bò tươi trét vào để bịt các lỗ hở, đem phơi nắng cho khô và sau đó trét vài lớp dầu rái (kiểu như trét ghe). Thế nên, cặp nừng vào mùa mưa lũ khi lội sông suối có thể bỏ đồ vào và đẩy qua sông suối mà không lo ướt đồ.  

Các nghi lễ, cúng kính cũng làm rất chu đáo, tỉ mỉ. Mỗi nghành nghề có một ngày cúng khác nhau. Hồi xưa, trừ ngày 12 cúng máy may và ngày 20 cúng nghề mộc thì chỉ có ai làm nghề mới cúng, còn lại cúng ông táo, cúng tất niên, cúng đầu năm (cúng ra quân: thường cúng mùng 9), cúng tết bò, cúng giếng cúng thổ địa, thần tài, thủ kỳ ..thì hầu như nhà nào cũng cúng. Trong mùa xuân còn có các lễ hội cúng Xuân, cúng đình, miếu, cúng Bà, cúng ghe, cúng chợ, cúng đất đai thổ địa, thần sông Hà Bá…

Một nét độc đáo trong cúng kính của người dân Phú Yên và các tỉnh miền trung trong dịp tết là cúng ông táo cho trẻ con. Trẻ con khi được 11 tuổi bước qua 12 tuổi ta là tết năm đó được cúng ông táo. Mười hai tuổi là năm giáp lại một vòng trong 12 con giáp, gọi là được một con giáp hay được một giáp. Sáu mươi tuổi là giáp lại một vòng hoa giáp, là lặp lại đúng năm mình sinh cả thiên can và địa chi (lục thập hoa giáp). Cúng ông táo cho trẻ con thì thường cúng heo. Nhà nào nghèo thì cúng tượng trưng đầu đuôi thủ dĩ, còn đa số là từ giữa năm đã lo chuẩn bị bằng cách mua một con heo con về cắc ca cắc củm nuôi để tết có cúng ông táo cho con và cũng để hàng xóm láng giềng hùn nhau chia thịt heo ăn tết. Tục cúng ông táo cho trẻ con này khi nói chuyện với bạn bè ở các tỉnh miền nam họ nói không có, họ không biết.

Chia thịt heo có lẽ là một phần đáng nhớ của tết thời bao cấp và hầu như từ Bắc chí Nam đều có sinh hoạt này. Ngày xưa muốn nuôi một con heo tạ thì phải nuôi từ sau tết và phải nuôi gần giáp niên heo mới được một tạ. Heo nuôi xong thì kêu Hợp tác xã xuống cân và trả lúa cho người nuôi. Tết thì hợp tác xã sẽ chia thịt cho từng nhân khẩu, mỗi nhân khẩu là 1 kí  thịt heo “hơi” để ăn tết. Hộ gia đình có có bao nhiêu nhân khẩu thì cứ nhân lên. Các gia đình trong xóm nhận một con heo hơi về làm thịt, sau khi làm ra cân lại thịt heo và cùng ngồi chia theo số nhân khẩu. Một kí heo hơi khi làm ra thịt thì được chừng 0,7 kí lô đến 0,75 kí lô tính luôn xương. Hồi xưa có câu: Ếch tháng ba, gà tháng mười là ý nói ếch tháng ba mập béo, gà tháng 10 thịt ngon. Thời đó vì đói ăn, thiếu mặt nên đa số người dân thích béo, thích ngọt. Thế nên khi chia thịt heo ai cũng muốn phần mỡ đỡ đỡ hơn phần nạc xíu. Khi cân heo thì dùng cân đòn, cân tạ còn khi chia thịt thì dùng cân xách tay.

Thường ở quê tôi thì nhà nào mà năm đó có trẻ con đến tuổi cúng ông táo sẽ mua một con heo thượng( heo mọi) về nuôi và năm bảy nhà sẽ chia thịt con heo đó ăn tết sau khi cúng xong. Lũ trẻ chung tôi thì tết sắp đến là cứ luôn chộn rộn, năm mình được cúng ông táo thì càng chộn rộn hơn. Mỗi khi nhà có làm heo hay xung quanh hàng xóm có làm heo, nhất là dịp tết thì từ khuya chúng tôi đã thức dậy theo dõi, canh me. Cái chúng tôi theo dõi, canh me không phải là kiếm miếng thịt mà là xin cho được cái bong bóng heo. Có được cái bong bóng heo là mừng húm hụm như bắt được vàng. Phải nói ngay rằng, cái bong bóng heo đã gắn liền với một thời tuổi thơ, với tết của chúng tôi thời đó. Có bong bóng heo rồi thì đem chà với tro cho rớt lớp mỡ ra, làm cho mỏng dánh đi. Trẻ con thời đó hay đổ nước vào bong bóng heo rồi xách đi chơi. Chơi đã đời rồi trưa nắng lên thì đem ra hàng rào phơi và ngồi canh. Khi phơi khô khốc khô khiển rồi thì đem vào xúm nhau thổi lên thành trái bóng. Thường chúng tôi bẻ một ống đu đủ nhỏ, xỏ vào bong bóng heo và thổi lên cho bong bóng căng lên, cột đầu bong bóng lại bằng sợ dây thun và đem ra sân đá. Tôi nhớ hồi đó sợ mất cái bong bóng đến nỗi đi ngủ cũng mang theo, ôm nó ngủ và trong giấc mơ vẫn còn văng vẳng tiếng nô đùa của lũ bạn, tiếng trái bóng bị đá bịch bịch dội vào tường nhà.

Ngày đầu năm hàng năm tôi thường dậy sớm hơn thường lệ. Tiết trời mùa đông vẫn còn se lạnh. Những cơn mưa phùn vẫn còn rơi nhẹ ngoài sân. Tôi thức dậy, bước xuống giường và lần xuống bếp xem má tôi nấu nướng. Trong khi mọi người còn say giấc nồng thì má tôi đã dậy từ gà gáy và cặm cụi nấu nướng cho buổi cúng đầu năm.

Không phải chỉ ngày tư ngày tết mà ngày thường má tôi cũng thường dậy sớm để lo công việc như xay lúa, giã gạo, nấu cơm, nấu cháo heo, lo cho con bò, con gà…Tiếng giã gạo, tiếng cối xay lúa, tiếng cối đá xay bột tráng bánh vẫn thường văng vẳng trong đêm vắng. Có những bữa tôi dậy không thấy má tôi đâu dù cơm, nước đã sẵn sàng. Đến khi trưa trờ trưa trật thì thấy má tôi nhễ nhãi mồ hôi gánh một gánh lúa về. Thì ra má tôi dậy lo cơm nước cho gia đình xong, rồi cùng với đôi quang gánh đi bộ lên tận chợ Phú Nhiêu, cách nhà tôi chứng 15 cây số để mua lúa gánh về. Sự hi sinh của má tôi dành cho anh em chúng tôi là vô bờ bến, không có con sông nào, biển cả nào có thể sánh được.

Sáng mùng một cúng kính xong thì đồ ăn được dọn ra cái nia ở hiên nhà. Cả nhà quây tròn chung quanh nia để ăn. Ba má và anh chị tôi thì ngồi trên những cái đòn ngồi, tôi và em tôi thì cứ ngồi chồm hổm mà gắp ăn. Ăn xong là đi rửa ráy sạch sẽ rồi vào mặt đồ mới. Đồ thì rộng, chẳng đẹp đẽ gì lắm nhưng là đồ mới nên rất thích. Anh em chúng tôi thay nhau đứng trước gương nhìn trước mặt, xoay sau đít xem đồ mặc vào nó thế nào. Nhiều khi đồ, nhất à quần hay để cái lai bên trong rộng, dự trù nếu lớn nhanh, mập ra thì nới quần ra mặc nên mới mặc vào nó cạ cạ ,cứ làm nhồn nhột (thời đó chưa biết quần con, quần lót là gì).

   Thường là sáng mùng 1 má tôi kêu lại dặn dò là không được đi đâu, không được tới nhà ai vào sáng sớm vì sợ lỡ trong năm mới họ có gì xui là bị đổ thừa. Ba ngày tết thuận lợi thì cả năm sẽ thuận lợi nên mấy ngày tết kị rất nhiều thứ, như xác pháo đỏ trong sân là “đỏ” không được quét mất cái “đỏ” cái son đi , giếng nước cũng kỹ, không xách nước ba ngày tết sợ làm động thủy thần Hà Bá… Trước đó thì đã tìm người tuổi hạp nhờ đi tới xông đất vào sáng mùng 1…Sau bữa cơm đầu năm thì ba tôi hay dặn: Nay thêm được một tuổi nữa, ráng lo học hành, làm việc tốt, không được đi lung tung, phá phách làng xóm…Thế nên gần trưa mùng 1 anh em chúng tôi mới được ra khỏi nhà đi chơi. Nhiều thằng bạn trong xóm cứ tới trước cửa ngõ nhưng tôi không dám kêu vào chơi mà cũng không dám ra nói chuyện. Khi ba tôi dắt lên nhà từ đường cúng, đốt nhang xong thì chúng tôi mới được đi ra khỏi nhà và đi tới trường Bình Dân chơi.

Trường Bình Dân là một cái nhà nhỏ chung của xóm được xây cất để hàng năm bà con về cúng Bà hàng năm vào ngày 18/3 âm lịch (là cúng tưởng nhớ Bà đã khai sinh ra đất của xóm). Sau giải phóng thì do chưa có trường trại gì nên được trưng dụng làm trường dạy “bình dân học vụ” nên được gọi là trường Bình Dân. Hồi còn học mẫu giáo và lớp 1 thì tôi học ở trường này, sau khi lên lớp 3 thì học ở trường Lẫm (là dùng cái lẫm làng làm trường hoc). Trường Bình Dân hay Lẫm thường là nơi tụ tập chơi bời của lũ trẻ, nhất là dịp tết. Tới đây thì sẽ gặp bên ngoàicác trò xóc dĩa, bầu cua tôm cá và nhiều người chen nhau chơi để thử vận may, kiếm lộc đầu năm. Các anh chị lớn thì vào trong trường tổ chức đánh bài ăn tiền.Lũ trẻ chúng tôi thì chơi bắn bi, đánh đáo, nhảy dây, tán bạc…Các lễ hội làng thì thường tổ chức tại các lẫm lớn và thường là hô bài chòi, hát bội, lô tô…

    Tôi còn nhớ như in những ngày còn thơ được má dắt đi về ngoại dịp tết. Vì nhà đông anh em nên có năm được đi có năm không được đi. Thế nên, được mà dẫn đi về ngoại chơi dịp tết là một niềm vui, niềm ao ước rất lớn của anh em chúng tôi. Phía ngoại tôi ở thôn Cảnh Phước của xã Hòa Tân, cách làng tôi chừng 3 cây số nhưng phải băng qua cánh đồng lúa Tuy Hòa bát ngát. Thường mùng hai tết sau khi ăn uống xong là má tôi dắt chúng tôi về ngoại chơi tết. Ngày ấy xe chỉ có xe đạp nhưng mỗi nhà có chừng một chiếc và thường ba mẹ và các anh chị lớn mới được đi. Má tôi thì không biết đi xe đạp nên phải dẫn anh em chúng tôi băng đồng về ngoại chơi. Trước tết thường là những ngày cuối đông nên vẫn còn mưa phùn dai dẳng, có khi mưa cả tháng nên đến tết đường vẫn còn trơn trợt. Nhiều đoạn đường trơn trợt, bẫy quá thì phải xoăn quần lên, xách dép đi. Khi đi qua mương cái hay mương rút thì thường có cái cầu máng hay cầu tre để đi qua. Lúc còn nhỏ tôi không dám đi thì được mẹ cõng qua. Sau này lớn xíu thì má tôi không cõng nữa mà tôi tự đi qua cầu hay cởi quần áo ra tồng ngồng để lội qua mương, qua được rồi lên bờ mặc đồ lại.

Đối với lũ trẻ bảy, tám tuổi như chúng tôi thời đó thì thị xã Tuy Hòa như là một điều kỳ bí, là niềm khát khao muốn khám phá. Tôi có hai bà cô họ cưới chồng về ở thị xã Tuy Hòa, lâu lâu cô dắt con về thăm quê, chúng nó là em họ của tôi. Chúng nó nói xì phố xe cộ đông, nhà san sát nhau, ăn thì ăn chợ, ăn quán chứ không tự nấu,…Nó còn nhắc gì Cầu ông Chừ, cầu Sông Chùa, biển sóng…làm chúng tôi kích thích vô cùng. Những khi chúng tôi làm gì mà không giống chúng nó như nằm lăn ra đất chơi, nắm trái xoài sống ăn, chun vô ụn rơm trốn tìm…thì nó hay nói: Cái đồ nhà quê cũ lĩn.

Ngày thường đi chận bò ngoài sông Ba chúng tôi thường hay leo cây bàng ngoài miễu nhỏ hay câu cây duối cao hái duối ăn. Lên cây cao thì có thể nhìn thấy cầu Đà Rằng, thấy núi Nhạn Tháp rõ mồn một, đôi khi sóng to thì thấy cả sóng biển trắng xóa, còn thị xã Tuy Hòa nằm phía sau thì không biết nó như thế nào. Năm 1978, lúc đó tôi 8 tuổi bước qua 9 tuổi ta  thì quyết định khám phá cái thị xã Tuy Hòa. Trước tết lũ trẻ chăn bò chúng tôi đã bàn kỹ, mùng một, mùng 2 được lì xì tiền thì khong được xai, không được chơi gì để mùng ba xuất phát đi Tuy Hòa. Tôi cũng sợ người nhà biết thì sẽ không cho đi nên dặn tụi nó phải giữ kín chuyện này. Trước đó, trong năm thì tôi có xí một con gà cồ nhỏ và nuôi cắc ca cắc củm bắt cào cào, châu chấu cho ăn để tết bán lấy tiền đi chơi. Đến gần tết má tôi kẹt tiền, đợi lúc tôi còn yên giấc nồng đã bắt đem đi bán. Điều đó đã làm tôi buồn má tôi mấy ngày. Má tôi có hứa là tết lì xì cho tôi nên cũng nguôi ngoai. Tết đó tôi được lì xì tổng cộng 5 hào, mấy đứa khác thì 3 hào, 1 đồng…và rủ nhau đi Tuy Hòa.

Hôm đó là mùng 3 tết, trời nắng đẹp. Chúng tôi tôi bàn tập kết 9h sáng tại trường Bình Dân để đi. Tôi bàn với lũ bạn: Nghe nói xuống Tuy Hòa chỉ có 10 cây số, tụi mình đi bộ xuống đó, để dành tiền xuống đó ăn quán thử nó thế nào. Tụi nó Ok ngay. Chúng tôi ra đường cái quan và men theo đường mương đi xuống. Nhiều thằng lấm lắc cứ lấy đá mỏng liết dưới mương cho hòn đá chạy trên mặt nước. Cái trò này tôi là trùm khi chơi ngoài sông, nhưng bây giờ ra đồng, ra phố thì tôi không chơi. Vừa đi ngao du, vừa bàn chuyện, có thằng lúc đi bên này bờ mương, lúc qua bờ bên kia đi. Khoảng 11 h thì chúng tôi tới cầu Đà Rằng, bụng thì cũng bắt đầu đói vì sáng lua đại vài chén cơm cho xong để chuẩn bị đi. Đây rồi:  Cầu Đà Rằng hai mươi mốt nhịp, núi Nhạn tháp hiện ra ngay trước mắt, không còn trầm mặc như chúng tôi vẫn thường thấy mờ ảo từ xa nữa. Những bọt biển trắng xóa từ cửa biển Đà Diễn…Rồi nữa: cầu Sông Chùa, cầu Ông Chừ…Thị xã Tuy Hòa đây rồi. Ôi, sao nó khác với quê tôi quá, nhà cứ san sát nhau, không có vườn, không có giếng, chẳng có hàng rào…Trước khi xuống biển thì chúng tôi vào quán ăn bún. Lần đầu tiên đi ăn quán trong đời, bị chém mỗi thằng hết 2 hào. Tha thẩn khắp Tuy Hòa, nghe ngóng, nhìn xem các tiệm ăn, hàng quán nên khi xuống tới biển là chừng 2 h chiều. Khát nước quá nên mỗi thằng kêu một ly đá chanh hết 1 hào, vị chi tôi còn 2 hào.

Ơ, dân Tuy Hòa kỳ “gơ” , giữa chốn đông người mà người lớn cởi trần ra tắm, chỉ mặt có cái quần gì chút xíu. Chúng tôi len lén đi ra mép nước, chạm chân tay vào con sóng biển. Những bọt biển vội đến, vội tan thật thích! Chừng 2h30 tôi nói thôi dìa,và cả bọn lên đường về nhà. Về đến Phú Lâm là chừng 4h. Nghe các hàng quán nấu nướng thơm phức là bụng đói cồn cào. Tôi mò vào túi định lấy tiền mua ổ bánh mì thì hỡi ôi, 2 hào còn lại không cánh mà bay mất rồi. Chắc lúc ở biển nô đùa làm rơi lúc nào không hay. Mấy đứa kia thì thằng mua cà rem, thằng nước mía nên cũng đều sạch túi. Thôi thì ôm bụng đói đi về vậy Khi vừa hết Phú lâm lên đến Hòa Thành thì cơn đói càng dữ dội, may mà lúc đó tôi nhìn thấy một nhà gần đường có cây Ô mai, Ổi…chủ nhà chắc đi chơi tết nên đóng cửa, không có ai ở nhà. Chúng tôi đứa leo hái, đứa canh me, xong ra đường nắm ăn, vừa đi vừa ăn cho đỡ đói. Về tới nhà chừng 6h chiều, làm một bụng cơm no nê, người ê ẩm, mắt mở hết lên vào phản ngủ như chết!. 

Những ai thuộc thế hệ 5x – 8x thì chắc chắn có nhiều kỷ niệm với pháo. Từ tết năm 1994 nhà nước cấm đốt pháo, cấm sản xuất pháo nên không còn nghe tiếng pháo nữa.Tết ngày xưa vui nhất đối với trẻ con là có pháo. Làm gì làm, đến tết ít nhất cũng có một phong pháo. Nhà nào giàu thì hai, ba phong, nhà nào bèo bèo cũng một phong pháo tiểu. Sau đồ mới, pháo là điều mong đợi nhất của những đứa trẻ con như tôi lúc đó. Từ khoảng hai ba tháng chạp âm lịch khi cúng ông táo là pháo bắt đầu nổ ầm ĩ từ trong xóm. Một số nhà giàu khi đi dẫy mả đem pháo ra gò đốt ngay tại mả luôn. Cứ mỗi khi nghe ở đâu trong xóm nổ đùng đùng là chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy tới để lượm mấy viên pháo cháy không kịp rơi ra ngoài, đem về để dành tết đốt. Một số viên lép, thúi ..không còn tim thì lượm về lấy thuốc pháo gói lại, đập cho nổ.

Pháo thì có pháo đại, pháo trung, pháo tiểu, pháo chuột…và buộc tim trên đầu pháo lại thành phong pháo năm mươi viên hay một trăm viên.    Hồi đó các của hàng cũng có bán pháo lẻ nữa. Pháo trống và pháo chuột thì hay bán từng viên lẻ. Pháo trống bự chảng, to bằng cổ tay, đốt nổ nghe cái đùng, như là bom nổ. Vài người ghép viên pháo trống vào phong pháo đại hay phong pháo trung cho nó nổ. Mỗi khi nó nổ là bịt tai lại vì tiếng nỗ của nó nghe chát chúa.

Pháo đốt nhiều là sau khi cúng tất niên và nhưng nhiều nhất là lúc giao thừa. Khắp làng trên xóm dưới đâu đâu cũng đều nghe tiếng đùng đùng đoàng đoàng, khói bay mù mịt lên trời ,dù trời tối vẫn nhìn thấy rõ khói vì có các tia lửa từ pháo tỏa ra. Đốt nổ xong xác pháo bay tung tóe, đỏ cả sân và thường không quét đi, để yên vậy sau mùng 4 mới quét.

Trong phong pháo thì thường có hai viên pháo trống ( pháo đại ), khi nổ thì đùng đùng chát chúa. Sau đó còn có súng bắn pháo, pháo bắn súng là những dây pháo, bỏ vô súng bắn chách chách. Chỉ có một vài đứa nhà giàu trong xóm mới có loại này.

Mùa gần tết thì chúng tôi thường làm cái ống dộng. Ống dộng làm bằng cách lấy túc đạn R15 hay van xe đạp, van xe honda kết hợp với cây đinh mài đầu nhọn cho tà đi, cùng với chùm lông đuôi gà và cọng cao su để làm. Túc đạn được đổ chì vào chừng nửa túc đạn. Cọng dây cao su thì thường cắt ra từ xăm xe hay dây buộc ba ga xe, sau đó túm hai đầu cọng cao su lại thành một và buộc với cái túc đạn và lông đuôi gà sao cho thật chặt và đảm bảo cân bằng giữa các đuôi gà để khi rơi nó giữ được thăng bằng . Phần dây cao su dôi ra ngoài thì được đục một cái lỗ để xỏ cây đinh vào. Miếng cao su bảo đảm giữ chặt cây đinh cho kỏi rơi ra. Khi dộng thì cho thuốc nổ vào cái túc đạn rồi gắn cây đinh vào túc đạn cho đầu câu đinh tiếp xúc với thuốc nổ. Thuốc nổ dùng cho ống dộng là thuốc lấy từ các que diêm quẹt. Bỏ que diêm vô ống túc đạn, ngoáy vài cái là đầu que diêm rớt ra nằm trong túc đạn. Tụi nhỏ chúng tôi thì thích quăng cái ống dộng lên cao và chờ nó rớt xuống sân để nghe tiếng nổ tách, tách. Vui nhất là khi tụi mấy đứa nữ đang ngồi chơi đi ô, bắt nẻ, búng thun…lũ chúng tôi nắm ống dộng dộng xuống sân ngay chỗ tụi nó chơi là gây ra tiếng nổ chát chúa, làm tụi nó hết hồn hết vía. Thường là chúng tôi bị chửi và bị lấy ống dộng liệng đi ra hàng rào hay liệng lên mái nhà. 

Những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ hai mươi, có mấy anh đi bộ đội Cam Pu Chia về có đem lựu đạn, mìn, súng về nữa. Một số nhà còn giấu súng từ thời chiến tranh, thỉnh thoảng giao thừa cũng có khi đem ra bắn.

Mấy anh lớn hồi đó có trò này mà giờ nhớ lại còn sởn da gà. Khi lượm được mấy viên phá thúi hay lép rồi, đem về làm cái tim để đem đi đốt .Trong xóm có cụ Phó (Cụ Hương) kêu tụi tui đem cắm viên pháo vô bãi cứt bò rồi đốt, thường là viên pháo tiểu hay pháo trung được cụ Phó độ cái tim lại làm thế nào tụi tui không biết, mà khi đốt nó không cháy, không nổ ngay, chỉ ngún ngún khói thôi, rồi kêu bọn tôi lại thổi tim pháo cho nó cháy. Nhiều khi mới khum xuống, đưa mặt vào thổi là nghe cái đùng, cứt bò văng tung toét vào mặt. Trò này chỉ lừa được một lần. Khi bị lừa chỉ còn biết khóc, chửi thề, rồi lặng lẽ đi ra sông tắm hay về nhà tắm, thay đồ. Mấy anh lớn vào làng cua gái đi cua gái cũng bị vụ này. Thấy mấy anh mặt đồ vía, nai nịt chỉnh tề từ xa vào làng là đem viên pháo ra (thường là pháo trung) cắm vô bãi cứt bò, đốt rồi bỏ chạy. Nhiều anh vừa tới nơi là nghe cái đùng. Thôi rồi, hôm đó kể như xui, phải quay về vì người, áo quần, đầu mặt đầy cứt bò.

Có nhà kia vì thấy pháo ẩm ướt mà trời cứ mưa phùn miết không phơi được nên bắt chảo lên…sấy. Thôi rồi Lượm ơi, banh luôn nhà bếp.

Thời sau 1975 đa số nhà tranh vách đất nên cũng có nhiều vụ cháy nhà vì pháo. Hồi đó gần tết hay sau tết thì mấy thằng lấm lắc thường đem pháo theo khi đi học, lên trường đốt. Thấy tụi con gái ngồi chơi đi ô, bắt nẻ thì đốt viên pháo tiểu liệng vô. Đi xem phim, xem hát thì dùng pháo đốt và hô “lựu đạn” để cho dân bỏ chạy rồi vào chiếm chỗ ngon để coi phim, xem hát. Các tuồng hát có đoạn đánh nhau cũng đốt pháo để lấy khói và gây ra mùi khét lẹt.

Những năm sau chiến tranh thì vẫn còn đầu đạn và thuốc súng sót lại nhiều. Còn nhớ lúc đó chúng tôi hay đi tìm thuốc bồi về đốt. Thuốc bồi là những viên to bằng mút đũa, dài chừng 1cm, màu đen thui. Nhiều khi vô mánh là lượm được cả bao cát thuốc bồi. Thuốc bồi lượm về thì đem ra soi chận bò đốt hay để dành tết đốt. Nếu đốt bình thường thì nó sẽ cho ra tia lửa cháy rất nhanh, kêu xẹt xẹt. Còn nếu đem gói vô giấy bạc đốt thì khi đốt lên thì nó bay vèo vèo. Chúng tôi còn bỏ vô lon sữa bò hay chai lọ đốt cho nó bay. Về chuyện đốt thuốc bồi thì nhiều khi cũng xảy ra tai nạn như cháy nọc rơm, cháy chuồn heo, cháy nhà…Có lần tôi đốt thuốc bồi ở nhà, nó bay vèo vèo rồi tấp vô nọc rơm, làm cháy nọc rơm. May mà có mấy anh em ở nhà chạy ra múc nước tạt, dập lửa liền. Hú hồn!

Thuốc bồi, quấn giấy bạc còn nhẹ đô. Đem nhét vào ống thuốc thủy tinh đã bẻ hai đầu (thuốc bổ canxi, vitamin…) đốt một đầu, nó bay hơn phản lực.

Tết năm 1995 thì xóm tôi có một chuyện liên quan tới pháo làm cả xóm mắc cười, vừa cười vừa thương. Đó là gần giao thừa năm 1995, thằng Lỗi con bác năm và thằng Lịch con chú bảy đem pháo lỡ mua từ năm trước nhưng bị cấm không đốt được ra cây keo trường Bình Dân để đốt. Đốt hoài không nổ, chỉ nổ đùng, đùng lẻ tẻ một tiếng rồi thôi, chắc là do pháo bỏ lâu không phơi nên tim bị ẩm ướt. Vì đốt không nổ nên thằng Lỗi đem phong pháo của nó dìa nhà tẩm dầu lửa và đốt nổ rầm trời. Du kích xã ra bắt nhưng vì đường lên nhà nó hẹp, nó theo trên cây hàng rào đốt, pháo nổ dữ quá, du kích xã không đi qua được để bắt nó. Khi nó phát hiện có du kích xã thì trốn vào nhà đóng cửa ngõ lại làm du kích hậm hực bỏ về.

Thằng Lịch thì nhà gần gần trường Bình Dân, nghe thằng Lỗi đốt nổ đùng đùng phía xóm sau thì ngứa tay ngứa chân, nó tưởng du kích đi rồi nên đem ra đốt nữa. Đang loay hoay đốt thì bị du kích xã dí bắt, đem lên xã nhốt. Khi bị bắt đi, nó đã khóc bù la bù loa nhưng du kích xã vẫn không tha. Nó được “ăn tết” 3 ngày trên xã, sáng mùng 4 làm giấy phạt và cho dìa nhà ăn tết bò.

Tết bò là cái tết dành cho con trâu, con bò. Vì làng quê Phú Yên đa số là làm nông nghiệp mà thời trước chưa có máy móc nhiều như máy cày, máy tuốt lúa, xe kéo nhiều nên phụ thuộc rất nhiều vào con trâu, con bò. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, thế nên, hàng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng người dân quê tôi có tục cúng tết bò. Cúng tết bò thường cúng vào khuya mùng 4 tết và cũng phải lo các món cúng từ trước. Cúng tết bò đơn giản, giống như cúng giếng nhưng phải có bánh chưng, bánh tét. Thường là tất cả dồn vào một mâm đem ra cúng trước máng ăn của chuồng bò. Ngoài bánh chưng, bánh tét là phải có ra thì có thêm chén gạo, chén muối, ly nước và vàng bạc (hàng mã). Người ta đếm số con bò trong chuồng mà chuẩn bị bánh chưng, bánh tét. Mỗi con bò đực là 1 đòn bánh tét, bò cái là bánh chưng, bò con là cây bánh tét, bánh chưng nhỏ hay bánh tro…Ngoài ra, cúng tết bò cũng có thêm cốm vệnh (để nguyên hộp cốm hay cắt ra) và các loại bánh kẹp, bánh thuẫn, bánh in… Khi cúng, đợi tàn nhang xong là đem tiền vàng mã đi dán khắp chuống bò, cổng chuồng bò và dán vào sừng, vào trán của con bò rồi đem gạo muối rải xung quanh chuồng. 

Tết ngày xưa phản ánh rõ công việc làm ăn trong năm. Năm nào được mùa, lúa thóc nhiều, heo nuôi không bị dịch bệnh, gà không cù rụ, trâu bò khỏe mạnh, ít lũ lụt…thì năm đó tết vui lắm. Những năm mà thiên tai, mất mùa, địch họa thì ăn tết nghèo nàn, ảm đạm.

Tết ngày xưa của tôi kéo dài được 20 năm, có những cái mà tết trước đó (trước 1975) không có được và tết sau đó (sau 1994) cũng không thể nào có được.

Mây trời vẫn lảng bảng bay, sông Đà Rằng vẫn dịu dàng chảy,Tháp Nhạn vẫn đó trầm mặc, Đá Bia, Chóp Chài vẫn đây uy nguy. Nhưng theo quy luật của kiếp nhân sinh, người già rồi sẽ ra đi, trẻ con rồi được sinh ra, chúng ta cũng ngày càng lớn lên, muôn điều đã thay đổi, muôn sự tiến bộ về khoa học kỷ thuật đang diễn ra…chúng ta cũng không nên giữ cái cũ, lạc hậu, cổ hũ làm gì. Tôi ghi lại nhửng nét tết xưa này để làm kỉ niệm cho mình và tặng cho ai đó để có cái mà nhớ về.

Sài Gòn, tháng 5/2021

HUỲNH KHANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: