16/09/23 – 04:09
CHUYỆN HAI NGƯỜI MẸ!
Một ngày trời se se lạnh chớm đông,
Tôi về lại xứ Đồng nghe chuyện kể,
Chuyện kể rằng nơi miền quê vắng vẻ,
Có hai người lặng lẽ sống thương nhau.
Hai phận đời dù kẻ trước người sau,
Nhưng có chung một niềm đau trĩu nặng,
Dù cuộc sống dẫu âm thầm tĩnh lặng,
Nhưng tình người sâu lắng mãi không phai.
Ngày hòa bình mẹ trông ngóng con trai,
Cha chết rồi, sao con không về lại?
Bỗng một hôm xuất hiện người con gái,
Vai bao lô, ái ngại hỏi thăm nhà.
Giọng rưng rưng, chị thưa chuyện mẹ già,
Rằng con mẹ đi xa không về nữa,
Chị và anh xông pha nơi tuyến lửa,
Anh hy sinh, chị hứa một lời nguyền.
Trông mẹ buồn lòng chị nhói con tim,
Nhìn kỷ vật dâng nỗi niềm thương nhớ,
Chị xin mẹ cho cùng ăn, cùng ở,
Qua tháng ngày chờ sinh nở cô đơn.
Rồi từ đó hai người mẹ keo sơn,
Mẹ có con, con gì hơn có mẹ,
Hai người đơn thân, một già một trẻ,
Nguyện trọn đời san sẻ nỗi niềm chung.
Chị hân hoan nuôi giọt máu anh hùng,
Mẹ vui hơn khi sống cùng có cháu,
Con và anh giống như hai hòn máu,
Nhìn dáng hình, hai mẹ bớt niềm đau.
Qua tháng ngày con, mẹ sống bên nhau,
Mẹ xem con như máu đào thắm đỏ,
Con yêu mẹ như trăng rằm sáng tỏ,
Giữ lời nguyền cho rõ tấm lòng son.
Mẹ nhủ khuyên: Con của mẹ không còn,
Đừng buộc ràng khi đời con rất trẻ,
Gục vào lòng, chị cười vui thỏ thẻ,
Con suốt đời sống bên mẹ, mẹ ơi!
Mẹ đến nay sống gần hết cuộc đời,
Dâu của mẹ cũng rạng ngời chung thủy,
Cao cả thay vợ hai người liệt sĩ,
Nguyện thờ chồng, không phí tuổi thanh xuân.
Thật tuyệt vời hai người mẹ đơn thân,
Các mẹ sống thật trong ngần hạnh phúc,
Sông có khúc, cuộc đời người có lúc,
Nhưng tình người vang mãi khúc yêu thương.
ÂM VANG TIẾNG GỌI “ĐỒNG BÀO”!
Giữa mùa thu Ba Đình lịch sử
Tiếng Bác vang hai chữ “ĐỒNG BÀO”
Giọng của Người ấm áp biết bao
Cả Dân tộc vui trào nước mắt.
Khắp Non sông từ Nam chí Bắc
Hướng về Người – Son sắc đứng lên
Độc lập rồi – Thế giới xướng tên
Đoàn kết lại xây nền hạnh phúc.
Triệu triệu người cờ giông, trống giục
Tiếng “ĐỒNG BÀO” thôi thúc vùng lên
Từ nô lệ nay ta làm chủ
Tổ quốc ngàn đời bên biển Đông.
“TÔI NÓI ĐỒNG BÀO NGHE RÕ KHÔNG”
Tiếng Người – Hay tiếng của Non sông
Tình thương Bác trải mênh mông quá
Làm ấm con tim triệu tấm lòng.
Từ Tân Trào Bác về Hà Nội
Trên Đài cao Bác gọi “ĐỒNG BÀO”
Hỡi mọi người con cháu Rồng Tiên
Việt Nam đã thành tên Đất nước.
Bác nói: “HỠI ĐỒNG BÀO CẢ NƯỚC”
Quý hòa bình có được hôm nay
Bằng “Tinh thần – Tính mạng – Bàn tay”
Thề quyết giữ “Quyền thiêng liêng ấy”.
Bác hỏi lại “ĐỒNG BÀO” nghe thấy?
Tiếng Hòa Bình sấm dậy non sông
Vận nước đến toàn dân nắm lấy
Cơ hội ngàn năm rạng chiến công.
“TÔI NÓI ĐỒNG BÀO NGHE RÕ KHÔNG”
Lời của Bác – Lời của Non sông
Vang khắp năm châu lòng nhân ái
Tình Người VÔ SẢN rộng mênh mông.
CON ĐÃ VỀ VỚI MẸ!
Mẹ của tôi bao đêm dài không ngủ,
Khi chiến tranh còn che phủ khói bom,
Lần lượt tiễn chồng, rồi lại tiễn con,
Mẹ chờ đợi mỏi mòn, nào đâu thấy?
Con nhớ rõ một ngày thu năm ấy,
Tiễn chồng đi, nước mắt chảy thành dòng,
Phút chia ly sao nói hết nỗi lòng,
Siết chặt tay, mẹ nguyền không đổi dạ.
Rồi một mình vượt qua bao sóng cả,
Như thân cò, mẹ vất vả nuôi con,
Để một ngày, các con lớn vuông tròn,
Mẹ lại khóc tiễn con làm Cách mạng.
Đời mẹ khổ không một ngày xán lạn,
Đêm ngóng chồng, năm tháng đợi chờ con,
Kẻ ra đi, để người nhớ mỏi mòn,
Mẹ đã khóc như không còn nước mắt.
Ngày mẹ hay tin chồng mình bị bắt,
Trái tim vợ hiền quặn thắt, đớn đau,
Một ngày kia, cha mất ở trong lao,
Mẹ thảm khóc, ngàn sau không gặp nữa.
Quê hương vẫn ngập chìm trong khói lửa,
Con không về, mẹ lần nữa thương đau,
Mất chồng, con, mẹ chua xót nghẹn ngào,
Hỏi trời cao, nỗi đau nào hơn thế?
Ngày hòa bình mẹ nhớ con vô kể,
Sao con không về, để mẹ chờ mong,
Đốt nén nhang thầm khấn mãi trong lòng,
Mẹ như thấy con dưới cờ hồng rực rỡ.
Mẹ ước phút giây con về bỡ ngỡ,
Gục đầu vào lòng như thuở còn thơ,
Cho bỏ tháng năm mong nhớ, đợi chờ,
Con của mẹ đến bây giờ vẫn vậy.
Mẹ ơi mẹ, con đã về thật đấy,
Bằng thịt bằng da, mắt thấy, tay sờ,
Ôm con vào lòng, mẹ ngỡ trong mơ,
Ngày chiến thắng, con trở về với mẹ.
TIẾNG TRỐNG PONAGAR!
Đêm về trên Tháp PONAGAR*
Chập chùng đồi núi phía trời xa
Tiếng trống Nagar dồn rộn rã
Như càng thúc giục cỏi lòng ta.
Từ trong Đền Tháp hiển hiện ra
Bóng hình lộng lẫy Chúa A-NA
Cung nữ múa hoa, cười đẹp quá
Giữa ngàn tiếng trống, vạn lời ca.
La lá – la là – lá – là – la
Tiếng hát như hồn xưa thiết tha
Cắt cắt – tùng tùng – tùng – tùng – cắt
Như lời ai oán – xa rất xa…
Chuyện kể ngày xưa Chúa A – NA
Nữ Thần Vương quốc Xứ CHĂM PA
Trừ thú – giữ rừng – ngăn sóng cả
Hương tỏa KỲ NAM khắp muôn nhà.*
Đêm nay gió lặng, dưới trăng tà
Nhấp nhô Đền Tháp PONAGAR
Trầm tịch – âm u hồn Tượng đá
Như ngỡ người xưa, chạnh xót xa.
Tôi đứng giữa trời ngắm sao sa
Nơi hằng ghi dấu vết CHĂM PA
Nữ Thần Vương quốc NAGAR hởi
Mau hãy về đây vui hát ca.
Càng khuya tiếng trống vọng càng xa
Ngỡ như vó ngựa một thời qua
Cô gái CHĂM PA quàng khăn múa
Gợi nhớ ngàn xưa nước non nhà.
Đẹp lắm giữa trời đất của ta
Mùa xuân Dân tộc kết đơm hoa
Thượng – Kinh – Chăm – Việt cùng gắn kết
Hòa chung tiếng trống PONAGAR.
* Tháp Bà PONAGAR Nha Trang
* Loại Trầm hương quý
TÌM EM CÔ GÁI ÁO BÀ BA!
Nhìn em duyên dáng áo bà ba,
Màu áo thân quen, cứ ngỡ là,
Cô gái năm xưa mình gặp gỡ,
Trên đường ra trận giữa mùa hoa.
Em là cô gái rất chan hòa,
Chiến trường bom đạn vẫn vang ca,
Lội suối, băng đồng em không ngại,
Chèo xuồng vượt bót dẫn “đoàn” qua.
Ngày ấy tôi đi chiến trường xa,
Đâu biết rằng em ở quê nhà,
Kẻ thù tàn ác, lôi em bắn,
Máu em tuôn đỏ áo bà ba.
Hòa bình trở lại khắp quê ta,
Anh đến tìm em chốn quê nhà,
Khăn rằn quấn cổ giờ đâu thấy?
Hỡi người con gái áo bà ba.
Anh cố tìm em giữa quê ta,
Hỏi người qua lại khắp gần xa,
Tìm cô du kích năm xưa ấy,
Rất đổi thân thương, rất mặn mà.
Cuối cùng tìm gặp ở nghĩa trang,
Em cùng đồng đội xếp ngay hàng,
Uy nghiêm như những ngày ra trận,
Như một đoàn quân đứng hiên ngang.
Nay bỗng gặp người mặc bà ba,
Khăn rằn quấn cổ, dáng thước tha,
Làm tôi nhớ lại người xưa ấy,
Cũng áo bà ba, dáng ngọc ngà.
Hởi người con gái, áo bà ba,
Cho tôi được hát một bài ca,
Lời ca thương nhớ người con gái,
Dáng đứng “thiên thần” áo bà ba.
KỶ VẬT CỦA MẸ!
Mẹ cũng có những tháng ngày hạnh phúc
Chồng vợ bên nhau giây phút ngọt ngào
Nhưng giặc tràn về – lửa đạn binh đao
Nên đành phải xa nhau đầy lưu luyến.
Một chiều thu cha lên đường kháng chiến
Mẹ bồng con đưa tiển bến sông quê
Ba lô nặng tình, cha rong dũi Sơn khê
Hẹn ngày về khi quê không còn giặc.
Mẹ nén đau không để rơi nước mắt
Nguyện giữ trọn tình bền chặt thủy chung
Thay chồng nuôi con cực khổ khôn cùng
Gi.ặc bắt khảo tra không hề nao núng.
Cha mãi đi qua bao mùa lá rụng
Nhớ thương chồng ngàn dặm cũng tìm thăm
Đạo nghĩa vợ chồng khắc cốt ghi tâm
Đêm từng đêm khấn thầm câu ước nguyện.
Rồi bỗng hung tin trời rung đất chuyển
Sụp đổ đất trời, lòng đau nghiến từng cơn
Cha hy sinh rồi – từ đó mẹ cô đơn
Uất nghẹn – căm hờn, buồn nào hơn lẽ bạn.
Đời của mẹ không một ngày xán lạn
Nỗi đau mất chồng năm tháng không nguôi
Nhận lại chiếc ba lô, mẹ đau đớn ngậm ngùi
Ôm kỷ vật dập vùi trong nỗi nhớ.
Đêm gối ba lô tưởng chừng nghe hơi thở
Thầm gọi tên chồng cho đở nỗi nhớ mong
Nước mắt rơi ướt đẩm mãnh khăn hồng
Thấm áo cha cay tình chồng nghĩa vợ.
Một ngày kia trước lúc ngừng hơi thở
Mẹ vẫn ngậm ngùi thương nhớ về cha
Lệ đổ đôi dòng nhìn phía trời xa
Tay ôm chặt ba lô như là báo vật.
Tử biệt – sinh ly, tình yêu người rất thật
Đến cuối cuộc đời vẫn chân chất yêu thương
Quyện chặt bên nhau đi hết đoạn đường
Sống kiên cường – chết tình thương cao đẹp.
Nhìn kỷ vật cha rạng ngời như ánh thép
Mẹ chết hóa thành biểu tượng đẹp tình yêu.
Võ Huy Triết
- Võ Huy Triết
- Sinh ngày 24/11/1955
- Quê quán: Huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận
- Giới tính: Nam
- Nghề nghiệp: Luật sư
- Địa chỉ: Tiền Giang
Cam kết: Tác phẩm tham gia bình chọn thuộc quyền sở hữu của tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước Pháp luật và quy định của Ban Tổ chức cuộc thi nếu có tranh chấp.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang