29/11/23 – 04:11
DƯ HƯƠNG NGÀY CŨ
Chẳng biết tự lúc nào trong ánh mắt, nụ cười, đôi khi trong lời nói và cả trong dáng vẻ của tôi thường mang theo một nỗi gì đó vừa man mác, vừa ngậm ngùi, lại vừa luyến tiếc một thời đã qua xa. Không những thế, nhiều khi tôi còn để hồn mình men theo lối cũ, về với mái nhà xưa – nơi tuổi thơ tôi được nâng niu qua bao năm tháng, nơi chị em tôi hồn nhiên vui đùa, học hành, trong tình yêu thương nồng ấm của ba mạ tôi.
Lúc bấy giờ, trong ánh mắt thơ dại của chúng tôi, không khí trong gia đình lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, thân thương và ấm no. Bởi ba tôi luôn tôn trọng mạ tôi, còn mạ tôi thì lại một lòng phục tùng, kính trọng ba tôi. Chúng tôi không hề thấy nơi đâu là bóng dáng của nỗi buồn, chỗ nào là nét khổ đau phơi bày. Mà từng giây đến, mỗi phút qua là tiếng nói ôn tồn đầy yêu thương của ba tôi, là sự chăm sóc chu đáo, dịu dàng của mạ tôi cho mỗi thành viên trong gia đình. Mà gia đình tôi số người chẳng ít ỏi gì đâu, kể cả ba mạ nữa là có đến mười người cơ đấy. Ngoài ra, thi thoảng, ba mạ tôi còn tổ chức cho chúng tôi đi dã ngoại nơi này hay nơi kia. Mỗi lần được đi chơi xa như thế lòng tôi háo hức theo ánh ban mai toả rạng trên những con đường đầy vui tươi mới lạ, trong đó có con đường dẫn đến nhà của ông bà nội và ông bà ngoại tôi ở làng Truồi (Xuân An – Phú Lộc – Thừa Thiên Huế). Con đường vào nhà ông bà nội, ngoại của tôi là cả một bức tranh tuyệt mỹ. Từ dòng sông cho đến những lũy tre, những bờ giậu chè tàu xanh ngát, và những ngôi nhà lẩn khuất trong mỗi khu vườn có nhiều cây ăn trái. Nơi đâu, chỗ nào cũng mang theo một màu xanh riêng mình. Ngời ngời trong mắt tôi bao nét hiền hoà yên tĩnh của làng quê yêu dấu.
Chị em chúng tôi chưa được thấy ông bà nội bao giờ, vì cả hai ông bà đều mất từ lâu, trước cả ngày mạ tôi về làm dâu. Nên mỗi lần ba mạ tôi đưa chúng tôi về thăm quê, đều chỉ gặp hai người chị gái của ba tôi.
Nếu mái nhà xưa của ông bà nội tôi là nơi tĩnh lặng, thơm lừng hương hoa, trái ngọt bao nhiêu, thì nhà của ông bà ngoại tôi là nơi ồn ào, tấp nập của kẻ mua người bán bấy nhiêu. Phần vì nhà của ông bà ở trước mặt chợ, phần vì trong nhà cũng kinh doanh mua bán, nên chỉ khi nào bóng đêm bao trùm lên vạn vật thì nơi đây mới có khoảng lặng của không gian. Tôi cũng lấy làm thích thú khi được ngồi trong cửa hàng, nhìn người mua kẻ bán vào ra, xôn xao chào mời rất nhộn nhịp.
Những mái nhà xưa ấy, mỗi nơi mang một vẻ ấm áp, êm đềm, một vẻ đẹp, nét hấp dẫn rất riêng. Nơi nào cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ nhất là khu vườn của nhà ông bà nội. Trong khu vườn ấy trong mắt tôi lúc bấy giờ là cả một thiên đường hoa trái. Ông bà nội tôi đã trông nhiều loại cây ăn quả như quýt, bưởi, mãng cầu… nhưng tôi nhớ nhất là những cây dâu, vườn trước, vườn sau có đến bảy, tám cây dâu, vào mỗi mùa dâu đậu trái, thì trên những cây dâu ấy có lắm sắc màu. Ôi! Không biết bao nhiêu là sắc màu. Nhất là vào mỗi buổi bình minh trước mắt tôi là nắng ban mai toả sáng cả khu vườn, cứ lấp lánh, long lanh trên cành từng chùm, từng chùm, những quả là quả, to, nhỏ, vừa bé tròn tròn xinh xinh, tất cả những chùm quả ấy cứ lủng lẳng, lủng lẳng, đung đưa, đung đưa trước mắt tôi với những sắc màu xanh, hồng, vàng, đỏ vô cùng tươi thắm , rất chi là quyến rũ. Mà nhiều, nhiều lắm, nhiều vô kể. Các cành lớn, cành nhỏ, từ cao xuống thấp, rất thấp, có khi xuống gần dưới cả gốc cây, không nơi nào trên cây là không có, làm hoa cả mắt, làm say cả tâm hồn bé dại của tôi lúc bấy giờ. Tôi cứ đứng ngây ra mà nhìn, vừa lấy làm lạ, vừa thích thú nghĩ tới những khu vườn cổ tích. Rồi khi không dằn lòng được nữa, tôi bước tới bên một gốc cây dâu nào đó, chỉ cần đưa tay ra là hái được ngay, hái bao nhiêu tuỳ thích, nhưng tôi chỉ hái một chùm thôi, rồi vân vê trong tay mình, nhìn ngắm một lúc rồi mới chọn một quả có màu da hồng hồng, bóc lớp vỏ bên ngoài ra, thấy lồ lộ bên trong có nhiều múi nhỏ, mọng nước, tôi nhẹ nhàng tách một múi, rồi từ từ cho múi dâu nho nhỏ đó vào miệng… Chao ôi, cái mùi vị ngòn ngọt, chua chua, thơm lừng… lúc bấy giờ cho mãi đến bây giờ chừng như còn đọng lại trong tôi hương vị ấy. Thật tuyệt vời! Đó là những cây dâu ông bà nội tôi đã trồng lâu năm, và nếu tôi nhớ không lầm thì vườn đâu của ông bà có tới ba loại dâu, mà theo lời ba tôi nói thì ngon nhất là dâu Tiên, thứ nhì dâu Múi, dâu Đào thứ ba. Và, loại trái này có một điểm đặc biệt là muốn để dành ăn lâu, cứ treo chùm dâu lên một nơi nào đó trong nhà, thì có thể để được vài tháng. Lớp vỏ bên ngoài sẽ héo dần đi, nhưng những múi dâu nằm bên trong lớp vỏ thì vẫn tươi ngon.
Mỗi lần được về nhà nội, là tôi không quên chạy ngay ra vườn, ngắm những cây dâu to lớn, cành lá sum suê xanh, tôi thích thơ thẩn trong khu vườn hay ngồi dưới gốc cây dâu một mình, lắng nghe tiếng chim kêu ríu rít đâu đó, hay tiếng lá xào xạc theo làn gió nhẹ lướt qua.
Nhưng rồi cuộc đời có nhiều biến chuyển đến không ngờ, khiến tôi không còn có dịp trở về thăm lại chốn xưa. Hết năm này đến năm khác, vượt khỏi tầm tay tôi biết bao lần dự tính quay về, mãi cho tới khi tôi có thời gian ngoảnh nhìn lại thì than ôi, đã hơn bốn mươi năm rồi! Hơn bốn mươi năm rồi chứ ít ỏi gì đâu, một chuỗi thời gian biền biệt, là dài đấy, mà cũng thật là ngắn ngủi, giờ nhớ lại thì tưởng như chỉ là một giấc mộng qua, chỉ là một giấc mộng qua thôi mà một trời dâu biển. Hai mái nhà ngày xa xưa đó đã lần lượt thay tên, đổi họ. Vì ông bà ngoại tôi cũng như hai O của tôi đều đã rời làng cũ đi nơi khác làm ăn sinh sống. Nhưng quê nội và những mái nhà yêu dấu xưa kia, vẫn ngời sáng và nồng đậm trong trái tim tôi.
May mắn thay!
Tôi đã có dịp quay về.
Đó là một ngày đẹp trời, có lẽ tôi đã được theo chân mạ tôi như ngày xưa còn bé. Đó là ngày mạ tôi về quê chạp mả. Mạ tôi đã hơn tám mươi, còn tôi thì đã lên chức bà ngoại rồi, có còn non nớt gì nữa đâu. Vậy mà sự háo hức ngày nào đã sống dậy trong tôi theo từng bước chân đi tới, với nỗi vui sướng vô biên. Nhưng… tôi vô cùng ngỡ ngàng vì con đường vào những mái nhà xưa ấy không như tôi từng trông thấy trước đây. Tuy vẫn con đường đó, nhưng đâu rồi vẻ đẹp nên thơ? Hai bên đường nhà sát nhà, những ngôi nhà san sát nhau trông vô cùng xa lạ – vô cùng xa lạ mà sao trong tâm tư tôi vẫn miên man một điều gì như là tiếc nuối, như là nhớ thương những ngày tháng nào đã quá xa xôi. Vậy là, mỗi hình ảnh, mỗi đoạn đường đi qua, mỗi khơi dậy trong tôi những tàn phai ngày cũ.
Và rồi tôi cũng được biết, hay nói đúng hơn là tôi đã thấy rõ có những khu vườn không còn lắm hoa trái như ngày xưa nữa, và rất nhiều vườn dâu đã mai một đi, có vườn đã lụi tàn hẳn, trong đó có vườn dâu của ông bà nội tôi ngày xa xưa kia, mặc dù đã thay ngôi, đổi chủ từ dạo nọ, nhưng giờ đây tôi vẫn thấy lòng mình luyến lưu, tiếc nuối khi nhìn lại khu vườn đã in dấu chân bé dại của mình từ những tháng năm nào đã vắng xa…
Và cũng chính ngày hôm nay, khi tôi được ngồi trong bầu không khí yên bình của làng quê, và trong giây phút đắm mình vào dư hương ngày cũ, tôi mới nhận thấy dẫu trong bao năm tháng qua, kể từ lúc ba tôi mất đi, tuy mang trên đôi vai gầy guộc bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực, mạ tôi vẫn không quên bổn phận dâu con trong gia đình, vẫn về quê mỗi năm và chăm lo mồ mả cũng như hương khói cho ông bà nội tôi một cách chu đáo, dẫu tuổi đời mạ tôi đã xế chiều.
Tôn Nữ Thanh Tịnh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang