01/02/25 – 05:02
TÌNH MẪU TỬ THIÊNG LIÊNG TRONG CA KHÚC “MẠ ƠI” CỦA NHẠC SỸ, TIẾN SĨ TRỊNH XUÂN ĐỨC
Gần Tết rồi, không khí xuân đã len lỏi khắp các nẻo đường, tràn ngập trên từng mái nhà, từng hàng cây, từng góc phố. Mùa xuân mang đến một cảm giác lạ lắm – vừa rộn ràng, vừa ấm áp, vừa gợi trong lòng người những hoài niệm xa xăm. Giữa khoảnh khắc giao mùa ấy, tôi nhận được một tác phẩm mới của nhạc sĩ, tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, bài hát mang tên “Mạ ơi!”
Chỉ hai từ thôi “Mạ ơi!” mà sao lại da diết đến vậy! Tựa đề ấy như có sức hút kỳ lạ, khiến tôi không thể không lắng nghe. Tôi mở bản nhạc lên, lặng người theo từng giai điệu. Rồi lại nghe lần nữa, lần nữa… Mỗi câu hát vang lên như một mảnh ký ức ùa về, như tiếng vọng từ tâm khảm của một người con đang khắc khoải nhớ thương mẹ. Tôi chậm rãi ngẫm từng câu, từng từ, đôi khi phải dừng lại để hiểu trọn vẹn những từ ngữ vùng miền, để cảm nhận hết sự sâu lắng, thấm đượm tình cảm trong đó.
“Mạ ơi!”- hai tiếng ấy được cất lên từ tận đáy lòng, như một tiếng gọi vô thức, như sự rung động sâu thẳm trong tâm hồn người con khi nhớ về mẹ. Có lẽ, trong những khoảnh khắc xao động nhất của đời người, khi niềm thương nỗi nhớ dâng lên mãnh liệt, người ta chỉ biết gọi mẹ – gọi thật nhiều, gọi mãi không thôi. Và trong bài hát này, nhạc sĩ Trịnh Xuân Đức đã gọi mẹ như thế lặp đi lặp lại, như thể chỉ có gọi vậy mới vơi bớt nỗi nhớ, mới phần nào bù đắp những day dứt, những tiếc nuối vì chưa thể làm trọn vẹn điều mà bất cứ người con nào cũng mong muốn dành cho mẹ của mình.
Bài hát không chỉ là một tác phẩm âm nhạc, mà còn là tiếng lòng, là nỗi niềm, là sự tri ân lặng lẽ nhưng sâu sắc nhất mà người con gửi đến mẹ – một tình yêu thiêng liêng, bất diệt, không gì có thể thay thế được. Và tôi tin rằng, khi giai điệu ấy cất lên, không ai có thể không chạnh lòng, không ai có thể không nhớ đến mẹ – người đã hy sinh cả cuộc đời để dõi theo từng bước đi của con mình.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng vậy, chỉ khi đối diện với những giông bão cuộc đời, những vấp ngã, đau thương, ta mới thảng thốt gọi: “Mẹ ơi!”. Trong ca khúc Mạ ơi, nhạc sĩ Trịnh Xuân Đức cũng cất lên tiếng gọi tha thiết ấy – một tiếng gọi từ sâu thẳm tâm hồn, khi anh trở về nhà trọ một mình trong một đêm bão giông, giữa những hoang tàn, lạnh lẽo của cuộc sống.
“Đường phố hoang tàn…” – cơn bão ngoài trời như hòa cùng cơn bão trong lòng người. Trong khi ai ai cũng đang quây quần bên mái ấm, nép mình trong vòng tay yêu thương, thì tác giả lại lầm lũi bước đi trong cô đơn, không có hơi ấm chở che của mẹ. Chính hoàn cảnh ấy, thời khắc ấy, đã khơi dậy trong anh nỗi nhớ da diết, nỗi thèm khát được trở về bên “Mạ” – nơi từng là điểm tựa bình yên nhất cuộc đời.
Tình yêu thương của mẹ, sự hy sinh vô điều kiện ấy, đã từng giữ cho tâm hồn anh luôn phẳng phiu, không bị nhàu nát bởi những bão tố cuộc đời. Nhưng khi xa “Mạ”, khi dấn thân vào cuộc sống đầy thử thách, những cuồng phong khắc nghiệt đã quét qua và cảm xúc trào dâng khi nhớ về mẹ:”Cuồng phong cũng đến dâng trong lòng quét qua hồn con nhàu…”
Lời ca ấy không chỉ là tiếng lòng của riêng tác giả, mà còn là nỗi lòng của biết bao người con xa quê, xa mẹ. Cuộc đời có thể mang đến những va đập, những vết xước, nhưng tình yêu của mẹ vẫn mãi là điểm tựa thiêng liêng, là nơi ta luôn muốn tìm về mỗi khi yếu lòng.
Tác giả đã phải cay đắng thốt lên, thú nhận rằng xa mạ, tâm hồn mình đã bị “nhàu tầm tư”. Hình ảnh này được lặp lại hai lần, vang lên như một câu hò miền Trung đầy tha thiết, gợi lên cảm giác thân thương và gần gũi lạ thường. Chính sự lặp lại ấy càng làm cho nỗi nhớ mẹ thêm khắc khoải, như một tiếng vọng từ miền ký ức, như một nỗi niềm chất chứa không thể nguôi ngoai.
Trong cái ngữ cảnh đêm giông, khi tác giả bị bão tố cuộc đời vùi dập, tưởng chừng như tan tác, thì vẫn không gì có thể dập tắt được ước mơ. Ước mơ ấy đã “thấm qua làn áo lạnh”, làm lòng người chợt run lên bởi sự rét buốt không chỉ của thời tiết mà còn của cả tâm hồn. Chính khoảnh khắc ấy, tác giả lại tưởng tượng đến mẹ, nhớ mẹ, tủi hờn rồi rơi nước mắt. Chỉ mong sao được “về bên mạ, trong vòng tay ấm của đêm đông”.
Giá như ngay lúc này, trong đêm đông giá buốt, giữa những tiếng gào thét của cuộc đời, có thể được ở bên mạ, được nằm bên mạ, được mạ ôm ấp, che chở, giữ cho tâm hồn khỏi bị “nhàu”, thì biết bao nhiêu khổ đau cũng trở nên nhỏ bé! Nhưng thực tế, tác giả đã xa mẹ lâu rồi, phải một mình cô đơn chiến đấu với cuộc đời:
“Xa mạ rồi, bao năm con xa mạ rồi,
Một mình cô đơn đường vạn lý,
Dãi gió dầm sương suốt đêm trường…”
Những câu hát ấy vang lên đầy xót xa, như tiếng thở dài của một người con đã lạc lõng giữa dòng đời. Xa mẹ, tác giả đã phải âm thầm chịu đựng mọi “khổ đau uất hận” mà bão tố cuộc đời mang đến. Có những lúc muốn tạm lánh khỏi cuộc sống đầy bon chen, tìm về một chốn yên bình, tác giả ngồi ở lưng chừng núi, lặng nhìn gió đưa mây trôi dạt về phương Nam. Và trong khoảnh khắc ấy, khi “nghe tiếng chim chiều lòng quặn đau”, nỗi nhớ mẹ lại càng cồn cào, da diết hơn bao giờ hết.
Bài hát Mạ ơi không chỉ là lời tự sự của riêng nhạc sĩ Trịnh Xuân Đức mà còn là tiếng lòng chung của những người con xa xứ, những ai đã từng đi qua những tháng ngày gian khó mà không có mẹ bên cạnh. Lời ca không chỉ đẹp về ngôn từ mà còn thấm đẫm cảm xúc, chạm đến tận sâu thẳm trái tim người nghe.
Đây là một ca khúc tuyệt vời, thấm đượm chiều sâu tâm hồn, gợi lên trong ta những cảm giác bình yên, trong sáng về một tuổi thơ êm đềm bên “Mạ”, về giá trị thiêng liêng của tình mẫu tử. Tình yêu thương của người con, dù đã trưởng thành, trở thành một nhà khoa học, một tiến sĩ, một nhạc sĩ với nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhưng vẫn luôn khắc khoải nhớ về hơi ấm dịu dàng của mẹ.
Câu hò miền Trung ở phần mở đầu sao mà da diết đến vậy! Âm hưởng ấy như chạm đến tận cùng nỗi nhớ, làm xao động lòng người. Đặc biệt, thủ pháp đảo phách trong những câu hát như: “Mạ ơi, con mong về bên Mạ trong vòng tay ấm ủ đêm đông” càng làm nổi bật những rung cảm mãnh liệt, những xuyến xao trong tâm hồn người con khi nhớ về những tháng ngày thơ ấu.
Tôi thực sự trân quý và cảm ơn tác giả đã mang đến một món quà đầu xuân đầy ý nghĩa – ca khúc “Mạ ơi”. Đây không chỉ là một tác phẩm âm nhạc, mà còn là lời tri ân sâu sắc của một người con hiếu thảo gửi đến đấng sinh thành, chạm đến trái tim của tất cả những ai yêu thương và trân trọng tình Mẹ!
Hà Nội, ngày 27/1/2025
GS.TS.BS.NS. PHẠM VINH QUANG
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tình mẫu tử thiêng liêng trong ca khúc “Mạ ơi” của nhạc sĩ, TS Trịnh Xuân Đức
The Ultimate Guide to Plinko for High Rollers
Maximizing Your Online Online Casino Bonus Offer: A Comprehensive Overview
Opening the Mysteries of Tarot Readings
Vui Xuân – Thơ Ngọc Ân (Đà Nẵng)
Hương xuân đã về – Thơ Ngọc Ân (Đà Nẵng)
Sơn Hòa trong trái tim tôi – Thơ Mỹ Kiên
Giáng Sinh yêu thương -Thơ Thanh Thu (Đà Nẵng)