Giới thiệu tập thơ “Rót tràn chiều khát khao” của TS Đinh Văn Tới

12/01/22 – 01:01

TÔI ĐỌC THƠ ĐINH VĂN TỚI

 

            Tôi quen biết với Đinh Văn Tới khá lâu, đầu tiên là lúc còn đi học Đại học cùng một trường sau đó anh đi làm còn tôi thì tiếp tục theo học 7 năm nữa mới rời Hà Nội trở về “hòa nhập cộng đồng”. Sau này về đi làm rồi, chúng tôi cũng chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy nhau, hoặc nếu gặp nhau thì cũng chỉ bằng cái bắt tay vội vã rồi đường ai nấy đi. Mãi gần đây, tôi mới biết anh không chỉ là Tiến sĩ Quản trị kinh doanh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, mà còn là một người làm thơ, và đã có những thành công với thơ, khi anh gửi tặng tôi bản photocopy một số bài thơ đăng báo, và khi anh chính thức gia nhập Ban Thơ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An.

Bìa tập thơ Chiều khát khao của TS Đinh Văn Tới

            Và bây giờ thì tôi đang đứng chiêm ngắm thêm một thành quả mới của Đinh Văn Tới khi cầm trên tay bản thảo Rót tràn chiều khát khao– một tập thơ không dày, không bệ vệ, nhưng hẳn nhiên là không mỏng, và không luốt.

            Rót tràn chiều khát khao là một cái tên đầy “khiêu khích”, vừa gợi một cái gì như thừa thãi, như no đủ, viên mãn, vừa gợi một cảm giác thiếu thốn, vừa gợi một cái gì đó như là hoài niệm phồn thực, nghe dấy lên một chút lãng mạn, một chút nhục cảm như là tâm sự của một kẻ đang thuộc về cái thời trẻ trung, cái thời sung mãn đầy những đam mê “lạc lối”. Và đây rõ ràng là một cách đặt tên dễ hấp dẫn người đọc “ham hố”, nhưng cũng không phải là có thể thuyết phục được tất cả – nhất là với những người đọc già dặn.

            Tuy nhiên, đấy chỉ là sự “đánh lừa” tâm thế của người đọc trong một chừng mực nào đó. Bản thân tôi tin rằng tất cả những gì thể hiện trong tâm thơ không phả chỉ là “rót”, là “khát khao”, mà còn là sự đào xới, lật trở những uẩn khúc, những thiếu hụt và cả những đủ đầy – nhưng là thứ đủ đầy đã qua. Đấy là câu chuyện về những gì thuộc về số phận của chủ thể trữ tình – cũng như số phận mỗi con người. Không có quá nhiều chủ đề, đề tài được nhắc đến, được khám phá trong tập thơ, nhưng dường như mọi thứ xuất hiện đều có cái lí riêng của nó và đều gắn bó với những nỗi niềm riêng, rất cụ thể, rất sống động với những cung bậc cảm xúc khác nhau của người viết. Theo thứ tự các bài trong tập thơ, có thể thấy Đinh Văn Tới trước hết quan tâm đến con người số phận, mà trước nữa là những người thân thiết, có những ảnh hưởng nhất định đến sự trưởng thành của anh. Đó là người mẹ tội nghiệp dường như không được sống trọn dù chỉ là một ngày hạnh phúc trong cuộc đời cay đắng của mình; là người cha vừa đáng giận vừa đáng thương; đó là người thầy – người trao truyền cảm hứng, người để lại hình ảnh của chính mình trong cậu học trò năm nao; và đó còn là một đứa bé mồ côi như là một sự trải nghiệm hay soi chiếu thân phận. Điều quan trọng là với những vần thơ ít ỏi ấy về tình thân, Đinh Văn Tới không chỉ kể câu chuyện của mình, không chỉ kể về những số phận cụ thể của một ai đó, mà nhiều khi, sự kể của anh đạt đến tầm vóc khái quát hiện thực của một thời, của nhiều kiếp người. Các bài Mẹ tôi, Cha tôi, Nét vẽ, Biển đêm, Ánh sao đêm…  đều là những phác thảo hoặc chi tiết về những con người của một thời, ở cả ba khu vực dân sinh đồng bằng, núi rừng và biển cả, là số phận truyền kiếp của những cộng đồng dân cư trải đều trên ba miền đất Việt.  Có thể thấy biển, núi, ruộng đồng xuất hiện trong thơ Đinh Văn Tới nhiều lúc không phải là nơi để du ngoạn, để thưởng thức theo kiểu du hí của văn nhân thi sĩ, mà luôn dấy lên một cảm giác làm lũ, nhọc nhằn trong sự bĩ cực của kiếp người. Là biển đêm nhưng không phải để một tình nhân nào đó hát lên những khúc yêu thương nhung nhớ, mà như là một khoảng lặng để chủ thể trữ tình có dịp ngẫm ngợi thêm về kiếp người. Viết về số phận người lao động, dường như thơ Đinh Văn Tới đã chạm đến được chỗ đánh thức cả quá khứ lầm lụi của dân tộc. Và trong những hồi ức xa xăm, người trở về bỗng thấy bản thân mình đã lạ, cảm được trong mình vẳng lên một nỗi niềm tha hương, nỗi niềm xa xứ – cũng là một nét tâm lí, hẳn rằng, phổ biến khi mà thời hiện tại là thời của những người li hương, vạ vật kiếm sống quê người! Viết về những gì cật ruột, nên có những câu thơ như là xuất thần – những câu thơ tạo nên điểm nhấn của tập:

Cha vẽ đường đời trên ruộng
Cày trên ngấn sóng thời gian
Ánh trăng chao đầu lưỡi cuốc
Vũ điệu cong gió ngàn…

 

Ánh mắt trong đêm lặng lẽ
Mẹ đan mùa đông trong tay
Lắng nghe ruộng vườn kể chuyện
Mồ hôi giọt ngắn… giọt dài…

                                                           (Nét vẽ)

   Đôi khi sự kế thừa, sự tiếp nối, sự trao truyền được diễn tả trong một hình ảnh khá độc đáo:

Một cánh tay – thầy gửi lại Trường Sơn
Cùng đồng đội – khúc quân hành vẫn hát
Thầy muốn con – cánh tay thầy vẽ tiếp
Đường Trường Sơn tương lai…


 Con đã về – mắt thầy dấu chân chim
Rạng rỡ giang cánh tay trắng phấn
Con ùa vào… thầy nghẹn ngào xúc động:
Một cánh tay Trường Sơn

Đã tìm về!

                                          (Thầy ơi)

            Như bao người làm thơ khác, Đinh Văn Tới cũng viết về quê hương. Thơ về quê hương của Đinh Văn Tới ít khi gợi những cực nhọc, lam lũ, mà ở đó thấp thoáng những vẻ đẹp của tình đất, tình người.

            Không thể không nói rằng thơ Đinh Văn Tới dành nhiều cho tình yêu. Có thể thấy thơ tình của Đinh Văn Tới là nơi chủ thể trữ tình bày tỏ suy ngẫm, ý thức về giới hạn, niềm tin và khả năng phá bỏ các giới hạn ấy. Tất cả những điều đó xuất hiện trong lớp khói sương bảng lảng một chút ý vị phồn thực (Giọt tinh khôi, Giọt mê tình, Chớm hè…): một chút bông đùa, một chút phóng đãng như là cái cười ý nhị về sự nghiêm túc, đạo mạo của thơ một thời, công bố sự tồn tại của bản năng trên lãnh địa một thuở là “vùng cấm” “đất thiêng”… Nhưng bên cạnh đó cũng có những vần thơ thật trong trẻo, hiền lành, dễ chịu (Gọi mùa, Hạ xưa, Đa mang, Tìm về, Mộng tàn thu…) Trong đó Mộng tàn thu gợi một dáng hình phiêu lãng, nỗi buồn nhẹ mà sâu, mà da diết tiếp nối tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn tưởng chừng đã chìm vào dĩ vãng, đánh thức kí ức xa xăm của người đọc. Hai dòng cuối ngắn nhưng không cụt mà trải ra mênh mông một nỗi niềm của tàn phai… Bài Vô đề là một bài hay, ngắn, súc tích, cấu trúc câu từ như một dây chuyền hờ hững mà da diết, lỏng lẻo mà ràng rịt. Nếu như là một bài thơ đặc biệt trong hệ thống của Đinh Văn Tới, bởi nó như là một không gian để người thơ bày tỏ sự rộng lượng của tình yêu. Mà sao không rộng lượng cho được, khi tình yêu trong thơ Đinh Văn Tới thường là tình yêu của tuổi học trò, kiểu tình yêu của kí ức, hoài niệm, được “khai báo” khi đã đủ độ lùi thời gian để chiêm ngẫm, suy nghiệm!

            Không hướng tới lối viết cầu kỳ, hoa mỹ, thơ Đinh Văn Tới có cái duyên ngầm ở sự giản dị và mạch lạc. Vậy nên, bên cạnh những câu thơ hay, đẹp, trong thơ Đinh Văn Tới cũng xuất hiện thứ ngôn ngữ chân chất đến mức “thật thà”. Nhưng đấy là cái “thật” đến tận đáy lòng, “thật” đến xót xa, “tàn nhẫn”:

Cả thanh xuân lo cơm áo, học hành
Đàn con ngày một lớn
Chẳng bao giờ có đồng xu từ bố
Mẹ một mình bao bữa nhịn cho con…

 

Gắng gượng thêm…
Gắng gượng đến sức tàn
Bố trở về mang theo… vợ mới
Và những đứa con, ai người có lỗi
Nuốt đau thương không chịu kiếp chung chồng…

                                             (Mẹ tôi).

            Rót tràn chiều khát khao có lẽ là tập thơ đầu tay của Đinh Văn Tới. Một tập thơ đầu tay, đồng nghĩa với việc mở ra một chặng đường mới trong văn nghiệp. Tôi chúc anh thuận buồm xuôi gió và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai!

        Yên Đồng, đầu đông, Tân Sửu

  1. Lê Thanh Nga

             (Trường Đại học Vinh)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: