Miền Đá Sỏi – Tác giả Vũ Nguyệt Khánh Phượng (Ninh Bình)

14/04/22 – 08:04

Tác giả Vũ Nguyệt Khánh Phượng

Ai lên Quán Cháo – Đồng Giao
Má hồng để lại, xanh xao mang về.

         Người ta đã từng rùng mình khi nghĩ đến mảnh đất khô cằn sỏi đá quê tôi qua câu ca dao quen thuộc ấy. Đất Tam Điệp, núi dắt nhau chơi trò rồng rắn lên mây, bủa vây những vạt đồi nhấp nhô như trận đồ vừa ngưng tiếng pháo. Khắp nơi vương vãi những hòn, những tảng, những ụ đá to nhỏ nằm phơi ra ngổn ngang giữa những bụi cây rừng. Dường như, nơi này sinh ra chỉ để trở thành chiến trường ác liệt của những trận giao tranh nổ lửa. Những con đường đất sỏi ngoằn ngoèo cua tay áo len lỏi giữa những gồ dứa dại có những lá gai tua tủa vươn xa hàng sải tay, giữa những bụi cây mâm xôi, từng chùm quả chín đỏ,  mọng ánh đu đeo trên những thân leo quấn quýt. Không còn nữa dấu chân đàn voi của Trưng Trắc, Trưng Nhị làm kinh hồn quân Đông Hán, dấu chân thần tốc của nghĩa quân Lam Sơn, nghĩa quân Tây Sơn làm bạt vía quân thù. Lũ trẻ chúng tôi vẫn hồn nhiên lớn lên giữa núi rừng quanh năm xanh tốt. Bước chân đứa nào cũng dọc ngang, tung hoành khắp các cánh đồng, các vạt đồi, những hục nước và cả dãy núi cao tít trước mặt. Nơi từng là chiến trường khối liệt của nhiều trận chiến lừng lẫy, nay trở thành trường học tuổi thơ khổng lồ của lũ trẻ chúng tôi. Tuổi thơ tắm trong sắc xanh của những đồi chè bát ngát, dù không phải thẳng cánh cò bay nhưng cũng thật bao la, kì vĩ. Nó làm chúng tôi mỏi mắt mỗi lần phải tìm bóng dáng mẹ giữa bao nhiêu khuôn nón trắng nhấp nhô, ẩn hiện giữa những luống chè xanh cao ngang ngực người lớn với những tán cây đan ríu vào nhau,  mơn mởn nõn búp. 

Ven những cánh đồng chè là bãi chăn lí tưởng của mấy đứa chăn bò, chăn dê có ước mơ làm ca sĩ. Chúng lùa cả đàn đến đầu bờ, con đường trước mỗi lô chè, nơi có những đám cỏ hoa trắng, cỏ tranh mọc xanh rì. Bò, dê thong thả gặm cỏ, còn chúng trèo thượng lên ngọn cây Đài Loan ngồi vắt vẻo,  nghêu ngao ca hết bài Cải lương này đến bài nhạc chế kia như người ca sĩ luyện thanh trước giờ diễn. Tiếng hát lảnh lót,  tiếng cười nói của mấy cô bác hái chè, tiếng những con chào mào đậu lắt lẻo trên những đường dây điện cao thế, tiếng những chú cuốc vút lên sắc gọn từ bụi rậm nào, rồi cả tiếng “bê…”, “bò” râm ran cả cánh đồng.

Những đứa chẳng có con bò, con dê nào để chăn như chúng tôi cũng cố tìm cho mình một lí do để được tung hoành trên những vạt đồi mỗi độ hè về. Như chim xổ lồng ham ánh sáng tự do, chẳng gì ngăn cản được giấc mơ khám phá những thiên đường trước cửa nhà mình, lũ chúng tôi luôn háo hức với những công việc tự phân công: chặt củi, vơ lá, bắt cá, hay chỉ đơn giản là theo đi hái quả rừng…

Bước chân ra khỏi cổng là cả thế giới tuổi thơ đầy thú vị mở ra. Bởi vậy, ngay sau những lời đe nẹt chưa dứt tiếng của mẹ: “Tao cấm chỉ, không lên đồi lên điếc gì đâu nhé. Làm hết những việc được giao nghe chưa?” là tiếng vâng ngon lành và những kế hoạch trong đầu được tính toán, sắp xếp rất nhanh. Bóng các bố, các mẹ vừa khuất sau hàng rào cây vông dại, cây dứa rừng là lập tức lò ra mấy cái đầu tinh nghịch í ới: “Chúng mày ơi, đi thôi !”. Thế là chỉ trong vòng mươi phút, mỗi đứa đã có đầy đủ đồ nghề cho một công việc to tát. Một cái liềm thật sắc đã lén mài từ tối hôm trước, một bó dây chuối tước từ lưng lá khô oặt. Một đôi găng tay rách đã bỏ đi của người lớn. Một cái mũ nan quen thuộc vẫn đội đi học hằng ngày. Một cuộc thi chạy được ngầm định, phần thưởng dành cho người thắng cuộc là tất cả những điều thú vị đang chờ phía trước.

Như một cơn gió lốc, bước chân “thần tốc” của chúng tôi băng qua con đường đất vàng khè vắt ngang quả đồi trọc phất phơ những bụi phân xanh táp lá. Dưới cái nắng như nung, cả bãi hoang cây bụi mênh mông hiện ra trước mắt mà như được khúc xạ qua một lò vôi nung vừa độ chín. Ánh vàng gay gắt làm hoa cả mắt lũ trẻ.  Mồ hôi nhễ nhại thi nhau bò xuống trán, xuống lông mày, lăn xuống má, mồ hôi vón cục, xếp hàng lấm tấm trên chóp mũi và hai bên mép, chỉ đưa cánh tay quệt ngang một nhát là gió đồi lồng lộng ùa đến len lỏi vào từng chân tơ, kẽ tóc, gió thốc vạt áo thổi bay cái nóng nực quanh người. Thiên đường trước mắt. Vẫn là những hòn, những tảng, đá xanh, đá trắng nằm ngổn ngang với đủ mọi hình thù. Đá lăn từ trên núi xuống, đá ngoi từ dưới đất lên, có hòn chồm lên nhau như chơi trò nhảy ngựa, có hòn nằm phơi ra sảng khoái giữa thảm cỏ may lất phất ; hòn thì khom mình như chuẩn bị bật xa… Còn các cây bụi thì cứ hồn nhiên nhảy múa, nô đùa, len lỏi giữa các hòn, các khe đá, tảng đá, tranh nhau mọc lên. Có đám dây bụi yêu kiều nằm lả lướt trên lưng một anh đá lớn thả xuống những chùm hoa nhiều màu sắc, thơm ngọt ngào.

Ảnh minh hoạ internet

        Dù đã quá quen mà trống ngực đứa nào cũng đập thình thịch, mắt vẫn hau háu nhìn về phía trước, nơi có bao điều thích thú. Hít một hơi thật sâu, tất cả ào ra như tắm suối. Chẳng đứa nào chịu làm cái công việc đã dự định ngay, mà tất cả đều xớn xác tìm kiếm những thứ quả rừng chín mọng. Chúng líu lo, thích thú khi chỗ này khoe tìm được một bụi cây gạo rang từng chùm, từng chùm chín đen, ngọt lịm. Chỗ kia hớn hở khi phát hiện ra một lùm sim trĩu quả. Chúng với tay tuốt rồi vã tất cả nắm quả chín vào miệng, nhai ngấu nghiến, mắt lim dim tận hưởng vị ngọt thanh mát mà quên rằng mồm mép đã bị nhuộm đen bởi thứ quả hấp dẫn ấy. Có đứa khôn không dám ăn vì sợ để lại dấu vết. Chúng tìm hái những quả sim chín mọng tím, căng tròn lấp ló sau những tán lá lum xum. Thứ quả chín là mềm nhũn, cho vào mồm cắn đến gần sát cái núm quả xinh xắn như bông hoa nhiều cánh, mùi thơm ngọt ngào khiến cánh mũi phập phồng hà hít, vị lịm mát quyện với vị chan chát của những hạt li ti làm chúng mê mẩm. Vài đứa thích Nhâm nhi, một thứ quả nhỏ bằng đầu ngón tay út, như viên ngọc trai đen bóng bẩy hình bầu dục. Nhẹ nhàng hái từ cái dây leo chằng chịt quanh hốc đá, cầm bằng ngón cái và ngón trỏ đưa lên miệng, bóp nhẹ cho vỏ tuột ra, phần hạt nằm gọn trong khuôn miệng lem luốc của những đứa trẻ, chúng tận hưởng thứ nước ngọt mát thơm lừng của quả rồi thổi phù  hạt bắn khắp nơi lẫn vào những hạt phân dê vương vãi.

Những gương mặt phởn phơ thích thú, cười nói huyên thuyên. Có đứa cao hứng trèo tót lên mỏm đá cao nhất cong cổ lên gào một câu hát quen thuộc. Bọn ở dưới ngoặt ngoẹo cười, hái quả xanh chọi nhau làm huyên náo cả một vạt đồi. Rồi đứa thủ lĩnh tuyên bố: “ Bắt đầu vào việc thôi !”. Cả bọn nháo nhác lấy liềm, găng tay tỏa đi các hướng bắt đầu trổ tài. Lại một cuộc thi ngầm, đứa nào cũng cố chặt cho thật nhanh, thật nhiều, chọn cây đều, đẹp, thẳng để cuối cùng đọ kết quả, rồi bình luận sản phẩm, rồi khen chê… Tiếng liềm phạt vào thân cây bụi nghe xoạt xoạt, mùi hăng hắc của cây dại bị đốn ngã tỏa lan khắp một vùng. Phần lớn những cây chúng chặt là cây phân xanh, thân mềm, thẳng, nhỏ, dễ nhóm lửa, lửa cháy đều và không khói.  Vừa làm vừa hát, vừa làm vừa tranh thủ bỏ tọt vào mồm những quả chín phơi ra mời gọi. Vừa làm vừa kể chuyện thầy này dạy tốt, cô kia tâm lý. Đứa này vô duyên, đứa kia điệu đà… Cứ râm ran, rộn ràng thế. Chẳng mấy chốc đã được cả đống. Chúng đi gom củi lại và bắt đầu ngồi xếp và bó thành bó vừa tầm đội. Nhìn mặt mũi nhau như hề, chúng lè lưỡi thật dài để cố cho cái mắt kiểm tra xem lưỡi hết màu quả rừng chưa , ha hả cười. Để đảm bảo chắc chắn. một đứa đi kiểm tra, bắt đứa này phải chùi mồm, đứa kia phải ra hục nước rửa tay kẻo lộ hết bí mật. Khi yên tâm chúng mới đội củi về. Có đứa mải chặt, củi to hơn người, không đội về được ngồi khóc. Đứa lớn nhất lại phải đổi bó đội về tận cuối vườn, chỗ giấu thành quả cho.

Lại một cuộc đua maratong trên đường về nhà để còn kịp làm những việc mẹ giao. Điều hãi hùng nhất với chúng là bố mẹ đi làm về giữa chừng, bắt quả tang để nhà đấy đi làm “những việc không ai khiến”. Hoặc về đến nhà không kịp làm hết việc mẹ giao sẽ bị phát hiện và đánh đòn. Có đứa mẹ giao việc hóc búa mà vẫn ham đi cùng lũ bạn, đi về liền một lũ rủ nhau làm giúp, xé cua, giã cua cả giỏ. Điều chúng ghét nhất là việc phải ngồi cả nửa tiếng đồng hồ để nhặt sạch những hoa cỏ may găm khắp quần áo, xóa sạch dấu vết ở rừng.

Tuổi thơ chúng tôi cứ lớn lên như thế, bắp tay đứa nào cũng tròn lẳn, đen nhẻm. Đứa nào cũng ăn to nói lớn. Đứa nào cũng nhanh nhẹn, hoạt bát. Hơn nửa đời người, quay trở lại miền đất cằn sỏi đá ấy, con đường đất sỏi ngoằn ngoèo len lỏi giữa những bụi cây rừng nay đã thay bằng những dải đường đá mạt rộng mênh mông; cánh đồng được cải tạo, trồng thêm vải, thêm chuối; những hòn, những tảng đá rủ nhau nằm gọn thành đống. Đứng trên đỉnh dốc cao nhìn ra xa thẳm, chỉ còn thấy những dãy núi trập trùng, nhấp nhô là quen thuộc. Bất giác, trong gió đồi lồng lộng, lòng rộn ràng nhớ khi vẳng nghe một tiếng mẹ gọi chiều: “Cò ơi…Mang “dạ” về đây!”

Vũ Nguyệt Khánh Phượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: