Chuyện tôi học lái xe – Trịnh Đình Thanh

27/04/22 – 06:04

Ảnh minh họa: Trịnh Đình Thanh cung cấp.
Thời trai trẻ, anh em trong cơ quan rủ nhau đi học lái xe (Bằng B2). Nhưng tôi không tham gia. Lúc đó, tôi nghĩ, đường Sài Gòn đông đúc thế, chạy xe cũng sợ, nên dứt khoát không học lái xe. Nếu có đi đâu thì cứ gọi Taxi đi cho an toàn.
Cách đây vài năm, vợ tôi đăng ký học lái xe. Tôi cản, nhưng vợ tôi vẫn quyết tâm học, kết quả sau 6 tháng học và thực hành, cô vợ cũng vượt qua được kỳ thi cuối khóa và nhận được bằng B2. Có bằng rồi, cô ta mua lại con xe “cỏ” của một người bạn ở Bình Dương và tự chạy về nhà an toàn (đoạn đường dài khoảng 30 km).
Tôi trách vợ:
– Em liều quá. Mới biết lái xe mà chạy đường xa, phố xá đông đúc, lỡ có chuyện gì thì làm sao ?
Vợ cười, nói tỉnh bơ: – Nhát như anh, thì bao giờ mới chạy được xe. Quan trọng là phải biết vận dụng linh hoạt những điều mình đã có được trong quá trình học lái xe. Đấy, anh thấy em chạy từ đó về đây an toàn mà.
Những ngày sau đó, có việc về quê vợ Củ Chi, tôi thường ngồi ghế phụ, vợ chạy xe ngon lành. Làm “Cơ phó” hoài, nhiều khi cũng “ái ngại”. Mình là đàn ông mà. Thế là tôi đăng ký khóa học tại Trung Tâm Đào Tạo Lái Xe của quận. Giáo viên hướng dẫn tôi là một anh chàng cao, to, đẹp trai. Anh luôn vui vẻ, hướng dẫn nhiệt tình, chỉ bảo từng li, từng tí. Vì học một thầy, một trò, nên tôi có nhiều thời gian thực hành trên sa hình và đi đường trường. Chạy xe đường trường mà có giáo viên hướng dẫn ngồi bên cạnh là rất yên tâm. Mọi lo lắng, bất an, bị đẩy lùi.
Một lần anh rủ tôi đi đường trường (Sài Gòn – Tây Ninh). Trước khi đi anh nói:
– Lượt đi em sẽ cầm lái, để bác ngồi ghế phụ quan sát địa hình, địa vật và xem em xử lí các tình huống. Lượt về, bác cầm lái nhé.
Trên đường đi, tôi quan sát phía trước và để ý xem cách anh ta xử lí. Có những đoạn đường quanh co, tôi thấy tay trái anh vê vô lăng, chân trái đạp côn, chân phải nhả ga, tay phải gạt cần số. Mọi động tác rất uyển chuyển và nhịp nhàng. Tôi thích nhất đoạn xem tay anh ta vê vô lăng, lúc sang trái, lúc qua phải, nhìn rất mềm dẻo, y chang đang múa. Tôi buột miệng khen:
– Nhìn anh lái xe, tôi rất ngưỡng mộ. Tôi ước, sau này được bằng một nửa của anh là tôi mãn nguyện rồi.
Anh cười rất duyên: – Bác khen em vậy, nhưng vợ em, cô ấy vẫn chê em đó.
Tôi ngạc nhiên: – Anh cứ nói đùa, chê là chê thế nào? Trong con mắt tôi, anh là “tay lái lụa”.
Lúc này anh càng cười to hơn và “hồn nhiên” kể: – Như bác biết đấy, bọn em làm việc cả ngày, hết chạy Sa hình, lại chạy đường trường, nhiều hôm về nhà cũng mệt mỏi, nên việc “trả bài” rất “sơ sài”, không làm cho “đối tác” hài lòng. Một lần, trước khi đi ngủ, cô ấy “giảng bài” cho em rằng: – Anh mang tiếng là dân đào tạo lái xe mà không tuân thủ nguyên tắc là: khi lên xe, ổn định chỗ ngồi, mở khóa, khởi động cho máy chạy một lúc, để Nhớt nó chảy đều khắp các bộ phận trục khuỷu, khớp nối, bánh răng, thì động cơ làm việc mới trơn tru. Sau đó đạp côn, vào số, tăng ga từ từ, chạy ổn định rồi, tiếp tục lên số, tăng ga, khi đó xe sẽ chạy bon bon. Đến những chỗ đường cong mềm mại, anh phải nhớ nguyên tắc là: “tiến bám lưng, lùi bám bụng”, khi đó anh sẽ cảm thấy sung sướng, vì mình lái xe an toàn. Nghe tới đây, tôi phá lên cười. Nhìn mặt anh tỉnh queo, tôi lại càng buồn cười không dừng lại được…
Câu chuyện sinh động của anh, đã khái quát phần nào về mặt lý thuyết, cũng như thực hành cho học viên học lái xe như tôi. Cảm ơn anh giáo nhiều lắm.
TRỊNH ĐÌNH THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: