28/05/22 – 03:05
Điệu nhảy sạp xòn đô giục giã, bước chân cô gái Thái nhịp nhàng như tiên nữ quanh bếp lửa, mời khách thưởng thức thứ rượu cần ủ men lá thì đó là lúc dâng trong ta thứ men say bản làng – men vùng rừng núi – con người Con Cuông.
Đến Con Cuông ta đắm chìm trong kỷ niệm của “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” khi Lê Lợi đưa quân đánh đuổi giặc Minh trong thế chẻ tre. Con Cuông trùng điệp rừng núi, dòng sông Giăng uốn lượn lúc hiền hoà lúc réo rắt giận dữ. Mùa lũ Chôm Lôm năm nào còn tức tưởi tiếng oán hờn dòng lũ đã cuốn đi linh hồn thơ dại ê a đến trường. Sông Giăng giận con người cứ làm đau những cánh rừng già, cứa những kim loại vô tình lấy đi những tán cây già nhất, to nhất mà rừng chắt chiu hàng trăm năm mới có được cây gỗ như vầy. Những năm trời tháng 8, Sơn Tinh nhìn Thuỷ Tinh dâng ngọn nước luồn lách cả vào thị trấn, phố núi băng băng một màu đùng đục, những con mắt bản làng ngơ ngác. Cánh rừng quốc gia Pù Mát ẩm ướt cả một mùa mưa vừa ngăn dòng chảy trấn an Thuỷ Tinh, vừa vỗ về con người tăng sức chịu đựng.
Rừng khóc. Những phiến gỗ thi thoảng vẫn nhận được sự trầm trồ của người này người khác bởi hoa văn, đường kính đã minh chứng cho tuổi gắn bó với rừng. Người ta ỳ ạch kéo nó trong rừng sâu bằng sức trâu, sức người, rồi người ta lại dùng sức người bốc dỡ vụng trộm trong đêm vắng, khi mọi người chìm trong bóng đêm để những chuyến xe lầm lũi vận chuyển về xuôi. Nhưng đó là nỗi đau trước đây của Đôn Phục, Bình Chuẩn, người khai thác gỗ làm đau rừng khi lâm tặc đã phá tan sự yên tĩnh vốn có của những cánh rừng. Đêm xuống, trăng soi trên cánh rừng, toả thứ ánh sáng diệu vợi. Những con vượn, con cheo không ngủ rúc tiếng gọi bạn tình thắm thiết. Các loại côn trùng khác hợp xướng một dàn âm thanh hiển diện cho sự sống, tuy khắc khoải nhưng cũng là bền vững. Chỉ có những con người, đêm đêm hay ban ngày đều thấy tương lai chỉ một màu bảng lảng sương khói, vừa gần vừa xa.
Rừng reo.
Tiếng củi cháy lách tách trong nếp nhà sàn người Thái. Sâu phía thượng nguồn sông Giăng ở bản Cò Phạt xã Môn Sơn người Đan Lai vẫn chưa quên phong tục ngủ ngồi, trẻ sơ sinh phải nhúng xuống suối, không quên nguồn cội “nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá”. Đó là sự ghi nhận thiên nhiên gắn chặt với con người, sống nhờ rừng nhờ sông đã chắt chiu những sản vật phục vụ cho đời sống tự cung, tự cấp của một tộc người nằm sâu trong lõi rừng Pù Mát. Cánh rừng nguyên sinh vẫn còn lại những con thú quý như vượn bạc má, sao la để rừng hi vọng vàng tươi của sự sinh tồn những loại thú trong sách đỏ đang có mặt tại Con Cuông.
Những người phụ nữ dân tộc Thổ, Mông, Thái, Đan Lai ở Con Cuông một đời ngẩng mặt nhìn lên là trời, nhìn ngang là núi, là sông. Lưng họ cõng cả rừng với những măng, rau, cá suối. Tay họ cào cấu rừng hay nhặt khoan trên khung cửi. Những người đàn bà biết ủ rượu cần, biết dệt những tấm khăn, tấm váy đa sắc màu, biết chặt nứa đan mây thành những đồ dùng mĩ nghệ tinh tế và tiện dụng. Nụ cười họ quanh quẩn bên chồng và những đứa con. Những tâm sự họ gửi vào con suối lúc chiều về khoan thai vùng vẫy bên dòng mát trong ngần. Tâm sự họ gửi vào rừng, tiếng nói trong vách núi thì vọng lại, tiếng nói trong rừng thì hun hút. Vậy là cả cuộc đời quanh đi quẩn lại bằng ấy sự tiếp xúc, sinh ra, lớn lên, trưởng thành, làm vợ, làm mẹ, làm bà chỉ là rừng với núi, sông với suối.
Lễ gọi vía về ăn Tết của người Thái Con Cuông đã buộc chặt tình cảm keo sơn trong gia đình. Chợ Mường Quạ là mong ước đặt chân của người bản sau những ngày mệt mỏi, họ thấy niềm vui bên những con người – bao sản vật – những trò chơi dân gian không bị thất truyền, thậm chí còn lan truyền cho mọi du khách đến chợ.
Trở lại Con Cuông, đi sâu vào lõi rừng Pù Mát, dừng chân bên thác Khe Kèm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Thác đã điều hoà thời tiết nóng cháy nơi miền Tây xứ Nghệ, tung giải lụa trắng ngần giữa rừng cây xanh rồi đổ ào xuống thung núi ở độ cao 500 m. Thác hòa tấu bản tình ca đại ngàn, át đi vẻ âm u của rừng nguyên sinh, những đàn cá ria tung tăng bơi lội, dạn dĩ, rỉa ngón chân tay, kích thích con người hòa với nước. Thác là bạn người lúc vào hè oi ả. Thác tri kỷ với rừng quanh năm dù nắng, dù mưa. Có thác, người đến với rừng, bớt đi sự hoang vu hun hút. Có rừng, người khỏi chơi vơi với nắng dãi mưa dầm và gió Lào khô rát khắc nghiệt.
“Tiếng đồn cá mát sông Giăng
Dẻo cơm Kẻ Quạ, ngon măng chợ Cồn”
Câu ca xưa đưa ta lại ngược dòng sông Giăng, theo con thuyền đi giữa dòng xanh văn vắt từ đập Pha Lài (tiếng Thái có nghĩa là hoa trong lèn đá) vào bản Môn Sơn để thưởng thức đặc sản riêng có. Cá mát sông Giăng là đặc sản mà người Nghệ nào cũng muốn thưởng thức một lần để tự hào các loại cá đi vào thành ngữ “biển thu đao, rào rầm mát”. Cá mát do giá trị dinh dưỡng ăn vào “mát da mát thịt thường dành cho bà bầu hay do nó sống trong khe đá, nơi dòng nước mát lạnh để trở thành tên gọi mang tên đặc sản của miền quê. Nghề chài lưới lao động lúc sương giăng chưa tỏ mặt người để có con cá mát búng quẫy ở chợ sớm xôn xao, làm nên món cá nướng than, cá kho tương hột níu bước du khách thập phương chẳng muốn về.
Ta quay ra thị trấn, qua cầu treo đi vào bản Khe Rạn, xã Bồng Khê. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống giục giã trong điệu nhạy sạp, chung một sừng trong ché rượu cần lên men say. Ta đắm nhìn cô gái Thái yểu điệu, mắt long lanh đầy đốm lửa vui tươi quanh ché rượu và bếp lửa bập bùng, bản làng cùng chếnh choáng vít cần để say và vui, niềm vui cộng đồng với những làn điệu bâng khuâng “ai chưa say là chưa vui”.
Ta dẫn em đi Thẳm Nàng Màn ở Châu Khê, nghe chuyện tình trai gái nơi bản làng cách trở vì lễ giáo. Hang sâu, đầy thạch nhũ do thiên nhiên kiến tạo và do con người ghi dấu ấn những truyền thuyết mang đậm tính nhân văn, đó là cốt cách muôn đời người Thái trọng lễ nghĩa và thuỷ chung trọn cả kiếp người.
Con Cuông níu bước khách đến rồi trở lại bằng vẻ hiền hoà, bằng lòng mến khách hân hoan. Con Cuông làm say lòng du khách bởi rừng xanh, sông xanh luôn cuốn hút bí ẩn. Con Cuông, người đi xa lại nhớ về với những điệu nhảy sạp xao xuyến từ người già đến trẻ con. Con Cuông à, Con Cuông ơi, miền Trà Lân vẫn còn nhớ nhớ nhiều lắm đấy nhé.
Thu Thuỷ
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang