27/05/22 – 08:05
Mỗi dân tộc có một nét truyền thống đặc trưng riêng, ở người Chăm Hroi (xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) dù trải qua nhiều biến đổi nhưng tinh thần về văn hóa, phong tục của đồng bào vẫn được gìn giữ cho tới ngày hôm nay như: lễ bỏ mả, lễ đám cưới, lễ cúng nhà mới, lễ cúng đầu mùa, lễ đánh cồng chiêng… Trong các nghi lễ đó thì nghi lễ đám cưới theo truyền thống là đẹp và hay nhất của một đời người ở tuổi trăng tròn.
Sau khi nhà gái thấy mến và thích người con trai nào đó thì đầu tiên đại diện họ nhà gái là trưởng họ hoặc ông cậu ruột đến hỏi trưởng họ nhà trai, sau vài ngày thì trưởng họ nhà trai sẽ báo lại cho trưởng họ nhà gái (thường là ngày chẵn, theo quan niệm ngày lẻ không tốt trong cuộc sống hằng ngày…). Buổi gặp hai trưởng họ hỏi người con gái và người con trai có đồng ý không – Nếu đồng ý hai bên bắt đầu hẹn ngày tới hỏi cưới… Sau khi người con trai chấp nhận lấy người con gái đó thì họ nhà gái đại diện trưởng họ, cậu, anh tới hỏi cưới tại nhà trai, họ hàng nhà trai có mặt đầy đủ để nghe nhà gái trình bày và nhà trai chấp nhận lý do, khi đó phía nhà trai thường là người dì hoặc cậu, anh, chị bắt đầu ra điều kiện cho nhà gái thường là: bò đốt một con, bò sống một con, váy áo phong tục hai cái, một cái mền phong tục (cho cậu trai ruột của chú rể) và một cái ché rượu, còn trong ngày cưới thì phải đốt một con gà cho thanh niên, một ché rượu cần và một ché rượu để trước cửa đón khách nhà trai. Sau khi, nghe họ nhà trai đòi xong sính lễ, nếu họ nhà gái cảm thấy được, đồng ý thì bắt đầu hẹn ngày đến rước chú rể về nhà và bắt đầu hai họ nấu rượu ché chuẩn bị đám cưới cho chú rể và cô dâu.
Trong ngày rước chú rể, nhà gái chuẩn bị vật đi rước rể là: một con gà, cơm được bao bọc lại bởi lá chuối và lấy dây cột lại, một cái dao thái, một sợi dây chuyền rồi tất cả bỏ vào một cái gùi nhỏ, một cái vòng bằng đồng bỏ trong khăn, đại diện một người cậu (anh) nhà gái cầm vòng bằng đồng càng nhiều càng tốt (cứ một cái vòng đồng sẽ cho một cái anh, chị, em, cô, dì, chú, bác… miễn là cùng họ với chú rể), một cái chén, cái tô, một cái ấm nấu nước và đại diện một người họ nhà gái (thường là anh hoặc em cùng họ gần với cô dâu) gùi cái gùi đó và đi sang nhà trai.
Phía nhà trai chuẩn bị làm một gà, nấu cơm, một ché rượu cho dòng họ nhà gái uống. Khi nhà gái tới, thì hai bên họ ngồi lại. Phía nhà gái cho những gì mà nhà trai đòi về sính lễ lúc đi hỏi cưới, sau khi cho đầy đủ, bên nhà trai đồng ý thì nhà gái cho một cái vòng bằng đồng để làm vật chứng cho cuộc hôn nhân này, theo đó trưởng họ nhà gái ra điều kiện nếu chú rể bỏ con dâu thì phải trả lại tất cả lễ vật cưới nhưng gấp bốn lần… nếu nhà trai đồng ý thì bên nhà trai đại diện một người lấy cái vòng đồng, thường là bà dì chú rể nhận và tiến hành lấy dao thái cắt cơm được bao bọc bởi lá chuối và cứ một chén cơm, một miếng thịt gà cho từng người phía họ nhà trai, mẹ của chú rể thì được một chén cơm và miếng mạng sườn gà, người nhận cái vòng đồng thì được chén cơm, tỏi gà và một cái ché cổ. Khi chia đầy đủ rồi, nhà trai dọn cơm ra ăn, ăn xong rồi lấy ché rượu cho con trai họ cầm cái cần hút rượu chút rượu rồi chuẩn bị đi về nhà vợ.
Khi chú rể bước khỏi nhà thì đại diện nhà gái thường là anh hoặc cậu sẽ cầm cái khăn tay kéo chú rể đi về nhà gái, họ hàng nhà trai bắt đầu xin cái vòng đồng cứ một người một cái, khi tới nhà gái rồi thì bên họ nhà gái đốt (thui) bò (heo) làm thịt và một con gà cho thanh niên với một ché rượu kèm theo, một ché rượu để trước cửa đón tiếp họ nhà trai cứ ai lên nhà thì uống một chén rượu cần rồi bước vào nhà. Sau khi, làm thịt bò xong chuẩn bị nghi lễ cúng quảy cho đôi tình nhân kết duyên thành vợ chồng, có một thầy cúng và một ché rượu đổ nước đầy ché và cấm hai cái cần vào ché để hút rượu, đại diện một người dòng họ nhà gái ngồi bên trái cái ché và nhà trai ngồi bên phải cái ché, trước cái ché là một cái rìu và một cái bông vải, vòng bằng đồng và đôi vợ chồng, chuẩn bị cúng thì một bàn chân con gái ở dưới và bàn chân con trai đặt ở trên bàn chân con gái cùng dẫm lên cái rìu và một giàn cồng chiêng chuẩn bị đánh khi bắt đầu cúng quảy. Khi công chiêng đánh thì cũng là lúc ông thầy cúng bắt đầu khấn: “ Hỡi… tất cả thân núi, thân sông nước, tổ tiên hai bên họ hàng đã khuất gần xa hãy về đây chứng kiến cho đôi vợ chồng này, từ nay họ sẽ là vợ chồng của nhau có phước cùng hưởng có nạn cùng chia và cùng về ăn miếng cơm của vợ chồng mới, cầu mong các thân, tổ tiên cho họ có cuộc sống ấm no hạnh phúc, sống lâu trăm tuổi, con cháu đầy nhà, nuôi gà có gà, nuôi heo có heo, nuôi bò có bò đầy đàng, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt…”. theo thầy cúng Oi Đam kể lại cách cúng trong đám cưới phong tục đồng bào tôi.
Khi cúng xong thì họ chính thức thành vợ chồng, họ sẽ cầm một cái cần hút rượu trong ché và thầy cúng sẽ đổ nước vào là một tô, khi uống xong thì người con gái đeo cái vòng đồng cho chồng mình và con dâu lấy một tô rượu cần và một dĩa thịt cho mẹ chồng, chú rể lấy một tô rượu cần cho bố vợ, rồi nhà gái bắt đầu lấy từng ché rượu cứ một ché rượu cho một người họ nhà trai cầm cái cần uống thì phải có một chén thịt kèm theo, cứ như vậy khi nào hết họ nhà trai thì thôi… Sau khi làm lễ xong thì bắt đầu cho cả buồn làng vô tư, thoải mái…
Sáng hôm sau thì đi về lại nhà trai, đại diện nhà gái phải dắt một con bò sống để cho nhà trai như đã hứa, một cái ché cổ, hai cái váy, áo phong tục, một cái mền, một cái chén, một cái tô, một cái ấm nấu nước đem đi nhà trai, bố mẹ nhà trai thường là làm một con heo hoặc bò đốt ăn mừng cho con dâu mình. Sau khi làm thịt bò (heo) xong thì lấy một dĩa thịt, một ché rượu cho con dâu ăn và uống chút rượu. Sau khi bố mẹ nhà trai cho con dâu ăn xong rồi thì bắt đầu cho buôn làng ăn uống.
Sau hai ngày làm lễ đám cưới xong, thì con dâu ở nhà bố mẹ chú rể đúng ba ngày hai đêm thì họ hàng nhà trai bắt đầu dẫn chú rể về nhà bố mẹ con dâu, bố mẹ và họ hàng nhà trai thường cho con trai họ là: một con bò, một cái mền, một cái chiếu, một cái chén (bát), một cái tô, một đôi đũa,… để làm cơ sở làm ăn sau này cho con trai họ.
Ngày nay, do nhu cầu kinh tế, cơ chế thị trường ngày càng phát triển mạnh, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nhu cầu sống thay đổi tỷ lệ thuận với nhịp sống chung của xã hội, nên phong tục đám cưới của dân tộc tôi, cũng có sự cải tiến một số nghi lễ mới hơn như: nhà trai đòi hỏi phải có tiền mặt từ năm triệu trở lên đó là tiền công nuôi dưỡng của bố mẹ, vàng bạc một chỉ trở lên, nếu không có váy, áo phong tục thì đổi lấy một con bò, họ nhà trai ai nhận cái vòng bằng đồng chứng nhận cho đôi vợ chồng thì nhà gái cho bằng tiền mặt, khi cho con trai họ đi ở nhà vợ thì bố mẹ cho tiền, con bò, xe máy, vàng bạc… chuyện lấy vợ hoặc chồng không còn phụ thuộc vào bố mẹ sắp đặt nữa mà là tự nguyện đi tìm nhân duyên mình.
Nay không nhất thiết là con gái bắt buộc cưới con trai mà giờ gần như bình đẳng và không bắt buộc là gái cưới chồng phải về ở bố mẹ mình, mà cũng có thể ở bố mẹ chồng, tùy theo điều kiện thỏa thuận hai bên, nếu họ hàng nhà gái có chuyện xích mích với họ hàng nhà trai trước khi cưới con trai họ thì bắt buộc nhà gái phải đố một con bò (heo) để giải hòa, không còn đánh cồng chiêng trong ngày cưới, rước chú rể nếu gần thì đi bộ nếu xa thì đi xe máy hoặc ô tô, thuê rạp cưới hoặc nhà hàng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, quần áo, váy cưới và bàn ghế để ngồi ăn, thuê nhạc sống, thuê MC,… Sau khi tổ chức nghi lễ cưới truyền thống xong, thì thường còn tổ chức phần ra mắt chung vui gia đình, họ hàng, bạn bè xa gần về chung vui theo nghi lễ cưới mới, tiệc theo người miền Xuôi (Kinh) cũng giúp bà con họ hàng có một bữa ăn chung, cùng nhau tâm sự mùa màng, thăm hỏi chúc tụng lẫn nhau.
Còn trường hợp con trai lấy vợ trúng nhà gái không có điều kiện để cho vật sính lễ đúng theo phong tục dân tộc thì chỉ cần đại diện hai trưởng họ chứng kiến và đồng ý cho họ lấy nhau, làm lễ cúng một ché rượu, một cái rìu, bông vải và cái vòng bằng đồng, thầy cúng để xin tổ tiên chứng nhận cho họ và câu mong cho họ sống lâu trăm tuổi, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, nuôi con gì có con đó… như vậy là được.
Già làng Ma Bren ở thôn Ma Đao, xã Cà Lúi nói về phong tục cưới người Chăm Hroi hiện nay: “Tục cưới Chăm Hroi ở Cà Lúi là nét văn hóa truyền thống lâu đời, dân gian đậm đà màu sắc, giàu tính nhân văn. Nhưng xã hội phát triển ngày càng đổi mới, tôi khuyến khích làm đám cưới gọn nhẹ mà vẫn giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình”.
Nay Y Krư
Pingback: Đam Books dự Hội nghị CTV, tác giả tiêu biểu tại NXB Nghệ An - ĐAM BOOKS MEDIA