Tết để trở về – Tản văn Trần Thảo Vy

13/03/23 – 05:03

 

Tác giả Trần Thảo Vy

 

TẾT ĐỂ TRỞ VỀ

          Có ai ra đi mà không mong trở về

          Hai từ trở về, thật đầy đủ ý nghĩa trong một tiến trình của đời sống, nó trói gọn cả quá khứ và vị lai của kiếp người.

          Bởi khi ra đi từ lúc cơ hàn hay thất thế, ai cũng mong có ngày trở về rạng danh vinh hoa bái tổ. Không phụ công dưỡng dục sinh thành với cha me và dòng tộc. Vậy có trăm ngàn duyên sự ra đi… Cũng có cuộc ra đi khi tâm thức còn non dại. Để trở về trọn vẹn trong bầm dập ngũ sắc của  cuộc đời. Rồi cũng có đận ra đi không nỡ, để trở về. Trĩu gánh ưu tư đeo mang cả trời mong mỏi. Lại có khi đất không từ chối, xua đuổi người. Nhưng vì nghiệp duyên mà vẫn phải ra đi, tìm chốn dung thân neo bến đậu cho mình. Để rồi ngày trở về vẫn bồi hồi nao thiết rộn trong lòng.

          Cuộc đời có bao nhiêu chuyến xe xuôi ngược trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của kiếp người. Cũng chính là ra đi để trở về, dẫu biết rằng phải nương theo sự vận hành của đời sống. Nhưng có ai mà không cuốn theo trong cái quỹ đạo sinh diệt, ra đi và trở về. Và cuộc đời cho tôi chiêm nghiệm rằng, khoảng ở giữa hai đầu, đi về. Chính là được mất, bôn ba bươm trải, hỉ hả hay nhọc nhằn cay đắng rồi hân hoan. Bao nhiêu ấy cũng là gom góp chút mong cầu được thành tựu. Để trở về sơn phết màu áo gấm hoa, cho điểm xuất phát khởi đầu.

          Có ai sinh ra mà không có quê hương để trở về. Nhưng bạn tôi bảo, anh không còn quê. Kể từ khi mẹ anh ra đi về bên kia thế giới. Nghe chát chao làm sao. Phải rồi, cuộc đời buồn nhất là khi người ta có quê hương. Lại không thể trở về. Có những thứ thâm tình vỡ vụn và cứ thế vụt mất trong chính tầm tay mình, khơi loang nỗi niềm. Trong nỗi đau nhân thế rất đời đến xót xa. Còn tôi vẫn được trở về đất mẹ, trong cội nguồn chung của tất cả tôi và chúng ta.

          Mỗi khi tới dịp xuân về. Tôi lại được hít căng hương bùn non, nhớp lầy trong cái tiết xuân mưa phùn lép nhép cuối năm. Vậy mà trong tôi chẳng thể vơi bớt hanh hao của người con xa xứ lâu ngày. Con đường làng về quê nội, thắm đượm bao năm nắng mưa, quang cảnh già cỗi theo thời gian. Nhưng chưa bao giờ quê hương  hết dịu dàng, ôm ấp trái tim người đàn bà chai sạn trước nghịch cảnh như tôi.

          Tôi cứ lặng trong gió chiều xơ xác. Tim buốt nhói, khi chạm vào tầm mắt khung cảnh tiêu điều cuối đông. Day dứt ngay trong tầm thức, lực bất tòng tâm dâng trào trước cảnh sắc. Cỏ mọc um tùm quanh nấm mộ của cha tôi, trong khuôn viên tập kết mộ của dòng họ. Sống chết, âm dương cách biệt. Giờ chỉ còn trong làn khói tỏa. Loang dấu vết hư hao mênh mênh cùng đất trời. Nhưng thực tại đang hiện hữu một tôi sâu nặng. Thắp lửa lòng trong ngày trở về. Tạ tội cùng đất trời với mẹ cha một lòng hiếu thuận nhỏ nhoi. Một tôi cúi đầu, chỉ rơi đẫm lệ trước cha già mà chưa từng rớt lệ với đời, cho dù bị cuộc đời nghiệt ngã xô đẩy đầy vơi. Vậy thì giữa thực và mộng có khác gì, là ra đi để trở về?

          Và để rồi, năm nào tôi đứng giữa ngã ba đường phân vân đến tê lòng, khi ngả rẽ về nơi an táng của bà nội. Nếu muốn dâng hương, thắp nén nhang cho bà nội. Tôi phải đi vào con đường khác khu mộ của bên chồng hai bà nội, một dòng nhánh khác. Phải thật nhiều năm sau nay, tôi mới hiểu tường tận. Số phận của người đàn bà, có con dị bào như nội, đã từng phải sống trong dằn vặt như thế nào, khi có hai dòng con. Và cha tôi là  một minh chứng. Bà nội tôi đi thêm bước nữa, sau khi ông nội đi kháng chiến, hi sinh bỏ xác ngoài tiền tuyến. Ông nội thành liệt sĩ, gửi xác nơi nào không ai biết. Bao năm đồng đội, gia đình dòng họ Trần nhà tôi đi tìm mà vẫn biệt tăm, không dấu tích, chẳng biết thân xác nội tôi giờ thác nơi đâu.

          Người đi đi mãi không về, người nằm xuống dẫu có thấu lạnh xương cốt dưới ba tấc đất. Cũng đâu còn ai biết nỗi đau trần thế, trong đoản trường này của kiếp người. Chỉ còn lại tôi, một lữ khách tha hương, lặng lẽ khóc thương, bên những nấm mồ cô quả. Mỗi khi dịp xuân về. Tôi thay cha tạ tội với nội, tôi thay nội vuốt ve nấm mồ hoang lạnh của cha, như bù lại sự thiếu hụt tình yêu của mẹ từ thủa thiếu thời cha thiếu. Lần nào cũng thế dạt dào cảm xúc. Thấu động tâm can mãi trong những ngày cuối năm khi tôi trở về Việt Nam.

          Tình mẫu tử thiêng liêng hay tình thuận hiếu của hai người thân yêu trộn lại hòa quyện, dồn nén đau đáu mãi trong tôi, cứ thế nhòa mờ trên con đường làng…  Khuất dần sau bánh xe lăn vội, trong làn mưa phùn tháng chạp cuối năm.

          Nam Định nơi tôi sinh ra và lớn lên, hai tiếng quê hương cứ đong đầy trong ký ức tuổi thơ. Tôi cứ tha thẩn lần tìm kỷ niệm một thủa thanh xuân, trên những con đường xưa cũ, lòng khấp khởi khi xe vút qua ngôi nhà cũ. Nơi chứa đựng hồi ức, vui buồn của gia đình tình thân chòm xóm. Góc phố rêu phong, cây bàng già cỗi lẩn khuất trong làn mưa xuân giăng giăng mờ đục. Cứ dùng giằng hoang hoải, níu hồn người thứ lữ trở về. Để rồi tôi chẳng thể nào quên được Thanh Nam yêu dấu. Cho dù tôi có đi khắp chân trời góc biển, tôi vẫn muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn ấy.

          Hà Nội tấp nập, dập dìu đổi mới, hơi thở phố thị cứ hiện bày trước tầm mắt. Phố tan tầm ồn ào náo nhiệt, những gánh rong, những mẹt hàng quà vặt, mùi đồ ăn thơm phức quyến rũ kích thích khỉu giác. Tiếng rao lẫn trong tiếng chửi thề của ai đó làm nên một Hà Nội đầy đủ những thanh sắc, tạp âm vồm vã. Nhưng cũng lắng dịu nồng nàn biết bao, khi chạm vương nét cười, rực rỡ thanh xuân. Của người thiếu nữ ngang qua đường, với mái tóc dài duyên dáng thắm nét Á Đông, như cục nam châm, hút tầm mắt của tôi đến dịu dàng giữa dòng người tấp nập.

          Những bụi khói, những con đường tắc nghẽn, những vội vã xuôi ngược của nhân sinh trong những ngày cuối năm. Những khuôn mặt khắc khổ mưu sinh, dù ánh mắt bất an hay hân hoan của những người bán hàng rong trên đường phố. Cũng đủ khơi lên những nốt trầm trong cái vỏ thì thành đổi mới thức thời của Hà Nội.  Tất cả tổng thể hòa quyện như hơi thở ngày đông. Trong một bức tranh khổng lồ được phác họa, bằng khối màu muôn sắc từ cuộc sống, thi vị đến ngạc nhiên trong tâm hồn người trở về như tôi.

          Thật kỳ lạ khi người ta vội vã thì tôi muốn dừng lại, thứ người ta vứt bỏ thì tôi muốn nâng niu. Cảm xúc cứ lấp đầy trong tôi bằng những điều giản dị, xúc cảm cứ thoa loang lên tâm tư. Những bụi mưa li ti đầu xuân phây phất một tầng cảm thức mới, chậm rãi, trễ nải đợi chờ… Cứ thế tôi tận hưởng đúng nghĩa hơi thở cuộc sống trong những ngày ý nghĩa cuối năm Tết Nguyên đán.

          Tôi cứ lang thang một mình, khắp ngóch ngách phố phường, trong làn mưa xuân se se lạnh đầu đông. Tôi hân hoan hà hít mùi giấy ẩm mốc, trong một hiệu sách cũ ven đường bất chợt gặp. Tôi cứ ngẩn ngơ tiếc nuối mãi cái hương ổi nồng nàn vương trên phố tan tầm. Và tôi như kẻ điên thời 4.0, ngu ngơ như đứa trẻ lên ba trong mắt những đứa em phố thị. Chúng ngạc nhiên, khi mắt tôi sáng lên, sà xuống xin ngắt một nhánh mùi già của bà lão bán hàng, cài lên búi tóc như một kẻ du mục ngất ngây trong hương vị quê ngày Tết, trước ánh mắt trìu mến và nụ cười móm mém của bà cụ bán hàng.

          Hà Nội không vội được đâu, thế mà người cứ vội. Hà Nội cuốn hút lạ kỳ, gần lắm một cái chạm tay. Nhưng Hà Nội cũng cứ xa vời vợi trong tầm với của tôi. Để rồi khi nghĩ về Hà Nội tôi chẳng nỡ quên mà càng thêm nhớ mỗi khi phải rời xa Hà Nội. Thế đấy tôi cứ lạc lõng giữa Hà Nội, cứ cô đơn trong dòng người hối hả. Người thân và bạn bè cứ vội vã trong những vòng quay của cơm áo gạo tiền trong những ngày cuối năm. Tôi hiểu lắm, cuộc sống khiến cho họ chẳng đủ thời gian mà dành chút hương quê cho một cánh chim thiên di như tôi.

          Tôi trở nên thừa thãi trong những ngày cuối năm ngoài Hà Nội và lần nào tôi cũng vội vã ra đi. Tôi như chạy trốn cảm giác hụt hẫng của Hà Nội từ đó. Ra đi sớm cũng là để tình yêu Hà Nội trong tôi rộng hơn, tha thiết hơn… thêm cho lần trở về. Huế mộng Huế mơ…

Lần nào trở về, Huế cũng lặng dịu ôm ấp tôi yêu thương đến lạ. Huế đón tôi bằng những cơn mưa dai dẳng da diết, tĩnh lặng đến an yên. Người ta nói mưa Huế buồn, nhưng với tôi mưa Huế như một sự cột rửa tươi tẩm linh hồn cho một người đàn bà có qua nhiều vết tích  bậm giập cuộc đời như tôi.

          Dòng sông Hương Giang phù điêu bao mong đợi, chờ đón đưa thữ lữ thập phương về chiêm bái, điệu hò Nam Ai ngân nga phù trợ linh từ cho Bến Vân Lâu, níu người ghé thăm Huế đến nao lòng. Cầu Tràng Tiền thấp thoáng tà áo dài tím đến mộng mơ, bay nét trầm mặc trong gió chiều an yên đến lạ. Huế thâu nạp, hay Huế bằng lòng. Huế cho tôi được là chính mình trong cái bản ngã của người đàn bà tất bật cuối năm. Trong trọng trách của dâu trưởng, tôi tay năm tay mười thu vén tròn đầy. Trong ánh mắt hãnh diện của ba chồng tôi với bạn bè, khi cụ giới thiệu cô con dâu đất Bằc.

          Nhà chẳng có đàn bà, mẹ chồng tôi đã mất, nên mỗi lần trở về Huế là tôi được nhận cả trời yêu thương thâm tình. Tôi nợ Huế hay Huế nợ tôi.

          Lầu son, gác tía đền đài thấm mòn bước chân tôi vào những buổi trưa hè oi bức hay trở lạnh. Khi ai cũng tìm giấc ngủ trưa, thì tôi lại lần tìm vết tích thời gian trong Đại nội cấm thành.

          Những tích xưa, những dấu ấn phong khuê hoang phế còn sót lại. Nét trầm mặc nhưng vẫn sừng sững cùng chiều dài lịch sử. Tôi được ru mình trong thứ diệu vợi sóng sánh như mật vào những ngày cuối năm.

          Tôi như trốn cả thế giới trong không gian khuê các, cảm thương tích sử, chừ thương chi đến lạ giữa đất trời điêu linh, giữa cổ kim giao thoa, giữa thực và mộng. Có ai mà không bán linh hồn về quá khứ đặt mua vé khứ hồi trong tiền kiếp. Để mà hiểu nông sâu, mà tường tận duyên nghiệp ba sinh. Cho kịp duyên trả nợ đời, trả nợ tình trong duyên kiếp hiện tiền này.

          Huế tình đến vậy, Huế dịu dàng đến vậy. Nhưng Huế vẫn không giữ hết được hồn cốt của tôi. Một người đàn bà làm dâu xa xứ, chiều ba mươi Tết. Giữa những nét đài các mỹ miều bạt ngàn của hoa cúc đại đóa, cúc vạn tuế, cúc baby . Tôi lại khát khao mỏi mắt, một bình hoa violet mộc mạc trong gió ngày xuân mà nao nao ngấn lệ nhớ cha, thương mẹ ngoài đất bắc kinh kỳ . Giữa một rừng mai vương giả, tôi lại nhớ da diết một cánh đào phai trong buốt giá thẳm sương đêm. Hương cây mùi già xa ngãi phảng phất xông khói, quyện lẫn trong hương nhang thanh tịch, tẩy bụi trần. Văng vẳng tiếng cha tôi cất lên ấm áp, tắm nước mùi già rồi ăn cơm tất niên đi con gái. Cha ơi Huế đón Tết trong cung cách đình các. Hà Nội đón Tết theo cách của người Hà Nội. Còn nơi đây, con ước bao giờ mới lại được đón Tết cùng cha theo cách bình dị của gia đình mình cha ơi.

          Khi ở nơi này lòng lại nhớ nơi kia, làm thân đàn bà xa xứ, lấy chồng xa quê, chia năm xẻ bẩy mối tơ lòng, chan cho chọn vẹn bẩy phương tám hướng mà đặng nông sâu. Ăn Tết ở Huế, tôi lại thầm thương bà nội như thể thương mình đến trĩu lòng.Thương làm sao số kiếp đàn bà, khi đạt được được vuông tròn trăm mối thì cũng là lúc xanh xao cõi tơ lòng. Tôi lại nghĩ đến con trai lớn của mình đang lụi cụi bên trời âu, làm con dị bào, hay làm con của tôi chẳng phải thiệt thòi lắm sao.

          Quê hương ơi, nơi nào là nơi cho tôi neo đậu an yên. Nơi nào là nơi cho tôi được trở về trọn vẹn mãi mãi?

Xuân Tân Sửu 2021

(Dị bào trong sách cổ Tử Vi luận giải nghĩa là con hai dòng, con cùng cha khác mẹ, hoặc cùng mẹ khác cha ).

Bài đã đăng báo và in sách chia sẻ cùng bạn đọc xa gần.

Ảnh tác giả

Trần Thảo Vy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: