25/11/21 – 04:11
BAO GIỜ CON VỀ?
(Kính tặng cha mẹ của con)
Tản văn
Vậy là con xa nhà đã hơn bảy năm, ba năm cấp ba rồi bốn năm đại học. Thời gian đằng đẵng trôi đi, con càng đi càng xa nhà. Thời gian con được gặp cha mẹ ngày càng ít đi và ngắn lại. Những bận rộn đời thường, những vui buồn cuộc sống cứ cuốn con đi. Để rồi khi nhìn lại, tháng ngày trôi đi như một bản nhạc thu sẵn cứ thế chạy hoài.
Ba năm cấp ba học nội trú, những ngày đầu xa nhà, lạ lẫm bỡ ngỡ trong môi trường mới không có cha mẹ bên cạnh, con cảm thấy nhớ nhà, nhớ cha mẹ nhiều lắm. Lúc đó, chỉ mong sao mau đến cuối tuần để được cha lên đón về. Năm đầu tiên học nội trú, con không nhớ mình đã về nhà bao nhiêu lần, chỉ biết, mỗi lần về nhà là mỗi lần vất vả. Cha không quản đường xa đến tận trường đón con bằng chiếc xe Dream cũ, dưới tay lái lụa của cha, hai cha con nhẫn nại lách xe qua từng đoạn trên con đường đang thi công lổm chổm đá. Mẹ ở nhà chờ sẵn với những món ăn mà con thích. Canh cà đắng, lá mì xào sả, canh môn nấu đặc,… nhiêu đó thôi, bình thường giản dị mà con ăn cặm cụi một cách ngon lành (ở trường nội trú đâu có những món này). Mẹ nhìn con, có lẽ trong lòng vui nhiều hơn.
Rồi khi con quen hơn với môi trường nội trú, những người bạn trở nên thân thiết hơn, con tham gia hoạt động đoàn hội nhiều hơn, rồi việc học hành, hội họp, văn nghệ được dành san sẻ trên chuỗi thời gian của con. Con đường đang thi công ngày nào giờ đã hoàn thành, chiếc xe Dream cũ giờ chạy êm ru trên con đường mới trải nhựa nhưng thời gian con về nhà ít hơn trước, con không còn nhiều thời gian ngóng chờ ngày cuối tuần để cha lên đón về với cha mẹ. Cuối tuần con vẫn còn nhiều việc khác để làm.
Hết cấp ba, con thi vào đại học. Giấy báo nhập học từ Sài Gòn gửi về, con vừa mừng vừa lo, dọn dẹp đồ đạc cho vào vali chuẩn bị chờ đến ngày nhập học. Hơn 400 cây số, khoảng cách giữa con và cha mẹ bây giờ xa hơn rất nhiều so với hồi con học nội trú. Sẽ chẳng còn những chờ mong ngày cuối tuần để được về thăm nhà, sẽ chẳng còn thường xuyên những lần mẹ ở nhà chờ sẵn với những món ăn mà con thích, lặng lẽ nhìn con ngồi ăn một cách ngon lành những món mẹ vẫn nấu. Con học xa, một năm cố gắng về nhà được hai lần, dịp tết và nghỉ hè.
Thời con đi học điện thoại còn hiếm lắm, tới năm con học lớp 12 cha mới sắm được cái điện thoại để nghe mỗi khi con gọi về, thay vì trước đó cứ phải gọi nhắn nhờ điện thoại bàn nhà hàng xóm gần đó mỗi khi con gọi cha lên trường đón hay có việc gì quan trọng. Bản thân con phải lên tới đại học, dành dụm tháng lương đầu tiên con mới đủ tiền mua chiếc điện thoại cũ vì đi làm thêm, ông chủ chỗ con làm nói con phải có điện thoại liên lạc để tiện xếp ca giao việc. Có điện thoại, mỗi lần con gọi về, hỏi dăm ba câu là cha đã nhắc nhở tắt máy vì sợ tốn tiền, cha bảo để dành tiền mà ăn uống, học hành. Con học xa nhà, nhà lại không khá giả gì, nên con tranh thủ làm thêm đủ thứ việc, từ đi bán hàng, đi dạy thêm, đi làm công nhân thời vụ; con cũng không dám lơ là việc học, không cúp học buổi nào. Có lẽ cha mẹ an tâm về việc học của con nên chẳng bao giờ hỏi han nhắc nhở con chuyện học hành; cha mẹ vẫn luôn tin tưởng con, bởi vậy con càng không dám làm điều gì khiến cha mẹ phải buồn. Mỗi lần cha gọi điện, điều đầu tiên cha hỏi là sức khỏe con thế nào, ăn uống đầy đủ không. Có lẽ hồi ở nhà con hay đau ốm vặt nên cha mẹ càng lo cho sức khỏe của con hơn.
Năm đầu đại học, lần đầu tiên con về thăm nhà, không phải dịp hè hay tết, mà là lúc cha bị u gan phải nhập viện mổ. Cả nhà giấu không cho con biết chuyện, nhưng cách hỏi thăm của cha khác mọi ngày khiến con lạ lẫm, gặng hỏi hoài cha mới nói. Kinh tế gia đình mình đổ dồn lên vai mẹ, lúc đó mẹ cũng chẳng khỏe mạnh gì, mẹ bị bệnh khớp mãn tính. Đàn bò mẹ nuôi định để dành cho con đi học lần lượt ra đi để lấy tiền chữa trị cho cha, gia cảnh nhà mình càng thêm khốn khó. Cha nhìn con, mắt cha buồn lắm, hỏi con ăn uống kiểu gì mà người gầy đi. Thực sự lúc đó con cũng gầy đi mấy kí, có lẽ do môi trường ở đó không hợp, hoặc do con thức khuya nhiều, con cũng không rõ nữa.
Con òa khóc khi ôm tạm biệt mẹ trước khi vô lại Sài Gòn học tiếp, mẹ vỗ về, trách yêu sao con lại chọn đi học xa thế giờ còn “mít ướt”. Đã có lúc con thấy hối hận vì chọn học xa nhà thay vì chọn ngành sư phạm học ngay gần nhà. Nhưng rồi con cũng tặc lưỡi, lỡ chọn rồi thì ráng học cho xong thôi. Con lao đầu vô học, cố gắng không bỏ môn nào, lại đăng ký học vượt vài môn, chỉ mong mình học xong rồi tốt nghiệp sớm. Ban ngày đi học, ban đêm con xin được việc làm thêm bên tổng đài trực điện thoại, cũng được một khoản trang trải hàng tháng đỡ phải xin tiền nhà. Con nằm viện mất một tuần mà không cho cha mẹ biết, cũng may kỳ đó con được học bổng nên có tiền đóng viện phí mà không phải vay mượn. Sau này con mới kể cho mẹ nghe việc con nằm viện, mẹ la con một trận rồi thở dài.
Thấm thoát gần bốn năm đại học trôi qua, mỗi dịp hè hay tết là cha mẹ lại mong mỏi đến lúc con về nhà, dù con về lúc trời vừa tản sáng hay khi đêm đã khuya, cha mẹ vẫn đợi cửa, đợi điện thoại của con bằng được, thấy con về đến nhà an toàn mới thở phào nhẹ nhõm. Con về thăm nhà, chỉ ra vào quanh quẩn chẳng đi đâu, ở được vài ngày rồi lại đi, nhưng những lúc đó thấy cha mẹ vui lắm. Nhà mình chỉ có ba người, con đi vắng chỉ còn cha mẹ ra vào với nhau. Mẹ nuôi thêm con chó con mèo, lâu lâu lại chửi mắng chúng khi chúng ăn vụng hay chạy lung tung trong nhà. Nghe mẹ chửi con chó con mà cứ như đang la đứa trẻ vậy. Con về thăm nhà, nhà mình trở nên rộn ràng hẳn, cha mẹ vui vẻ hơn. Thành ra, việc con về thăm nhà giống như một điều gì đó thật lớn lao và luôn luôn được mong đợi. Con không muốn cha mẹ lo, nhiều hôm về gần tới phố mới gọi điện nói cha ra đón, cha lục đục lái xe đi, vẫn là chiếc xe Dream ngày nào. Cha mẹ trách sao con về mà không báo trước, con chỉ cười trừ, muốn làm cha mẹ bất ngờ và không phải hồi hộp chờ đợi chuyến hành trình dài của con.
Con học vượt được một học kỳ, hoàn thành chương trình sau ba năm rưỡi thay vì bốn năm như bình thường, con về thăm nhà, nhân tiện thăm dò công việc gần nhà, nhưng không có gì khả quan cả. Con xin cha mẹ cho ở lại Sài Gòn một vài năm để đi làm lấy kinh nghiệm, ít ra ở thành phố lớn cũng dễ xin việc hơn ở quê. Học xong, thời gian của con thư thả hơn, con xin được việc ở một công ty tư nhân, ngày đi làm, tối về nhà trọ, bây giờ con rảnh rỗi hơn thời đi học, con không phải thức khuya dậy sớm, ban ngày chỉ lo làm rồi tối nghỉ ngơi. Con hay gọi điện về, cha cũng hay gọi điện vô, cứ vài ngày mà không thấy điện thoại của con là cha lại lo lắng. Và, đã thành thói quen, mỗi lần gọi điện cha lại hỏi, “Bao giờ con về?”. Trước đây, khi còn đi học, cha ít khi hỏi câu đó, kết thúc cuộc thoại cũng chỉ dặn là khi nào rảnh, có thời gian thì về thăm nhà. Còn bây giờ, con học xong rồi, lần nào nói chuyện cha cũng hỏi câu đó. Con trả lời cha, nửa đùa nửa thật, khi nào xin được việc ở quê có chỗ đi làm, khi đó con về. Cha lại tích cực nghe ngóng xem gần nhà có chỗ nào tuyển người, trong tỉnh có chỗ nào còn thiếu nhân sự, lại hỏi han bạn bè, họ hàng xung quanh xem có chỗ nào để xin cho con vào, rồi lại ngậm ngùi vì vẫn chưa có tin gì khả quan cả. Đồng nghĩa với đó, ngày về của con vẫn còn xa vời lắm…
H Xíu H Mok
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang