Krư – người con hiếu học của làng Ma Đao

01/12/21 – 09:12

 

Nay Y Krư, người dân tộc Chăm Hroi, cất tiếng khóc chào đời vào một sáng mùa xuân năm 1991. Tuổi thơ anh gắn liền với những câu sử thi của bà, lời ru à ơi của mẹ. Và anh không nhớ tự bao giờ, những điệu nhảy a ráp, những tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội… ở làng Ma Đao đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) trong anh. Từ đó, anh nung nấu ý chí vượt qua bệnh tật, nghèo khó, với khát vọng: “Học để trở về giúp ích buôn làng”.

Nay Y Krư trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học Sư phạm Quy Nhơn – Ảnh: CTV

 

Vượt qua khuyết tật

Làng Ma Đao theo đơn vị hành chính là thôn, nằm cách trung tâm xã Cà Lúi 7km về hướng tây – xa nhất so với các thôn, cách trung tâm huyện Sơn Hòa 35km, cách TP Tuy Hòa hơn 80km theo quốc lộ 25. Ma Đao là địa bàn giáp ranh với xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, Gia Lai), giao thông còn đường đất cấp phối; muốn đi chợ trung tâm, người dân phải đến Trà Kê (xã Sơn Hội) cách 14km. Do điều kiện đi lại, mua bán trao đổi hàng hóa nông sản bất lợi, nên đời sống sinh hoạt của bà con còn nhiều khó khăn.

Là anh cả trong một gia đình thuần nông nghèo có bốn anh chị em, nhưng Nay Y Krư lại ốm yếu, sức khỏe kém hơn các em. Khi 5 tuổi, từ một cơn bạo bệnh không được chữa trị kịp thời, chân anh bị co rút cơ từ bàn chân đến cổ. Từ đó, chân phải anh ngắn hơn chân trái, nên việc đi lại không mấy cân bằng, vận động khó khăn. Mặc dù cơ thể khiếm khuyết nhưng anh sống lạc quan, hòa nhập và tích cực học tập.

Với một học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng xa trung tâm, việc đi lại học hành vốn đã vất vả, với một học sinh khuyết tật như Krư thì càng vất vả hơn gấp bội phần. Tuy vậy, anh luôn là một học trò chăm ngoan, một người con lễ phép. Một buổi đi học, một buổi anh tranh thủ đi chăn bò, lội sông mò cua bắt ốc đá, hái rau nút áo, hái măng giúp mẹ cải thiện bữa ăn. Những năm học cấp ba ở Trường THPT Phan Bội Châu, nhiều bạn nghỉ học dần, chỉ còn mình anh bám trụ với con chữ. Tốt nghiệp THPT năm 2010, anh ước mơ đến giảng đường đại học. Bởi theo Krư, chỉ có học tập mới giúp ích cho bản thân, gia đình và buôn làng, nhất là trong thời đại kinh tế tri trức đang ngày một rộng mở.

 

Chinh phục hai bằng đại học

Lần đầu gặp anh với bước đi hơi khập khiễng, ít ai biết rằng Krư có một ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục. Anh tâm sự: “Tôi ước mơ làm giáo viên nên đăng ký thi cao đẳng ngành Giáo dục tiểu học của Trường đại học Phú Yên. Học một tháng thì có giấy báo trúng cử tuyển Trường đại học Quy Nhơn nên tôi ra Bình Định học dự bị 1 năm (2010-2011) rồi học chính thức từ năm học 2011-2012, đến năm 2016 thì tốt nghiệp. Những năm tôi học ở Quy Nhơn, gia đình góp nhặt từng đồng để mỗi tháng gửi ra cho tôi 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nhờ khéo ăn khéo mặc, biết tiết kiệm nên tôi chi tiêu cũng đủ”.

Ra trường với tấm bằng cử nhân Sư phạm Toán, anh loay hoay không tìm được công việc. Không hề nản chí, anh tiếp tục đăng ký học đại học luật do Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên liên kết với Trường đại học Thái Bình Dương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) tổ chức. Một lần nữa, gia đình lại khó khăn nối tiếp. Ba mẹ không muốn anh học tiếp vì nhà không còn gì để bán, sức khỏe ba mẹ ngày một già. Nợ nần ba mẹ vay nuôi mấy anh em ăn học vẫn chưa biết cách nào để trả. Thế nhưng, thấy anh quyết tâm nên ba mẹ buộc lòng bán bò và vay mượn thêm để cho anh đi học đại học lần nữa. Nhà có đậu bán đậu, có bắp, sắn thì bán bắp, sắn để cho anh đổ xăng, đóng học phí. Mỗi ngày anh xuống tỉnh, mẹ dậy sớm dỡ cơm gạo với muối mè cho anh ăn sáng và trưa. Đường xa, từ nhà xuống trường 80km với nhiều đồi dốc, quanh co, những ngày mưa bão rất vất vả. Song không gì có thể tác động làm lay chuyển ý chí của anh. Chấp nhận gian khổ để đổi lấy tương lai, mỗi tuần Krư phải chạy xe 80km xuống Tuy Hòa để học, rồi vào tận trường chính ở Nha Trang để thi các học phần.

Mí Krư (mẹ anh) chia sẻ đầy hy vọng: Vợ chồng già, trong nhà không có gì nhưng cũng ráng lo cho cháu. Bồ lúa, con bò đã bán cả rồi, chỉ mong nó có cái chữ, có công ăn việc làm nuôi thân, giúp ích cho xã hội.

 

Khát vọng đóng góp cho quê hương

 Theo ông Sô Y Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, anh Nay Y Krư là hội viên Hội Người khuyết tật của xã. Anh luôn đi đầu trong các phong trào sinh hoạt Hội, thiết thực động viên người khuyết tật nơi đây sống vui, sống khỏe, sống có ích. Trong làng, xã, bà con có việc gì nhờ là anh sẵn sàng giúp đỡ như viết đơn, thư, tìm hiểu chính sách an sinh, kiến thức pháp luật, đất đai, kỹ thuật nông nghiệp… Anh còn tích cực tuyên truyền vận động bà con tuân thủ quy ước, luật tục của làng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hỏi về ước mơ, khát vọng gì sau khi tốt nghiệp đại học ngành luật, anh đáp: “Tôi mong muốn xin được một công việc nhỏ ở địa phương, để áp dụng kiến thức đã học giúp bà con buôn làng xây dựng cuộc sống mới, thoát cái nghèo, cái nợ, biết làm ăn, không lên rừng phát rẫy, đốt than, cưa gỗ, không nghe theo kẻ xấu, mà học theo, làm theo người tốt để làm ăn kinh tế, phát triển quê hương”.

Với nỗ lực học tập, rèn luyện, Krư vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bà con quý mến, yêu thương và tin tưởng giao phó công việc ở thôn. Già làng Ma Bren phấn khởi: “Nay Y Krư là đứa con của buôn làng Ma Đao này. Nó hiền như con nai dưới suối. Nó ham cái học, ngoan cái nết, chỉ tội là bệnh tật từ nhỏ. Trong làng có mấy ai học hết cấp 3, mà nó học tới cử nhân sư phạm, rồi giờ lại tiếp tục xuống núi học đại học luật nữa. Già thấy vui cái bụng khi trong làng có cử nhân luật trong tương lai, để giúp bà con biết cái đường, cái ngõ đi đúng, không chặt phá rừng, làm ăn đúng pháp luật. Làng Ma Đao bây giờ muốn phát triển phải trông cậy vào lớp trẻ, có kiến thức, biết vi tính, biết chính sách, biết làm ăn hiệu quả, già mừng cái bụng lắm!”.

Chia tay gia đình Krư, chia tay ngôi làng Ma Đao xa hút dần trong ánh nắng của ngày đầu năm mới, tôi vẫn nhận ra ánh mắt Krư sáng rực, dõi theo đầy niềm tin, hy vọng. Một thời gian không lâu nữa, anh sẽ tốt nghiệp đại học, nhận tấm bằng cử nhân luật. Hy vọng rằng anh sẽ ra sức đóng góp cho quê hương Cà Lúi thêm giàu thêm đẹp để xứng đáng với tiềm năng còn rộng mở của vùng đất này. Hình ảnh “một Krư” giàu nghị lực, chịu khó, cầu tiến vươn lên học tập sẽ là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ Sơn Hòa nói riêng, những con người thế hệ mới nói chung noi gương học tập.

Theo TS Nguyễn Nam Hà, Trưởng Khoa Luật, giảng viên Trường đại học Thái Bình Dương (Nha Trang) thì Nay Y Krư là sinh viên người dân tộc thiểu số duy nhất của lớp đại học luật khóa 2018-2020 mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên. Không chỉ thế, mặc dù là người khuyết tật, nhưng Krư có tinh thần cầu tiến, hiếu học. Trong quá trình học tập chuyên ngành, Krư rất chú tâm, áp dụng, vận dụng kiến thức chuyên ngành rất chắc. “Với thái độ, tinh thần và nghị lực học tập đó, tôi tin em sẽ là công dân có ích, đóng góp sức trẻ cho xã hội, xây dựng quê hương Sơn Hòa nơi chính em sinh sống. Em là tấm gương sáng vượt lên chính mình, chinh phục khó khăn để đến với tri thức”, thầy Hà nói.

 

NGUYỄN BÁ NHA

Xem nguồn bài gốc tại đây: Báo Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: