“Hoa đỗ quyên trên đỉnh Pha Luông” – Tác giả Nguyễn Hội (Long An)

08/03/22 – 04:03

Tác giả Nguyễn Hội

Y lời hẹn từ cuối Xuân năm trước, chúng tôi lên Sơn La vào giữa mùa hoa ban đang bung nở trắng cả núi rừng biên giới. Chuyến đi lần này được lấy cảm hứng từ những câu thơ bi hùng và lãng mạn hơn bảy mươi năm về trước của thi sĩ, họa sĩ tài danh, Đại đội trưởng trong Đoàn binh Tây Tiến, Quang Dũng: “… Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. 

    Theo sự sắp xếp chương trình và kế hoạch công tác, chúng tôi đi cùng các chiến sĩ Biên phòng trong tổ tuần tra, đồng thời cùng chinh phục đỉnh Pha Luông, cao hơn hai ngàn thước so với mặt nước biển. Trung tá Đồn trưởng Nguyễn Thanh Hải trực tiếp chỉ huy tổ công tác. Tờ mờ sáng, khi sương mù còn mịt mùng giăng khắp núi đồi biên giới, chúng tôi rời Đồn, di chuyển bằng xe gắn máy ngược dốc vượt qua điểm trường tiểu học Chiềng Ve, nhà văn hóa bản Pha Luông quãng gần mười ki lô mét để lên Trạm Biên phòng Pha Luông. Đây được xác định là điểm xuất phát.

     Khoảng chín giờ, mọi công tác chuẩn bị đã xong, ba lô đựng đầy nước uống, cơm nắm và đồ ăn. Chúng tôi bắt đầu khởi hành. 

      Đúng như những câu thơ mang đậm chất hội họa trong bài Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Con đường lên đỉnh Pha Luông vô cùng gập ghềnh và hiểm trở. Có những đoạn dốc ngược lên sáu bảy chục độ nghiêng. Chiếc xe gắn máy gồng mình hết sức cũng chỉ có thể đưa người lữ hành lên đến biển báo “Vành đai biên giới” là phải dừng lại. Kỳ thực đi xe máy lên được đến đây cũng đã là một kỳ tích. Bởi lẽ trời mưa, lối mòn, có chỗ chỉ rộng chừng bốn năm mươi phân, đất đá lổn nhổn, dốc thì dựng đứng. Nhiều lúc chiếc xe cứ chồm lên như con ngựa non muốn hất tung người cầm cương xuống đất. Đi được đến nơi, cả người và xe cũng bốn năm lần lăn kềnh ra đất, đá, đau điếng. Người thì tiếp tục cuộc hành trình còn xe thì chịu. Nó nằm đấy cho đến chiều. 

       Một đồng chí thanh niên trẻ đưa cho tôi cây gậy, bảo: Anh cầm lấy để đi cho vững. Tôi vội xua tay, anh không cần đến đâu. Cậu ấy bảo, anh cứ cầm đi không chốc nữa anh cũng phải lấy của em à. Tôi nghĩ bụng, vừa rồi anh em chuẩn bị đồ ăn, nước uống nhiều như thế giờ lại đưa cả gậy cho mình, chắc tình hình căng đây. Thôi thì cứ cầm cho chắc. Và quả đúng như vậy, đoạn đường đi xe gắn máy vừa rồi chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường với tất cả những gì gian khó còn chờ đợi thử thách phía trước.

         Chúng tôi bước vào cửa rừng bằng những bậc thang dựng ngược. Chúng được những người đi trước bạt núi một cách vội vàng, nham nhở. Con đường mòn ấy cũng đồng thời là đường nước chảy ngoằn ngoèo, lổm nhổm đất đá, rễ cây, cành gãy, củi mục, thậm chí có cả một cây gỗ lớn đổ ngang đường chắn giữa lối đi. Nhiều đoạn nước xói mòn, lâu ngày thành rãnh sâu hoắm. Có những cây mục nằm vắt ngang đường, nấm mọc lên chi chít. Có cả những chùm nấm linh chi tròn đều như những chiếc đĩa sành phơi ra đón nhận những tia nắng mặt trời hiếm hoi lọt qua kẽ lá. Đi qua điểm dừng nghỉ đầu tiên là đến một rừng trúc, người đi trước phải cúi mình vén từng cây mà chui qua. Rồi lại đến những đoạn đi qua rừng cây gỗ lớn, có những cây hai ba người ôm không hết. Nhiều chỗ anh em phải đu mình theo những thân cây để vượt lên phía trước. 

       Gần trưa, chúng tôi phải vượt qua những phiến đá tai mèo sắc lởm chởm, người đi trước phải kéo người đi sau để lên một điểm cao quan trọng. Từ đây rẽ sang bên phải đi chừng gần một cây số đường rừng, sau đó trèo lên một quả núi rồi trườn xuống phía dưới sẽ ra đến vị trí cột mốc 268. Nếu rẽ sang bên trái, đi xuống khoảng hai cây số đường rừng rồi trèo lên một quả đồi sẽ đến vị trí cột mốc 269. Đây là cột mốc cuối cùng của Sơn La. Qua bên kia, từ vị trí cột mốc 270 đã là địa phận biên giới tỉnh Thanh Hoá với nước Bạn Lào rồi. Ở trên điểm cao này có thể nhìn xuống Chiềng Sơn rõ mồn một. Những đám mây là là phía dưới thung lũng trắng muốt, bay lên, cuộn xuống chẳng khác gì một biển mây khổng lồ, bồng bềnh, bồng bềnh trên những đỉnh núi. 

     Phì phò thở trong cái mệt, tôi tưởng đâu đến đây thì đã gần lên tới đỉnh. Nhưng anh em bảo mới được hơn nửa đường thôi, nếu đi nhanh cũng phải hơn một tiếng nữa mới đến. Quả đúng như vậy, khi những tán lá rừng thưa ra, đỉnh Pha Luông sừng sững ngay trên đỉnh đầu. Nhưng còn cao và xa lắm. Vừa đi anh em vừa nói vui, tuy con đường gập ghềnh hiểm trở như vậy nhưng rất nhiều những chiếc Camry, Lexus, nhiều căn biệt thự đã qua con đường này để xuống bản hay về dưới xuôi đấy. Câu nói đầy ẩn ý của các chiến sĩ Biên phòng khiến chúng tôi thực sự suy nghĩ. 

     Địa bàn bản Pha Luông hay chính xác hơn là con đường chúng tôi đang đi được ví là “con đường tơ lụa” của các đối tượng vận chuyển ma tuý trên tuyến biên giới phía Tây Bắc. Bởi lẽ đây là con đường ngắn nhất dẫn từ tổng kho ma tuý “Tam giác vàng” qua tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào vào nước ta, thuộc địa bàn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Pha Luông vừa là núi cao, rừng sâu hiểm trở lại vừa là điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La, Thanh Hoá và nước bạn Lào. 

    Trên đường tuần tra, trinh sát Biên phòng phát hiện nhiều dấu vết, lối mòn của các toán vận chuyển ma tuý để lại. Chúng thường đi từ năm đến bảy tên, trang bị súng săn, AK, K59 có khi còn mang theo cả lựu đạn, sẵn sàng chống trả lực lượng của ta khi bị phát hiện, vây bắt. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, bọn chúng còn thuê những đối tượng cờ bạc, nghiện hút trong địa bàn làm “chim lợn” canh đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Từ con đường chính dẫn lên đỉnh Pha Luông, bọn tội phạm tỏa ra theo các lối mòn ấy để vận chuyển từng ba lô ma tuý vào các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Chiềng Xuân… thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Để rồi từ đây theo mọi con đường, qua mặt các lực lượng chức năng về xuôi, mang theo “cái chết trắng” cho xã hội. 

    Trong những năm qua, lực lượng Phòng chống tội phạm ma tuý của Bộ đội Biên phòng nói chung, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn nói riêng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý trên địa bàn đồn phụ trách, được cấp có thẩm quyền khen thưởng. Hàng chục chuyên án, vụ án lớn nhỏ với hàng trăm đối tượng đã bị bắt giữ. Có những chuyên án các anh triệt phá những đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia với tang vật thu giữ là hàng chục bánh heroin, hàng chục nghìn viên ma tuý tổng hợp. Những chiến công ấy xuất hiện thường kỳ trên mặt báo. 

    Để có được những chiến công đó, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ Biên phòng đã phải đổ mồ hôi, công sức thậm chí cả máu và nước mắt của mình để đánh đổi. Khó có thể kể ra hết những khó khăn, vất vả thậm chí là cả hi sinh mà các anh phải trải qua. Nhưng chúng tôi biết đó là trách nhiệm của người chiến sĩ Biên phòng trước Tổ quốc và nhân dân, đồng thời còn là “thương hiệu” của Bộ đội Biên phòng trong thời bình. 

   Mải say sưa với những câu chuyện của trinh sát Biên phòng trên trận tuyến phòng chống tội phạm ma tuý, chúng tôi đã lên tới đỉnh Pha Luông từ lúc nào không biết. Để lại mọi sự khó khăn của hơn ba giờ đồng hồ leo núi, đỉnh Pha Luông hiện ra trong mắt chúng tôi vô cùng kỳ thú. Mọi cảm giác mệt nhọc gần như tan biến. Thay vào đó là một niềm vui sướng tuyệt vời khi con người ta đã chinh phục được đỉnh cao của thiên nhiên và của chính mình. Trong làn gió mát rượi, cái đói, cái khát của người lữ hành phải nhường chỗ cho sự háo hức đi tìm cái đẹp. 

   Thật hiếm khi trên đỉnh Pha Luông mà trời lại trong xanh như hôm nay, anh bạn cùng đi nói vậy. Mọi khi ở dưới những thung lũng kia là biển mây trắng muốt. Đứng trên đỉnh Mũi Rùa mà chụp một bức ảnh thì chẳng khác gì ở trên trời cao mà nhìn xuống hạ giới. Nhưng hôm nay, từ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa chúng tôi có thể nhìn thấy gần như toàn bộ núi rừng cao nguyên Mộc Châu xanh mát. Ở bên trái là những quả núi xếp chồng lên nhau xám xanh trùng điệp, ở bên phải là thung lũng, cây rừng sâu thăm thẳm. Bên kia vách núi đã là đường biên giới Việt Nam – Lào. Từ trên cao hơn hai ngàn mét so với mặt nước biển vẫn có thể nhìn thấy rõ cột mốc 268, 269, dù chỉ nhỏ như cái dấu chấm đỏ trên bản đồ địa hình. Những sống núi gồ lên như sống lưng những con trâu khổng lồ, đang an lành gặm cỏ. Chưa ở nơi đâu chúng tôi được ngắm nhìn biên cương của Tổ quốc mình yên bình và hùng vĩ như ở nơi đây.

   Thiên nhiên ưu đãi cho đỉnh Pha Luông một không gian bao la và bằng phẳng đến không ngờ. Như có bàn tay của tạo hoá, những phiến đá phẳng phiu được sắp xếp trồi lên nằm giữa bạt ngàn những cỏ cây rậm rịt. Nếu muốn ngả lưng đôi chút, ta có thể nằm ngay ra đó mà cảm nhận cái không khí mát lành ở trên đỉnh núi. Xen kẽ giữa những vách đá, cỏ cây ấy là một loài cây vô cùng độc đáo. Đó, là đỗ quyên. Và ở Pha Luông, đỗ quyên chỉ mọc trên đỉnh núi. 

   Giữa tháng Hai âm lịch, đỗ quyên được tiếp thêm năng lượng từ những hạt mưa xuân ngày một dày thêm, để cho ra đời những nụ hoa căng mẩy. Khi mới sinh ra những cái nụ xinh xinh ấy chỉ nhỏ xíu như hạt gạo, đầu đũa. Đến trước khi bung nở thì nó to bằng đầu ngón tay cái người lớn, tím đỏ. Trong bạt ngàn đỗ quyên trên mặt bằng của đỉnh núi, thời điểm này chưa một cây nào trổ hoa. Hầu như tất cả đều đồng loạt ra nụ, to nhỏ khác nhau. Nhưng thật lạ, những cây mọc cheo leo bên vách núi thì đều đã trổ hoa. Những cành hoa đỗ quyên đầu mùa lung linh khoe sắc. Có phải những cây ở đây có nguồn năng lượng tốt hơn những cây mọc nơi bằng phẳng, hay vì một lý do nào khác?

    Hoa đỗ quyên khi mới nở thì hồng tươi, rực rỡ. Ở giữa là những nhuỵ hoa màu vàng nhạt. Càng nở, những cánh hoa càng xoè ra như cánh bướm và cái màu hồng tươi ấy chuyển dần thành phớt hồng và cuối cùng là màu trắng hồng thanh khiết. Khi viên mãn, hoa đỗ quyên to như một đóa hồng bạch. Nhìn xa xa ra các vách núi, từng khóm vài ba cây đỗ quyên chụm lại vào nhau đồng loạt nở hoa như những chấm sáng trong bức tranh về núi rừng biên giới. 

   Một điều lạ nữa, ở đây những cây đỗ quyên mọc nơi bằng phẳng thì chỉ cao ngang chân người, bụng người, cây nào cao lắm thì cũng chỉ lên đến ngang ngực người. Nhưng những cây mọc trên vách núi thì lại cao quá đầu người, có những cây cổ thụ tán rộng ba bốn người choàng tay, gốc cây hai ba chít tay không hết. Có cây mọc chon von một thân một mình cao đến năm sáu mét. Ở trên ấy nở những cành hoa trắng hồng thấp thoáng. Người ta bảo những cây đỗ quyên mà cao như vậy là quý và hiếm lắm, chưa nơi nào trồng được…

   Chúng tôi dùng cơm nắm với một ít đồ ăn mặn mang theo vào lúc hai giờ chiều để lấy sức xuống núi. Vẫn những con dốc hồi sáng nhưng cảm giác khi đi xuống thì lại hoàn toàn ngược lại. Nếu khi leo lên, độ dốc ngược khiến cho ta căng cơ mỏi gối bao nhiêu thì khi đi xuống, độ dốc xuôi khiến cho ta chùng cơ, rủn khớp bấy nhiêu. Nhiều đoạn phải vừa trượt, vừa chạy tồng tộc như xe đứt phanh. Nếu không chống gậy hoặc bám vào cây rừng thì có khi lăn quay tròn xuống dưới. Toàn bộ các khớp chân được một phen bủn rủn, rã rời. Đến khi cưỡi được trên lưng con ngựa sắt, xe gài số một, thả trôi chầm chậm, vừa chạy vừa vê phanh nhè nhẹ. Ấy vậy mà cũng đôi ba lần cả người cả xe ngã dúi ngã dụi xuống đất. Anh em lại phải xúm vào hỗ trợ mới dựng dậy đi tiếp được. Dù chạy xe trong sự tập trung cao độ nhưng trong đầu tôi vẫn thoáng hiện lên ý nghĩ mà tôi đã học được ở đâu đó. Ấy là chuyện con người ta nỗ lực phấn đấu lên được trên cao đã khó mà từ trên cao đi trở xuống phía dưới còn khó hơn. Nếu không vững vàng rất dễ bị ngã, mà có khi ngã đau lắm. 

   Rời Sơn La, chia tay những chiến sĩ Biên phòng Chiềng Sơn, trong đó có cả người anh trai thân thiết, lòng chúng tôi bồi hồi xúc động. Hình ảnh những khó khăn vất vả trên đường lên đỉnh Pha Luông, hình ảnh trước cổng Trạm Biên phòng không có con đường bằng phẳng để đi vào, hình ảnh những cung đường ma tuý mà bọn tội phạm để lại, hình ảnh những cột mốc biên thuỳ thiêng liêng, hình ảnh núi non trùng trùng điệp điệp… đặc biệt đó là hình ảnh những cánh hoa đỗ quyên trên đỉnh Pha Luông hùng vĩ hồng tươi dưới nắng xuân màu vàng nhạt của tơ. Và hình ảnh các anh, người chiến sĩ Biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc./.

Nguyễn Hội

Tháng 3 năm 2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: