11/07/22 – 05:07
Đọc tập thơ “Người lính và miền ký ức” của tác giả Nguyễn Việt Khoa, nhà thơ mặc áo lính, tôi thấy hiện lên chân dung một người lính phong trần, một ký ức thăm thẳm rất thật, rất tình và đầy chất lính của anh.
Với người lính xa quê hương, xa gia đình từ năm 17 tuổi, ký ức trong anh là quê hương, là cha, là mẹ dấu yêu. Cũng như bao miền quê khác, quê hương anh cũng có dòng sông, cây đa, giếng nước, sân đình… Nhưng phải chăng với người lính, hai chữ quê hương thật là bình dị mà vô cùng sâu lắng:
“Quê hương là gì thế người ơi
Là cánh diều trôi giữa lưng trời
Là đồng lúa, đêm trăng cổ tích
Hay tiếng cười… khúc khích… em tôi”.
Hay:
“Nhớ thế một thời tuổi ấu thơ tôi
Đến giấc mơ cũng đẫm màu da diết
Rồi thức giấc nằm một mình nuối tiếc
Nỡ lòng nào, giấc mơ bỏ đi đâu”
Trong tập thơ “Người lính và miền ký ức”, tác giả không đề cập nhiều về chủ đề tình yêu nhưng lại rất tình; tình trong thơ anh là tình yêu quê hương, đất nước, yêu đến cháy lòng, yêu người quê lam lũ, yêu công việc vất vả của người nông dân, yêu cả nhành cây ngọn cỏ và đương nhiên có cả những tình cảm nam nữ thiêng liêng của một thời áo trắng học trò:
“Chúng mình xa cách quê hương
Em còn nhớ đến con đường năm nao
Nhớ đêm hội, dưới trăng sao
Có hai đứa trẻ …lạc vào… vườn yêu”
Hay:
“Hay bạn quay về tuổi bẻ gãy sừng trâu
Tuổi của mộng mơ toàn màu hồng trước mắt
Những rung động đầu đời trắng trong chân chất
Dẫu chỉ yêu thầm cũng chẳng thể nào quên”
Quê hương trong thơ Nguyễn Việt Khoa không phải là cái gì đó xa xôi, mà thật gần gũi đúng như tác giả đã viết trong phần ba của tập thơ “Cha mẹ là quê hương”. Có thể nói, thơ anh như một bức khắc họa về cha, về mẹ, về một thời gian khó. Có phải chính vì anh là một người lính, nên những câu thơ về mẹ, về cha cứ thấy nao lòng:
“Rồi một ngày, chẳng có phép nhiệm màu
Con khôn lớn, nhưng cha thì đi mãi
Nay nhớ cha, viết câu thơ vụng dại
Muốn dâng người, nhưng biết gửi về đâu”
Hay:
“Mùa vu lan con bỗng chẳng ngủ ngon
Vì cuộc sống cứ phải xa vời vợi
Giấc ngủ nay sao chập chờn, chấp chới
Thương mẹ một đời… gánh nặng… trên vai.”
Có thể khẳng định, không dùng câu từ hoa mỹ mà rất mộc mạc, rất thật. Thơ Nguyễn Việt Khoa là tiếng lòng của người lính xa nhà. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm thơ “Người lính và miền ký ức” của tác giả Nguyễn Việt Khoa với tất cả tấm chân tình của “nhà thơ áo lính” dành tặng quê hương và cha, mẹ.
Phú Yên, ngày 16 tháng 03 năm 2022
NGUYỄN BÁ NHA
(Cử nhân Việt Nam học, Chủ tịch Đam Books Media)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang