Khoảng lặng trong không gian thơ Lê Liên – Tác giả Lê Liên

23/12/22 – 02:12

Tập thơ Khoảng lặng là tác phẩm ra mắt đầu tay của nhà giáo, nhà thơ Lê Liên (bút danh Lê Liên).

Nhà thơ Lê Liên Sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất quê hương “Huyện lúa” (Tây Hòa – Phú Yên) và mang trong mình một tình yêu quê hương sâu nặng, dạc dào. Từ truyền thống lịch sử, văn hóa: “Chiến tích Gò Mầm, Quê hương Đồng Khởi Hòa Thịnh”… đến non nước hữu tình, nhà thơ đã giới thiệu đến bạn hữu, bạn đọc bằng thi ca, hầu lưu giữ những hoài niệm, cảm xúc, niềm tự hào quê hương đất Phú.

“Thi sĩ xứ Nẫu” – Lê Liên đã thưởng ngoạn, cảm tác qua từng vùng đất hữu tình; khắc họa những bức tranh nhân sinh của quê hương một cách tường tận, sinh động, giàu sắc màu: Hóc Răm đồi xanh, nước biếc; Mỹ Thạnh cảnh tiên (Hòa Phong); Vực Phun (Hòa Mỹ); Suối Lạnh (Hòa Thịnh); suối nước nóng Lạc Sanh

Qua trang thơ của Lê Liên, hiện hữu nhịp sống quê hương đang rộn rã, đang khởi sắc: Cầu Dinh Ông nối hai huyện ven sông Ba (Phú Hòa – Tây Hòa); Vinh Ba, Hòa Đồng nổi tiếng nghề truyền thống đan lát;  Nhà máy Đồng Bò bao tiêu cây mía đường; Hòa Phú sầm uất, phồn thịnh,  Mỹ Lâm – Hồ tưới mát đồng lúa, xanh nương ngô…                     

Tây Hòa cảnh đẹp, người thanh
Xôn xao khúc hát duyên lành trao nhau
Anh về sắm lễ trầu cau
Ra Giêng đẹp mối duyên đầu nhé em!

(Tây Hòa vào xuân)              

Trên những cuộc hành trình vạn dặm, nhà thơ đã dừng chân, cảm tác qua từng thắng cảnh: Đà Lạt, Hội An,… Nhưng, đất Phú vẫn luôn là chủ đề mà ông sáng tác nhiều nhất: Cao nguyên Vân Hòa, Gành Đá Đĩa, Núi Đá Bia, Vũng Rô, Núi Chóp Chài, dòng Sông Ba, Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Bãi Lau…

Tâm hồn thi sĩ Lê Liên mang đậm màu sắc của quê hương đất Phú Trời Yên, tình người – tình đất trong ông qua những địa danh thắng cảnh qua bài Cảnh đẹp Phú Yên, hội tụ những địa danh, thắng cảnh: 

Vịnh Xuân Đài mênh mông… ghềnh nối bãi
Nhất Tự Sơn đọng lại câu chuyện tình
Thác Cây Đu tung bọt nước lung linh
Cao nguyên Vân Hòa hoa xinh rộng trải…  

Nhà thơ vui mừng, rạo rực trước sự đổi thay của một thành phố  trẻ. Ông đã mời gọi bạn hữu đến với Phú Yên qua những đêm thơ, phố biển về đêm tuyệt đẹp:

Khách về vui hội đêm nay
Hội thơ Tháp Nhạn đắm say lòng người
Biển đêm sóng vỗ bồi hồi
Trăng treo đỉnh Tháp rụng rơi ánh vàng.

(Tuy Hòa phố đêm)

Mùa Vu lan – mùa hiếu hạnh, nhà thơ nhớ mẹ, nhớ cả hiện thực lẫn trong mơ. Ông gọi thầm mẹ, trong tiềm thức:

Bao nỗi nhớ hiện về trong đêm vắng
Ánh mắt hiền từ của mẹ ngày xưa
Lời mẹ ru theo nhịp võng đong đưa
Con trở giấc mẹ thức hoài đêm trắng.

(Giấc mơ về mẹ)

Thơ Lê Liên trầm lắng, trữ tình, lãng mạn:
Nỗi buồn sâu trong mắt em
Cạn dòng lệ thắm nhiều đêm thâm quầng
Một lần đò lỡ sang sông
Tình xưa dang dở nụ hồng héo khô

(Vòng tay ngỡ ngàng)

Hình tượng đẹp của quê hương trong thơ Lê Liên, là dáng đứng dịu dàng của thôn nữ ven sông lóng lánh mùa phù sa trĩu nặng, là cây cầu nối đôi bờ, là bến đò xưa cất giấu bao hoài niệm…

Người ta là của người ta
Bâng khuâng trong dạ… người ta của mình
Tây Hoà bắt nhịp cầu Dinh
Của người năm ấy của mình năm xưa

Bến đò nay vắng người đưa
Qua cầu lại nhớ dáng xưa ngọc ngà
Hoàng hôn trải lụa chiều tà
Em về gợn sóng sông Ba thuở nào

(Dáng xưa ngọc ngà)

Có lẽ, qua hơn nửa đời trải nghiệm, nhà thơ chiêm nghiệm nhân sinh, đau đáu một nỗi niềm trước thân phận người phụ nữ ở đâu đó vẫn còn tủi hạnh:

Hạt mưa thấm mái tranh nghèo
Lạnh lùng góa phụ gieo neo thân cò
Một ngày hai bữa không no
Xót xa con trẻ co ro bên hè.

(Nỗi buồn đêm mưa)

Lê Liên cảm thông, xót xa trước những bất hạnh, lỡ làng của phận má hồng phải đối mặt với phũ phàng, ruồng rẫy bởi nhân tình thế thái, bởi thói đời cay nghiệt:

Duyên tình đã lỡ đường tơ
Bọt bèo thân phận khen chê thói đời

(Tình hờ)

Và trong những khoảng lặng nào đó, trên bước đường đời xuôi ngược, nhà thơ bất chợt hoài niệm về tuổi thơ, thời áo trắng, những mối tình đầu vụng dại… Hình ảnh sông quê, trường xưa, bến cũ, thầy cô, bạn học… hiện hữu trong tâm thức của người cầm bút rất đỗi chân tình :

Người đi biền biệt sơn khê
Bến xưa hiu hắt cuốn bờ dòng trôi
Lòng thuyền rạn vỡ xa khơi
Dở dang bến đợi sông ơi có buồn?

(Sông ơi)

Với 100 bài thơ chọn lọc, nhà thơ gửi gắm một tình yêu rộng nghĩa, bắt nhịp cầu mời bạn hữu muôn phương về thăm Phú Yên – mảnh đất hào hùng sử đỏ, giàu truyền thống, trù phú, yên bình như chính tên gọi của của đất. Có thể nói, Nhà thơ Lê Liên đã tôn vinh vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ của Phú Yên đến bạn bè năm Châu bốn bể bằng thi ca và cả trái tim yêu quê hương. Trân trọng giới thiệu tác phẩm Khoảng lặng của nhà giáo, nhà thơ Lê Liên đến bạn đọc gần xa cùng thưởng thức!

Ảnh minh hoạ internet

BÁ NHA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: