07/01/23 – 07:01
GÓC KHUẤT
Đang ngủ ngon gã chợt giật mình tỉnh giấc. Gã vừa mơ một giấc mơ mà 60 năm nay, đây là lần đầu tiên gã mơ thấy. Gã nằm mơ dắt tay đứa con gái mới ba tuổi (con của vợ cũ) cho nó đi chơi. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng gã dắt tay đứa con gái bé nhỏ có đôi mắt to tròn, hàng lông mi dài rợp bóng xuống đôi mắt. Cặp lông mày nhỏ gọn, cong cong ôm trọn lấy đôi mắt đen láy. Con bé thừa hưởng đôi mắt ấy từ mẹ nó, một đôi mắt rất có hồn mà ai nhìn vào cũng phải thốt lên: Đôi mắt biết nói!
Ấy là lần đầu tiên cha con gã gặp nhau, mặc dù lúc đó con bé đã ba tuổi. Gã lầm bầm: Tại sao mình lại mơ giấc mơ đó nhỉ? Cái quá khứ đó gã đã cố chôn vùi rồi cơ mà? Và gã chợt nghĩ ra, lúc tối gã có một cuộc nhậu với mấy người bạn cùng lớp, trong đó có cô bạn thân của vợ cũ của gã. Gã đã nhắc lại vài kỷ niệm thời gã và cô vợ cũ yêu nhau với một giọng đầy lưu luyến để làm vừa lòng cô bạn đó. Việc này đối với gã rất dễ, cố gắng diễn sâu một chút thôi mà. Mỗi năm có vài lần diễn như vậy trước mặt bạn bè cùng lớp để tạo ra một ấn tượng tốt của mọi người về gã. Phải, gã không thể là người xấu được, gã phải là người bị hại! Thế nhưng lần này chẳng hiểu sao đêm về gã lại nằm mơ, rồi cái ký ức thời xa xưa ấy lại hiện lên trong óc gã.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nước Việt Nam mới trải qua chiến tranh nên nghèo nàn và thất nghiệp nhiều vô kể. Được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, mà một loạt các Hiệp định xuất khẩu lao động được ký. Gã là một trong số những người may mắn được sang làm việc tại Tiệp Khắc. Mới sang chân ướt, chân ráo gã theo chân các bạn đến chơi những vùng có người Việt nam ở, nhất là những chỗ có con gái Việt nam. Tình cờ gã gặp lại cô bạn cùng học hồi cấp hai. Lúc ở nhà thì chỉ quen biết nhau thôi chứ không thân, nhưng sang đây như vậy thì cũng là thân rồi. Thế là hai đứa thi thoảng lại qua lại chơi bời với nhau trong những ngày nghỉ cuối tuần. Tình yêu nảy nở khi hai đứa sang năm thứ hai ở nước ngoài. Hai đứa có nhiều kỷ niệm ngọt ngào về tình yêu lắm vì cả hai đều còn trẻ, không có nhiều toan tính về tiền bạc. Cứ một, hai tuần mới gặp nhau một lần, nhưng chúng nó chẳng bàn tính gì đến chuyện làm ăn cả, mà chỉ dẫn nhau đi chơi, đi xem phim v.v… Cả hai đắm say trong cái tình yêu đầu đời vẫn mang hơi hướng của tuổi học trò.
Được cái cô người yêu của gã xuất thân từ gia đình công nhân nghèo nên hiền lành, chịu khó lao động và biết cách chi tiêu tiết kiệm nên cũng gom góp được một số tiền để đóng hàng, chứ đồng lương của gã làm ra chưa đủ nuôi miệng thì giúp đỡ được gì. Đã thế ở chỗ toàn con trai lại có nạn cờ bạc nên gã cũng dính vào.
Vì ký hợp đồng lao động sáu năm nên đến năm thứ ba là đám con trai được về phép. Gã thích về phép lắm nhưng gã không có tiền. Vì muốn về phép thì phải có tiền mua hàng mang về Việt nam bán và sau đó lại mua hàng từ Việt nam qua Tiệp. Khó gì đâu, gã xuống bàn với người yêu:
– Em à, xoay tiền cho anh về phép, tiện thể anh xin luôn giấy tờ để sang đây mình đăng ký kết hôn rồi làm đám cưới.
Người yêu của gã tin ngay, vì thị vốn thật lòng yêu gã. Thế là thị xăng xái tận dụng mọi mối quan hệ bạn bè của mình để vay mượn, người ít thì 100 Korun (tiền Tiệp), người nhiều thì vài trăm. Rồi cả vốn liếng dành dụm của mình Thị cũng đưa luôn cho gã. Thoáng chốc gã cầm trong tay cả mấy nghìn Korun (tiền ngày ấy giá trị lắm), gã tha hồ đi mua thuốc Tây (mặt hàng khan hiếm tại Việt nam thời đó), rồi vòng đá và một số mặt hàng khác. Gã đóng đầy một va li rồi oai phong lên đường về nước.
Về Việt Nam, gã bán hết số hàng mang về thu được một số lãi lớn. Trong mắt bố mẹ gã, gã trở thành người giỏi giang và biết cách làm ăn. Gã dấu nhẹm bố mẹ cái tật xấu bài bạc của mình và cả chuyện về phép được là do cô người yêu đứng ra vay tiền cho. Số tiền bán hàng gã bớt ra một nửa đưa cho mẹ gã để bà ấy mở cửa hàng bán dép nhựa, vì nhà gã ở gần chợ. Còn lại gã mua một số hàng của Nhật và Thái lan đang được người Tiệp ưa chuộng để mang sang Tiệp bán đi lấy tiền trả nợ. Gã đến nhà người yêu gặp bố mẹ vợ tương lai và trình bày ý định xin giấy chứng nhận độc thân để sang Tiệp kết hôn. Bố mẹ vợ tương lai của gã mừng lắm vì nhìn mặt gã thì hiền lành và khá đẹp trai. Ông bố vợ mặc dù nhà nghèo cũng tức tốc đi rút tiền tiết kiệm để đưa cho gã với ý định cho vợ chồng gã để làm vốn. May mắn lại mỉm cười với gã, trong ngày gã bay trở lại Tiệp, ở sân bay gã mang trót lọt được hết chỗ hàng qua mấy lần Hải quan kiểm tra nghiêm ngặt. Với số hàng đó gã bán đi, phần gốc gã đưa cho người yêu trả nợ, còn phần lãi gã giữ lại và lại lao vào cờ bạc. Cô vợ tương lai của gã thì ngây thơ chả biết gì; thị cứ thương gã làm ít lương nên chắc để tiền đó tiêu pha; Chẳng bao giờ cô ấy hạch hỏi gã về tiền bạc cả. Chính sự cả tin ấy của thị, đã khiến gã ngày càng ham mê bài bạc.
Cuối năm đó gã và người yêu tổ chức đám cưới. Lúc đó gã cũng tràn ngập trong hạnh phúc vì vợ gã hiền và yêu gã hết mực. Giữa năm sau vợ gã hết hạn hợp đồng lao động, về Việt nam với cái bụng bầu kềnh càng. Trước khi về tiền tích cóp của Thị cũng đóng được một thùng hàng kha khá. Gã bàn với Thị:
– Thùng hàng này đem về em bán đi lấy tiền mua đất. Anh ở lại đây hai năm nữa sẽ cố gắng làm lụng, tích cóp lấy tiền đóng hàng về. Tiền bán được từ thùng hàng của anh, mình sẽ xây nhà vì gia đình nhà anh đông anh em lắm (nhà gã có tám anh chị em) mà nhà lại chật.
Thị đồng ý ngay và tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp đang chờ đón mình, vì đi Tây về ngày ấy là “oách lắm!”
Sự đời không diễn ra suôn sẻ như vậy. Những tháng đầu tiên vợ về, gã buồn lắm nên chăm chỉ tuần nào cũng viết một lá thư về cho vợ. Gã cạo trọc đầu với quyết tâm không đi chơi, chỉ tu tỉnh làm ăn như lời đã hứa với vợ. Vợ sinh con gái viết thư sang, gã vội vàng viết thư về động viên và hỏi thăm hai mẹ con; rồi nhân có bạn về nước gã tranh thủ gửi cho vợ ít quà.
Vài tháng sau không chịu nổi buồn chán, gã bắt đầu theo mọi người đi chơi, lại tìm xuống thành phố nơi trước đây vợ gã đã ở; nhưng đồng hương của gã về nước hết rồi. Những người mới sang đa số là dân Hà Nội. Thế là gã theo mấy người ở cùng chỗ với gã xuống chơi với các cô gái Hà Nội. Định mệnh đã đến, gã gặp ngay ả (vợ hai của gã). Ả sắc sảo, hơn gã bốn tuổi, đã có một đời chồng. Chia tay chồng, ả chạy đi xuất khẩu lao động với hồ sơ mang tên người khác. Nhìn thấy gã, một gã trai đã có vợ nhưng mặt vẫn non choẹt, lại hiền lành, ít nói. Gã lọt ngay vào tầm ngắm của ả. Lúc đầu gã cũng định chơi bời cho đỡ buồn, nhưng gã đã vướng vào lưới tình của ả giăng ra từ từ, với những toan tính tinh vi. Ả rủ gã bỏ việc xuống ở cùng ả để đi buôn hàng (những mặt hàng người Việt nam cần để đóng hàng gửi về nhà). Còn ả thì vẫn đi làm bình thường để còn có chỗ ở trong ký túc xá, chứ cả hai đứa cùng bỏ việc thì biết đi đâu. Ả sẽ cung cấp vốn cho gã. Gã nghe bùi tai liền bỏ việc xuống ở với ả như vợ chồng. Gã hùng hục đi đánh hàng. Số lãi ban đầu, để cho gã yên tâm ả trích ra một số tiền đóng cho gã một thùng hàng gửi về cho bố mẹ gã.
Lương tâm và trách nhiệm làm bố trỗi dậy trong gã, gã đóng về cho con gái một cái xe đạp bốn bánh, một cái cặp sách và một ít sữa bột. Việc này không qua được cặp mắt tinh quái của ả người tình và mọi toan tính của gã bị ả dập tắt. Từ đó trở đi, mỗi lần đi đánh hàng về ả tịch thu bằng sạch tiền. Số tiền đó ả mua hàng liên tục đóng về cho bố mẹ ả ở Hà nội. Gã không dám phản đối vì bây giờ rời ả ra gã không có chốn nương thân. Ả ranh ma lắm, ả vẽ ra cho gã một tương lai tươi sáng khi sống chung với ả gã sẽ trở thành người Thủ đô, cái điều mà gã trai tỉnh lẻ như gã chỉ thấy trong mơ. Thế là gã quên phắt cô vợ khờ khạo và đứa con gái bé nhỏ đang chờ mong gã ở Việt Nam.
Về phần vợ gã, về Việt Nam thị thực hiện đúng kế hoạch đề ra của hai vợ chồng. Thùng hàng mang về, thị bán đi lấy tiền đó mua một mảnh đất, mặc cho mẹ chồng phản đối muốn dùng tiền đó để mở rộng cửa hàng bán dép. Thị giải thích với mẹ chồng là thị đang làm đúng theo những lời dặn của chồng. Nhưng bà mẹ chồng không tin. Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu nảy sinh. Thị viết thư sang cho chồng, nói hết những chuyện đó với chồng, mong chồng viết thư về nhà nói chuyện cho mẹ hiểu. Nhưng lúc bấy giờ gã đã mắc phải lưới tình và gã cũng sợ mẹ gã biết được thói cờ bạc của mình trước đây nên gã ngậm miệng ăn tiền!
Ở nước ngoài, người tình của gã cấm gã không được liên lạc với vợ con, nếu như còn muốn sống chung với ả. Gã đồng ý luôn và từ đó không viết thư về cho vợ nữa. Vợ gã buồn chán nên bế con về nhà ngoại ở, thỉnh thoảng qua lại nhà gã.
Hết hạn hợp đồng lao động, người tình của gã về nước. Bao nhiêu vốn liếng ả thu vén mang về hết. Gã cũng ra đầu thú để về theo. Về Việt nam, gã ở lỳ trong nhà người tình ở Hà nội để bàn tính cách li dị với vợ cũ, cách nào cho nhanh nhất và có lợi nhất. Một kế hoạch hoàn hảo được gã và ả người tình vạch ra. Gã dẫn người tình về ra mắt bố mẹ gã khi vẫn chưa làm thủ tục ly hôn với vợ cũ. Hàng xóm thấy cách cư xử mất hết tính người của gã nên họ báo tin cho vợ gã biết. Vợ gã xuất hiện trước cửa nhà gã với đứa con ba tuổi trên tay trước sự kinh hoàng của gã và người tình. Sau một hồi tranh cãi ( lúc này người tình của gã đã được đưa đi lánh mặt), vợ gã để lại đứa con cho ở lại với gã một đêm như lời thị nói: “Cho nó biết thế nào là tình cảm bố con”. Gã biết thị để con lại như vậy là để đánh thức lương tâm và trách nhiệm của người bố trong gã. Nhưng thị đã nhầm, gã không bao giờ đánh đổi cuộc sống trước mắt để lại về với mẹ con thị. Hôm sau gã dẫn con bé đi chơi; con bé lần đầu gặp bố nhưng khôn lắm, nó cứ nắm chặt lấy tay bố nó không rời. Đến chiều vợ gã ra đón con, gã vội vàng thu xếp lên Hà nội với người tình.
Những ngày sau đó, theo kế hoạch của người tình vạch ra, gã cho thằng bạn thân một món quà và nhờ nó đi tuyên truyền với một số bạn bè của gã và vợ là gã bị vợ lừa, chứ gã có yêu thương gì thị đâu. Gã biết tính của vợ rất thẳng thắn và lòng tự trọng cao, khi bị nói như vậy sẽ ký vào đơn li hôn ngay. Quả đúng như vậy, không chịu nổi những lời xúc xiểm từ cái loa phóng thanh là gã bạn thân của chồng, vợ gã đồng ý ký đơn ly hôn ngay với một số tiền còm gã đóng góp nuôi con. Thế là gã xa chạy cao bay với cái tình yêu mới của mình.
Những năm sau đó gã và vợ hai làm ăn khấm khá, mua được nhà ở khu phố buôn bán sầm uất nhất Hà nội. Đời sống của gã biến đổi, gã trở thành trai thủ đô tuy không dấu được giọng nói ngọng đặc trưng của vùng, miền. Vợ hai của gã đề ra một quy định nghiêm ngặt: Gã không được liên lạc với vợ cũ và con vì ả đã khoe với tất cả mọi người trong phố, gã là trai Tân! Ả muốn như vậy để còn lên mặt với gia đình chồng cũ của ả. Thêm nữa, một năm gã chỉ được về quê thăm bố mẹ một lần, với sự giám sát của ả. Họ hàng nhà gã cũng hạn chế lên Hà nội thăm gã. Gã chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định để đổi lấy một cuộc sống no đủ, không phải đau đầu tính toán làm ăn. Vợ gã nắm quyền sinh quyền sát trong tay, gã chỉ việc làm theo chỉ đạo của ả là yên ấm cửa nhà. Gã quên hẳn đứa con đầu với vợ cũ, vì không quên cũng chẳng được với mụ vợ hai. Gã có muốn gửi tiền về cho vợ cũ nuôi con cũng không được vì gã đâu có được giữ tiền!
Cách xử sự của vợ chồng gã khiến cho bố đẻ và một chú em của gã rất thất vọng. Trong số anh em nhà gã, có chú em kế gã làm ăn phát tài và sống biết điều. Chú em bỏ tiền ra mua cái nhà của bố mẹ gã. Tiền bán nhà được chia đều cho các con. Riêng phần của gã, bố gã không cho vợ chồng gã mà đưa lại cho chú em,v ới điều kiện chú em sẽ đón con gái của gã với vợ cũ về nuôi ăn học. Lúc này con bé đã 14 tuổi. Biết tin này vợ hai của gã nhìn gã với ánh mắt sắc lạnh và cười khẩy. Tự nhiên gã thấy ơn ớn trước cái nhìn và kiểu cười ấy của ả.
Thời gian cứ thế trôi. Một năm gã về thăm bố mẹ một lần, lần nào cũng có vợ đi kèm. Nhìn thấy đứa con gái ở với chú và ông bà nội gã coi như không biết nó là ai. Rất nhiều lần chú em gã góp ý về chuyện đó. Có lần chú em bật khóc khi nói gã hãy đối xử tử tế với đứa con gái lớn, vì nó cũng là giọt máu của gã.; gã lờ đi coi như không nghe thấy.
Một ngày kia, bố gã do già yếu mà ốm nặng. Biết mình không qua khỏi, không yên lòng với đứa cháu gái tội nghiệp, ông gọi chú em vào và trăng trối:
– Bố biết mình không sống được nữa, bố không thể lo tiếp cho con Hoà (tên con gái lớn của gã). Vậy con hứa với bố sẽ coi con Hoà như con của con nhé.
Chú em gạt nước mắt gật đầu.
Lúc này công việc làm ăn của chú em rất tốt, hơn hẳn vợ chồng gã. Vợ gã hối thúc gã năng về quê chơi.
Một hôm ả ngon ngọt bảo gã:
– Lần này anh về hỏi mượn chú em ba tỉ để mình làm vốn buôn bất động sản. Gã răm rắp nghe theo, vì muốn tạo chút uy tín với vợ. Số tiền đó gã đưa hết cho vợ làm ăn nhưng chưa bao giờ ả nhắc đến chuyện trả lại tiền cho chú em, gã cũng lặng thinh. Cô em dâu đòi tiền nhiều lần không được quay sang chì chiết con gái gã, gã vẫn “ mũ ni che tai!”
Đứa con gái của vợ cũ lớn lên trở thành một cô gái xinh xắn, chỉ phải cái ít nói và đôi mắt cứ buồn vời vợi. Nó được sang Đức du học rồi ở lại luôn bên đó và lấy chồng. Nó đón mẹ nó sang chăm sóc những lúc nó sinh nở. Nghe nói lúc mới bị gã bỏ, một thân một mình lại vướng đứa con nhỏ, thị chẳng xin được việc làm. Thế là thị làm đủ mọi nghề, không nề hà bất cứ việc gì cả chỉ cốt có tiền nuôi con. Gã biết nhưng gã thấy khinh thường thị lắm, cho là thị ngu dốt, không lọc lõi như vợ hai. Vợ cũ của gã hiền đến mức khi đối mặt với tất cả các mưu đồ của gã và ả vợ hai thị chỉ im lặng, chẳng đi kể lể với ai cả. Cả đời thị chỉ cùi cũi đi làm nuôi con mà thôi. Đã thế thị lại còn không biết thân, biết phận của mình. Cách đây ba năm, khi đứa con chung của thị và gã bị trầm cảm sau sinh, nó chỉ thèm sự quan tâm của gã. Thế là thị dám gọi điện về nhờ bạn bè nói chuyện với gã để gã gọi điện sang an ủi con bé. Gã rất bực mình cằn nhằn: Thị có nằm mơ không đấy, làm sao gã phải gọi?! Nó bị trầm cảm thì liên quan gì đến gã?!- Gã rất tâm đắc với cách sống của mình, đến nỗi một lần về quê gã nhìn thấy con gà mái dẫn một đàn con lớn lộc ngộc đi ăn, gã rủa con gà mái ngu quá, đúng là loại óc bằng quả nho. Phải như gã đây này, chả việc gì phải nuôi con cả.
Nghĩ đến đây gã bật cười thành tiếng. Chẳng may gã cười hơi to làm mụ vợ tỉnh giấc. Mụ rít lên:
– Cười gì vào cái giờ này? Bộ lão vui lắm hả? Nghĩ đến ai mà cười?
Gã giật nảy mình vội vàng nằm xuống cạnh vợ thầm nghĩ: Nào tôi còn dám nghĩ đến ai nữa? Nếu có kiếp sau thì tôi vẫn cứ lấy bà, vì có bà thì tôi mới được đổi đời như thế này. Tôi với bà như một cặp trời sinh ấy nhỉ, sẵn sàng bạc bẽo, lừa dối ngay cả người thân nếu như việc ấy có lợi cho vợ chồng mình.
Nằm một lúc gã thiếp đi, trong đầu vẫn mang máng châm ngôn: “Cuộc đời này là một sân khấu lớn, bạn sẽ diễn vai của bạn như thế nào mà thôi”. Gã diễn vai của gã quá chuẩn rồi còn gì!
Lưu Thi Thanh Mai
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang