28/11/21 – 05:11
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nay Y Krư (sinh năm 1991) và Nguyễn Bá Nha (sinh năm 1987) kết tình anh em và có việc làm ổn định ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Nhưng hai cử nhân này quyết định bỏ phố để về quê hương miền núi huyện Sơn Hòa (Phú Yên) khởi nghiệp làm sách và phục vụ thư viện cộng đồng.
Bỏ phố về quê
Nay Y Krư là người Chăm H’Roi (ở làng Ma Đao, xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, Phú Yên), còn Nguyễn Bá Nha là người Kinh (ở thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, Phú Yên). Cả hai chàng trai cùng có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã quyết tâm vượt khó, vươn lên trong học tập và rất tâm huyết với công việc làm sách, đóng góp cho cộng đồng.
Nay Y Krư (Krư) bị khuyết tật co rút cơ bàn chân, thuở nhỏ vẫn kiên trì đi bộ 5 km đến Trường Tiểu học xã Cà Lúi học chữ. Khi học lên THCS, Nay Krư lại cần mẫn đi bộ 4,5 km để đến Trường PTCS Kpá Kơ Lơng, xã Cà Lúi. Lên THPT, nhiều bạn cùng xã nghỉ học, chỉ còn một mình Nay Krư theo học tại Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa). Năm 2010, Nay Krư tốt nghiệp THPT và được cử tuyển vào học Trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định – Khoa Sư phạm Toán.
Năm 2016, Nay Krư tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm Toán nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp, với bản tính cầu tiến trong học tập, cậu cử nhân người Chăm tiếp tục đăng ký học đại học ngành Luật, do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên liên kết với Trường Đại học Thái Bình Dương (Khánh Hòa) mở lớp. Đầu năm 2020, anh tốt nghiệp cử nhân luật với tấm bằng loại ưu.
Sau khi tốt nghiệp, Nay Krư vào Nha Trang (Khánh Hòa) làm trợ lý Giám đốc của Công ty TNHH Truyền thông Giá trị Việt Khai Minh với mức lương khá ổn định. Năm 2018, chàng thanh niên ưu tú Nay Y Krư vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Nguyễn Bá Nha cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng anh đã vượt lên chính mình. Quê Bá Nha ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nhưng gia đình đi lập nghiệp ở thôn Phú Yên, xã H’Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai và anh sinh ra tại đây. Thuở niên thiếu, Bá Nha vừa đi học vừa phụ giúp ba mẹ công việc hằng ngày. Học xong lớp 9, Bá Nha nghỉ học để học nghề hàn điện dân dụng và đi làm thuê ở các tỉnh vùng Tây Nguyên… Năm 2005, anh đến thôn Nguyên Hà (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) làm công nhân xây dựng và lập gia đình vào năm 2007.
Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn và đã lớn tuổi nhưng Bá Nha vẫn quyết tâm vượt khó để học lên cao. Từ năm 2013-2016, anh học bổ túc THPT ở huyện Sơn Hòa. Đến năm 2016 thì trúng tuyển vào Trường Đại học Thái Bình Dương (tại Nha Trang, Khánh Hòa). Năm 2020, Bá Nha tốt nghiệp cử nhân Việt Nam học và được nhận vào làm cán bộ truyền thông của Trường Đại học Thái Bình Dương với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng.
Biết ơn những người đã vun vén, giúp đỡ mình từ nghèo khó, thiếu chữ đến thành nhân nơi quê hương vợ, Bá Nha có ý tưởng nghỉ việc trên thành phố để về quê nhà tiếp tục mở rộng thư viện phục vụ bà con và các em học sinh. Mong muốn của anh là đưa tri thức về cộng đồng, khuyến đọc, hạn chế những trò chơi thiếu lành mạnh trên không gian mạng của trẻ em… Bá Nha đem câu chuyện lan tỏa văn hóa đọc chia sẻ với Y Krư, và 2 chàng cử nhân đồng chí hướng đã quyết định về quê khởi nghiệp.
Đam mê làm sách
Tháng 5/2019, Bá Nha đã thành lập thư viện tư nhân Nắng Mai với hơn 2.000 đầu sách để phục vụ cộng đồng đọc miễn phí. Ngoài ra, Bá Nha còn kết nối giao lưu học tập kinh nghiệm, tặng sách cho các điểm đọc cả nước như: Thư viện tư nhân Làng Chài của cựu chiến binh Nguyễn Đình Thọ (ở xóm Tùng Sơn, Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An); Tủ sách Thịnh Giàu (ở Phú Sen Đông, xã Hòa Định Tây, Phú Hòa, Phú Yên). Anh còn lặn lội vào làng Chăm thôn Hoài Ni (Phước Thái, Ninh Phước, Ninh Thuận) để hỗ trợ bà con và địa phương mở Thư viện Tụ Hiền do một sinh viên khởi xướng. Đặc biệt, Thư viện Nắng Mai của anh được vinh dự tham gia gian hàng triển lãm sách và được Ban tổ chức mời chương giao lưu chia sẻ về sách nhân Ngày hội sách tỉnh Phú Yên lần thứ IV-2021 (từ ngày 21/4 đến ngày 24/4/2021).
Mới đây, Bá Nha đã tặng sách cho Nhà văn hóa các thôn: Nguyên Hà, Nguyên Cam, Nguyên An, Nguyên Trang, Nguyên Xuân (thuộc xã Sơn Nguyên) với hơn 500 đầu sách. Còn Nay Y Krư cũng tặng hàng trăm cuốn sách cho thư viện các trường học trên quê hương mình, như Trường Tiểu học và THCS Ea Chà Rang; Trường Tiểu học và THCS Sơn Định…
Bá Nha cũng đã xuất bản ấn phẩm Phóng sự, ký sự “Gương sáng đời thường” – tập 1 (NXB Lao Động, 2020). Bá Nha cho biết thêm: “Mới đây, tôi đã giao lưu, kết nối các mạnh thường quân, những tác giả ở cả ba miền để chung tay xuất bản và đã ra mắt ấn phẩm “Khát vọng” – NXB Lao Động. Dự kiến trong năm nay sẽ in thêm các tác phẩm “Tình mẹ” , “Tình người đất Phú”, “Ký ức mẹ”, “99 trang thơ tình miền Hạ”…
Mới đây, Bá Nha và Nay Krư vừa thành lập Công ty Cổ phần Truyền thông Đam Books. Biết rằng dấn thân vào lĩnh vực văn hóa, xuất bản là không dễ, nhưng vì đam mê làm sách nên Nay Krư và Bá Nha mong muốn tạo không gian sinh hoạt, giao lưu với nhiều thế hệ để gieo mầm sáng tạo văn chương, tạo ra những ấn phẩm cho công chúng dễ dùng, dễ đọc.
Theo ông Lương Tấn Đạo, Bí thư Chi bộ – Trưởng thôn Nguyên Hà nhận xét: “Bá Nha và Nay Krư là hai chàng trai trẻ có tâm huyết mang tri thức phục vụ cộng đồng. Hàng năm, thư viện không chỉ là nơi đọc sách, sáng tác mà còn là nơi các bạn trẻ giao lưu, chia sẻ và tặng quà các cháu thiếu nhi nhân các dịp Tết thiếu nhi, Rằm trung thu…”
Hoàng Hà Thế
Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang