02/08/23 – 10:08
BÓNG DỪA
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”
Nội nói: “Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân.
(Dừa ơi – Lê Anh Xuân)
Tôi đang mơ màng trong những vần thơ trong bài thơ “Dừa ơi” của nhà thơ Lê Anh Xuân thì chiếc xe khách đã đưa tôi đến địa phận thị xã Sông Cầu một dải đất hẹp nơi miền Trung nắng gió, thăm lại nơi đây một thị xã ven biển với những vườn dừa bạc ngàn xanh biếc. Dừa có ở mọi nơi, trong vườn, bên ruộng lúa, dưới chân núi và phủ bóng mát con đường quốc lộ, dừa nơi đây gắn bó với người dân miền biển, với những tiếng rì rào sóng vỗ, tạo nên những âm thanh vi vu cao vút lẫn trong lá dừa khua xào xạc, tiếng sóng êm dịu đều đặn như bản tình ca muôn đời. Nơi đây núi đá bao bọc ôm lấy xóm làng, những căn nhà nép mình dưới rặng dừa nhìn ra biển khơi mênh mông và nghe biển hát.
Trên đỉnh dốc Găng phóng tầm mắt nhìn ra xa vịnh Xuân Đài, một vùng biển đẹp đẽ với ghe thuyền sơn màu xanh đỏ san sát neo đậu, nước biển một màu trong xanh như da trời, những chiếc thuyền thúng tròn trịa như cái bát được xếp ngay ngắn trên bờ trông rất vui mắt, từng làn gió mang hơi nước biển mằn mặn lùa vào đất liền, tấp lên những thân dừa cao vút, sần sùi, thô ráp, mặt trời đã lên cao chiếu những ánh nắng gay gắt xuyên qua cành lá dừa bỗng tan biến trong đám lá dừa kín mít, dày đặc.
Tôi đi dọc bờ biển nhìn những hàng dừa soi bóng nước, nằm in trên bờ cát trải dài xa tít tắp, những chiếc thuyền thúng, mành lưới còn in dấu những chuyến vươn khơi, những con thuyền neo đậu theo sóng nhấp nhô, phong cảnh nên thơ, du dương, man mác như mê đắm lòng người, những cánh tay dừa vươn ra chạm vào lòng biển khơi, tôi tự hỏi lòng dừa nơi đây trồng từ bao giờ? Hay nó có nguồn gốc từ bộ tộc Dừa của Vương quốc Champa cổ mà người xưa đã trồng ở nơi đây?.
Về xứ dừa tôi nhớ lời ru à ơi của nội những buổi trưa hè, đong đưa trên cánh võng mắc vào thân dừa, ru cháu vào giấc ngủ êm đềm, nhớ dáng nội gầy gò khắc khổ gom từng quả dừa khô rơi rụng, nhóm từng bếp lửa hồng, mái tóc bạc trắng in hằn vết thời gian, nhớ bóng dáng chú, thím tôi cặm cụi đan lại từng mành lưới bị rách sau những chuyến ra khơi. Và tôi nhớ những đêm trăng bên gốc dừa nghiêng nghiêng đôi trai gái yêu nhau hẹn họ dưới ánh trăng dìu dịu, ngắm nhìn biển đêm bàng bạc sóng sánh ánh kim.
Dưới bóng dừa biêng biếc một màu xanh ngọc bích là những mái nhà ngói đỏ xinh tươi, là những thửa ruộng, là làng mạc của ngư dân nằm im lìm bên bờ cát trắng ngàn năm sóng vỗ, những con đường nông thôn đổ bê tông sạch đẹp nằm uốn lượn dưới hàng dừa xanh ngắt. Dưới bóng dừa những phiên chợ cá, mực,… tươi roi rói đưa lên từ những chuyến biển đêm nhộn nhịp họp từ khuya đến lúc tờ mờ sáng để kịp tỏa đi các nẻo đường. Bình minh đến mặt trời ngoi lên từ biển, chiếm lĩnh không gian, thời gian và bắt đầu chiếu những ánh nắng ấp áp, nhẹ nhàng lên lá dừa làm tan đi những giọt sương đêm mặn chát còn vương đọng trên cành.
Nhớ những ngày mưa bão năm ấy, trời đất quay cuồng, mây đen sấp chớp, biển ầm ầm sóng cuộn, mưa như trút nước thân dừa lại oằn mình chống lại thiên tai khắc nghiệt, dừa nghiêng mình rung lắc dữ dội, hết sang phải rồi sang trái, cành lá te tua rũ rượi trong mưa bão như cố chống đỡ che chở cho dân làng, những quả dừa non rơi bình bịch xuống đất như những đàn con rời mẹ lăn lóc trên nền đất ướt nhem, những cành lá rơi ào ào như đứt lìa từng cánh tay. Sau bão những thân dừa đổ ngã chắn ngang đường, nghiêng ngả trong vườn. Đội tình nguyện chúng tôi và dân dàng nơi đây lại bắt tay vào dọn dẹp, những nhánh dừa được gom lại, tiếng máy cưa vang vọng, những đoạn dừa được chặt gọn lại để xếp lại, một số dùng làm củi, một số dùng làm trong xây dựng, hoặc làm cột chuồng bò, gia súc.
Những ngày mùa hè nắng nực dừa dang tay che chắn tạo nên vùng quê mát rượi, thanh bình, khi cần giải khát hay có khách phương xa đến có thể leo lên hái vài trái để tận hưởng cái vị thanh thanh, trong vắt, mát lành của nước dừa, hay ăn cơm dừa trắng ngần, beo béo, đem lại cảm giác thật tuyệt vời. Dừa nơi đây được chế biến làm nhiều đồ dùng sinh hoạt như gáo dừa, làm chổi, giỏ, rổ làm từ cọng lá dừa và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Với trẻ con rất thích lấy lá dừa kết thành chong chóng hay các đồ chơi khác như đồng hồ đeo tay, con chim, súng v.v… là kỷ niệm tuổi thơ khó quên nhất. Về thăm lại nơi đây tôi còn được thưởng thức bánh tráng nước dừa ngòn ngọt nơi đầu lưỡi hay món cháo nước dừa giản dị và chan chứa hồn quê.
Rời làng quê thanh bình biêng biếc bóng dừa xanh, tôi có cảm giác nhớ thương, lưu luyến như chuẩn bị xa rời người con gái tôi yêu! Tiếng lá dừa khua xào xạc trong gió làm lòng tôi thổn thức, xốn xang. Tạm biệt làng quê yêu dấu bên bờ cát ngàn năm sóng vỗ rì rào, bóng dừa vẫn ở đó thủy chung gắn bó cùng người và đất nơi đây.
Hải Trần
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang