Cảm nhận thơ Tịnh Yên qua “Miền Ký ức”

11/07/22 – 04:07

Bìa tập thơ Miền ký ức của nhà giáo, nhà thơ Tịnh Yên (Lê Cẩm Thúy). Ảnh chụp lại: Bá Nha.

Thi sĩ Tịnh Yên tên thật là Lê Cẩm Thuý sinh ngày 30/6/1965. Tịnh Yên cất tiếng khóc chào đời ở quê mẹ Cần Thơ – nơi mang vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hậu, nhiều nhánh rẽ về Ngã Bảy. Những cánh đồng lúa đang thì con gái, tiếng sáo diều trong chiều vắng… Tiếng đọc thơ văng vẳng, những bài mẹ thường hát ru con bên cánh võng đậm đà hương vị đất quê. Những bài thơ nói về làng quê, tình cảm đối với người thân trong gia đình nhất là bậc sinh thành đã lay động cảm xúc và chạm đến trái tim người đọc với vẻ đẹp, tình cảm của một người con trọn đạo hiếu.

 

Quê cha Sa Đéc (Đồng Tháp) đã đón con về trong vòng tay thương yêu của họ nội. Lớn lên ở một làng cảnh ngàn hoa, cuộc sống hồn hậu chân chất của xóm lao động nghèo, những tình cảm nhân ái giữa người với người đã làm nên nét đẹp trong thơ Tịnh Yên. Cha mẹ của cô đã vất vả nuôi đàn con lớn lên nhưng tình yêu dành cho con là bao la vô hạn. Lúc nào trong nhà cũng đầm ấm và rộn tiếng cười dù bữa ăn chỉ có cơm rau rất hiếm khi cá thịt. Tiếng thơ về bậc sinh thành của thi sĩ luôn làm người đọc dâng trào cảm xúc (Nhớ mẹ giọt rơi, Những nỗi đau không tên; Người đàn ông của mẹ …)

Tịnh Yên rất mê đọc sách, nhất là văn thơ cổ Phương Đông. Thi sĩ đã tiếp nhận những nét đẹp tinh tế và hình ảnh trong thơ khi nghe ông nội đọc và bình thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Từ năm 12 tuổi Tịnh Yên đã sáng tác những bài thơ ngắn về mẹ và làng hoa. Năng khiếu đó được phát triển khi cô trưởng thành và theo học tại khoa Ngữ Văn trường Đại học Cần Thơ. Rồi tình yêu thơ ca như máu thịt đã theo cô suốt cuộc đời nhà giáo.

Tốt nghiệp Đại Học Cần Thơ, Tịnh Yên đã về Kiến Văn, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), một vùng quê nổi tiếng về cây trái miền Tây, để dạy học. Nơi đây, phong cảnh hữu tình, con người sâu nặng tình cảm đã làm nên tiếng ru cho những bài thơ về cảnh đẹp của dòng sông, bến đò, cồn nhỏ và nhà vườn trĩu nặng quả ngọt trái sai (Chiều bên sông; Dáng mẹ, Tình nhớ đầu xuân…)

Quê hương thứ hai của Tịnh Yên là xứ biển Kiên Giang. Biển xanh, gió núi, cảnh đẹp hang động và chiếc nôi của “Tao đàn Chiêu Anh Các” đã mang lại cảm xúc đắm say, tình yêu thiên nhiên trong những thi phẩm về biển quê hiền hoà… (Biển biếc chiều nay, Biển và tôi, Bóng nhỏ bên bờ, Biển biếc chiều tà…). Gia đình của thi sĩ đã góp thêm tiếng thơ về vẻ đẹp tình người trong cuộc sống. Y đức và chiếc áo ngành Y của gia đình giúp cô cảm nhận về những nỗi đau của con người, sự cống hiến thầm lặng của những người khoác chiếc áo blouse trắng.

Tiểu sử văn học nhà thơ Tịnh Yên. Ảnh chụp lại: Bá Nha

Năm 1986 Tịnh Yên là hội viên hội Văn học nghệ thuật Cần Thơ; Từ năm 2016 đến nay là hội viên hội Văn học nghệ thuật Kiên Lương (Kiên Giang). Hiện nay, thi sĩ là cộng tác viên của tao đàn Chiêu Anh Các Kiên Giang.

Thời gian sáng tác của Tịnh Yên chủ yếu từ năm 2016 trở về sau với hơn 300 bài thơ. Thể thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, thơ tự do đương đại với nhiều đề tài phong phú: Tình yêu thiên nhiên cuộc sống, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình bạn bè…  Ta có thể bắt gặp trong thơ của Tịnh Yên thiên nhiên hoa cảnh bốn mùa, bức tranh tứ bình nền nhã.

“Sáng nay trời nắng lên cao,

Hàng cây xao lá, én chao lưng trời.

Hoa xuân còn ngậm sương rơi,

Bướm vàng nhè nhẹ, say nơi nhuỵ hồng.”

                                                         (Tình nhớ đầu Xuân)

“Năm mùa trăng, lá thu rơi đầu hạ,

Con ve sầu rên rỉ khúc sầu bi.”

                                                         (Năm mùa trăng qua)

                                             “Ai đi gửi tiếng thương,

                                                Ai về thầm tiếng nhớ,

                                               Ngỡ mùa thu đang tới,

                       Ừ thì: thu lá rơi“

                                                         (Ừ thì thu lá rơi)

                                  Chiều lạnh, phố xa gió chuyển mình,

                                 Ngàn thông khuất núi buồn lặng thinh.

           Nhớ về nơi ấy miền sương trắng,

                                 Đông về khoác chiếc áo choàng xinh”

(Chiều đông lạnh)

Tình yêu con người và cuộc sống và những triết lý nhân sinh luôn hiện hữu trong các bức tranh thơ: thương người nghèo trong những ngày dịch Covid 19 lịch sử ở Sài Gòn; Hình ảnh các lực lượng tuyến đầu chống dịch; người công nhân quét rác trong đêm đông, người f0 chiến thắng covid trở về; đôi lúc là tiếng nói tri âm cảm thông người tài sắc, tiếng nói phẫn nộ khi em bé bạo hành đến chết giữa thành phố hoa lệ Sài Gòn…

   “Đời không nhà một mình tui cô quạnh,

                                 Ai lau dùm giọt nước mắt tha hương.”

(Một kiếp người)

Thương người công nhân vệ sinh đêm đông quét rác:

“Mưa đêm thăm thẳm đường dài,

                                     Thân gầy lầm lũi quét hoài lá rơi..

                                  …Người công nhân ngẩng nhìn trời,

                                     Ngoài kia bóng ngã giấc đời mơ xa..”

(Thức cùng tiếng chổi đêm)

Mảng thơ tình của Tịnh Yên rất phong phú nhiều màu sắc. Đó là tiếng nói tri âm chia sẻ vơi những hạnh phúc vỡ tan của những mối tình không đoạn kết; Đó là sự mạnh mẽ của người mẹ đơn thân khi vượt qua những bi kịch hôn nhân.

Sự tan vỡ trong tình yêu sâu kín:

“Trời cao một dải sông Ngân,

                                Dây tơ gió cuốn tần ngần chẳng sang,

                                       Mảnh tình ngừng dệt, thôi đan,

                                    Thì như con sáo đã sang sông rồi”

          (Hoài mong)

Chia sẻ vơi những bi kịch hôn nhân:

“Đã muốn buông, tình như trang giấy,

                                       Xé toạc rồi, con đã không cha”

(Trả mây cho gió)

Sự đồng cảm, reo vui khi tình cảm lãng mạn, tình tứ đến với nhau trong hạnh phúc nồng nàn.

“Em giận anh rồi, em đã giận anh,

                                    Hờn cả hàng thông ôm quanh lối nhỏ,

                                    Giận cả hoa đào đang bung sắc đỏ,

                                    Dã quỳ vàng rợp đưa lối vào Xuân.”

(Em giận anh rồi)

Và những việc tưởng chừng như quen thuộc, bình thường trong cuộc sống: lời chúc tụng, đi học, đến trường, hái rau, cà phê buổi sáng đã trở nên nét đẹp rất thơ, trong trẻo, ngọt ngào (Cầu mưa, Hoa nắng, Giọt sương chồi biếc…)

Những thi phẩm của Tịnh Yên đã đến với cuộc sống rất hồn hậu, quen thuộc. Tiếng thơ của thi sĩ cũng là tiếng lòng với vẻ đẹp nhân văn sâu sắc.

Phong cách thơ của Tịnh Yên rất nhẹ nhàng, sâu lắng, tinh tế và sâu sắc. Mỗi câu thơ, hình ảnh, chi tiết được chọn lọc. Thơ thi sĩ mang âm hưởng của thơ Đường với những thi liệu quen thuộc được cảm nhận tinh tế như trăng, mây, núi, sông, bầu trời, dòng sông… và những tiết tấu, vần điệu, hình ảnh so sánh ví von của hoạ và nhạc trong thơ dân tộc, lục bát biến thể và thơ tự do đương đại. Điểm gặp gỡ của các thi phẩm là vẻ đẹp nhân văn; phong cách thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, thâm trầm mà sâu sắc mang âm hưởng thơ Đường và những tiết tấu, vần điệu, nhạc, hoạ được chọn lọc tinh tế. Những bài thơ nhẹ nhàng mà ý nhị sâu sắc, lãng mạn mà tình tứ, sẻ chia, cảm thông mà yêu thương chân thành… Tất cả đã làm nên giá trị nhân văn trong thơ Tịnh Yên.

Lâm Đồng, ngày 02 tháng 02 năm 2022

 Nhà giáo NGỌC THÀNH

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: