16/10/21 – 04:10
– Vì sao anh nhận lời làm giám khảo cuộc thi “Vì một Việt Nam tất thắng”?
– Cuộc thi là một sáng kiến vừa nóng hổi tính thời sự, vừa có tính nhân văn sâu sắc. Trong cuộc chiến với đại dịch, chúng ta trân trọng nguồn lực vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có trẻ em. Cả khi dịch chưa xảy ra, trẻ em bị ung thư, bệnh hiểm nghèo, bị di chứng chất độc da cam, bị bệnh tự kỷ hay trẻ em mồ côi… lại thuộc về số những người yếu thế, đáng được quan tâm chăm sóc nhất. Không ai có thể tước đi của các em quyền được hy vọng, được tin tưởng mãnh liệt vào một Việt Nam tất thắng. Trong cuộc chiến với đại dịch, các em vừa là những chiến binh quả cảm, vừa là điểm tựa tinh thần vô giá của chúng ta.
– Thí sinh ở sân chơi này gồm các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Theo anh, việc được vẽ tranh hay sáng tác văn học mang đến cho các em điều gì?
– Với mọi trẻ em trên thế gian, tôi tin, vẽ hay viết luôn là một nhu cầu, một sở thích tự nhiên, giống như ăn, ngủ, trò chuyện hay rong chơi vậy. Các em nhỏ đến với sân chơi lần này là những em bị bệnh tật đe dọa từng ngày từng giờ. Cuộc thi vì thế mang ý nghĩa hết sức lớn lao, như một món quà tặng của lòng nhân ái. Ban tổ chức đã mở ra một cơ hội tốt để các em tự do bày tỏ niềm tin yêu với cuộc sống, gửi gắm những lời động viên khích lệ, những lời tri ân đến đội ngũ y bác sĩ; để các em say sưa kể về những giấc mơ bình dị, thánh thiện của mình…
Có thể trước khi có cuộc thi, những bức tranh, những câu chuyện các em vẽ hay viết ra chỉ là dành cho riêng mình, như một hình thức độc thoại, tự sự. Lần này, các em hy vọng có nhiều người lắng nghe, chia sẻ hơn. Sự kết nối, lan tỏa chắc chắn đã đem đến cho các em nhiều hứng khởi. Thực tế là chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, có khá đông thí sinh gửi bài dự thi, số lượng bài thi vượt trội so với dự đoán và kỳ vọng của ban tổ chức. Không chỉ lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng, ở chiều ngược lại, cuộc thi có thể là liều thuốc tinh thần bổ dưỡng cho chính các em, góp phần giúp các em thêm nội lực chống chọi với bệnh tật.
– Anh suy nghĩ gì về ý nghĩa và thông điệp cuộc thi truyền tải?
– Chúng ta phấn đấu để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Cuộc thi mang đến cho các em niềm vui lớn là được đồng hành cùng mọi người, cùng cả nước. Dẫu các em có chịu đau đớn về thể chất và tổn thương về tinh thần, niềm tin yêu hy vọng và những giấc mơ các em ấp ủ thì hoàn toàn lành lặn, khỏe khoắn, trong sáng vô cùng. Năng lượng tích cực các em lan tỏa, chính vì vậy, ấm áp hơn gấp bội. Điều này khiến tôi xúc động. Từng tham gia làm giám khảo nhiều cuộc thi viết, nhưng chưa bao giờ tôi ước mong được trao giải cho tất cả thí sinh như ở cuộc thi này.
– Tiêu chí chấm bài thi của anh là gì?
– Tôi sẽ bám sát tiêu chí ghi trong quy chế của ban tổ chức cuộc thi, ưu tiên những tác phẩm có góc nhìn trong sáng, chân thực, có cách truyền tải cuốn hút mang thông điệp lạc quan, tin tưởng về “một Việt Nam tất thắng” trước Covid-19.
“Vì một Việt Nam tất thắng” là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các bệnh nhi ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ mồ côi. Cuộc thi do Chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời), Quỹ Hy vọng cùng trường Đại học Ngoại thương, Trang tin tức giới trẻ iOne.net đồng tổ chức; VTV Digital và báo VnExpress bảo trợ truyền thông. Chi tiết về cuộc thi xem tại đây.
Theo Vnexpress
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG ĐAM BOOKS
Địa chỉ: thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên.
Hotline: 0888 931 841
Email: dambooks.2021@gmail.com
Website: dambooksmedia.vn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang