Cây ngô đồng Xứ Huế – Cỏ Ba Lá

02/04/22 – 03:04

Tác giả Cỏ Ba Lá

 

Ngô đồng nhất diệp lạc.
Thiên hạ cộng tri thu

                                      (Đỗ Phủ)

Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông

                                               (Bích Khê)

Có lẽ trong số chúng ta khi đọc được những lời tự thán của Bích Khê hoặc trong câu thơ xưa của Đỗ Phủ chắc ai ai cũng sẽ háo hức, thầm hỏi và cả sự tò mò với những chiếc lá chở cả mùa thu “vàng rơi” và những bông hoa mang màu tím kiêu sa ấy. Nhưng chúng ta không cần đợi đến mùa thu bởi ngay lúc này tôi sẽ đưa các bạn về với mảnh đất Cố Đô – nơi mà loài hoa “vương giả” ngô đồng đang khoe sắc làm say đắm lòng người, níu chân, giữ tâm hồn du khách đó đây.

Chúng ta thường biết đến ngô đồng như là một biểu tượng của các bậc “vương giả” qua thơ ca và được gắn liền với hình tượng chim Phượng Hoàng. Một loài chim huyền thoại trong tứ linh, tượng trưng cho vẻ đẹp, sự cao sang và quý phái. “Tích sử kể rằng chim Phượng hoàng luôn luôn tìm cây ngô đồng để đậu”. Vào độ cuối tháng ba là lúc những cây ngô đồng ở Huế bắt đầu khoe sắc. Từ trên cao màu hoa của lưu luyến tím phớt hồng, từng cánh nhỏ liên kết cùng nhau thành chùm, bao phủ cả không gian với phong thái dịu dàng, thanh tao đầy vương vấn tựa như áng mây bồng bâng khuâng, lơ lửng giữa đất trời. Nhưng mấy ai biết rằng đằng sau loài hoa “vương giả” ấy là một lịch sử nhuốm đa sắc màu mà không phải ai cũng đã từng biết đến.

Tương truyền rằng, “vào thời vua Minh Mạng, có hai cây ngô đồng được mang từ Trung Hoa về trồng ở góc điện Cần Chánh (điện này giờ không còn do sự tàn phá trong chiến tranh). Mỗi mùa xuân, hoa ngô đồng bung nở rất đẹp” – (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí). Cũng vì yêu mến sắc hoa của Ngô Đồng mà nhà vua đã cho người thông hiểu cây cỏ mang theo lá cây làm mẫu tìm khắp vùng rừng núi Trường Sơn tìm bằng được cây ngô đồng bản xứ đem về trồng. Sau đó, cây ngô đồng được trồng nhiều bên cung điện của Hoàng Thành Huế, điểm tô thêm cho diện mạo vốn đã rất tráng lệ của thành quách xưa cũ. Cũng từ huyền thoại “vương giả” đó nên cây ngô đồng thuở xưa thường chỉ trồng ở nơi quyền quý. Không chỉ thế, khi cho đúc Cửu Đỉnh, vua Minh Mạng đã cho khắc hình cây ngô đồng trên Nhân đỉnh – chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình. Điều này cho thấy vua đã yêu quý loài hoa ấy như thế nào.

Trong khi ngô đồng ở Trung Quốc trổ hoa vào mùa thu. Ngược lại ngô đồng ở  Huế lại khoe sắc vào cuối xuân đầu hạ. Cũng không biết là từ khi mang từ Quảng Đông về hay từ vùng núi dọc dãy Trường Sơn về với đất Huế. Từ chỗ đất lạ thành quen hay như thế nào mà ngô đồng ở Huế lại nghịch mùa như thế và tạo ra một nét riêng góp phần làm phong phú nền văn hóa di sản vùng đất Cố Đô xưa.

Tiếc rằng, theo dấu thời gian các cây ngô đồng có từ thời nhà Nguyễn đã không còn nữa. Nhưng cho dù ở thời nào thì vẻ đẹp của loài hoa “vương giả” ấy vẫn luôn làm say đắm biết bao lòng thi nhân mặc khách. Ngày nay, ở Hoàng Thành Huế cây ngô đồng chỉ có tuổi đời vài chục năm. Những năm trước đây cây ngô đồng ở Tả Vu có tuổi đời lớn nhất, nở rất nhiều hoa có dáng dấp tuyệt đẹp. Năm vừa rồi cây ở Điện Thái Hoà khoe sắc kiêu sa giữa đất trời. Nhưng năm nay cây ngô đồng ra hoa đẹp nhất, nhiều nhất là cây ở cửa Quảng Đức. Nếu như ngày xưa, nhà vua thi sĩ Thiệu Trị từng khắc khoải khi nghe tiếng rơi của lá Ngô Đồng ngoài hiên vắng và cho khắc trên bia mộ của mình câu:

“Ly biên tam kính cúc
Dạ bán nhất thanh ngô”  

Thì nay tôi lại ngẩn ngơ, lưu luyến trước những chiếc lá mang hình trái tim, có khi lại như là giọt lệ và những chùm hoa tim tím xuyến xao lòng, nhung nhớ những mùa hoa :

Ngơ ngẩn lòng chiều tím Huế bâng khuâng
Ngô đồng khóc giữa khung trời thành phố
Hình giọt lệ lá rơi miền hoa nở
Rưng rứt sầu khắc khoải trái tim yêu

Xao xác bay xoay xoay giữa mây chiều
Hoa lặng lẽ ấp iu trong miền vắng
Chìa tay hứng trái tim hồng thầm lặng
Ngô đồng sầu rớt rụng những mùa hoa”

                                                 (Cỏ Ba Lá)

Ngô đồng đẹp thế, dễ thương thế! Những chiếc lá có hình trái tim, có hình giọt lệ. Những trái tim trong gió như biết bay lượn, những giọt lệ biết xoay xoay, lộn nhào nhiều vòng, quạt qua quạt lại trước lúc lìa cành vẫn bay trong chiều gió mơn man với hình trái tim khắc khoải, nhớ thương khiến ai cũng phải ngẩn ngơ, xao xuyến, bâng khuâng. Hình ảnh trút hết những chiếc lá vàng trên cành dồn sức lực cho cây nở bung những chùm hoa tim tím hồng phớt làm tôi liên tưởng đến bức hoạ “Mùa thu vàng” hay “Rừng bạch dương” của nhà hoạ sĩ tài ba của đất nước Nga – Levitan. Những cánh hoa lặng lẽ, khẽ rơi vẫn căng tràn nhịp sống của một đời thanh tao, vẹn nguyên sắc đẹp thuở ban đầu.

Giữa bầu trời xanh, ngô đồng mang nét u hoài của một gương mặt đa cảm. Từng bông hoa nhỏ nở thành từng chùm san sát nhau. Với sắc màu tim tím pha chút phơn phớt hồng, nhìn giống đuôi chim phượng hoàng. Nhìn xa xa, Với màu tím thanh tao, ta như thấy ẩn trong từng cánh hoa sự trầm mặc của những ký ức cổ kính, phong rêu về Kinh thành Huế thuở hoàng kim nay đã lùi vào niễn xa vãng. Có lúc như một bức rèm hoa ẩn bên trong là một người thiếu nữ kiều diễm. Có khi trông như vòm sáng bừng lên giữa đền đài thành quách nhuốm màu vua chúa. Có lúc như làn mây tím buông mình giữa vùng đất Huế mộng mơ. Lúc tia nắng mai chiếu rọi, khi hạt sương còn đọng lại như ánh pha lê, hoa ngô đồng càng thêm huyền ảo, lung linh làm xao xuyến bao lòng khách lữ.

Ngô đồng khi nở hoa, cây trút hết lá, tuy khẳng khiu nhưng lại mang nét e ấp của sự dịu dàng, thướt tha; tuy không rực rỡ nhưng khiến ai cũng phải ngước nhìn lưu luyến; không nở hoa ngay khi lá còn xanh tươi mơn mởn mà chỉ nở khi những chiếc lá đã “vàng rơi vàng rơi” lưu lại bao dư vị của những nỗi niềm chưa kịp tỏ bày. Lặng lẽ nở rồi lặng lẽ rơi. Đã có biết bao người chờ đón hoa ngô đồng nở để rồi ngẩn ngơ, tiếc nuối, nhớ nhung, hoài niệm và lại trông ngóng, đợi chờ một mùa hoa năm tới, bởi sự rụng rơi không hề báo trước. Để rồi trong sự tĩnh tại nhất ấy, ngô đồng vẫn luôn là cảm hứng, là đề tài khiến bao người say mê, để rồi luyến tiếc, bâng khuâng lắng đọng lòng mình theo từng nhịp rơi của nàng hoa quý phái, vương giả, yêu kiều ấy.

Ngô đồng cũng có mặt trong 28 loại cây thân gỗ được khắc lên Cửu đỉnh với sự tôn vinh sự trù phú của non nước Việt Nam, dù lúc ấy người ta chỉ tìm thấy loài hoa này duy nhất ở Huế. Cây ngô đồng một thuở đã được vua Minh Mạng cho trồng xung quanh điện Cần Chánh với ước mong được nhìn thấy chim Phượng Hoàng đậu trên cây ngô đồng. Để rồi đến khi nhà Nguyễn cáo chung, ngô đồng cũng lui vào cõi tĩnh tại. Xưa kia, biết bao con người xứ Huế từng đắm đuối say mê hương sắc cây ngô đồng bên công viên Tứ Tượng. Theo lời kể, nhiều người dân đã nhìn thấy chim phượng hoàng về đậu ở đó. Năm 1985 khi cơn bão đi qua làm cây gãy đổ đã để lại bao nhiêu tiếc nuối, hụt hẫng  trong tâm hồn những người con trên đất Thần Kinh.

Cũng xin được nói thêm rằng, hoa ngô đồng đẹp là vậy nhưng trong chốn dân gian không phải ai cũng biết đến, thậm chí cả người Huế vẫn hay nhầm ngô đồng với vông đồng hoặc vông nem (cây bã đậu). Giữa hai loài cây ấy vốn dĩ rất khác nhau, hoa vông đồng đỏ chói, lá non đem hấp cơm ăn để chữa bệnh mất ngủ còn hoa ngô đồng tim tím nhỏ san sát như đuôi chim phượng hoàng ở trên cao, càng nở lá càng rụng nhiều tầng mảnh như “vàng rơi, vàng rơi”. Ngô đồng ở Huế khác hẳn cây ngô đồng có hoa vàng và trắng mọc ở phía bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc.

Mời bạn hãy đến với Huế vào độ giữa tháng ba, đầu tháng tư, khi ve sầu đang chuẩn bị hát khúc đồng dao gọi hè, để được thả hồn với những cung bậc cảm xúc trước vẻ yêu kiều của loài hoa mà đa phần chúng ta chỉ biết qua sách vở. Hãy tự mình chiêm ngưỡng nét “vương giả” của loài hoa quý phái này. Trước hương sắc ngô đồng ta như thấy hương thời gian đọng lại. Hoa làm say đắm lòng người và có khi bạn trở thành thi sĩ lúc nào không hay. Nhà thơ Đỗ Phủ từng mê đắm trước vẻ đẹp của ngô đồng mà viết:

“Hương đạo trắc dư anh vũ lạp
Bích Ngô thê lão phượng hoàng chi”
(Thóc thơm, anh vũ còn lưa,
Phượng hoàng mỏi đậu nhành thưa ngô đồng)

Viết về loài hoa như để nhắc nhở cõi dân gian sống đẹp hơn. Hoa là biểu tượng cho cái đẹp. Là sắc màu mà tạo hoá ban tặng cho con người. Nhưng hoa đi vào huyền thoại thì không nhiều. ngô đồng gom gói nhiều cảm xúc, với nhiều cung bậc khác nhau khiến ngô đồng mãi là tâm điểm cho bao người yêu mến loài hoa “vương giả” này vấn vương mãi và không thôi chờ đợi một mùa hoa năm tới. Đây cũng là loài hoa nhuốm màu tích sử về một thời vàng son, tráng lệ của Kinh Đô Huế thuở xưa…!

Chiều buông! Xa xa những tấm rèm tim tím ngô đồng trước cửa Quảng Đức như phủ lên thành quách một màu nhung nhớ, bâng khuâng… Sắc tím ẩn hiện trong chiều như nàng tiên nữ dạo chơi, biểu diễn điệu múa phượng hoàng giữa Hoàng Thành rêu phong tuyệt đẹp…! Tôi bước đi… Ngô đồng dường như cũng vấn vương theo níu giữ bước chân người! Lưu Luyến… Bâng khuâng… Thương nhớ về một thời kỳ lịch sử đã xa… Tôi thầm gọi tên loài hoa ấy trong chiều tim tím Huế… ngô đồng ơi!…

                                                                                              Huế 31/03/2022

CHÙM ẢNH  TÁC NGHIỆP:

 

Cỏ Ba Lá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: