Chiều nghĩa trang – Thơ Trần Thanh Phong

14/08/23 – 04:08

Tác giả Trần Thanh Phong

 

CHIỀU NGHĨA TRANG

Chiều nhạt nắng, nghĩa trang đìu hiu quá
Tiếng côn trùng ra rả vọng xung quanh
Con đứng đây, trước mộ đấng sinh thành
Nghe ký ức khẽ dỗ dành, an ủi…

Con còn bé – mới chưa đầy ba tuổi
Cha lên đường theo tiếng gọi non sông
Cha ra đi, dang dở giấc mơ hồng
Và từ đó mãi không ngày trở lại.

Lời mẹ kể về cha, con nhớ mãi
Cha của con, ai thấy cũng bảo oai
Dáng uy nghi, sức mạnh mẽ, dẻo dai
Trong lao động, khó ai bì cho được.

Tính cương trực, thật thà, ưa mực thước
Ghét những điều giả dối, ngược tường minh
Yêu quê hương tha thiết, nặng nghĩa tình
Cha như thế đã thành người khảng khái.

Vì lũ giặc ác ôn lùng gây hại
Khiến dân mình sợ hãi cả ngày đêm
Cha chung tay đi diệt ác, phá kìm
Cùng tranh đấu để làm nên Đồng Khởi.

Và từ ấy, mặt trời chân lý rọi
Trong tim cha vụt sáng chói niềm tin
Ngày lại ngày nung nấu chí vùng lên
Thời cơ đến, ra tiền phương chiến đấu.

Năm Ất Tỵ (1), đi vào vùng địch hậu (2)
Cha xung phong quyết đấu với Việt Cường (3)
Giáp lá cà… rồi tiếng nổ rền vang
Việt Cường sập, gần trăm thằng Mỹ chết.

Trút hờn oán cha làm nên “tiếng sét”
Và hy sinh vì nước Việt trường tồn
Cha ra đi là tổn thất đời con
Nhưng mất mát để còn non, còn nước…

“Màu hoa đỏ” (4)… Vâng, con nghe… Không khóc
Điệu ru êm, sâu lắng khúc ân tình
Câu ca rằng cha dũng cảm hy sinh
Non nước Việt khắc hình cha trong đó.

(1) Năm Ất Tỵ – năm 1965
(2) Trung tâm Quy Nhơn, vùng do địch chiếm đóng, kiểm soát.
(3) Lầu Việt Cường là khách sạn lớn nhất ở Quy Nhơn lúc bấy giờ. Khi vừa mới đặt bước chân xâm lược đến Bình Định vào đầu năm 1965, Mỹ đã chọn Lầu Việt Cường làm nơi dừng chân, nghỉ ngơi cho sĩ quan và binh lính Mỹ sau những cuộc hành quân của chúng.
(4) Tên bài hát ca ngợi gương hy sinh của các liệt sĩ do nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác dựa theo bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Trần Thanh Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: