18/05/23 – 04:05
CHUYỆN CỦA “NÓ”
Ngoài tình yêu gia đình và người tình cùng chung chăn, chung lối, nó còn có một tình yêu đặc biệt đối với Huế.
Mỗi lúc ngồi hàn huyên với bạn bè hay những bài thơ nó viết luôn thấp thoáng bóng hình của cô gái Huế. Lắm lúc bạn bè đồng môn tỏ ra ghen tị, rồi đặt luôn cho nó cái biệt danh là “Phương Huế”.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc sống rất khó khăn, nhà nó khó khăn hơn. Nhưng nó học cũng giỏi, muốn dùng việc học để thay đổi cuộc đời nhưng bất thành. Sau đó nó theo gia đình vào Nam tìm kế mưu sinh. Cuộc sống bôn chen nơi đất khách chẳng làm nó nản lòng. Vì ngoài gia đình ra nó còn có một nguồn động viên chia sẻ rất lớn của một cô gái mà nó đã phải lòng trong lần đi thi đại học ở Huế.
Cuộc tình chớm nở, tình cảm lớn dần theo năm tháng, được kết nối bằng những lá thư viết tay. Lúc thì nó gửi đi, khi thì cô ấy gửi vào. Nó vui vì điều đó và vững bước hơn.
Sau vài năm phấn đấu, cuộc sống cũng ổn định hơn nó quyết định quay về Huế để gặp người con gái mà nó ngày đêm mong nhớ. Tết năm đó, nó được gia đình bạn gái chào đón như một thành viên trong gia đình xa nhà trở về. Một cái Tết đúng nghĩa đoàn viên, nhiều kỷ niệm còn lưu mãi đến bây giờ.
Sau những ngày du xuân cùng với mối tình đầu, tình cảm cả hai khắng khít hơn, nó mạnh dạn thưa chuyện với ba mẹ cô ấy muốn được tiến xa hơn. Nhận được cái gật đầu đồng ý nó vui mừng ra mặt.
Tạm biệt gia đình bạn gái, trở lại Sài Gòn với tâm trạng phấn khởi. Nó đem chuyện hôn nhân của mình bàn bạc với gia đình. Mẹ nó không phản đối nhưng ba chẳng hiểu sao không đồng ý. Dẫu biết rằng, chừng ấy năm trôi qua, nó chưa từng quen và yêu ai ngoài cô ấy. Nó dùng mọi cách để thuyết phục, nhờ cả bạn bè năn nỉ nhưng bất thành ông bảo “mày muốn thì tự mà đi”.
Nó buồn và thất vọng, bỏ việc, bỏ nhà ra đi. Hành trang nó mang theo ngoài những vật dụng cá nhân, còn có những bức thư của cô ấy. Trong đó chứa đựng những tình cảm ngọt ngào nên nó rất trân quý. Ngay lúc ấy, nó chẳng biết đối mặt với cuộc tình đó như thế nào cho phải. Nó không đủ dũng khí để nói thật với cô ấy, cuối cùng chọn cách im lặng để từ chối. Rồi một mình gặm nhấm nỗi đau và nó nghĩ chắc cô ấy cũng thế. Những ngày tháng tiếp theo nó trượt dài trong cuộc sống, như một chiếc xe tụt dốc không phanh. May là còn có những người bạn đồng môn đưa tay kéo nó về thực tại. Rồi nó cũng nguôi ngoai bình tâm trở lại bắt đầu một công việc mới.
Sau này nó gặp rồi yêu một người con gái miền Tây nhỏ hơn nó 6 tuổi. Dắt về ra mắt gia đình, một lần nữa ba nó cũng không đồng ý. Cái ba nó muốn là một người gốc thành phố để dễ cậy nhờ. Nó lặng lẽ bỏ đi, chọn cách sống riêng tự thân tự lập. Cái ngày nó chính thức lập gia đình, chỉ có mẹ cùng mấy đứa bạn xuống nhà cô ấy còn ba nó thì miễn cưỡng đi theo. Một bữa tiệc đơn sơ đạm bạc, rồi nó dắt cô ấy lên Sài Gòn, thuê phòng sống chung chính thức thành vợ chồng. Kết tinh của mối tình ấy là đứa con đầu lòng chào đời. Niềm vui được nhân lên nhưng khó khăn thì gấp bội. Nó lao vào công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Với một ước muốn duy nhất là đem lại hạnh phúc cho vợ con. Nhưng ở đời chẳng cái gì là như ý cả. Cuộc tình ấy chưa ấm lưng thì luôn xảy ra mâu thuẫn. Hai con người ấy là hai thái cực ngược chiều nhau. Vợ nó chưa bước qua 18 cách sống theo kiểu người Nam, còn nó là người từng trải chịu thương chịu khó sống theo kiểu người Trung nên thường xảy ra xung đột. Những lần cãi vã, vợ nó thường đem chuyện cơm áo gạo tiền, không được cưới hỏi đàng hoàng ra chì chiết. Nó lặng lẽ chịu đựng, vì đó là lỗi của nó, nên chẳng oán trách điều gì. Mỗi lần như thế nó tìm thấy sự bình yên ngọt ngào qua những dòng thư cũ. Bất giác nó thấy mình còn nợ mối tình đầu một lời xin lỗi. Chỉ thầm cầu mong cô ấy có được một tấm chồng tử tế, hạnh phúc ấm êm, đừng có như nó mà khổ cả đời. Có một lần vợ nó dọn dẹp, phát hiện cái hộp kỷ vật của nó, chẳng biết nghĩ sao đem đốt sạch. Khi nó biết được đã tan thành mây khói, nó tức lắm nhưng đành chịu. Cuộc hôn nhân này nó đang đứng giữa ngã ba đường, lùi không được, tiến không xong. Nếu chọn cách từ bỏ thì ba nó là người đúng. Nó không muốn điều đó nên chấp nhận bước tiếp. Ngày tháng trôi qua, đứa con thứ hai chào đời cứ tưởng cuộc sống vợ chồng sẽ thay đổi ôn hòa hơn. Nhưng không có phép màu xảy ra, cuối cùng nó chọn cách từ bỏ để giải thoát cho cả hai. Nó ôm hai đứa con về nhà ba mẹ, xuống nước làm lành với ba, bắt đầu một chặng đường mới. Qua chừng ấy năm chẳng biết cô ấy còn nhớ nó nữa hay không. Nhưng trong lòng nó ký ức về mối tình đầu chưa bao giờ phai nhạt. Những lúc ngồi bên mẹ, nó thường tâm sự. Giá như ngày đó ba đồng ý thì bây giờ cuộc đời nó đã khác. Mẹ nó nghe xong cũng chạnh lòng khuyên bảo “thôi con ạ! Đời người đều có duyên phận” ta nên chấp nhận thôi con.
Qua bao biến cố cuộc đời, cuối cùng nó cũng gặp được chân ái đời mình. Là một người phụ nữ đã qua một lần đò. Cả hai quyết định góp gạo thổi cơm chung. Trong cái gia đình nhỏ ấy bây giờ có vợ, có chồng, có năm nàng công chúa xinh xinh ríu ra ríu rít cả ngày, làm cho nó quên đi cái vất vả nhọc nhằn của cuộc sống. Trong mỗi bữa ăn của gia đình, nó hay kể cho con cái nghe về những danh lam thắng cảnh ở xứ kinh đô Huế. Nào là cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, Sông Hương, Núi Ngự… xen vào đó là câu chuyện tình của nó, vợ con nó nghe miết rồi cũng quen. Được cái vợ nó là người hiểu chuyện nên cũng chẳng ghen với điều đó. Ngược lại còn an ủi chia sẻ với nó. Có chung một suy nghĩ, sau này con cái lớn khôn, cuộc sống ổn định, sẽ về Huế thăm cô ấy một chuyến.
Mấy mươi năm trôi qua, dù muôn ngã phôi phai, nhưng trong lòng nó cả ba cuộc tình vẫn song hành, lưu lại những khoảnh khắc chẳng thể nào quên. Một người cho nó ngọt ngào nhớ nhung sâu lắng. Một người đem đến hạnh phúc bình an trong cuộc sống. Một người tuy không hoàn mỹ nhưng để lại cho nó hai thiên thần bé nhỏ xinh đẹp. Nó cảm ơn tất cả những điều đó và cũng xin lỗi tất cả những điều mà nó chưa đúng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, quá khứ hiện tại vẫn song hành về tương lai. Cùng với những ký ức ngọt bùi cay đắng mãi theo chân nó đến cuối chân trời. Ngay bây giờ nó cảm thấy an nhiên. Ôi cuộc đời này thật đáng yêu dường nào!
Sài Gòn, 10/4/2023
Lê Phương
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang