Cô giáo tôi – Lương Nga (Hải Dương)

24/06/22 – 02:06

Tác giả và cô giáo.

Bốn mươi mốt năm qua đi, có những thứ đã đổi thay, có những thứ đã mất đi và cũng có những thứ đã rơi vào quên lãng. Tôi và các bạn giờ không còn là những đứa trẻ hồn nhiên, ngây ngô, dại khờ như những tháng ngày năm xưa nữa. Nhiều đứa đã lên chức ông, chức bà… Dẫu biết thời gian có thể làm lãng quên nhiều thứ nhưng những kỷ niệm về tuổi học trò, về bạn bè và nhất là về cô giáo – người đã đồng hành với chúng tôi suốt ba năm học cấp 3 thì vẫn vẹn nguyên và được lưu giữ ở nơi đây – trong trái tim tôi.       

Ngày đó, khi vào nhận lớp tôi, cô còn trẻ lắm. Cô ăn mặc giản dị, nước da trắng mịn, mái tóc đen dày được tết gọn gàng sau gáy. Nụ cười thân thiện cùng với ánh mắt trìu mến nhìn chúng tôi thật gần gũi và ấm áp… Rồi những ngày tháng tiếp theo, chúng tôi nhận ra cô là người giáo viên thật mẫu mực, yêu nghề, có tâm huyết trong từng bài giảng. Cách giảng bài của cô dễ hiểu và rất cuốn hút nên mỗi khi cô giảng một bài văn hay một bài thơ nào đó là bọn học sinh chúng tôi ngồi dưới cứ tròn xoe mắt, há hốc mồm ra mà nghe. Cô nghiêm khắc song cũng lại rất thoải mái, gần gũi với bọn tôi, thấu hiểu tâm lý của lứa tuổi chúng tôi và luôn mang lại cho chúng tôi sự đồng cảm và sẻ chia. Tôi học được ở cô rất nhiều điều, về cách dạy dỗ học sinh, về cách giảng bài, cách nói năng và thậm chí cả cách viết bảng. Mỗi khi viết bài học mới, bao giờ cô cũng lau bảng thật sạch. Cô gập gọn gàng chiếc giẻ lau trong tay, bàn tay với những ngón tay trắng thon nhỏ giữ chặt chiếc giẻ, rồi cô lau thật cẩn thận, từ trên xuống dưới, từ góc bảng nọ sang góc bảng kia. Chiếc giẻ lau bảng bẩn đến nhường nào thì chỉ có những ai làm nghề như cô mới biết được, vậy mà trong tay cô chiếc giẻ lau bỗng trở nên thân thiện. Cô viết, những nét chữ mềm mại, gọn gàng hiện lên trên bảng mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Tôi đã học ở cô những điều ấy.

Ba năm học với biết bao nhiêu là kỷ niệm. Có một kỷ niệm mà cho đến bây giờ vẫn mãi không phai mờ trong tâm trí tôi. Hôm ấy, sau một tiết học bị trống là đến tiết văn của cô giáo tôi. Trống vào lớp rồi mà trong lớp chỉ toàn bọn con gái, thêm vào đó là vài ba đứa con trai. Lớp học lỗ chỗ, thiếu rất nhiều. Cô bước vào lớp, đưa mắt nhìn xung quanh, tất cả im phăng phắc. Cô chưa kịp nói gì thì bỗng huỵch huỵch, một bước chân vội vã, và rồi một sải chân rất dài bước vào. Thành “kều” ! Ôi sao lại có một mình cậu ấy nhỉ, còn những cậu kia đâu ??? À, có thể vì cậu ta có một đôi chân dài, một sải bước của cậu ta bằng hai bước chân của bọn tôi cơ mà, vì thế cậu chạy được nhanh chăng? Chẳng nói chẳng rằng cậu ta đi thẳng ra đứng giữa lớp và quay mặt xuống. Cô không nói gì, tôi bắt gặp ánh mắt của cô thoáng buồn, nhìn xa xăm qua cửa sổ lớp như đang tìm kiếm, mong đợi điều gì đó. Mấy phút sau, rồi lại những tiếng bước chân chạy vội vã, huỵch huỵch, ba đứa, năm đứa và rồi một tốp nữa cũng vội vã, hối hả chạy thẳng vào lớp, chẳng đứa nào bảo đứa nào chúng tự động xếp thành một hàng như thể chúng đã quen với việc làm này từ lâu rồi thì phải. Bọn chúng đứng thành một hàng dài, nhấp nhô, lố nhố, cao cao, thấp thấp. Đứa thì cao ngổng lên như một cây cột điện, có đứa thì lại bé tẹo, thấp tè như một cái máy nước… Nhìn bọn chúng đầu tóc, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, vẻ mặt thì ngây ngô, ánh mắt nhìn ngang nhìn dọc pha chút sợ hãi làm bọn con gái chúng tôi không nhịn được, cúi vội mặt xuống bàn và bụm chặt miệng lại cười rúc rích. Cả lớp nín thở, chuẩn bị tinh thần để đón nhận cơn thịnh nộ của cô? Nhưng không, cô vẫn đứng đó, lặng lẽ, bình thản, một lát sau cô cất giọng hỏi: ” Các em đi đâu về?”. Cả lớp lặng im, không có tiếng trả lời. Cô đọc một câu thơ gì đó mà tôi nhớ không rõ lắm, rồi lấy nội dung câu thơ đó cô giảng giải và răn dạy chúng tôi. Cô không mắng, không phạt như chúng tôi tưởng. Bọn con gái chúng tôi thở phào, còn bọn con trai thì cúi mặt xuống, lặng im như đã nhận ra lỗi lầm của mình. Cô vẫn dạy cách sống, cách làm người cho chúng tôi qua những câu châm ngôn, câu thơ, câu tục ngữ như vậy đấy.

Quay lại với đám con trai, cô nhẹ nhàng hỏi: “Tại sao các em vào lớp muộn?”. Bọn chúng nhìn nhau, vẫn im phăng phắc. ” Sao vậy các em?” – Cô hỏi lại lần nữa. Rồi một giọng nói rất nhỏ, lí nhí: “Thưa cô, trống tiết học chúng em đi đá bóng, sau đó rủ nhau ra ruộng dưa hấu của người dân nên vào muộn”. 

Ngày ấy, cứ đến tháng 11, nhà trường thường phát động phong trào thi đua làm báo tường để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11. Lớp tôi cũng tham gia sôi nổi lắm. Tôi nhớ, sau một buổi học, cô gọi tôi và Mai lại bảo: “Chiều đến nhà cô nhé, nhớ đem theo cả bút và thước nữa nhé”. Hai đứa đáp khẽ: “Vâng ạ!”. Về đến nhà, ăn vội ăn vàng bát cơm rồi hai đứa đến nhà cô từ rất sớm – Tự hào và vinh dự mà! Tôi ở Chợ Lớn (Chợ Phú Yên) còn nhà Mai ở rất xa, tận khu Đền Thánh. Ngày đó, chẳng có xe đạp mà đi, đi bộ thôi. Vậy mà chỉ sau khoảng một giờ, hai đứa đã có mặt ở cửa nhà cô. Thấy cửa khép hờ, chúng tôi không dám gọi, đứng bên ngoài rì rầm chuyện nhỏ chuyện to. Vài phút sau, chắc nghe thấy tiếng của hai đứa, cô bước ra tươi cười nói: – Vào đi hai em, hai em đợi cô có lâu không? 

– Dạ, chúng em vừa mới đến ạ!    Chúng tôi vào nhà, sau mấy phút ngồi nghỉ ngơi, cô gọi chúng tôi đến, cầm trên tay một tập bài rồi giao nhiệm vụ: 

– Các em hãy sắp xếp bài viết của các bạn, sau đó viết, trình bày lên tờ báo sao cho cân đối, phù hợp.

Nhiệm vụ cũng khá nặng nề đây! Hai đứa lúi húi làm, bỗng Mai giơ lên một bài viết rất hay, bài viết có bút danh là “Búa Tạ”. Ôi, bút danh gì mà khủng khiếp thế! Cô giáo đọc và đùa: ” Trời, nặng quá! Nó mang cả búa tạ ra doạ cô đây”. Cả ba cô trò cùng cười vui vẻ. Cô cười, nụ cười gần gũi, ấm áp và đầy yêu thương, còn hai đứa tôi thì cứ khúc khích cười mãi không thôi.     

– Cô ơi, viết bài này cô nhé!
– Ừ, viết đi, các em viết vào góc này này.

Hai đứa cặm cụi kẻ kẻ, viết viết, hết bài nọ rồi đến bài kia, rồi cuối cùng cũng hoàn thành tờ Báo Tường của lớp.

          Cô mang cho hai đứa một đĩa ngô luộc cùng với mấy củ từ còn nóng hổi. Thật tuyệt! Ba cô trò cùng nhau thưởng thức món ăn đồng quê, ngon thật là ngon. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn cảm nhận được cái vị dai dai, dẻo dẻo của những hạt ngô nếp và vị ngọt thanh của những củ từ mà cô dành cho chúng tôi…

Tác giả Lương Nga
Chân dung tác giả.

Trong buổi họp lớp, cô đã tâm sự với lớp tôi rất nhiều. Giọng cô vẫn thế nhưng có vẻ trầm ấm và chậm rãi hơn. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của cô: “Các em cứ chơi đi, cứ vui đi và cứ yêu đi, nhưng nhớ là thành luỹ nhà nào phải giữ chắc thành luỹ nhà ấy nhé!”. Cô đã mở rộng cho chúng tôi một cánh cửa song cô lại khép lại rất nhẹ nhàng. Bốn mươi năm trước cô đã dạy chúng tôi những bài học về kiến thức, về xã hội, còn hôm nay cô lại dạy chúng tôi một bài học về cuộc đời.                                                 

Hải Dương, 15/06/2022.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: