Có một thời như thế – Tác giả Phạm Đông Phương (Nha Trang)

31/05/22 – 03:05

         

Tác giả Phạm Đông Phương

Năm ấy chị đang học cấp 3 trường huyện. Theo mô hình giáo dục thời những năm tám mươi: “Trường vừa học vừa làm”. Trường nằm phía tây, giữa một huyện miền núi, trên trục đường 7 lịch sử. Hàng tháng trường nhận một phần rất ít lương thực của tỉnh, còn lại thầy trò vừa dạy học vừa tăng gia sản xuất. Thành phần học sinh đa dạng, nhiều lứa tuổi, họ đến từ các nơi trong vùng, và cũng có nhiều học sinh đến từ rất xa vì nhiều lý do. 

          Anh là thanh niên trong vùng đang độ tuổi khám phá. Nhà cách trường không xa, nghe tin trường có nhiều con gái. Anh tìm cách tiếp cận. Khổ nổi trường quản lý rất nghiêm ngặt, không riêng nhà trường, mà những mối quan hệ nam nữ khác đều bị xã hội lên án nghiêm ngặt. Vì vậy người lạ không dễ vào được bên trong trường. May cho anh trường có mấy đứa cùng thôn đang theo học. Anh phải nhờ chúng làm “vệ tinh” tìm hiểu giới thiệu. Ban đầu chỉ là làm quen, kết bạn… Dần dà anh bén duyên với chị, họ hẹn gặp nhau. Nay nơi này, mai nơi khác. Nhằm tránh tổ bảo vệ nhà trường phát hiện. Rồi như ông bà ta nói “đi đêm lâu ngày tất gặp ma”. Và họ gặp “ma” thật.

          Hôm ấy anh chị được đám “vệ tinh” trong trường mật báo địa điểm họ gặp nhau. Đó là cái lò nấu mía đường bỏ hoang. Nó gần giống cái lò gạch cũ của anh Chí. Không may cho anh, cái lò mía đường ấy lại nằm trong khu vực trường quản lý.

          Khi hai người đang tâm sự, bỗng giật mình vì tiếng lên đạn AK ngay sau lưng. Anh định chạy ra khỏi địa giới theo phản xạ. Nhưng chỉ kịp nghỉ được vậy, anh đã bị bắt. Họ đưa anh về trường. Rồi giam anh dưới bếp một đêm. Người ta hỏi cung anh để loại trừ kẻ gian vào trường. (Sau năm 75 tình hình an ninh vùng Sơn cước còn phức tạp). Chỉ một vài câu hỏi, họ đã biết ngay, anh chỉ là một kẻ si tình. Sáng hôm sau anh được thả về.

   Sau vụ bắt giữ, những tưởng hai người bỏ cuộc, nào ngờ họ gặp nhau nhiều hơn. Nhưng không bao giờ quay lại cái lò nấu mía đường hôm ấy. Anh như con chim bị trúng tên: “Phải cung rày đã sợ làn cây cong” (Nguyễn Du).

Ảnh minh hoạ internet

Rồi cứ thế, nhiều mùa trăng đi qua, họ bên nhau trên con đường rải đầy ánh bạc. Đêm trăng miền sơn cước đẹp đến nỗi, khi mô tả không gian xưa anh bỗng xa xăm, sâu lắng, như trở về năm tháng cái tuổi sôi nổi, lãng mạn ngày nào. Có lẽ khi yêu, mọi cái đều lung linh như thế.

          Phải sáu năm sau họ mới tổ chức đám cưới. Rồi hai người bươn bả ngược xuôi trong thời bao cấp khốn khó. Biết mình “phận bèo” nhưng anh chị không ngồi chờ “nước nổi”. Bao nhiêu vất vã thiếu thốn ban đầu anh chị cố gắng vượt qua. Họ chủ động làm mọi việc có thể trên vùng đồi cao nguyên hoang sơ. Để bây giờ anh chị sở hữu một trang trại rộng lớn, ngay trung tâm thị trấn.

          Con cái ở xa thương anh chị tuổi cao vất vả. Nhiều lần muốn anh chị vào thành phố ở với chúng. Nhưng anh bảo, khi ăn còn biết ngon, đi lại được, anh chị nhất định không đi đâu cả.

          Thiên nhiên nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, anh yêu từng bụi cây ngọn cỏ, anh gần gủi, quan sát chúng lớn lên từng ngày. Anh cần mẫn như một họa sĩ hàng ngày thổi hồn vào bức tranh thiên nhiên giữa vùng đất cao nguyên nắng gió. Một cuộc sống không bon chen, vụ lợi. An nhiên tự tại với khu vườn đang ra hoa kết trái, làm sao có thể bỏ nó mà đi. Anh sâu sắc chiêm nghiệm.

Chị hồ hởi nhiệt tình, vì vậy bạn cùng thời “vừa học vừa làm” thường tổ chức đổi gió, thăm trang trại của anh chị. Anh đàn giỏi, chị hát hay. Không biết hay đến đâu mà đã hai lần chị vào tận Sài Gòn đăng ký thi tiếng hát quý bà. Tuy không đạt giải nhưng thật cảm phục “cái lỳ” của cô bé xuất thân ngôi trường “Vừa học vừa làm” vùng sơn cước năm xưa.

          Mỗi lần gặp mặt, bạn bè luôn lấy câu chuyện anh chị, làm trung tâm bàn luận. Khi đã có hơi men, họ hư cấu cường điệu, họ tưởng tượng, thêm thắt tình tiết, họ tranh nhau thêm bớt… Họ thổi câu chuyện, tạo không khí cho cuộc vui là chính.

          Vì tất cả đều là người trong cuộc, họ tôn trọng tình yêu của anh chị. Họ yêu quý ngôi trường và vùng đất có dáng dấp tuổi trẻ của họ đi qua. Họ nhớ về quá khứ, nhắc đến kỷ niệm với một hướng tích cực. Bởi sâu thẳm trong mỗi người đã có “một thời như thế!”

Phạm Đông Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: