Cội mai già – Lê Yên

02/02/23 – 08:02

     

Tác giả Lê Yên

Tháng chạp về, khoảng thời gian những người con xa quê nôn nao, vội vã trên đường đi làm với từng cơn gió se lạnh cuối đông. Cơn gió ngang qua con phố, luồn lách từng hẻm nhỏ Sài Gòn như thầm thì hối thúc… Sắp tết rồi!Trong tâm những người ly hương, ai cũng muốn trở về. Dừng lại những lo toan đời thường, hướng về cội nguồn. Về quê, sao nghe thương lạ, đâu cũng là nhà, nhưng quê chỉ có một. Xóm nhỏ nhà tôi rộn ràng hẳn lên, ai cũng sửa sang, dọn dẹp, chuẩn bị đón tết. Ông bác nhà bên cạnh sớm mơi chăm sóc chậu Mai kiểng, ông tính thời gian để lặt lá cho Mai nở đúng theo ý mình. Hình ảnh đó làm tôi nhớ Cha với cây Mai già trồng thẳng xuống đất cạnh cửa sổ phòng khách.

Không biết còn được bao nhiêu mùa Xuân, cùng cha ăn tết khi tuổi già đến rất nhanh. Người cha lúc còn trẻ minh mẫn với đôi mắt sáng quắc, tiếng nói sang sảng, cảm giác như ý chí bên trong, vượt qua thể xác để áp đảo đối phương, nhìn cha oai lắm. Tất cả mòn đi như nắng chiều. Cha ngồi trước hàng hiên lặng lẽ, đôi mắt dỏi xa trở về ngày còn mẹ, cha hay nhắc: Mẹ thế này… thế kia… Với đầy ắp yêu thương.

Hồi mẹ sanh tôi ra, vào mùa Xuân, khí trời ấm áp, bừng sáng, còn tôi cứ ốm yếu lắt lay. Được ông ngoại đặt cho cái tên xấu xí, theo như ông ngoại, vậy cho dể nuôi. Cha đi lính không có nhà. Sau lần về phép, cha đặt lại tên cho tôi còn nói với mẹ: “Nó con gái, đặt tên cho dể nghe một chút.” Vội vàng với ba ngày phép cha trở về đơn vị. Tôi nhớ mãi lời mẹ kể, đó là việc làm tốt đẹp đầu tiên cho con gái. Trong nhà chỉ mình tôi có hai cái tên. Lớn lên tôi dần quen với việc này, không còn thấy ghét cái tên không đẹp, chấp nhận nó như một phần của bản thân.

Khi tôi có trí khôn, cha được về làm việc gần nhà.  Người đàn ông như thành lũy bảo vệ gia đình. Nhà đông con, mẹ tất tả, mọi việc đều nghe theo cha sắp xếp. Tánh cha kỹ lưỡng và sạch sẽ, từ cái mẩm ngứa bị con gì cắn trên chân tôi, không phải chỉ xức dầu là xong, cha làm vệ sinh, sát khuẩn cẫn thận. Chị em tôi lỡ trầy xước,  chảy máu không dám kêu, vì sợ cha xử lý vết thương. Cha luôn nghiêm khắc, dạy dỗ khiến chúng tôi không dám gần dù trong bụng thương lắm.

 Quê tôi chiến tranh. Cuộc chiến khốc liệt khiến chúng tôi phải bỏ nhà, bỏ quê, cha đưa cả nhà cùng đoàn người chạy giặc. khi tiếng súng tạm yên, quê hương tan tác, có người trở về. Gia đình tôi theo đoàn đi mãi, đến một vùng đất mới, không có lũy tre, không có đường mòn giữa lòng thôn xóm. Những con đường bàn cờ nối liền, diện tích mỗi lô gia cư giống nhau, nhà giống nhau. Chúng tôi có một quê hương thứ hai. Xây dựng và phát triển còn cần thời gian phía trước… (Về sau, quê hương thứ hai đã để lại thật nhiều thương nhớ, chị em chúng tôi đã trải qua khó khăn với ý thức tuổi lớn trên vùng đất này.)

Cha trở lại công việc của một người công chức cần mẫn. Tôi nhìn cha mình như một hình mẫu lý tưởng. Sự mạnh mẽ của cha khiến mẹ tựa chiếc bóng bên cạnh. Tôn nghiêm của người đàn ông khiến người phụ nữ của mình trở nên thụ động… Con cái phải học hành nghiêm túc. Có lẽ đó là cách cha thể hiện trách nhiệm, yêu thương vợ con.

Thời gian đó chỉ được mấy năm, biến động xã hội nhiều thay đổi. Cha đi học tập cải tạo. Tôi được mẹ cho đi thăm mấy lần, mỗi lần là một địa điểm khác nhau. Tôi thấy cha mình già đi rất nhiều. Làn da sạm nắng, ánh mắt sáng quắc hun hút sâu mệt mỏi. Cha nắm tay mẹ, xoa đầu tôi nói: “Cố mà học nghe con.” Trên đường về, mẹ với đôi mắt đỏ hoe, tôi lặng yên không nói, nghe thương cha quá đổi.

Nhiều năm sau, cha về nhà. Vốn tánh cha ít nói, bây giờ càng ít nói hơn. Mảnh đất nhỏ trong lô gia cư cha gieo trồng kín khắp, Cha cần làm việc không chỉ vì mưu sinh, còn để giải tỏa… Vào rừng khai hoang đất làm rẫy, một thời gian với vụ mùa thu hoạch, khoai, sắn, bắp, đậu đầy nhà, cha mua được cộ xe bò, con bò to khỏe theo cha mỗi ngày đi rẫy. Hồi đó nhà nào có được con Bò kéo xe là đỡ lắm. Mùa hè khi mặt trời chưa lên, chị em tôi được cha đánh thức, đoạn đường dài cho chúng tôi nằm co ngủ thêm được một giấc, cỗ xe lắc lư, gập gềnh. Cha tự do trên nương rẫy của mình, xiềng xích nào đó bên trong bật tung khi cha chặt cây, phát cỏ.

Cha dạy cho chị em tôi làm, vồng khoai phải sửa lại cho đến khi thẳng tắp, đất đều hai bên. Đúng giờ mới được nghỉ. Đến giờ cơm trưa dưới bóng mát của cây rừng có tán rộng, dây leo che phủ, trên tảng đá bàng lớn, bữa ăn đơn giản kèm khoai, sắn. Lời cha nói cứ vẳng theo tôi tận sau này: “Tại sao cha bắt tụi con phải làm như vậy? khi làm bất cứ việc gì hãy đặt tâm tư vào đó và làm tốt nhất có thể.” Trên đường về, xe bò chở đầy củi, rau trái. Chị em tôi đi bộ cùng cha trên đoạn đường dài mấy cây số. “Không được than mệt, quên nó đi.” Cha hay la như thế mỗi lần tôi nhăn mặt, rên rỉ. Cha rèn con như rèn lính.

Chúng tôi trưởng thành, cha già đi. Những đứa con gái lấy chồng xa. Mỗi năm về thăm nhà một lần vào dịp tết. Đó là khoảng thời gian mỗi ngày tôi cảm thấy thật đáng trân quý, thời gian ít ỏi bên cạnh gia đình lớn… Nhìn cách cha mẹ chăm sóc nhau, cảm giác họ yêu nhau nhiều lắm! Cuộc đời mẹ đã trao trọn cho cha, thì đâu nhất thiết trong nhà phải có hai mặt trời, mẹ chọn làm cây cỏ để nhận sự ấm áp từ mặt trời của mình, đó là cha. Tình yêu giữa cha mẹ đã chuyển qua trạng thái “thương” nó lớn hơn tình yêu ở mặt thấu hiểu và cảm thông. Đầy trách nhiệm. Cha pha cho mẹ ly sữa lúc ốm, nhìn thấy mẹ rùng mình khi cố gắng uống hết ly sữa, nhưng lấp lánh trên khuôn mặt đó một sự tin tưởng, hạnh phúc. Bên khung cửa sổ, cha chải tóc cho mẹ, mái tóc dài đen mượt bây giờ đã muối tiêu. Tình thương giữa họ chỉ thêm chứ không bớt.

Tết truyền thống nhà tôi. Mứt Gừng, bánh Thuẩn, dưa món phần mẹ lo, riêng bánh tét chỉ có cha gói là nhất xóm. Mẹ chuẩn bị lá chuối, đậu xanh, thịt ba rọi làm nhân. Nếp được sàng sảy, lượm không còn một hạt sạn, nhất là những hạt sạn trắng nằm lẫn trong nếp. cha nói: “Miếng bánh trong miệng mất ngon nếu nhai trúng hạt sạn.” Ngồi trên chiếc chiếu được trải thêm miếng ny lon với đủ nguyên liệu, một cái mẹt to, cha bắt đầu gói những chiếc bánh tét chắc nịch, tròn vo. Người đàn ông thích sự hoàn hảo làm việc gì cũng tốt nhất.

 Đêm 29 tết, cha bắc bếp, đỏ lửa. Bầu trời đêm đầy sao với tầm mắt không hạn chế như ở thành phố, gió đùa ngọn lửa cười rúc rích, cha lấy tấm tôn mỏng đập dẹp sóng rồi che quanh chắn gió giữa trời. Có một điều rất lạ, không sờ nắn được nhưng thật rõ ràng… Đó là tình thân! Vì người thân ta có thể làm được rất nhiều chuyện. Sẻ chia, hy sinh, đau khổ. Dù thời gian có qua bao lâu với thăng trầm, vỡ nát, xin giữ lại tình thân. Có thể coi đó là nhà để trở về bên mâm cơm, ly rượu, khi ngoài kia mệt mỏi, cần được chút nghỉ ngơi.

Đêm cha thức canh lửa nồi bánh tét, ánh lửa hắt lên bóng cha như cội mai già sần sùi chỉ còn vài chiếc lá với thời gian, hai mặt sáng tối cuộc đời cha đi qua quá đủ với những điều bất đắc chí. Vì gia đình, vì con cái cha đã làm tốt nhất có thể… Vẫn âm trầm nhưng yêu thương thì vô kể.

Bữa cơm đoàn viên ngày 30 trên bàn có đĩa bánh tét thật đẹp mắt, miếng bánh chắc nịch, vòng ngoài xanh màu lá chuối, thịt ba rọi tươm chút mỡ bóng khi được cắt khoanh tròn, trông thật hấp dẫn, một bàn thức ăn gồm nhiều món ngon đủ hương vị tết, quay quần trước bàn thờ tổ tiên, con cháu rộn ràng. Cha ngồi ở ghế trang trọng nhất, bên cạnh là mẹ. Cha lúc nào cũng áo sơ mi đóng thùng, bộ đồ tây với đôi giày tây. Bữa cơm ấm áp làm cha nhớ lại cảm giác mình là người chủ gia đình bận rộn những ngày con còn nhỏ. Sào bánh tét cha phơi từng cặp để làm quà cho các con sau tết, bánh cha gói kỷ nên lâu hư. Cùng nhiều quà quê khác từ vườn nhà.

Nhiều năm sau mẹ bịnh, Cha chăm sóc mẹ một thời gian, mẹ qua đời. Bên cạnh cha chỉ còn chị cả. Căn nhà trở nên quạnh quẽ hơn, sự cô đơn khi mất đi người bạn đời khiến đôi vai cha sụp xuống, tấm lưng không còn thẳng nữa. Mỗi ngày ngoài thời gian đi đến nhà thờ, cha với chiếc xe đạp, cột phía sau cây chổi, cái cuốc nhỏ, một xô nước với giẻ lau, đi ra nghĩa địa. Mộ của mẹ màu trắng nỗi bật giữa những ngôi mộ khác, người ta làm sậm màu cho sạch, cha nói: “ốp gạch trắng để còn thấy dơ mà lau.” Những đứa trẻ chăn bò khiến cha bận rộn. Nghĩa trang ở quê, không đồng nhất, ai cũng có thể làm theo ý mình. Bình hoa tím cạnh khung ảnh xao xác giữa mênh mông đất trời. Cha bên cạnh mẹ không sót ngày nào dù đã âm dương cách biệt.

Nồi bánh tét nhiều năm sau, chị chuẩn bị nguyên liệu cho cha gói. Qùa tết cha dành cho các con luôn không thiếu.

 Đêm hun hút trời sâu, giữa cái lạnh se se, ngồi cạnh cha bên bếp lửa tí tách. Nghe cha kể đủ chuyện, chợt ngưng lại giữa chừng cha nói: “Mẹ con thích ăn bánh tét phần không nhân ở hai đầu.” Tôi nghẹn lòng, quay qua ôm cánh tay gầy nói: “Cha nhớ mẹ rồi. Có muốn con đọc thơ cho cha nghe không?” “Con viết về mẹ hử? đọc đi, cha nghe.” “Vậy cha lắng nghe nha!”

 

Chiều cuối năm nhớ mẹ

Chiều cuối năm gió đông vờn tóc mẹ
Sợi hao gầy sợi rơi nhẹ bờ vai
Manh áo thô đã phai màu xuân úa
Mẹ bây giờ lo chạy bữa nuôi con

Chiều cuối năm mẹ trong lòng vội vã
Lo hũ gạo, hũ muối đã đầy chưa?
Lo quần áo các con vui mấy đứa
Đôi chân trần kịp dép mới mẹ mua

Chiều cuối năm mẹ ngóng cha đầu ngõ
Bụi mai vàng mẹ nhặt lá chờ xuân
Xuân này nữa là bao xuân đã hết
Mẹ ôm con mà nước mắt nửa chừng

Mẹ ngày xưa bây giờ đâu còn nữa
Con bây giờ tóc đã nhuốm màu mây
Gió đông sang con nhớ xưa tiễn mẹ
Một chuỗi buồn lất phất giọt mưa lay

Đường trần đi gối mòn qua mấy bước
Đêm xuân về tròn giấc mộng cố hương
Buông tay ra riệu rã phù vân lạc
Ngày trở về đọng lại tiếng yêu thương

Chiều cuối năm con bồn chồn trong dạ
Đường về quê còn lại bóng cha già
Chiều vợi buồn hiu hắt một nhành mai
Cha đứng tựa ngóng con về cuối ngõ.

Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt nhăn nheo, cha cúi xuống cầm thanh củi đang cháy dở, cời cho lòng bếp rộng ra lẩm bẩm “Củi này nhiều khói quá!” Lòng đêm có sâu như tình yêu cha dành cho mẹ, để nỗi nhớ cứ đầy vơi theo tháng ngày. Quay sang tôi cha bảo: “Con vô nhà nghỉ đi.” Nhìn cha một thoáng tôi chợt hiểu, cha muốn ở một mình với ký ức ngày cùng mẹ canh lửa nồi bánh tét. Tôi trả đêm cho cha, bước vào nhà với chút lo lắng…

Thỉnh thoảng tôi nhận được thư cha viết, những dòng chữ nghiêng nghiêng rất đẹp. Trong thư ngoài những điều thăm hỏi, cuối thư vẫn là “Khi nào gia đình con về?” Cha không nghe điện thoại được vì đã lãng tai. Những cánh thư đi về khiến cha vui hơn với sự chờ đợi.

Cha như cội mai già bên cửa sổ phòng khách, cố gắng đẩy chút nhựa sống nở một vài bông hoa báo hiệu tết mới. Trong tôi những bông hoa ít ỏi đó như mùa xuân rực rỡ ngập tràn nhựa sống yêu thương một đời cha cho đi. Mong cha như cội mai già còn mãi, chờ con về ngày cuối chạp se chút gió đông./.

Ảnh minh hoạ internet

Sài Gòn ngày cuối tháng chạp

Lê Yên 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: