Cơm cháy nồi gang – Tác giả Trần Đức Tuấn

06/12/22 – 01:12

Tác giả Trần Đức Tuấn 

 

Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước còn nhiều khó khăn nên có những thiệt thòi. Đương nhiên là thế. Nhưng trong cuộc sống nhọc nhằn vất vả ấy, lại có những “giá trị vật chất” mà lớp trẻ hiện nay khó có thể tìm được. Như “đặc sản” cơm cháy nồi gang là một ví dụ.

Thuở ấy, hầu hết các gia đình đều dùng bếp củi để nấu ăn. Riêng bọn trẻ làng tôi còn phải đi nhặt lá về đun bếp. Nấu bếp củi vất vả lắm, nhất là dùng lá, rơm. Cơm canh sôi, tàn tro bốc lên, rơi vào nồi là chuyện bình thường. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè, lo được bữa cơm cho gia đình trong cái bếp nan tre trát bùn lợp kè, bé tí, thấp tẹt, đầy mạng nhện, ngột ngạt, khói um nóng bức, mồ hôi thánh thót đua rơi, vuốt mặt không kịp, quả thật là gian lao vất vả. Nhớ lắm hình ảnh mẹ tôi còng lưng thổi lửa, vừa ghế cơm vừa lụi hụi giơ chiếc vung nồi lên chắn bụi. Giờ nghĩ lại mới thấy thương các bà, các chị, các mẹ vô cùng.

Hồi ấy, cũng như nhiều gia đình khác trong làng, nhà tôi nấu cơm bằng chiếc nồi gang “gia truyền”. Nghe nói chiếc nồi này có từ lâu lắm rồi, khi bố mẹ tôi lấy nhau, ở riêng được ông bà nội “phân chia tài sản” cho. Vị chi, nếu tính bằng thế hệ thì nó đã “vinh dự” được phục vụ 3 đời trong gia đình chúng tôi.

Nấu cơm bằng nồi gang hay lắm, lửa to không lo bị khê, khét. Tuyệt vời hơn, không hiểu thành phần cấu tạo của hợp chất gang tiếp xúc với gạo thế nào mà lúc cơm chín, bao giờ cũng cho ra một lớp cháy vàng ruộm, đầy đặn, ăn giòn tan, ai cũng thích.

Tuổi thơ tôi lớn lên trong những tấm cháy này. Mỗi bữa cơm, mẹ tôi thường ưu tiên cho tôi miếng to nhất. “Ưu điểm” của ăn cháy là có thể ko cần thức ăn vẫn ngon. Còn nếu chấm với muối vừng hay nước mắm cốt thì vô cùng tuyệt diệu, cứ đánh bay hết cả đế nồi. Đặc biệt, hôm nào nhà cải thiện, kho chút thịt, chỉ cần múc nước rưới lên thì thực sự như là được ăn đại tiệc, no căng bụng, vẫn thòm thèm. Vị thơm, giòn tan của miếng cháy quyện cùng vị ngậy, béo của nước thịt, cả đời không bao giờ quên được. Lại nữa, nhiều buổi chiều đi học về, người mệt, bụng đói, lục nồi cơm, cạo tấm cháy nguội nhai trệu trạo, tu một cốc nước vối nóng, cũng thấy người tỉnh hẳn ra. Làng tôi có nhiều bác sỹ, kỹ sư, thạc sỹ, giám đốc… xuất thân từ những bữa cơm cháy cạo nồi mẹ nuôi như vậy đó.

Mấy năm sau, kinh tế phát triển, đời sống đi lên, khi tôi học lớp 7, thầy tôi mua về chiếc nồi cơm điện. Chỉ việc đổ gạo nước vào, cắm điện, hạ nấc, đến bữa mở ra ăn. Sau đó lần lượt các gia đình trong làng cũng sắm nồi mới. Thêm vài năm nữa bếp ga cũng dần thay thế cho bếp củi cổ truyền.

Đồ hiện đại quả là tiện lợi, giải phóng bao nỗi nhọc nhằn, vất vả cho phụ nữ và con nít trong làng. Chỉ có điều, nhà sản xuất không thiết kế để có cháy ăn. Món cơm cháy dần vắng bóng trong bữa ăn các gia đình. Dần dà, một thế hệ mới sinh ra, lớn lên trong kỷ nguyên “nồi cơm điện”, cơm áo đủ đầy, không còn biết đến và cũng chẳng tha thiết với những miếng cháy nồi.

Vẫn biết đó là quy luật tất yếu của cuộc sống hiện đại, nhưng trong thế hệ người làng từ lứa chúng tôi trở về trước, được ăn miếng cháy nồi gang nóng hổi, nhất là trong những ngày đông giá buốt, vẫn là những kỷ niệm ngọt ngào chẳng thể nào quên mỗi khi nhớ đến quê hương và tuổi thơ lam lũ của mình.

Ảnh minh hoạ internet

Trần Đức Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: