Con tim tật nguyền – Tác giả Lê Mỹ Thạnh (Đà Lạt)

31/05/22 – 08:05

Tác giả Lê Mỹ Thạnh (Đà Lạt)

Anh đi mất tăm như con mễn trên rừng sợ tiếng cồng của buôn làng – không nhớ là bao nhiêu mùa đát chín.

          Hôm anh về, buổi chiều hoa sim trên triền đồi đã sẫm một màu khi không còn ánh sáng. Lá mắc cỡ khép hững hờ đôi mi chờ đêm xuống, tiếng con chim rừng khắc khoải gọi đàn…

Anh về, con đường anh đi qua có khác, rộng hơn, quang đãng hơn không như cái lối mòn xưa cũ. Những đứa bé đi học về còn tha thẩn, đôi mắt đã tròn lại thêm vẻ tò mò dán chặt tia nhìn vào anh…, cũng không cần biết anh là ai -trong suy nghĩ của tụi nhỏ anh là một người “rất lạ mà rất quen” – bởi sao?, vì cách ăn mặc của anh thật ấn tượng: một chiếc áo phông màu đen có in hình Obama, Bin Laden, chiếc quần fean nhiều túi và một đôi giày rất ngộ, mũi giày dài ra trông như đầu cá sấu… chắc chắn chưa có ai ở buôn mang loại giày như thế bao giờ! Và anh không khác đi được một chàng trai núi rừng có đôi mắt và làn da đen, mái tóc xoăn tít được chụp lên một chiếc mũ rộng vành.

Anh hỏi một đứa trong bọn:

 – Con học lớp mấy? Cô giáo tên gì?

Cả bọn đồng thanh: Cô A Sang, cô A Sang, chú biết không?

Bước chân anh chùn lại, có gì đó lao xao trong lòng, có lẽ ngọn gió buồn thương đã thổi bùng lên trong tâm thức anh ngọn lửa tình yêu mà anh đã cố vùi sâu vào đống tro thời gian. Hai người đã gặp và quen nhau ở đầu con dốc, cô gái với nụ cười lúng liếng và cái nhìn đầu tiên làm gùi bắp đầy trên vai anh như nhẹ tênh. Trên đường rừng về buôn hôm ấy sắc hoa mua như tươi hơn, ánh nắng vàng ươm thêm rực rỡ tô thêm nét hồng lên đôi má của A Sang, hôm ấy cô nàng ra thị trấn, chiếc váy thêu màu đen vương đầy bụi đỏ. Tóc nàng búi cao đen nhánh để lộ vòng cổ tròn… cứ thế họ đi bên nhau mỗi người mỗi suy nghĩ mà quên mất đã về tới đầu buôn, họ bật cười chia tay nhau vội vã, ra về mà lòng nhớ man man… Ánh lửa bập bùng, tiếng khèn trầm khàn lấn trong đôi mắt kiếm tìm nhau, những đêm hội mang sắc thái núi rừng để nhiều cô sơn nữ đắm say đôi hàm răng trắng đều như hạt muối khi chàng trai cười trong điệu nhảy lắc lư… A Sang nghe lòng rộn ràng khi mỗi sáng thức giấc, con suối mát trong, những cành hoa dại nở tím theo lèn đá – hai người đã ngồi ở đó chuyện trò, ước mong, cùng nghe con chim rừng hót lời ríu rít. Sao anh không có mẹ?… sao anh không đến lớp… suối reo róc rách, gờ đá nhấp nhô, bầu trời xanh ngắt… I Bân bên nàng đã quên mất thân phận của mình!

          Đêm về tay gác lên đầu, mắt dán lên nóc nhà, thực tai đã làm lòng anh xáo trộn. Nhà A Sang lúa ngập đầy bồ, heo bò nhiều dưới sàn, nàng như bông hoa ước mơ cho bao chàng trai muốn hái. Nàng sẽ về xuôi và đi học để làm cô giáo… Còn anh quá khứ là một đứa trẻ lạc loài bị bỏ rơi bên triền suối, Thàng đã lượm anh về, cho anh uống nước cơm sôi, ăn thịt con nai trên rừng và nuôi dạy anh thành người đàn ông của bản làng. Anh có đủ sức để hạ con heo trong rừng, giỏi để bắt con sóc trên cây và đôi tay trần lực lưỡng của anh đẹp như một Đam San huyền thoại.

Chuyện của hai người vẫn bền vững cùng năm tháng như sợi gai trong rừng bện lại thành dây, như con ong chăm chỉ hút nhuỵ hoa làm mật.

Rồi một ngày họ rời xa nhau, mỗi người ở hai đầu nỗi nhớ, nhìn mưa lòng buồn nặng hạt, nghe gió vi vu cuốn theo muộn phiền, chìm vào giấc ngủ mơ hồ gọi thầm tên nhau để mắt thêm sâu đong đầy ngấn nước…

Họ chờ mùa tới, chờ suối trên nguồn trong veo, cây đỏ trên rừng oằn trái – đó là mùa hạ, mùa của thoả lòng đợi mong được nhìn thấy nhau và nụ cười cũng làm đêm thôi dài…

Ảnh minh hoạ internet

A Sang về, nàng đi trên con đường đất đỏ bụi mù và tiếng xe máy đã tắt từ cuối dốc, nàng về làm lòng anh mừng đến se thắt.

 Vẫn tinh khiết như nụ lan trong rừng, ngọt ngào như trái chín, thơm tho như hương ngàn, họ ngồi ở đó – nơi vẫn tiếng róc rách của dòng nước từ nguồn sâu chảy về trong nỗi ngập ngừng:

– Hãy đợi A Sang một năm nữa…

Anh không cần suy nghĩ:

– Tôi sẽ đợi A Sang suốt kiếp!

          Đến một đêm I Bân không thể ngủ được vì ngày mai nàng sẽ lên đường. Anh lặng lẽ chạy về ngôi nhà rông to nhất bản, như con sóc trên rừng anh hướng về nơi liếp cửa rồi cài vào đó một nhánh lan rừng và biến mất vào đêm tối tĩnh mịch của tây nguyên đã ngủ một giấc say nồng.

Mờ sáng, nghe bên nhà A Sang xôn xao. Cha nàng giận dữ bảo rằng ông đã mất một con bò tối đêm qua, trong đám đông bàn tán có lời ai đó xì xào:

– Thằng I Bân! Thằng I Bân chạy…

Già Thàng ngồi lặng lẽ, ông hiểu thằng I Bân nhà ông lắm. Nó là một thằng ít nói thật thà, một thằng bé ngoan từ lúc còn đỏ hỏn. Ông nhớ có lúc vì mãi theo một con sóc, con nai mà ông đã về muộn… thế mà lần nào nó cũng ngủ như con trút, không bao giờ nó làm cho ông phật lòng.

Nó là thằng kẻ cắp! Người ta đã nói như thế… nhánh lan rừng chỉ nói hộ chuyện trái tim còn chuyện của tha nhân thì…

Ngày tháng trôi như dòng sông. A Sang đã là cô giáo, cô giáo đã lấy chồng. Dẫu biết lòng còn nặng lời nguyền nhưng A Sang phải nghe theo lời người lớn, Nàng đã đem những kỷ vật của I Bân chôn xuống lòng đất: một chiếc nanh cọp, những lá rừng có dáng trái tim đã ép khô và gần đây nhất là chiếc vòng bạc – vật đính ước mà I Bân đã trao cho nàng, A sang đã đem gởi xuống lòng hồ mênh mông với lời thì thầm:

A Sang hiểu hết cớ gì anh lại bỏ đi!?”

I Bân như bóng chim tăm cá. Người ta thường thấy già Thàng hay ngồi cúi đầu xuống đôi chân đã chùn rưng rưng khoé mắt. Ông nhớ hồi nhỏ có lần I Bân hỏi: “mạ ở đâu?” Ông chỉ lên trờ – bầu trời xanh khi đó có áng mây bồng bềnh như một cô tiên, và sau nó thường bảo với lũ bạn:

Mạ của tau đẹp lắm!

Nó không có mạ – điều này làm lòng ông thêm nhức nhối. Ông cũng không khuyên được vì ý của nó tốt lắm, hãy để cho A Sang “thơm tho” trong điều tiếng của buôn làng, người ta bảo thằng đó là kẻ cắp thì không ai có thể nói gì thêm được.

Mùa thu tới có con thú rừng đi trên lá khô. 

Mùa đông tới thác vẫn đổ ầm ào.

Mùa xuân tới hoa chuối trong rừng đỏ thắm và mùa hạ thứ mà anh thường mang về cho cô khi còn bên nhau là những viên đá nhỏ đủ màu nơi lòng suối đã nhô lên cao…

Đó là quy luật của thượng ngàn mà tạo hóa đã dày công.

Anh phải về thôi, mọi chuyện chắc đã êm rồi, A Sang đã hạnh phúc… phải về với già Thàng cô độc – người mà anh mắc nợ một đời vì chuyện tình thâm. Anh phải làm lại nhà sàn, mua cho Thàng áo mới. Mùa đông trên rẻo cao mù mịt sương giá già Thàng phải được ấm áp, ấm như ngày nào anh đã được ấm trong làn thổ cẩm mà già đã đổi ngoài thị trấn bằng những lít mật ong, bằng con thú rừng.

Anh sẽ sống và hát tình ca trong những đêm hội buôn làng, đội văn nghệ của I Bân sẽ được lập lại. Anh sẽ dạy hát, dạy chúng biết yêu thương khi một ngày mai lớn, trong đó có một đứa trẻ mà khuôn mặt luôn phảng phất nụ cười của mẹ nó – điều đó làm lòng anh an lành. Anh có quyền được nhìn ngắm và chiêm nghiệm về cuộc đời… còn câu chuyện của riêng anh sẽ được cất giữ một nơi mà không ai có thể biết tới.

Đó là nơi đã chôn dấu thứ tình đầu cao đẹp, nơi chắt chiu hạnh phúc một thời và đớn đau trọn một kiếp người – nơi mà con tim đã tật nguyền!

Lê Mỹ Thạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: