Đi đâu mà vội mà vàng – Tản văn Tôn Nữ Thanh Tịnh

03/07/23 – 05:07

Tác giả Tôn Nữ Thanh Tịnh

 

ĐI ĐÂU MÀ VỘI MÀ VÀNG!

– Mạ mấy tuổi rồi?

     Đó là câu hỏi mà mạ tôi hỏi nhiều nhất trong ngày. Đôi khi tôi giỡn một chút cho vui: Mạ chỉ mới 39 cái xuân xanh thôi! Đôi mắt mạ mở lớn nhìn tôi, nói: Mạ không hiểu! Tôi cười cười, nói : Không 39 cái xuân xanh, thì 93 cái xôn xao! Mạ than: Già quá rồi! Sao chưa đi? Tôi hiểu, nhưng vẫn hỏi: Đi mô mạ? Chẳng lẽ ở đây hoài sao? Tôi lại hỏi: Mạ không ở đây thì ở mô? Mạ tôi lắc đầu, nói: Trước sau rồi ai cũng phải đi! – Mạ nôn nóng gì chứ, cứ ăn cho no, ngủ cho kỹ, khi nào “Sư phụ” (cách tôi gọi thần chết) đến bảo “Đi hỉ” thì đi! Vội gì!

Kỳ diệu thay là chữ “đi” của Việt Nam ta.

     Đi… là đi, cũng một chữ “đi” ấy, mà nằm trong câu nói nào, ở trường hợp nào, nơi đâu… là theo ý hiểu của nơi đó, trường hợp đó mà thực hiện… đều hợp lý, hợp tình cả. Cho thấy, mạ tôi vẫn còn minh mẫn lắm.

     Và, tôi cũng thật là sung sướng, khi thi thoảng vẫn còn được nghe mạ tôi hát, hoặc là đọc thơ, hay vài câu ca dao còn lưu giữ lại trong trí nhớ, tuy không còn nhiều, nhưng những gì mạ tôi còn nhớ được, đều như một loài hương thơm lâu gửi lại hồn tôi.

     Có ba câu thơ của nhà thơ Thế Lữ, đã lưu trong tâm hồn tôi từ rất lâu. Nay, đôi khi nghe mạ tôi đọc ra, lại thấy dậy lên trong lòng mình một nỗi niềm rất chung trong kiếp người.

“Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi:
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười,
Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,
Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu đàng.
Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội…”

Nhớ… có lần đang ngồi bên mạ, chợt nhớ ra là mình đã quên một món ăn đang còn trên bếp! Nên đứng lên, chuyển bước vội… Bỗng nghe mạ đọc mấy câu:

“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây
Thủng thẳng như chúng em đây
Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng
Tôi chùng chân lại…”

Đây không phải là lần đầu tiên mạ nhắc nhở tôi.
Phải rồi, tại sao ta cứ phải vội vàng qua từng khắc rơi của thời gian!
Tuổi trẻ ta vội đã đành. Rủi thay, những ngày tháng phôi phai, vẫn còn lai rai vấp phải những vội vàng…

     Không phải riêng chính bữa nay, mà từ bao lâu rồi, tôi cũng đã từng ngẫm ra… những phận người giữa cõi lao lung, dù muốn dù không, cũng bị cuốn hút theo nhịp thời gian đang rơi nhanh ấy mà vội… Vội… kẻo không còn kịp nữa! Không kịp nữa điều gì? Thì chỉ có người nào, nằm trong hoàn cảnh nào mới nhận ra, cảm thấy cần phải… vội! Mà thấm thía cho những cõi đời lắm nỗi đeo mang…

Vội… Chẳng phải riêng ai?

     Nhà sư Tuệ Sỹ đã từng có một câu thơ, tôi vẫn thường đem ra nghiền ngẫm: Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ… mà xét xem mình có như vậy lần nào chưa? Hay trong thoáng chốc nào đấy vì quá vội… đã trở nên hồ đồ!

     Lại, nhớ đến những con người, những hoàn cảnh chỉ vì một phút vội vã, mà thành ra lạnh ngắt xương da nơi đâu đó, chẳng thể trở lại nhà! Hay rơi vào tình cảnh thay đổi vận mệnh của cả đời mình… nét đẹp bị tàn phá, vùng xinh tươi thoáng chốc tan tành trong một sát – na, cũng bởi vì trong một phút giây vội vã…

     Chợt thoáng thấy đôi câu Kiều hiện ra:

“Đời mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi”

Ngón tay lại tay máy, lá gan cũng muốn động đậy, cái trí cũng không chịu ngồi yên… “Nó” đã mạo muội thay vài ba chữ “Đời phồn hoa” thành “Phút vội vã”. “Đời mà đến thế thì thôi/ Phút vội vã cũng là đời bỏ đi”.

     Lại nhớ, có một bài thơ của thầy Thích Tánh Tuệ. Nay cũng muốn viết ra đây cho rõ ràng mà “ngắm nghía” lại:

VỘI

Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa
Vội vàng sum họp, vội chia xa
Vội ăn, vội nói, rồi vội thở
Vội hưởng thụ mau, kẻo vội già
Vội sinh, vội tử, vội một đời
Vội cười, vội khóc, vội buông lơi
Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ
Vội vã tìm nhau, vội vã rời
Vội bao nhiêu kiếp, rồi vẫn vội
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa
Ngoài hiên đâu thấy hoa hồng nở
Vội ngày vội tháng, vội năm qua
Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội
Cứ thế ngày xưa chẳng nhớ ra
Đáy nước tìm trăng mà vẫn vội
Vội tỉnh, vội mê, vội gật gà
Vội quên, vội nhớ, vội đi về
Bên ni, bên nớ vẫn xa ghê
Có ai nẻo giác bàn chân vội
Hóa trạch bước ra giấc não nề”.

Bạn có cảm thấy, thấp thoáng bóng dáng mình qua bài thơ “VỘI”?
     Tôi thì có!

Tôn Nữ Thanh Tịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: