Đồng Cam – Dòng nước ngọt lành – Tản văn Trần Văn Hải (Phú Yên)

17/03/22 – 02:03

Dòng nước từ Đập Đồng Cam đưa về cánh đồng huyện Lúa Tây Hòa. Ảnh: Nguyễn Anh Đào
Tháng 3 về trong từng cơn gió lùa miên man qua từng cánh đồng đang chuyển màu vàng óng ả, màu của lúa chín, màu của niềm vui, niềm hy vọng và nụ cười của người nông dân về một vụ mùa bội thu. Đó chính là thành quả của những tháng ngày cây lúa bám mình trong đất, băng qua thời tiết mưa gió thất thường, những ngày âm u rét buốt, và được nuôi dưỡng từ dòng nước của đập Đồng Cam mát lành.
Quê tôi ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên thuộc vùng đồng bằng Duyên Hải Nam Trung Bộ với những ruộng lúa xanh bát ngát, thẳng cánh cò bay. Theo lời kể của Ba Tôi thì trước đây quê tôi là vùng chủ yếu trồng khoai, sắn, mía, quanh năm phải nhờ nước trời. Năm 1924, người Pháp cùng hàng vạn công nhân, nông dân Phú Yên chắn ngang dòng sông Ba, xây dựng nên đập Đồng Cam dẫn nước về hai kênh Nam và Bắc tưới tiêu xanh mát một vùng rộng lớn, làm ruộng lúa phì nhiêu, người dân nơi đây vẫn hay ngân nga câu ca dao:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Đồng Cam xây dựng nhớ ngày năm xưa
Gian nan, cực nhọc, bấy giờ…
Công ơn biết mấy cho vừa đừng quên”
Đập Đồng Cam còn là nơi du lịch dã ngoại tuyệt vời của du khách gần xa khi đến nơi đây, để thưởng ngoạn phong cảnh, ngắm nhìn làn nước tung bay trắng xóa, mây trời và núi non hùng vĩ.
Tác giả trải nghiệm dã ngoại tại Sông Ba
Những dòng nước trong xanh mát rười rượi theo hệ thống kênh thủy nông dẫn đến khắp nơi cùng tận những ngóc ngách ruộng đồng, làm tươi tốt cả những đám cỏ ven bờ, đâu đó những đàn bò lững thững, mải miết gặm những mầm non vừa mới nhú sau đêm sương, đôi tai phe phẩy, hay bất giác nhìn lên khi có bóng một con cò trắng bay ngang.
Vào những đêm trăng thanh chiếu rọi, ánh sáng lung linh huyền ảo trải dài khắp cánh đồng, hơi nước từ dòng kênh mương thổi một luồng gió trong lành mát lạnh, dưới ánh trăng mơ màng biết bao nhiêu cặp đôi thề nguyền yêu nhau và nên duyên vợ chồng từ đó. Lúc nhỏ Tôi và chúng bạn thường đứng trên cầu ngắm nhìn ánh trăng bàng bạc in bóng xuống dòng kênh, trò chuyện rôm rả và cười đùa vui vẻ, những câu chuyện và trò chơi trẻ con cứ nối tiếp tháng ngày êm đềm bên dòng kênh yêu dấu.
Tuổi thơ tôi rất thích tắm mương, những đoạn mương sâu vừa phủ đầu. Tôi cùng chúng bạn canh những ngày nước về tràn kênh là tắm cho thỏa thích, có đứa còn tinh nghịch leo cả lên thành cầu mà cong chân nhảy xuống tũm, nước văng tung tóe, đưa chân đạp nước như những con ếch nổi trên mặt nước, rồi vội chuyển sang bơi ngửa nhìn bầu trời xanh thẫm và đắm chìm trong làn nước mát lành. Tôi không quên những ngày tháng ngày thơ ấu cùng Ba Mẹ ra đồng cuốc ruộng, chải bờ, hay mò cua, bắt cá, những chiếc giỏ đan bằng tre xinh xắn đeo bên hông cùng với nào là cá lóc, cá sặc, cá rô, tôm, cua… tươi rói nhảy tanh tách là niềm vui mỗi buổi tan đồng. Chiều về khói bếp tỏa vấn vương bên mâm cơm cùng với những món ăn Mẹ chế biến được từ nhưng con tôm, con cá vừa mang về là niềm hạnh phúc vô bờ.
Tắm mương. Ảnh Internet.
Quê hương vào mùa lúa chín xinh đẹp vô cùng, cả cánh đồng đổi màu vàng trải khắp nơi, hương lúa ngất ngây và sóng lúa chập chùng, trên cao những cánh én chao liệng trên bầu trời có những tầng mây trôi lơ lửng chầm chậm. Xa xa những mái nhà mái ngói đỏ tươi ấp ló sau lũy tre làng.
Tháng 3 về trong tiếng máy gặt đập liên hợp, tiếng gọi nhau í ới, từng đàn chim sẻ bay lượn, chốc chốc lại xà xuống nhặt những hạt thóc vàng rơi vãi trên đường bê tông, có cánh cò chao lượn tìm con cá trong gốc rạ vừa mới gặt, những con chuột mặt mũi lấm len tìm nơi ẩn nấp, những xe cộ bò chở đầy ắp bao lúa về phơi khắp sân nhà, những con đường làng phơi đầy rơm rạ thấp thoáng trong màu áo trắng em thơ đến trường.
Nếu quê hương là chùm khế ngọt thì dòng nước Đồng Cam quê tôi như dòng sữa mẹ nuôi cánh đồng phì nhiêu bát ngát thóc vàng trĩu hạt, làm nên một miền quê với cảnh sắc tuyệt đẹp, nên thơ, nuôi tâm hồn tôi khôn lớn, dù đi đâu tôi cũng luôn nhung nhớ về quê hương diệu vợi, xinh đẹp và hiền hòa ấy.
TRẦN VĂN HẢI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: