16/12/21 – 04:12
Đông qua xuân tới đã là quy luật trường tồn của tạo hóa ngàn đời vẫn vậy. Năm cũ bịn rịn nói lời chia tay để mà khép lại rồi chuyển giao cho niên mới đang tiến đến rất gần. Ngày tháng cận tết, những đứa con tha phương ở mọi miền tổ quốc háo hức thu xếp công việc trở về quê hương. Họ chờ đợi phút giây sum họp cùng gia đình, trong lòng mang theo những câu chuyện vui buồn sau nhiều tháng trời biền biệt bươn chải.
Đặt chân về đến đầu làng không khí đã nhộn nhịp, khẩu hiệu, cờ đuôi nheo, đèn màu, bóng nháy giăng kín ngõ xóm lung linh. Chợ phiên mấy bữa nay đã họp cả ngày ,người mua kẻ bán đông nghìn nghịt chen lấn, cười nói ồn ào náo nhiệt. Các mặt hàng từ bánh mứt, bia rượu, gà, lợn,rau, dưa, cá, tôm cho đến sản vật mọi miền xuôi ngược đủ thứ hội tụ cả về đây. Những quả bưởi to tròn vàng óng vườn nhà mới hái, trái cây phật thủ, đu đủ, táo, chuối vườn bày mâm ngũ quả vẫn còn dính nhựa trên cuống. Đào phơi phới sắc hồng tươi mới nụ tròn xinh chúm chím, quất đủ thế sai trĩu quả lần lượt theo chân người đi chợ về nhà. Hoa cúc, hải đường, hoa ly, hoa lan, cây cảnh đủ sắc màu chồi non lộc biếc bày bán la liệt ngoài đường cổng chợ.
Giữa cái đợt gió mùa đông bắc tràn về se se lạnh, con sông quê nước đang xuôi dòng êm đềm chảy, đàn cò trắng sải cánh bay về tổ ấm tránh rét. Cánh đồng mênh mông vắng lặng không một bóng người. Những thửa ruộng cạn vuông chữ điền phô ra từng vẫng cày ải nằm đều tăm tắp.
Trong tiết trời lất phất mưa xuân, già trẻ lớn bé hối hả sửa sang dọn dẹp tổng thể gọn gàng sạch sẽ. Căn nhà ấm áp như khoác lên mình tấm áo mới tươi tắn khang trang hơn sau khi quét mạng nhện, vôi ve. Mọi việc tâm linh cơ bản đâu vào đấy, đồ thờ cúng được hạ xuống bao sái lau chùi sáng bóng, hoa thơm trái ngọt bánh kẹo dâng lên bày biện tươm tất, mùi hương bài ngan ngát trên bàn thờ gia tiên trang trọng. Ông già bà lão nụ cười móm mém mừng mừng tủi tủi, ánh mắt ngời lên hạnh phúc khi con cháu về tề tựu mừng thọ thêm một tuổi. Loa xã phát liên khúc các bài nhạc xuân rộn ràng trong các buổi truyền thanh thường nhật. Những ca sĩ cây nhà lá vườn chất giọng mộc mạc chân quê tụm năm tụm ba hát karaokê.
Mảnh vườn nhỏ trước nhà một vài luống su hào xà lách vun luống trồng thẳng tắp, khúc rau cải mới vãi nứt nanh nhú mầm bé tý. Ngoài sân, đám mạ gieo bùn non cấy vụ xuân mơn mởn, bó mùi già hạt nhỏ li ti trên mẹt cho các thành viên tắm gội tất niên tỏa hương dìu dịu. Góc bếp yêu thương đã đỏ lửa với tiếng nổ lép bép của củi cháy chất nồi bánh chưng. Chum rượu nếp mới nấu sóng sánh men say, vại hành muối trắng nõn nồng nồng hăng hăng, mùi măng giang măng nứa khô ngâm chua lòe. Đâu đó tiếng dao thớt đều tay lạch cạch, hàng xóm đã có vài gia đình chung nhau đụng lợn sớm lọc thịt bó giò, từ chỗ ấy vọng ra tiếng kêu eng éc.
Mỗi nhà, mỗi người đều chuẩn bị đón tết theo cách riêng của mình. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh thì không khi nào thiếu. Quần áo giầy dép đủ đầy quanh năm nên cũng không còn cảnh mong đến tết để may được bộ đồ mới mà diện xúng xính. Hôm nay trong câu chuyện trà dư hậu tửu mấy anh em nhắc lại chuyện pháo tết vang rền, đúng là ngày tết có pháo thì vui thật. Tôi vẫn thèm khát nghe tiếng pháo nổ rộn ràng nơi nơi đùng đùng đoàng đoàng giòn giã, thèm ngửi mùi khói pháo tép khen khét, thèm nhìn thấy xác pháo nhuộm hồng cả một góc sân nhưng nhà nước cấm nên gần đây chìm lắng.
Đêm qua khuya khoắt giữa bốn bề yên tĩnh. Tôi lại bâng khuâng nhung nhớ thanh âm dư vị ngày tết ngọt ngào khi ông với bố còn sống, mấy chục năm đó có nhiều thiếu thốn nhưng tổ ấm đông đủ sum vầy. Thấm thoắt gần ba năm sau ngày bố vĩnh viễn ra đi, anh lấy vợ, chị lấy chồng thì nhà tôi lại càng thênh thang trống trải. Hai hàng nước mắt chảy dài ướt gối, tôi nằm nghĩ vẩn nghĩ vơ những câu chuyện không đầu không cuối. Trời xui đất khiến thế nào mà trong đầu tôi chợt xuôi dọc miền kí ức lan man hoài niệm đến cây nêu.Tôi nhớ như in cả dáng ông nội gầy guộc, khuôn mặt phúc hậu, lom khom dựng nêu sáng ngày hai mươi ba tháng Chạp nghênh xuân trước cửa nhà khi tôi còn nhỏ như những thước phim quay chậm găm vào ký ức.
Tôi khẽ reo lên! Hóa ra là đã mấy năm vào Nam, về quê chớp nhoáng chạy đua với thời gian những ngày cận tết, bao chuyện mải mê nên khiến tôi vô tình quên mất, chẳng còn thời gian đâu mà nghĩ đến việc dựng nêu nữa. Quê nhà tôi những năm gần đây chẳng ai còn tha thiết thú chơi dựng nêu. Dáng dấp cây nêu mai một vắng bóng gần như bị xóa sổ cuốn đi trong hững hờ quên lãng. Cũng phải thôi, một phần vì cuộc sống quá hối hả tất bật, phần nữa vì nhà ai cũng chặt phá sạch tre xây bờ tường bao, giờ trong làng kiếm cây tre làm cái cán cuốc cũng khó huống hồ là chọn tre to cao thẳng đẹp.
Lại nói tiếp về cây nêu ngày tết. Từ xa xưa, theo tập tục dân gian, cây nêu đã mang trong mình ý nghĩa tâm linh triết lý âm dương và bao câu chuyện truyền thuyết cổ tích hấp dẫn li kì về nguồn gốc. Các cụ quan niệm dựng nêu với mục đích sâu xa: “Trừ tà, tránh ác, mong muốn bình an, nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ quấy nhiễu nhòm ngó”.
Ngày xưa, cha ông ta coi trọng dựng nêu – hạ nêu. Đó là một việc đặc biệt với đầy đủ thủ tục nghi lễ vô cùng trang nghiêm cẩn thận, bài bản đúng nghi thức văn hóa đậm chất truyền thống Á Đông của một nền văn minh lúa nước. Hình ảnh cây nêu là biểu trưng đồng điệu giữa con người và trời đất, báo hiệu không khí của ngày tết nguyên đán, bắt đầu một năm mới thịnh vượng phát tài. Gia chủ gửi vào gió trăng bao ước vọng mong muốn xuôi chèo mát mái, mưa thuận gió hòa, cuộc sống chu toàn no đủ, xua tan đi muộn phiền buồn vui đau khổ, xua tan cái rét muớt đại hàn, xua tan những cái gì lo toan thiếu thốn khó khăn không thuận lợi thường nhật.
Cả đêm tôi thấp thỏm với ý tưởng sẽ thay ông dựng lại cây nêu cổ truyền gìn giữ tinh thần văn hóa để cho ngày tết dân tộc ý nghĩa đủ đầy trọn vẹn và đậm đà hơn. Năm canh chập chờn trằn trọc tôi góp nhặt chắp vá hình dung nhớ lại các công đoạn mà trước đây tôi ngồi xem ông tôi từng làm. Hôm sau khi gà vừa gáy sáng, tôi chui ra khỏi cái chăn ấm để đi xin một cây tre ưng ý không cụt ngọn. Cây tre là lọai cây của cội nguồn hồn quê bình dị mộc mạc như chính vẻ đẹp gần gũi hiền lành chất phác. Cây tre có đủ gốc đủ ngọn có tay có đốt, mọc thành khóm cao vút vươn thẳng cành lá tươi xanh, tre là bậc thang kết nói âm dương thiên địa, tre là biểu trưng che chở, sức sống mãnh liệt vững chãi và kiên cường năng lượng tốt dẻo dai.
Tôi bỏ ra một tiếng buổi sáng chuẩn bị mua vải tự tay cắt may pha mực kẻ viền viết chữ. Cọ đưa nét chữ tuy còn mộc mạc nguệch ngoạc nhưng tâm tôi khi viết phiêu bồng như mây như gió. Phú qúi thọ khang ninh trên nền vải đỏ như màu đào thắm; Ngũ phúc lâm môn trên nền vải vàng như màu hoa mai phương nam. Hai vế đối nói lên sự vẹn toàn đầy đủ của năm cái phúc viêm mãn cùng đến cửa. Đó vừa là ước mơ vừa là động lực để vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách trong cuộc sống của mỗi gia đình người Việt.
Lấy một thanh tre vót tròn như vành nón may thêm dải tua rua làm một cái tán “bảo cái – lọng báu” tượng trưng cho trời, chẻ một cái lạt dài đan bốn đường nan ngang và năm đường nan dọc theo thuật “tứ tung ngũ hoành” tượng trưng cho đất khai thiên lập địa. Tất cả đồ trang trí vải vóc ngũ sắc đều hướng đến cân bằng năng lượng âm dương, điểm xuyết thêm phần rực rỡ kiêu hãnh hơn cho cây nêu phô sắc diễm lệ yêu kiều giữa bầu trời mây xám trĩu nặng, trước mưa xuân gió xuân, vạn vật vào xuân.
Trên ngọn nêu cong cong ví như cành dương liễu dẻo dai rủ xuống tôi khéo léo tỉ mẩn trang trí những dụng cụ có tính chất tạo âm thanh phối khí đem lại nguồn năng lượng dồi dào. Khi có cơn gió nhẹ nhàng thổi tới chuông gió đung đưa phát ra tiếng leng keng trong trẻo nghe rất vui tai. Giữa thân cây nêu tôi treo cái nậm trong chứa nước mưa thanh tịnh là hiện thân của bình nước cam lồ tràn đầy. Các loại lá dứa, nhánh xương rồng tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người. Ngoài ra còn có thêm một cái giỏ nhỏ trong bỏ những vật phẩm mà con người làm ra như bông lúa, gạo, lạc, đỗ, muối …. với mong muốn mùa màng thu hoạch thắng lợi, cuộc sống no đủ sung túc. Dưới đoạn gốc nêu “lấy vía” tôi thành kính dâng một ít tiền vàng mã và một cỗ mũ các quan để khi hạ nêu ngày mùng bảy thì đốt cho vị thần linh bảo trợ.
Khi làm nêu, người người lớn bé già trẻ chung tay mỗi người một việc thể hiện sự gắn kết tình thân. Vui sướng nhất có lẽ là bọn trẻ,chúng xúm lại khuôn mặt sáng lên, đôi mắt lấp lánh chực chờ sai vặt, chúng tranh nhau buộc đồ trang trí vô cùng thích thú. Tôi nhìn hững nụ cười ríu rít, say sưa ngắm nghía, chờ mong ngóng đợi phút giây dựng nêu khi lần đầu tiên chúng trải nghiệm mà cũng vui lây.
Khoảnh khắc đào hố dựng xong cây nêu cao ngút mắt, tôi kìm lòng đứng lặng hồi lâu hướng mắt nhìn lên giữa thực giữa hư, vừa mừng vừa tủi không nói nổi thành lời. Chao ôi! Tôi như có cảm giác đang xuyên không trở về cái tết xưa những ngày thơ ấu. Bóng dáng quen thuộc cây nêu cổ tích thiêng liêng của ông nội năm nào lại hiện diện giữa biển mây trời sương khói, làm duyên làm dáng, ngự trị trên mảnh vườn thân thương. Cái phướn điều mềm mượt bay lượn chậm rãi nhẹ nhàng theo gió lang thang về miền xa ngái đem luồng năng lượng sinh khí mới nhân khang vật thịnh đón cái rét tài rét lộc .
Cây nêu dựng lên như dựng lại hồn cốt cả một bầu trời ký ức nồng ấm, dựng lên những muôn vàn cung bậc cảm xúc. Đó là cầu nối níu kéo bao nhiêu câu chuyện quá khứ trăm năm, gắn kết xoá nhoà mọi khoảng cách, sẻ vơi nỗi nhung nhớ kẻ đi người ở. Trong tâm khảm, tôi xin gửi thật nhiều niềm thương nỗi nhớ đêm ngày vào ngọn nêu diệu kì linh nghiệm để xua tan màn sương dày đặc, vén đám mây trôi lơ lửng, đánh thức cho những người tít tắp cùng trời cuối đất xa xa góc bể chân trời như ông tôi, bố tôi, các chân linh tiên tổ nội ngoại kính yêu nhà tôi biết đường đi lối về, tương phùng ngày tết cổ truyền trên nhân gian cho trọn vẹn.
DUY DƯƠNG
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang