08/12/21 – 02:12
“Ba anh em Nẫu” trải lòng về đất Phú
Cách đây không lâu, tôi có dịp vào phố biển Nha Trang để thăm một người đồng đội cùng quê, có một thời đi Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ khai thác lòng hồ Thủy điện Sông Hinh (1986-1988). Nhân tiện tôi ghé thăm “cơ ngơi” của Nguyễn Bá Nha. Lúc ấy anh vừa sáng lập Dự án Tủ sách Đam Books phục vụ cộng đồng. Tâm sự bên ly “cà phê cóc” ở góc phố nhỏ, Bá Nha đưa tôi tập bản thảo “Tình người đất Phú”. Bá Nha nói nửa đùa, nửa thật: “Sư phụ” có hơn 10 năm làm báo (Tạp chí Trí thức Phú Yên) và có chuyên môn mỹ thuật… “Sư phụ” góp ý trang bìa và viết vài dòng cảm nhận về tập “Tình người đất Phú” ạ!
Thú thật, nếu nhận lời thì đây là việc ngoài khả năng, không nhận lời thì vô tình mình đã làm tổn thương tình cảm của những tác giả là người Phú Yên. Dù các tác giả đã và đang tất bật mưu sinh với cơm – áo – gạo – tiền – hiếu – hỉ…nhưng các anh vẫn đau đáu về “nơi chôn nhau cắt rốn” hay mảnh đất đã cưu mang mình có ngày hôm nay…Tôi nhận lời và cũng không quên “đắp bờ con” với Bá Nha: “ Mình sẽ cố gắng hết khả năng!”
Đọc qua bản thảo tác phẩm “Tình người đất Phú” mới biết, ấn phẩm được ra đời do 03 tác giả là người con Phú Yên (Huỳnh Khang, Nguyễn Luật và Bá Nha) trải lòng bằng ngôn ngữ rất dung dị, đời thường như bản chất của chính người “xứ Nẫu”. Những tản văn, ký, phóng sự, những vần thơ không đãi bôi, không hoa từ mà các anh tự sự bằng một tấm lòng chân thật đúng chất “Nẫu” của mình đối với quê nhà.
Một tác giả Huỳnh Khang (sinh năm 1973) anh sinh ra và lớn lên ở “huyện Lúa” Tây Hòa, là người con của gia đình nông dân chuyên nghề làm ruộng nhưng anh đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (1992-1997) với chuyên ngành đào tạo dược sĩ. Hiện Huỳnh Khang sống và làm đại diện cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh. Sống, làm việc ở một vùng đất hoa lệ từng mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng anh vẫn da diết nhớ quê hương, Huỳnh Khang khẳng định: “Dù có đi xa vạn dặm, tôi vẫn giữ bên lòng tiếng mẹ Xứ Nẫu thân thương…” và anh cũng nói thật lòng mình bằng vần thơ:
… Kiếp sau xin vẫn hiền hòa
Vẫn dân “Nẫu “,“đi xe thồ “,“dẫy na”…
(Vẫn xin làm dân “Nẫu”)
Trong những năm là sinh viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Khang không tự ti là người “Xứ Nẫu” và những ngôn ngữ trong sinh hoạt đời thường anh vẫn cứ “xài” bình thường “đi dìa”,“dẫy na”,“dẫy hửng”,“y dẫy”,“y xì”,“y bài (Tiếng “Nẫu” thân thương)
Dù sinh sống nơi đất khách nhưng hình ảnh “Giếng nước làng”; “Nhớ những ngày xưa coi phim, xem hát” của thời bao cấp khốn khó ngày xưa ở quê nhà luôn là ký ức đẹp theo mãi trong anh. Anh không quên những trò chơi bắn bi, đánh trổng, thả diều với những bạn nhỏ cùng thôn…và tuổi thơ trong anh hiện diện:
…Ta về với tuổi thơ ta
Bãi soi, đám mía, lũ gà, đàn trâu…
…Ta về với bạn thuở nào
Vừa quen, vừa lạ: lời chào chẳng ra…
(Ta về)
Có lẽ Huỳnh Khang cũng như tôi, hay bao chàng trai khác…trong cuộc đời có những giây phút ngu ngơ trước một “bóng hồng”, có những phút làm “gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ…” cho nên chàng thi sĩ – dược sĩ đã hoài niệm trải lòng:
“…Có mối tình nguệch ngoạc, lông bông
Vụng dại theo hoài trong nỗi nhớ…”
(Miền nhớ)
Và dược sĩ Huỳnh Khang cũng đôi lần làm thi sĩ, tự sự với lòng mình:
Hồn tôi là những hoa cỏ may
Đu tà áo dài em tung bay
Đu gót son em nhè nhẹ bước
Đu lên sợi mềm suối tóc mây…
(Khóm cỏ may)
Và ước muốn :
Về đong nắng gió miền ngoài,
Tìm ngày thơ thẩn tắm hoài bến sông.
Dạo quanh kiếm lại tuổi hồng
Và đi gom nhặt những bồng bột xưa.
(Về tìm tuổi thơ)
Và khi có dịp về thăm quê hương, anh rung cảm và hoài niệm miên man trước thực tại đẹp đẽ của bức họa đồng quê:
Miên man nắng gió Tuy Hòa
Miên man tiếng hát đưa đò trên sông.
Vàng bông lúa trải trên đồng,
Miên man một áng mây hồng trên cao.
(Miên man Tuy Hoà)
Khi ở Sài gòn thì nỗi nhớ quê luôn trong anh:
Cái nỗi nhớ dường như không khách sáo
Cứ bám đeo, theo ta khắp chốn cùng.
Khi tàn chiều khói toả nhớ càng hung
Tuy Hoà hỡi, Tuy Hoà ơi! Nhớ lắm!
(Nỗi Nhớ Tuy Hoà)
Nếu nói dược sĩ Huỳnh Khang, tuy thân nơi xứ khách, nhưng lòng ở quê xưa, đã trải lòng về quê cha đất mẹ với nỗi niềm thương nhớ đậm chất “Nẫu” thì tác giả Nguyễn Luật (Nguyễn Tấn Luật – sinh năm 1976) không bươn chải xa quê, anh vẫn gắn chặt đời mình với quê nhà. Tốt nghiệ Trung cấp ngành chế biến thực phẩm Trường Trung học Nông nghiệp – Công nghiệp Thực phẩm Đà Nẵng(nay là Trường Cao đẳng Lương thực – thực phẩm Đà Nẵng), về làm công nhân Nhà Máy đường Đồng Bò (huyện Tây Hòa). Nguyễn Luật tri ân về quê hương bằng những bài thơ rất chân chất…Anh cũng tự hào mình sinh ra và lớn lên ở “Xứ Nẫu”, anh tự hào quê hương “ đất Phú” có những danh thắng đã và đang đi vào lòng người và thi ca, hội họa…
Nguyễn Luật từng tự sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Duyên hải miền Trung đầy nắng và gió. Nơi có dòng sông Ba hiền hòa, có núi Nhạn sừng sững uy nghiêm thả hồn thơ trong đêm Nguyên tiêu…”:
…Tháng giêng về !Tháp Nhạn tình chứa chan
Đêm Nguyên tiêu ngọt ngào vần thơ gợi …
(Tuy Hoa biển và em)
Miền đất hoài cổ có Đá Bia phủ lớp rêu phong đã trải qua bao mưa dầm nắng đổ:
Sừng sững núi cao đứng giữa trời
Đá Bia mây phủ ngắm trùng khơi
(Ngắm cửa ngõ phía Đông của Phú Yên)
Nguyễn Luật không quên đưa bạn đọc ngược quốc lộ 29 ta về với huyện miền núi Sông Hinh để được nghe tiếng cồng, chiêng, thưởng thức men rượu cần của người dân tộc Ê Đê, Ba Na để và không quên dọc quốc lộ 25, ghé lại Đập Đồng Cam, là mạch máu cung cấp nước về Kênh Nam cho đồng lúa Tuy Hòa:
…Sông Ba tôi! khơi nguồn mạch sống
Đồng Cam bốn mùa chở nặng phù sa…
(Tự tình bên sông Ba)
Và Nguyễn Luật cũng có những cuộc dạo chơi miền sơn cước, vốn đã nghe dân gian có câu “Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Cọ” nên chàng thơ cũng có chút rung cảm trước cái đẹp của đất và người:
…Vẳng nghe dạo khúc tình tang
Kơ – tia ai gảy mênh mang núi rừng
Gùi ngô em vắt trên lưng
Đèo theo mấy đóa hoa rừng lá giang…
(Em gái La Hai)
Bằng ngôn ngữ chân chất, thiệt thà Nguyễn Luật cũng mời gọi lữ khách một lần đến Phú Yên, miền đất trù phú và đầy ước vọng:
…Em thử về Xứ Nẫu một lần xem
Lúa Tuy Hòa mênh mang đang vào hạt
Tháp Nhạn chờ, sừng sững ngâm điệu nhạc
Thi nhân khắp miền mở hội Nguyên Tiêu
(Mời em về…)
Ngoài ra tác giả Nguyễn Luật, còn dùng từ “dìa” (về). Từ mà người dân Phú Yên hay nói, để giao lưu mời gọi bè bạn bốn phương:
Ai “dìa” qua Đèo Cả
Sóng ngã hát lời ru
Mũi Điện vẫn thiên thu
Đưa đoàn thuyền “dìa” đậu .
Ai “dìa” thăm Thạnh Hậu
Khoai, bắp chứa đầy nhà
Ai “dìa” qua Mỹ Thành
Mía đường ngọt nổi danh.
(Ai “dìa”)
Tình yêu quê hương của Nguyễn Luật không chỉ dừng lại ở từng con người, từng danh thắng… mà còn cả cái nắng, gió Phú Yên :
Hay :
Ai người đất Phú về đâu
Thấy sông thì nhớ thấy cầu thì vương
(Sông Cầu cảnh tiên)
…
Nhắn bạn về một miền quê trù phú
Có hoa vàng nở rộ trên cỏ xanh
Có Lương Công* một thời đi mở đất
Trang sử vàng chiến tích mãi lưu danh.
(Tự tình bên sông Ba)
Đặc biệt, tác giả trẻ Nguyễn Bá Nha (Bút danh: Bá Nha, Y Đam, Đam Thành, Nguyễn Phan Lâm), một trong 3 tác giả “ Ba anh em Nẫu” có hoàn cảnh khác hơn với Huỳnh Khang và Nguyễn Luật. Bởi Nguyễn Bá Nha (sinh năm 1987) quê quán ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có tuổi thơ gian khổ, thất học, lang bạt mưu sinh…
Cha mẹ Bá Nha đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới tại Gia Lai, Bá Nha lớn lên từ một cậu bé mục đồng. Ngoài giờ học, Bá Nha đi chăn bò ở núi Ông Ri – nơi được mệnh danh Cổng Trời Mang Yang. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, học xong lớp 9, Bá Nha nghỉ học đi làm thuê ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum… và học nghề hàn điện dân dụng ở thị xã An Khê. Năm 2004, anh theo chân cha mẹ về lại quê hương Bình Định sinh sống. Năm 2005, anh đến Sơn Nguyên làm công nhân xây dựng (thuộc Cty CP Xây lắp điện Tuy Phước) xây cầu ở thôn Nguyên Hà (Sơn Nguyên – Sơn Hòa) và phải lòng cô thôn nữ Mai Thị Huy. Năm 2007, hai người nên duyên vợ chồng, anh xin cha mẹ ở quê vợ lập nghiệp.
Dẫu biết kinh tế khó khăn, đã có hai con nhỏ và đã độ tuổi U 30, nhưng Nguyễn Bá Nha luôn mơ ước có bằng đại học. Để hiện thực hóa ước mơ, từ năm 2013 – 2016, anh học bổ túc. Năm 2016, anh thi đỗ tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào Trường đại học Thái Bình Dương. Với học lực khá, giỏi, Bá Nha thường xuyên được nhận học bổng và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên trường. Tôi có dịp tiếp xúc Ban giám hiệu nhà trường, mới hay Nha là sinh viên năng nổ hoạt động truyền thông, phong trào sinh viên của trường.
Trước đó, Đại hội Xã đoàn xã Sơn Nguyên (2012-2017) Bá Nha trúng cử vào Ban chấp hành, làm Bí thư Chi đoàn thôn Nguyên Hà. Anh được nhân dân bầu chọn đại biểu HĐND xã Sơn Nguyên nhiệm kỳ 2016 – 2021, (sau xin rút tên để vắng mặt vì đi học đại học). Ngoài ra, anh còn được chọn là 1 trong 3 thanh niên của Phú Yên dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2014. Và tại quê hương thứ hai (Phú Yên), anh lập Thư viện tư nhân Nắng Mai phục vụ miễn phí cho cộng đồng như một sự trả ơn.
Tốt nghiệp Cử nhân ngành Việt Nam học – chuyên ngành Báo chí Việt Nam, anh từng được nhà trường tuyển dụng đặc cách vị trí cán bộ truyền thông của Trường Đại học Thái Bình Dương. Bá Nha kinh qua vị trí Giám đốc Truyền thông của Công ty TNHH Truyền thông Giá Trị Việt Khai Minh và bắt đầu viết sách tại Nha Trang.
Thế mạnh của Bá Nha là viết làm báo, với thể loại phóng sự, ký sự…thi thoảng cũng ngẫu hứng thả hồn thơ. Bá Nha đã xuất bản ấn phẩm Phóng sự, ký sự Gương sáng đời thường – tập 1, (NXB Lao động, 2020). Anh đã tham gia nhiều bài viết ở các Báo, Tạp chí Trung ương và địa phương.
Qua những bài viết trong Tình người đất Phú, Bá Nha đã giới thiệu đến bạn đọc về những danh thắng, địa chỉ đỏ lịch sử cách mạng của tỉnh Phú Yên và những điển hình trong thời kỳ đổi mới…như: Sơn Định đi đầu Top “Ba Xã Anh hùng”; “Áo mới” Sơn Xuân trước thềm Xuân mới; hay “Một Cao nguyên giàu tiềm năng” (Ký sự: Mùa xuân mới – Nông thôn mới trên Cao nguyên Vân Hòa).
Là lớp trẻ, đam mê nghề báo nên Bá Nha không ngại khó đi tìm những sự kiện lịch sử để viết “…Mùa hè đỏ lửa năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc những người con quê hương Sơn Hà đã hăng hái xung phong tham gia du kích xã, lực lượng vũ trang nhân dân huyện, đó là: Bùi Xuân (Năm Xuân), Võ Văn Linh (Chín Rượt), Đinh Tại (Ba Bừng anh trai Sáu Bừng),…theo bước những người anh đi trước: Y Bá Nào, Y Phi, Y nghệ, Năm Mãn… ta làm chủ trận địa, nắm quyền sinh sát ở đường 7, du kích xã tham gia hỗ trợ tác chiến với lực lượng vũ trang huyện các trận phá ấp ở Củng Sơn, Thành Hội, Trãng Sim, tiêu biểu là trận Núi Một ( Củng Sơn), tiêu diệt, thu súng, đạn về cất giữ ở Cây Da (Suối Cau). Chiến tranh ác liệt, đạn bom chẳng gọi tên….” (Ký sự: Về Đồng Thầy Mười Thăm Căn cứ Suối Cau)
Bá Nha không quên quảng bá ẩm thực dân dã của người dân sinh sống ở vùng núi…nhưng nay là ẩm thực đặc sản nơi phố núi, được du khách ca ngợi mỗi khi đến Sơn Hòa, bởi món ăn ngoài tính dân dã còn đậm chất triết lý nhân sinh… Và ngòi bút của anh được toi rèn: “Nếu như người Mường có câu “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lùi, tháng tới” là toàn bộ không gian văn hóa nếp sống, phong tục, cưới xin, cách tính lịch,…của họ. Thì đến với người Ba Na (Sơn Hòa, Phú Yên) thực khách cũng được nghe “Canh Bồi gạo trắng, lá xanh” với nét văn hóa ẩm thực mang đậm nhân sinh, thơm ngon, bổ dưỡng đến nứt lòng….” (Canh Bồi gạo trắng, lá xanh”)
Bá Nha, cũng trải lòng để tri ân những liệt sĩ, y bác sĩ tại Trạm xá 14 ( Địa danh trạm xá tuyến huyện Sơn Hòa – Phú Yên thời kháng chiến 1965 -1975)
“…Y 14! Y 14 và những người chiến sĩ áo trắng
Áo trắng hiên ngang, “tay kéo”…những anh hùng!”
(Mật danh Y 14)
Và trong thơ Bá Nha cũng “Nẫu” như hai huynh trưởng Huỳnh Khanh, nhị huynh Nguyễn Luật, trong bài thơ cùng tên Tình người đất Phú đã được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Dương Tấn Bình:
“…Tiếng “Nẫu” thân thương tuy “quê” mà ngọt thế
Lâu rồi “nẫu có “dìa” thăm quê?..
Tình Người Đất Phú của “Ba anh em Nẫu”, dù những trang văn chưa phải là tác phẩm hoàn hảo, những vần thơ gieo giữa những khoảng khắc vội vàng lên ca (của Nguyễn Luật) hay nỗi nhớ quê da diết của dược sĩ Huỳnh Khang…nói lên nỗi lòng của những người con xa xứ. Một Huỳnh Khang khá thành đạt ở chốn Sài Thành hoa lệ, đau đáu niềm nhớ, niềm thương. Những thước phim kỷ niệm đẹp trong anh về Tuổi thơ đi coi hát, bên mẹ và tuổi thơ đồng nội chăn bò. Giếng nước, đường làng, tiếng Nẫu: nẫu, dìa, dẫy hửng…trong anh như một tài sản vô giá vậy.
Và có một Bá Nha ngày nào mà tôi biết là một thanh niên quê mùa, khó khổ….đam mê văn chương và đi tầm sư học đạo khá nhiều thầy. Từng là bạn đọc, cộng tác viên xuất sắc của Tạp chí Trí thức Phú Yên, Bá Nha viết nhiều về những về Đất và Người Phú Yên, lịch sử hào hùng, các di tích và nhịp sống đời thường, tình người qua bát canh bồi, qua đời sống….Tôi được “Ba anh em Nẫu” trao tay tập bản thảo với một niềm tin yêu, và cũng được biết rằng cuộc hội ngộ thật dễ thương, nhẹ nhàng và hữu duyên đó.
Tuy chưa là nhà báo, nhà văn hay nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng ấn phẩm “Tình người đất Phú” của “Ba anh em Nẫu” (Huỳnh Khang, Nguyễn Luật và Bá Nha) ít nhiều cũng nói lên tình cảm của những người con đối với quê hương Phú Yên, vùng đất các tác giả đã sinh ra, lớn lên (Huỳnh Khang, Nguyễn Luật) hoặc chí ít cũng đã cưu mang những tác giả đã chọn Phú Yên làm quê hương thứ hai như Bá Nha.
Câu từ, lối viết hay cách thể hiện trong từng bài ít nhiều tác giả còn khiếm khuyết… hy vọng bạn đọc với tinh thần người Việt cũng cảm thông và vui vẻ đón nhận “Tình người đất Phú” băng tình cảm trân quý. Sự đón nhận và thông cảm của bạn đọc sẽ đem đến “Ba anh em Nẫu” niềm lạc quan yêu đời hơn trong cuộc sống. Trân trọng!
Tuy Hòa, Đầu hạ 2021
Nhà báo, họa sĩ Hoàng Hà Thế
Ủy viên BCH Chi hội Mỹ thuật tỉnh Phú Yên
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang