HƯƠNG QUÊ – Tản văn HOÀNG THỦY (Quảng Nam)

14/12/21 – 10:12

 

Tác giả HOÀNG THỦY

                                                                           HƯƠNG QUÊ

Khi đất trời giao thoa, vạn vật khởi sắc, ấy là khi mùa xuân đang khởi nhịp trở về. Con đường làng miên man nhuốm màu cỏ biếc. Những nụ hoa, cành lá vờ ngủ quên trong ngày đông giá rét giờ vươn mình bừng khoe hương sắc. Trong làn gió mát mơn man, hoa cỏ ngập ngừng e ấp kiêu sa như đôi má phơn phớt hồng của người thiếu nữ…

Khúc hát Xuân đã về của nhạc sĩ Minh Kỳ từ nhà ai rộn ràng khai xuân rất sớm:“Xuân đã về, xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mang. Trên cánh đồng chim hát mừng. Đang thướt tha từng đàn cùng bay vui say. Xuân đã về, xuân đã về, ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới. Xuân đã về, xuân đã về, ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân …”.

Từng khắc, từng giờ, xuân ùa về trên mọi nẻo đường, trên những phố phường, xuân tràn ngập sân trường, xuân len lỏi vào cửa nhà, góc bếp …Xuân tưng bừng trong bao khúc ca ấm áp lòng người. Mỗi bước chân đi bỗng nghe rộn ràng tựa hồ lỗi nhịp…     Xuân sang, nửa lòng hân hoan xốn xang bao điều mới mẻ, nửa rưng rưng hoài nhớ về những điều xưa cũ. Có khi cũng đúng như cái biệt danh mà cậu học trò đã đặt cho tôi –  “Người lưu giữ kí ức”. Thì ra, con người ta làm nên kỉ niệm nhưng không có quyền chối bỏ. Những chuyện xưa cứ ùa về ngổn ngang, cuồn cuộn đến ngẹn lòng. Bất chợt tôi nhớ một bài thơ Hai cư:

Ao xưa

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao

Phải, kí ức xưa chôn chặt bởi những tháng ngày vất vả mưu sinh nay ùa về, vỡ òa thành từng hạt pha lê mỏng manh, trong suốt… Kí ức ấy giờ là những thước phim cứ dong mình cuộn chảy, không kịp cho tôi ngăn lại để bồi hồi. Tự dặn lòng sẽ không gom nhặt mà rải đều trên đường tôi đi, để thoảng đôi khi, bàn chân vấp phải, nhói đau một chút, cứa vào da thịt một chút cho kí ức lại trở về, trong suốt pha lê…

Tết về, phố phường sầm uất, tấp nập đón đưa nhau. Dường như tất cả đang hối hả để chuẩn bị đón một mùa xuân như ý. Rưng rưng trong lòng, nỗi nhớ hương quê.

Ngày ấy, bắt đầu từ khoảng đầu tháng Chạp là đã nghe mẹ lẩm nhẩm tính toán chuyện Tết. Mẹ bảo: “Tết nhất đến nơi rồi, năm ni coi để dành được lứa gà, bầy vịt với chục kí nếp đặng gói bánh chưng, bánh tét. Rứa được rồi”. Mẹ dọn sạch một cái thùng (vốn dĩ là cái thùng đựng đạn hồi xưa) và bảo là để vào đây những gì của Tết. Mẹ còn kèm theo dặn con cái chớ tùy tiện lấy dùng, phải chờ Tết đến. Không phải như bây giờ, chỉ cần có tiền, loáng một chút ra chợ là có đủ đầy những gì hương vị ngày Tết.

Tuổi thơ miền quê ngày ấy còn muôn vàn nghèo khó, có nhà còn chịu cảnh “tháng giáp hạt”, thế nên Tết về mang đậm nỗi lo toan. Mỗi bữa đi chợ, bán được ít buồng chuối, con gà, con vịt,… mẹ sắm dần hương vị Tết. Câu nói “Trông như trông mẹ đi chợ…” quả không sai. Tôi cùng các bạn trong xóm thường rủ nhau ra đến tận đầu làng chờ trông, đứa nào cũng mang theo bao niềm háo hức, chờ đợi. Mẹ về, đồng nghĩa với hương vị mùa xuân cũng sẽ theo về. Nhắm nghiền đôi mắt, mở ra chân trời mơ ước, lũ trẻ nhà quê thấy vô cùng hạnh phúc! Nhiều lúc gió lạnh run cả người nhưng vẫn ngồi hóng chờ đôi quang gánh của mẹ. Tết về trên đôi vai gầy guộc của mẹ. Tết về bên bóng dáng dãi dầm mưa nắng của ba. Nhớ lại càng thương! Những lúc ngồi hóng đợi mẹ về, bạn bè chụm lại hỏi han nhau: nhà sắm cái chi rồi, nhà tui có… Đứa khoe, đứa thèm, đứa thầm mơ ước xa xôi…Tất cả đều nhuốm màu của Tết. Ngày ấy, chỉ cần ai đó nhắc đến ngày Tết là đôi mắt trẻ thơ cứ bừng lên lấp lánh. Không biết trong lòng mỗi đứa trẻ quê chất chồng bao nhiêu mơ ước?

Có bữa đi chợ về, mẹ mua bánh đường đen hay kí đường vàng (chứ không được đường trắng như bây giờ), bữa thì mấy cuộn miến dong, gói mì chính, nấm mèo, chai nước mắm, rồi bánh pháo (dường như bánh pháo càng to, quả pháo đại càng lớn đồng nghĩa năm nay nhà có cái Tết khấm khá)…Cái thùng cứ được mở ra, đóng vào. Tôi dành nhiệm vụ  xếp đặt mọi thứ cho ngay ngắn vào thùng “trữ hàng Tết”. Càng gần đến Tết, có khi mỗi ngày tôi xếp đi xếp lại ba bốn bận hàng hóa, cốt là để hít hà hương vị Tết. Thơm và ngọt ngào quá đỗi, nghe lòng phiêu trong bao nỗi khát khao! Sờ tới sờ lui gói kẹo bi xanh đỏ với kẹo đậu phụng mà không dám mở. Mẹ dặn rồi “Ngoan, Tết mẹ cho!”. Nhẩm tính thời gian chờ mong Tết đến để được lì xì đầu năm, được ăn kẹo cho thỏa những chuỗi ngày mơ ước.

Mẹ lại gom góp mua dừa, mua gừng về làm mứt, làm cả bánh in…Hì hụi cả nhà cùng làm và háo hức với những mẻ mứt như ý. Ngậm miếng mứt gừng, cay cay đầu lưỡi, nghe tan chảy trong lòng! Mà cũng chẳng ai dám ăn thử nhiều vì để dành…Tết đến! Ban ngày, ba mẹ đi làm đồng, còn ban đêm, cả nhà sum vầy, cả xóm rộn ràng không khí Tết. Khuya rồi mà cứ thao thức chạy đi, chạy lại mượn khuôn về đúc bánh in, bánh thuẫn. Sáng ra lại đi thăm xem thành quả của mỗi nhà thơm ngon ra làm sao…Thế nên, cảm giác Tết đến rất sớm, len lỏi dần trong nỗi niềm khát khao chờ đợi. Ngoài kia, mưa xuân khe khẽ, mai cũng bắt đầu bung nở, mùa Xuân đã sẵn sàng…

Đêm 30 Tết, quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng, canh lửa cho ba và chờ đợi ba thay nước, vớt bánh ra, ngó nghiêng tìm cái bánh cỏn con mà mình tự gói. Bao giờ ba cũng để ít nếp để gói vài cái bánh nho nhỏ cho chị em tôi dùng thử. Thành thói quen, đợi Tết về để được gói bánh rồi ăn miếng bánh đầu xuân. Bếp lửa bập bùng ấm nóng, ửng hồng trên gương mặt người thân, nghe hân hoan trong lòng. Chậm rãi đếm ngược thời gian, đợi khoảnh khắc giao thừa, chờ tiếng pháo nhà nhà râm ran, rộn ràng thôn xóm…

Tết về! Ao ước mãi rồi Tết cũng về, khơi lên phiên chợ tình xuân của những tháng ngày xưa cũ, để nỗi nhớ đa chiều, rưng rức mãi không thôi… Xa quê, lòng cứ thèm hít hà mùi hương mạ non ngọt ngào, ngây ngất mỗi độ xuân về; thèm mùi mồ hôi cay cay trên áo ba, áo mẹ; thèm sum vầy bên mâm cỗ gia đình vào buổi chiều 30 bình yên, ấm áp…Hồn cốt quê hương hằn sâu trong kí ức. Nhớ lại càng thương! Khắc khoải trong lòng hương của quê hương! Tết ơi!

                                          HOÀNG THỦY  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: