Hương vị quê nhà – Tác giả Thạch Anh

07/12/22 – 01:12

 

Tác giả Thạch Anh

HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ

Cơn gió lạnh đầu mùa nơi đất khách khiến tôi nhớ lại những ngày đông giá rét khi cả gia đình sống tại một tỉnh miền núi phía Bắc.

Gió bấc tràn về là lúc mùa đông đã tới, những trận mưa phùn rả rích càng khiến cho cái lạnh như thấm sâu vào từng thớ thịt của mỗi người dân nơi đây. Lúc này, không gì sánh bằng được quây quần bên bếp lửa hồng, cùng nhau thưởng thức những món ăn còn nóng hổi.

Còn nhớ, vào dịp cuối tuần, mẹ tôi thường đi chợ mua ốc, đậu phụ và thịt ba chỉ về om với chuối tiêu xanh sau vườn. Món ăn dân dã, không quá cầu kỳ trong khâu chế biến nhưng đủ để khiến cho những người con xa xứ như tôi nhớ mãi.

Loại ốc dùng để om với chuối, đậu ngon nhất là ốc nhồi vì thịt của chúng dày, giòn, tạo cảm giác đã miệng khi ăn. Ốc tươi là khi cầm lên thấy nặng tay, có mùi tanh tự nhiên của ốc và bùn. Không những thế, ấn vào miệng ốc sẽ thấy phần thịt co vào phía trong vỏ.

Ốc mua về được mẹ ngâm trong nước vo gạo qua đêm cho nhả hết bùn nhớt, sau đó rửa lại nhiều lần trước khi đem đi chế biến. Có lần thấy mẹ chặt chôn ốc nhồi, tôi thắc mắc:

– Tại sao mẹ không luộc ốc trước rồi khêu lấy thịt? Như vậy sẽ dễ làm hơn!

Mẹ mỉm cười, giảng giải cho tôi rằng muốn giữ được vị ngọt của ốc và để thịt ốc ngấm gia vị cần chế biến thịt ốc sống thay vì luộc lên trước khi đem om. Mẹ còn nói thêm nên tránh mua ốc vào đầu hoặc cuối tháng Âm lịch vì đó là thời gian sinh sản của ốc nên chúng gầy, ăn không ngon.

Sau khi lấy thịt ốc khỏi vỏ, mẹ bỏ phần ruột đen phía đuôi ốc rồi bóp với muối và giấm. Thịt ốc lúc này tiết ra nhớt, phải đem rửa sạch rồi bóp với giấm và muối thêm một lần nữa trước khi thái thành miếng vừa ăn. Cuối cùng, thịt ốc được ướp với một chút muối, mẻ, mắm tôm, nước nghệ và hành khô băm nhỏ.

Chuối tiêu xanh sau khi đã lột bỏ vỏ, mẹ cắt thành khúc dài chừng hai đốt ngón tay rồi bổ dọc làm bốn phần. Lúc này, chuối sẽ được ngâm trong nước có pha một chút giấm để ra hết nhựa.

Về phần thịt ba chỉ, mẹ đem rửa sạch, thái hình con chì và ướp với muối cho ngấm gia vị.

Đậu phụ ngày ấy ở chỗ tôi được bán theo cân chứ không phải miếng nhỏ như hiện giờ. Sau khi mua về, mẹ rửa sạch đậu, cắt miếng bằng bao diêm rồi rán vàng và để riêng một chỗ. Mẹ nói với chị em chúng tôi bí quyết để giữ độ béo ngậy của đậu phụ trong món ốc om chuối đậu chính là không được rán quá kỹ vì như vậy sẽ khiến đậu phụ bị khô, mất đi hương vị vốn có của nó.

Sơ chế nguyên liệu xong, mẹ phi thơm hành khô băm nhỏ rồi cho thịt ốc vào xào khoảng hai phút. Khi thịt ốc đã chín, mẹ trút ra bát và để riêng. Lúc này, mùi thơm của ốc quyện với mùi nghệ, mẻ, mắm tôm toả ra khiến hai chị em chúng tôi háo hức tới nỗi chẳng thể rời khỏi gian bếp.

Tương tự như vậy, hành khô được phi lên trước khi cho thịt ba chỉ vào xào săn lại. Tiếp đến mẹ cho chuối tiêu xanh vào nồi nấu cùng thịt rồi nêm thêm gia vị, mẻ, nước nghệ và mắm tôm. Cuối cùng, mẹ chắt nước nóng từ phích vào nồi sao cho xâm xấp phần chuối, thịt và đậy vung lại. Mẹ giải thích với chúng tôi rằng những món ăn có nguyên liệu chính là thuỷ, hải sản hay nấu cùng mắm tôm, mắm tép khi cho nước vào nồi nấu nhất định phải là nước nóng, có như vậy thành phẩm mới không bị tanh.

Khi nước trong nồi sôi trở lại, mẹ đun thêm chừng mười phút để chuối và thịt chín, ngấm đều gia vị rồi trút đậu phụ vào om khoảng hai, ba phút trước khi cho thịt ốc vào. Thấy tôi thắc mắc tại sao ốc lại được cho vào cuối cùng như vậy, mẹ mỉm cười, nói với chúng tôi:

– Ban đầu ốc được xào trước nên đã chín rồi, hơn nữa, nếu cho ốc vào om lâu sẽ khiến thịt ốc dai và mất đi vị ngọt vốn có.

Chúng tôi khẽ gật đầu, cố gắng ghi nhớ những lời mẹ dạy.

Cuối cùng, mẹ tôi nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi thêm hành lá, xương sông, tía tô đã thái nhỏ vào đảo đều, nhấc nồi ra khỏi bếp và múc đồ ăn ra tô.

Trong những ngày đông giá rét, được quây quần bên bếp lửa hồng, ăn ốc om chuối đậu cùng với cơm trắng quả là hết ý.

Ốc vừa chín tới có vị ngọt thanh, thịt ốc giòn mà không dai đi kèm với thịt ba chỉ, chuối, đậu phụ đã ngấm đủ gia vị làm cho người thưởng thức không khỏi xuýt xoa, thích thú. Không những thế, thứ nước om sền sệt, đậm đà với màu vàng tươi của nghệ, vị chua dịu của mẻ và thơm mùi tía tô, hành lá, xương sông thực sự khiến người ta phải nhớ mãi.

Có lẽ, chỉ những người con sống xa quê mới hiểu những nỗi nhớ khó diễn tả thành lời. Nỗi nhớ ấy day dứt, khôn nguôi, thôi thúc họ tìm đường trở về nơi quê cha đất tổ để gặp mặt người thân, tận hưởng không khí đoàn viên ấm áp và thưởng thức những món ăn đậm hương vị quê nhà.

Ảnh minh hoạ internet

Thạch Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: