Kiên Giang biển đảo quê tôi – Tịnh Yên (Kiên Giang)

09/04/22 – 09:04

chú thích: Tác giả bên biển quê hương

Kiên Giang biển đảo quê tôi

       Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo của một tỉnh miền Tây. Nay là Thành Phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, một vùng đất ngàn hoa, người dân nặng nghĩa tình và có tinh thần hiếu học. Nơi đây phong cảnh nên thơ và làng quê giàu giá trị văn hoá truyền thống đã góp phần tạo nên những nét đẹp hồn hâu, gần gũi, nặng nghĩa tình.

       Tôi xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để nói đến tình yêu với đất quê cha mặn mà, nuôi dưỡng cưu mang tôi từ tuổi thơ đến trưởng thành. Hai câu thơ mang tính triết lý và nhân văn sâu sắc:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”

                                  (Tiếng hát con tàu -Chế Lan Viên)

Nhà thơ đã khám phá một quy luật muôn đời của trái tim con người: mọi thứ còn xa lạ khi ta đến một vùng đất mới vì “chỉ là nơi đất ở”, nhưng khi xa nơi ấy là một sự day dứt, nhớ thương không nguôi bởi cảnh quan và ân tình của con người. Nó trở thành phần đời của tâm hồn nên đã “hoá tâm hồn”. Chính vì vậy làng quê Sa Đéc đã là tâm hồn và phần đời của tôi. Nhưng gần nửa cuộc đời và đến bây giờ tôi đã sống ở Kiên Giang, quê hương thứ hai. Tôi muốn viết về vùng biển đảo miền Tây của Nam Bộ.

         Kiên Giang thật đẹp, non nước hữu tình. Biển xanh, gió núi, cảnh đẹp hang động và chiếc nôi của tao đàn Chiêu Anh Các đã vun đắp tình yêu thơ ca trong tôi. Trước biển cả mênh mông trời nước, con người dường như nhỏ bé. Kiên Giang, cảnh đẹp như tranh làm say lòng du khách. Này là Thập cảnh Hà Tiên, cảnh hùng vĩ của núi Đá Dựng, vẻ hoang sơ của Đảo hải tặc, nét đẹp kiến tạo tự nhiên của núi đá tạc hình cha con ở Hòn phụ tử như che chở yêu thương, bí ẩn của hang núi thạch động chùa Hang là dấu tích của chàng Thạch Sanh chém chằn tinh cứu công chúa (thạch nhủ bao đời của hang đá đã tạo hình Thạch Sanh và công chúa), hang đá kim cương tối om đầy bí ẩn kích thích phiêu lưu mạo hiểm ở núi Bình An… Lúc hoàng hôn buông, bạn có thể ngắm mặt trời từ từ lặn dần xuống biển, một tuyệt tác của thiên nhiên và lắng nghe nhịp sống của làng chài khi những chiếc thuyền ngoài khơi xa vào bờ mang đầy cá tươi…

Ảnh minh hoạ internet

          Kiên Giang có nhiều thắng cảnh đẹp thu hút du khách ở mọi miền đất nước. Biển đảo Kiên Giang với một vẻ đẹp tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng.

          Đảo ngọc Phú Quốc được ví như một thiên đường nơi hạ giới vì nó có vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng. Đây là hòn đảo nằm trong vịnh Thái Lan và có diện tích lớn nhất nước, bao quanh gần 21 đảo lớn, nhỏ tạo thành quần thể đảo Thành phố Phú Quốc. Đến Phú Quốc, bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp tuyệt tác của thiên nhiên với không khí trong lành của gió núi, hương biển ở Suối Tranh, bãi Sao, mũi Gành Dầu, bãi Khem, bãi Dầu …

        Đến Giếng Tiên, ta có thể tận mắt nhìn giếng nước ngọt tự nhiên ngay bãi biển, lâng lâng hoài cổ về một thời kỳ, lịch sử của triều đại vua Gia Long ( Nguyễn Ánh). Nằm trên bãi Ngự thuộc thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Giếng Tiên còn gọi là Giếng Ngự hoặc Giếng Gia Long là một thắng cảnh gắn với giai thoại lịch sử đầy huyền bí của vua Gia Long (tên huý là Nguyễn Phúc Ánh) vào thế kỷ 18. Tương truyền vết lõm tại miệng giếng giống hình dấu bàn chân tại Giếng Đế Vương là của vua Gia Long. Huyền thoại gợi lại một thời kỳ gian khó phục nghiệp của Chúa Nguyễn Ánh ở biển đảo Phú Quốc – Kiên Giang – khi bị nhà Tây Sơn truy đuổi. Hoạt động ở vùng biển rất khổ vì đói ăn, thiếu nước ngọt. Một ngày, quẫn bách, tuyệt vọng vì lương thực cũng cạn kiệt, lòng quân dao dộng, trong lúc rối bời, Nguyễn Ánh đã cắm mũi kiếm xuống đá, ngửa mặt lên trời thốt lên rằng: “Nếu trời cho làm vua thì hãy ban cho nước ngọt và lương thực”. Dứt lời, chỗ mũi kiếm cắm xuống, đá nứt ra, theo kẽ hở, nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ra. Kế đó, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số, giúp quân có lương thực để chống đói. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm. Lòng tin được trời giúp đỡ, cả đoàn quân phấn khởi, từ đó, chúa Nguyễn Ánh ra quân liên tiếp thắng lợi và đánh đổ triều đại Tây Sơn, lên ngôi vua xưng Hoàng đế Gia Long. Ông là vị vua sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

        Đến với Kiên Giang, du khách có thể tham quan các đảo có vẻ đẹp như tranh, khám phá vẻ hoang sơ đắm chìm vào một thế giới cổ tích xưa với thác ghềnh, biển xao sóng vỗ như lời vĩnh hằng của biển: đảo Nam Du, Ba Hòn Đầm, Hòn Nghệ, Hòn Sơn… về với thiên nhiên để tâm hồn tĩnh lặng và bay bổng với những giấc mơ huyền thoại …

         Nhìn về một khía cạnh của du lịch biển đảo Kiên Giang, tôi đã viết lên những lời đầy tự hào về quê nhà. Lời bài hát “Kiên Giang mình đẹp lắm” của tác giả Quang Linh như lời dân ca ngọt ngào trong tiếng ru của mẹ:

Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển
Nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ
Kiên Giang mình đẹp làm sao!”
Kiên Giang quê tôi, một nét đẹp hồn hậu mang vị mặn hương biển và tình yêu cuộc sống.

       Kiên Lương, 24/ 03/2022

LÊ CẨM THÚY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: