Ký ức radio -Tản văn Nguyễn Thị Diệu Hiền (Quảng Nam)

11/12/21 – 03:12

 

Tác giả Nguyễn Thị Diệu Hiền

                                                                             

  Tôi vẫn thường nửa đùa nửa thật với bạn bè, rằng tuổi càng lớn, trí…quên càng lấn phần bộ nhớ. Có nhiều cái quên đến ngớ ngẩn kiểu cầm chìa khóa xe trên tay mà cứ hớt hơ hớt hải đi tìm, kiểu đeo khẩu trang dưới cằm mà lục hoài trong túi… Thế nhưng, có những ký ức dường như là mặc định trong bộ nhớ. Nó là cuốn phim nhiều tập? Nó là cuốn sách không có trang đầu trang cuối với vô số chương? Nên trong rất nhiều cuộc hội ngộ hoặc bất chợt bắt gặp một ảnh hình, một âm thanh hoặc mùi thơm, vùng trời ký ức ấy bỗng hiện lên, rộn ràng, sống động như vừa hôm qua đấy thôi.

          Những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, trong cái lạnh se sắt đến thấu xương mà mùa đông cố níu kéo. Tôi chợt nghe được một bài hát cũ. Ôi, bài hát đánh thức ngay trong tôi một thời thơ dại. Tôi thèm nghe lại âm thanh rọt rẹt của chiếc radio cũ kỹ. Là vì chiếc đài hiệu National ấy, trong những năm tám mươi ở vùng quê nghèo ấy, vào những ngày sắp Tết ấy là kỷ vật vô giá của gia đình tôi. Nó là những đầm ấm đoàn viên. Nó gắn liền với hình ảnh người chú thân yêu đã về miền mây trắng của tôi. Nó là cả thế giới rộng mở đối với anh chị em tôi, cái thời cả lớp học chỉ có vài bộ sách giáo khoa cũ mèm.

          Tôi nhớ như in, chú tôi đem chiếc radio ấy về quê vào chiều hăm tám Tết Kỷ Tỵ (1989). Nhà tôi nghèo, ba mẹ quanh năm quần quật với ruộng đồng, công điểm để nuôi sáu con ăn học. Thời đó, tài sản quý nhất ba tôi mua được là cái đồng hồ lên dây cót. Ba ghi luôn lên cánh cửa phía bên phải bàn thờ: Đồng hồ – 2.11.1982 và để nó ở vị trí trang trong nhất.  Chiếc đồng hồ ấy ba mua để anh Tư nghe chuông reo, biết giờ mà dậy đi học dưới trường huyện, chớ không phải nhầm gà gáy canh tư qua canh năm, đi đến dưới huyện trời vẫn chưa chịu sáng. Thời đó, không có phương tiện thông tin nào ngoài mớ sách cũ, chúng tôi đã giành nhau đọc ngấu nghiến, không hiểu cũng đọc, như thơ Tagore, như mấy cuốn kinh tế chính trị ba đem về từ hợp tác xã. Nên món quà quý của chú làm cho nhà tôi Tết năm ấy như tưng bừng hẳn lên.

          Chúng tôi  trò xoe mắt, xúm xít quanh chú, háo hức nhìn chú từ từ mở hộp nhỏ phía sau chiếc radio ra, bỏ vô ba viên pin hiệu Con Ó cỡ đại. Chú sang băng cạch cạch, dò đài rọt rẹt, rọt rẹt một hồi rồi bắt được đài Tiếng nói Việt Nam. Hồi đó, 16h15 là chương trình dạy hát cho thiếu nhi. Bài hát đài dạy chiều hôm ấy, tôi thuộc đến bây giờ “Tạch tạch đùng/ Tạch tạch đùng/ Tiếng phảo nổ/Mừng mùa xuân/ Mừng chúng em/Thêm một tuổi/Học thêm giỏi/ Lại thêm nhiều trò chơi thật vui.”  Cả nhà tôi cùng chú nghe không sót chương trình nào. Chú còn rà được cả đài phát thanh Quảng Nam Đà Nẵng, và đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Mâm cơm ngày chú về đã bắt đầu tươm tất hơn thường ngày vì có chú Sáu. Đã có thịt heo xào cải cay, thịt gà và dưa kiệu thơm lừng mùi của Tết.  Đã vang tiếng pháo chuột đốt lẻ nghe tẹt tẹt của mấy đứa bạn trong xóm. Đã thấy mẹ đi cắt mớ lá chuối, lá gai và ngâm nếp gói bánh. Đêm giao thừa, cả nhà lắng nghe chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới trong niềm xúc động thiêng liêng.

          Từ đấy, chiếc radio là bạn thân, là “nhân vật” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của gia đình tôi. Nó mở ra cả thế giới từ thông tin đến âm nhạc và thể thao… Chúng tôi đã thuộc làu lịch phát sóng của các đài và mong nhanh đến cuối tuần để được nghe chương trình “Câu chuyện cảnh giác”, Sân khấu truyền thanh” của đài Tiếng nói Việt Nam; hay chương trình “Mỗi tuần một chuyện”, “Ca nhạc theo yêu cầu” của đài QNĐN… Chiếc radio đáng yêu ấy còn theo anh em tôi đến các đám khoai, lên núi lên rẫy để vừa làm vừa nghe, nghe đến cả “Bản tin đọc chậm” của chương trình Quân đội Nhân dân.

          Giờ đây, Tết có thể  đủ đầy hơn về vật chất nhưng không khí sum vầy ấm áp thuở xưa khó mà tìm lại. Anh em tôi lập gia đình mỗi người mỗi nẻo. Ai cũng tất bật với hằng hà sa số việc, thời gian như gấp gáp hơn và những yêu thương dành cho nhau dường như có nhạt mờ. Bởi vậy, Tết đoàn viên năm xưa bên chiếc radio trở thành miền yêu thương vô bờ trong những trang ký ức đẹp đời tôi.

Chiếc máy radio xưa. Ảnh: Quốc Thành

          Mỗi xuân sắp về, tôi thường tìm nghe những bản nhạc xuân thu âm phối khí kiểu còn thô sơ những rất truyền cảm thời ấy như: Hơi thở mùa xuân (Dương Thụ), Mưa  xuân (Đức Trịnh), Lời tỏ tình của mùa xuân (Thanh Tùng)… Tôi như chạm vào miền cảm xúc dâng lên từ thuở nhỏ, khi bài hát hay kết thúc chương trình ca nhạc và tiếng rò rò, rọt rẹt của chiếc radio.

          “Con chim bồ câu bé nhỏ


Bay qua vùng trời, vùng trời mùa xuân.


Tia nắng từ đâu đến ở,


Long lanh từng ô cửa, ô cửa mùa xuân..”

                                                            Nguyễn Thị Diệu Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: