03/01/24 – 03:01
MẢNH VỠ
Ngày trước, tư Phẩm nổi tiếng là thằng cẩn thận.
Mỗi khi đi qua con truông rậm gần bờ sông, cẩn thận tới mức chưa bao giờ dép của tư Phẩm bị đạp gai dù đó là cái truông cát lẫn đầy những gai như mắt mĩu, bàn chải hoặc tre già.
Người trong xóm thường đặt cái truông đấy bằng một tên gọi mà mỗi khi có ai ở xa tới đều phải nhíu mày hồ nghi và khi được giải thích họ mới dám qua – khác với những con đường “tơ lụa” trong xóm nó mang một cái tên thật đau đớn – “con đường rướm máu!”.
Và cũng ở ngã sông này, con đường này tư Phẩm đã gặp một người con gái – cô Ba nhà họ Phan đài các tiểu thư nhưng được cái nét hoà đồng. Cô học trên tỉnh, nhanh nhẹn không phách lối, bắt tay lên miệng gọi ơi ới khi muốn qua sông. Tư Phẩm lúc bấy giờ là tay lái đò có biệt danh “giang hồ miền sông cạn”… và tiếng gọi thanh thót trong buổi sớm bình yên làm anh lâng lâng! Lạ kỳ, từ lâu đã nghe biết bao tiếng gọi đò dần rồi quen tên, đàn ông, đàn bà con gái cũng có, vậy mà lần này nghe sao cứ như tiếng gọi quen quen từ… kiếp trước.
Anh cập xuồng vào bến, hất chiếc nón lá rách bươm ra sau…
Cô Ba ngồi trước mũi xuồng ngước mắt lên trời hát vài câu la lá, tư Phẩm chèo con xuồng êm ru. Anh nhìn thoáng tấm lưng mảnh dẻ của nàng, đôi guốc nhỏ dưới đôi bàn chân thanh tao… tự dưng anh thấy lo: tới con truông ấy… liệu đôi guốc này!?
-Tới rồi! Cô Ba reo lên đánh vào vai anh cái bốp: “cám ơn nha sư huynh” rồi đon đả chạy về phía trước. Tư Phẩm tay vẫn còn nắm chắc đồng bạc như giữ chút ấm vô tư mắt hướng về cái dáng thon thon.
“Người ở đâu hay thế?! vừa hồn nhiên vừa mạnh mẽ cứ như Hoàng Dung trong Thần điêu đại hiệp.”
Mỗi khi lênh đênh trên sông nước thì cái thú tiêu sầu vẫn là những cuồn kiếm hiệp làm lay động con tim, tư Phẩm mượn niềm vui của người khác làm chất sống cho riêng nỗi mồ côi đã dần rồi quen theo năm tháng.
-A,á…
Tư Phẩm buông cây dằm trên tay vội vã chạy về con truông. Thật tệ hại, cô gái ngã chồm về phía trước, một bàn tay giơ lên dính mấy cây gai nhọn hoắt, chiếc guốc văng một bên đứt quai. Có gì đó thôi thúc làm anh bế vội cô lên chạy hết khúc đường rồi đặt cô nàng lên một gò đất, cẩn thận nhổ từng cây gai trên tay nàng và nắn những giọt máu đỏ thắm.
Cô thường về thăm quê nhiều hơn lúc trước, lâu ngày rồi hai người cũng mến nhau.
Cô đã quen với kiểu chèo nhẹ êm của anh, quen vóc dáng to bè nông dân của anh, nụ cười không tiếng và sự lặng lẽ… Rồi đến một hôm tự dưng cô rủ anh lên đồi hái múi dẻ – những hoa múi dẻ thơm lừng và nụ cười thích thú của cô làm anh cũng vui lây bật cười.
-Ủa, sao… răng của huynh… bị vỡ một miếng hồi nào vậy?
… không biết,… lâu rồi!
(Cô nhớ lần đầu gặp anh nơi bến sông khi anh hắt chiếc nón lá ra cười chào đôi hàm răng anh chắc đều như vẽ?)
Tư Phẩm nín thinh (“cô ba không biết đấy thôi vì dùng răng nhổ chiếc đinh trên guốc để đóng lại quai cho cô mà răng tôi ra thế !) anh thì thầm trong lòng xoay đi tìm hái những nụ hoa vàng.
Lần này cô đi thật lâu, ở trển chắc vui lắm với phố thị đèn màu?. Buổi chiều khi quăng lưới trên sông anh thường hát – cái câu đưa hời ca thán nỗi buồn:
“Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
(Phan phan) nhớ bạn chín chiều ruột đau”
Câu này nghe có chỗ không đúng nhưng anh cứ hát vậy, mặc anh!
Anh đã từng nghĩ và chắc chắn sẽ ở vậy một mình. Anh nghèo lấy người ta về, khổ!. Anh không tơ tưởng, không màng đến duyên số. Với cô, ước gì cô hay về bến sông, nhảy chân sáo lên xuồng anh… ước gì lâu lâu cô nhớ mùi múi dẻ để “tự dưng” rủ anh đi hái dùm, vậy thôi – vui lắm rồi.
Nhưng có một điều anh… quên hay không dám nghĩ tới đó là một ngày kia đám cưới rình rang sẽ đưa dâu trên con sông này, những con thuyền lớn được kết hoa đèn bằng giấy bạc đủ màu, chữ song hỷ đỏ và áo xống xênh xang… tư Phẩm ngỡ ngàng nhận ra đây là lần đầu tiên nhìn thấy đám cưới mà buồn!
Y chang như thế đến một ngày…
… Sông quê giờ buồn hiu hắt, con cò trắng bay qua cũng làm anh giật mình. Cái tính cẩn thận của tư Phẩm ngày nào một dần thất bát và cái thú tiêu dao mỗi khi lòng không… bình thường đó là ngồi trước mũi xuồng để lể gai. Mỗi khi đi qua “con đường rướm máu” anh cứ đi xành xạch, đôi dép lào mòn vẹt làm những cây gai trong cát nếu biết nói nó sẽ bảo: “đi ngu, chết này!”. Vậy mà tư Phẩm thích, cứ đâm nhiều vào có cái để giải sầu.
Cô đi thật lâu không về để anh cứ hát mãi một câu ca dao:
“Một mình mình một bồi hồi,
Ngó truông truông rậm ngó đồi đồi hoang”
Sông quê giờ buồn hiu hắt, con cò trắng bay qua cứ bay…
Tư Phẩm nhớ đến lão bà Lý Mạc Sầu, nhớ Quách Tĩnh thần thờ khi xa cách người con gái, nhớ áng thơ Từ Hải yêu rồi chết và một Hàn mặc Tử điên dại vì trăng. Tư Phẩm dám bảo với đời rằng nếu ai mua tôi sẽ bán cả dòng sông!
Anh bắt đầu mày mò làm những vần thơ, thơ của anh tự do lai láng, chất chứa. Anh cảm nhận hình như nỗi niềm theo nét mực mà nhẹ đi cái khổ cứ phập phồng nơi ngực trái.
Đồi hoang vẫn vô tư nở những nụ vàng thơm lừng khi hoàng hôn xuống. Dòng sông cứ lơ đãng trôi về xuôi lênh đênh con thuyền nan đơn độc mang theo một gã đã từ lâu không được phép vẫn vơ. Dòng sông không hỏi vì sao gã giang hồ miền sông cạn kia có lúc không khuấy động? Chỉ có lũ cá được gã giải thoát mới giật mình tự hỏi: “ta được sống rồi ư?” để không có mặt trong phiên chợ sớm mai đầy giăng làn sương tro lạnh.
Tư Phẩm đi qua con đường rướm máu trong cái lao xao của gió, trong cái đầu đầy ắp những chiếc đèn màu, áo lụa hồng bay bay, con thuyền trai gái hân hoan và duy có một điều mà anh hay hỏi với lòng: “cô có phải đang tìm anh lái đò mộc mạc kia không mà sao đôi mắt có nét buồn xa vắng?!.
Tư Phẩm ngồi bó gối rồi lại nằm vật ra mắt dán lên bầu trời. Hơi ấm của cát làm dịu đi cái cảm giác cô liêu. Thứ tình cảm anh dành cho cô không xếp hạng, không đo đếm được, nó hư vô bay bổng, chìm ngập và lãng đãng như mây lang thang trên cao, như hồn người trong vòng bốn mươi chín ngày theo tích cũ.
Sắc tím của chiều và cánh vạc kêu sương tô đậm thêm bức tranh mang tên hồn lạc bước.
Tư Phẩm chạy lên đồi sim, liêu xiêu bàng hoàng nhìn cảnh cũ, mùi hoa dẻ vô tâm len lỏi vào tâm thức của anh, tiếng bước chân khẽ khàng như đến gần anh, đúng không? Và giọng cười giòn như pha lê vỡ vụn rơi xuống đời anh làm tan giấc mộng. Tất cả chỉ là ảo ảnh thôi sao?. Tư Phẩm nhếch môi cười rưng rưng vô cảm dưới ánh trăng non đang treo mơ màng.
Cô đi thật lâu không về – ba năm chín tháng mười ngày!. Ngần ấy thời gian có làm cảnh vật quanh anh thay đổi. Mấy cây dứa dại ven bờ anh không buồn dọn vì không còn sợ “người ta” bị gai nó cứa vào, nghe nói cô Ba giờ đã là bà chủ đồn điền, giàu sang là cái cốt cách có sẵn của nàng hỏi trời sao dám mơ.!
Người đàn bà đứng bên kia bờ có đôi mắt buồn ngó quanh. Xa xa giữa dòng có anh ngư dân đang ngồi giăng lưới. Một điều linh cảm làm anh ngoái vào bờ rồi vội vã cắm mẻ lưới lên một nhánh tre. Không có tiếng gọi đò nhưng âm vang trong tiềm thức như vọng từ cái dáng quen.
Anh lật chiếc lá rách bươm ra sau, ánh mắt thầm vui và nụ cười chợt tắt. Tưởng đời đã êm trôi như con nước nào ngờ vuông lụa nhỏ trên ve áo của người đàn bà trước mặt làm anh biết rằng trong nàng giờ đây đang dậy sóng phong ba.
Chị vẫn ngồi trước mũi xuồng như thuở nào, anh nhìn trộm vào cái dáng âu sầu… rồi anh lại thấy lo.
Hôm chị đi qua bên kia bờ anh lật đật lấy từ khoang xuồng lên một túi nhỏ, nâng nâng anh khẽ khàng:
– Múi dẻ đấy, cô đem về cho cái Giang, đơn sơ nhưng mùi nó thơm, chắc con bé sẽ thích”
… Chị đi lên con dốc, có chút vương vương trong bước chân. Ráng chiều tím đẫm trong đôi mắt ngoái lại. Anh cười – ân cần tự tại như khoe với chị cái điều vô giá: mảnh vỡ nơi chiếc răng cửa của anh là một vết tích, kỳ tích của đời anh, tình yêu của riêng anh mãi mãi dù ai kia có biết hay không vẫn sẽ là DIỄM PHÚC.!
Lê Mỹ Thạnh
1. Họ và tên: Lê Mỹ Thạnh
2. Quê quán: Phú Yên
3. Nơi ở hiện tại: Tây Hòa, Phú Yên
4. Giới tính: Nữ
5. Dân tộc: Kinh
6. Nghề nghiệp: Tự do
7. Tác phẩm dự thi thuộc quyền sở hữu của tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật và quy định của Ban tổ chức cuộc thi nếu có tranh chấp.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang