Ma Đao khởi sắc – Nay Y Krư (Phú Yên)

25/11/21 – 04:11

 

  

Tác giả Nay Y Krư trong trang phục truyền thống

 

 

        Thôn Ma Đao thuộc xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên được bao bọc những ngọn núi cao, đời sống, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn… Song, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, chính sách Nhà nước, Hội đoàn thể các cấp và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay thôn Ma Đao dần khởi sắc.

 

        Ma Đao xưa gọi là làng, nay gọi là thôn hoặc buôn, phía Tây giáp xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), phía Nam giáp xã Ea Chà Rang, phía Đông và Bắc giáp thôn Ma Lúa, xã Cà Lúi, huyện miền núi Sơn Hòa.

        Toàn thôn hiện có 66 hộ dân. Trong đó: 62 hộ là dân tộc Chăm Hroi và 4 là hộ dân tộc Kinh và có 10 hộ khá giàu, 12 hộ trung bình, 22 hộ cận nghèo, 22 hộ nghèo. Tổng đàn gia súc, gia cầm là 1015 con, trong đó: bò là 317 con (bò lai 55 con), đàn heo 08 con, dê là 50 con, gia cầm 698 con. Hộ dân có gia đình văn hóa là 50 và những 16 hộ còn lại đang phấn đấu trở thành hộ gia đình văn hóa. Phân loại nhà ở: nhà xây cấp 4 là 42 hộ, nhà sàn 24 hộ. Trong 24 hộ nhà sàn có một số nhà sàn vách nứa thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chưa xoá nhà ở tạm. Trình độ dân trí nâng lên đáng kể, từ trên lớp 9 là 20, lớp 12 là 8, trung cấp là 4, cao đẳng 1, đại học là 6 và đang theo học đại học là 1.

        Công tác xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền được chú trọng, với tổng số Đảng viên là 20 đồng chí, đoàn viên thanh niên là 12, hội viên hội cựu chiến binh là 9, hội viên hội nông dân có 40, hội phụ nữ 57 hội viên. Cách trung tâm xã là 5 km về hướng Tây, còn cách trung tâm huyện Sơn Hòa là 35 km về hướng Tây Nam. Cách thành phố Tuy Hòa gần 80 km. Với dân gốc là dân tộc Chăm Hroi dù trải qua nhiều cuộc kháng chiến nhưng bản sắc của dân tộc tôi vẫn được giữ gìn, không bị hao mòn như: “lễ bỏ mã”, “lễ cầu mưa”, “lễ cúng lúa mới”, lễ cưới phong tục truyền thống, lễ tân gia nhà mới, lễ cúng đầu mùa, lễ đánh công chiêng…

        Trong hai thời kì kháng chiến, đã có biết bao người anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống như: Lê Mô Lới, Alê Thun… Có những gia đình chỉ còn lại mẹ già vì chồng và các con tham gia chiến đấu anh dũng hi sinh.

        Vào năm 1980 với khoảng 30 hộ dân toàn là hộ nghèo, nhà làm bằng tre, lồ ô, mái trên thì làm bằng tranh, chủ yếu là khai thác rừng trồng sắn mì và lúa rẫy có mùa trúng, mùa sai phụ thuộc vào điều kiện khí hậu tự nhiên, vật nuôi là con bò, heo đen và gà nên kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn và đời sống của bà con rất nghèo khổ. Tuy nhiên với sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương đã kịp thời đưa ra những chính sách xóa đói giảm nghèo như hổ trợ con bò sinh sản cho hộ nghèo, các chương trình 134, 135 hổ trợ xóa nhà tạm, cải tạo đất sản xuất, hổ trợ các giống lúa, bắp… Khuyến khích chính sách vay vốn với lãi suất thấp cho bà con làm vốn kinh tế như là: mua bò, heo chăn nuôi,… Xây dựng trường tiểu học ở thôn Ma Đao để con em được đi học. Đảng, nhà nước và địa phương hết sức quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nên thôn Ma Đao dần dần một số hộ dân được thoát nghèo và có cái ăn, cái mặc được ấm no, con em trong làng được đến lớp học hành chăm ngoan và xóa nạn mù chữ cho từng thế hệ.

        Vào năm 2006, nhà nước xây dựng công trình thủy lợi trạm bơm cho nhân dân thôn Ma Đao với tổng diện tích ruộng lúa nước là 14 hecta, gọi là cánh đồng Kbông hiện đang trồng lúa, với 42 hộ dân có ruộng, nguồn nước được bơm từ sông Cà Lúi, còn một số hộ dân không có ruộng ở cánh đồng Kbông thì làm ruộng tự bơm nước cho lúa của mình, để đạt được năng suất và hiệu quả cao hơn. Sau khi, có ruộng lúa nước đời sống nhân dân ở thôn tôi bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt, hạn chế phát rừng trồng lúa và làm nương rẫy.

        Sau khi có cái ăn được đầy đủ, nhân dân thôn Ma Đao bắt đầu làm kinh tế như là trồng sắn mì, mía, mè, đậu đỏ, bắp… Tổng thu nhập bình quân cho từng hộ dân cũng được 40 triệu đồng/năm, với thu nhập như vậy đời sống của bà con thôn Ma Đao tôi dần dần đi vào ổn định hơn và được thoát cảnh đói nghèo. Nay đa số hộ dân thôn Ma Đao tôi điều có cái nhà sàn cấp 4 được làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau, mái ở trên lợp ngói hoặc tôn, có nhà có cả nhà xây và nhà sàn cấp 4. Khi có xảy ra những mâu thuẫn về gia đình, họ hàng làng xóm với nhau hay tranh chấp đất đai thì có chính quyền thôn tổ chức hòa giải để giúp bà con thỏa thuận ổn định cuộc sống, hòa đồng, đoàn kết, cùng nhau làm ăn kinh tế, một lòng xây dựng thôn Ma Đao ngày càng phát triển đi lên.

 

Tác giả và du khách đến với thôn Ma Đao

 

        Với một lòng đoàn kết với nhau, bỏ qua mọi mệt, năng nhọc, khó khăn của công việc hàng ngày, nhân dân thôn Ma Đao đã hội tụ lại để đi thi giải công chiêng lần thứ V do xã Cà Lúi tổ chức, kết quả thôn Ma Đao đạt giải A về công chiêng vào năm 2018. Vào tháng 7 năm 2019 thôn Ma Đao  được vinh dự đại diện tiết mục đánh công chiêng và lễ cúng cầu mưa cho mùa màng cây cối, hoa màu cho huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên tổ chức tại quãng trường 1 tháng 4, nhân dịp “Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên lần thứ V”.

        Theo lời Ông Ma Toa_Bí thư kiêm thôn trưởng thôn Ma Đao nhận xét: “Ngay xưa đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn trong kinh tế. Vì do bà con quen với nghề truyền thống, rất nhiều bà con không biết chữ. Trước những khó khăn đó, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, lãnh đạo các cấp ngành và chính quyền địa phương đã kịp thời đưa ra những chính sách hổ trợ như 134, 135 hổ trợ xóa nhà tạm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hổ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo và các loại cây trồng như giống lúa, bắp… Được sự giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Đảng và nhà nước, nên đời sống của bà con thôn Ma Đao được từng bước nâng lên thoát nghèo, xây dựng đại đoàn kết toàn dân ở thôn, cùng nhau đồng lòng phát triển kinh tế, văn hóa ở thôn và phấn đấu trở thành gia đình văn hóa có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

 

                                                                                           Nay Y Krư

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: