Mênh mang A Pa Chải

17/03/22 – 04:03

Từ Hà Nội, chúng tôi vượt hơn 700km lên trung tâm huyện Mường Nhé, Điện Biên. Bỏ lại cái mệt của một đêm di chuyển trên quốc lộ 6 với những cung đường ngoằn ngoèo, những đèo, những dốc, những cua tay áo…, chúng tôi hăm hở phi xe máy lên A Pa Chải.

Tác giả (áo sơ mi) và đoàn công tác.

Khác xa với những những gì tưởng tượng trước đó. Đường lên A Pa Chải rộng rãi thênh thang, trải nhựa phẳng lì. Cảnh sắc núi rừng, ruộng nương hai bên tươi mát khiến tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái.

Chúng tôi dừng chân trước cổng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn và lặng đứng trước tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ; thắp nén tâm nhang trước anh linh người chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, một trong năm người Anh hùng đầu tiên của lực lượng Bộ đội Biên phòng mà lòng trào dâng niềm xúc động. Chính nơi mảnh đất này hơn sáu mươi năm về trước, khi mà đường xá đi lại vô cùng khó khăn, bọn phỉ, đặc vụ Tưởng còn lén lút hoạt động phá hoại cách mạng; đồng bào người Hà Nhì còn phát nương làm rẫy, sống trong đói nghèo, lạc hậu trên núi cao. Chính Trần Văn Thọ cùng đồng đội đã đưa ánh sáng của Đảng, cái chữ của Bác Hồ đến với bà con dân bản bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Để rồi sự hi sinh của Anh như ngọn đuốc hồng đã thắp lên ánh sáng niềm tin nơi núi rừng ngã ba biên giới.

Tác giả tại Đồn Biên phòng A Pa Chải

Tạm biệt người Anh hùng liệt sĩ để tiếp tục cuộc hành trình, chả mấy chốc chúng tôi đã vượt hơn 60 km đường đèo dốc và có mặt tại Đồn Biên phòng A Pa Chải để làm thủ tục xin phép lên ngã ba biên giới. Vì đây là một vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng nên mọi du khách đi mốc số 0 đều phải được sự cấp phép và hướng dẫn trực tiếp của các đồng chí Biên phòng.

Ở chặng đường tiếp theo, chúng tôi tiếp tục trải qua hơn 12km leo núi… bằng xe gắn máy, có chỗ là đường đất đỏ, có chỗ là đường đá sỏi và phần nhiều là đường bê tông vừa mới được xây dựng, năm 2018. Tuy đã được các chiến sĩ Biên phòng và bà con dân bản tu sửa rất nhiều nhưng đây thực sự là đoạn đường thử thách với những “tay lái nghiệp dư” bởi độ dốc lớn, ngoằn ngoèo và chiều ngang nhỏ hẹp, nhiều đoạn sương giăng mù mịt, mới giữa trưa mà trời âm u như sâm sẩm tối.

Vượt qua những gập ghềnh, hiểm trở, cuối cùng chúng tôi cũng đã lên đến vị trí chân cột mốc. Bỏ xe máy ở lại, từ đây chỉ còn phải trèo lên 570 bậc cầu thang đá nữa, chúng tôi đã chính thức đặt chân lên vị trí cột mốc 3 Biên.

Nằm ở điểm cao nhất trên đỉnh Khoan La San, thuộc bản Tá Miếu (một bản mới được tách ra từ bản A Pa Chải) xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, mốc Số 0 hay còn gọi là mốc Ngã ba biên giới, mốc 3 Biên là điểm chót mũi cực Tây của Tổ quốc. Được ba nước thống nhất xây dựng ngày 27/6/2005, cột mốc làm bằng đá hoa cương nguyên khối, đặt giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối đá vuông diện tích 5x5m. Cột mốc cao 2 mét, ba mặt hướng về ba nước với quốc huy và quốc ngữ của từng quốc gia. Từ đây, chạy theo hướng Đông Bắc đến cột mốc số 1.378 tại cửa Sông Bắc Luân thuộc phường Trà Cổ, thành Phố Móng Cái (và một đoạn nối dài) là 1449,566 km đường biên giới giữa nước ta với Trung Quốc; chạy theo hướng Đông Nam đến cột mốc Ngã ba Đông Dương, nằm ở độ cao 1.086 m so với mặt nước biển, thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, thôn Iệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là 2.337,459 km đường biên giới giữa nước ta với nước Bạn Lào.

Trên độ cao 1.884 mét so với mặt nước biển của đỉnh Khoan La San, chúng ta có thể phóng tầm nhìn ra xa ngút ngàn theo cả ba hướng của cột mốc. Vào buổi trời trong, không gian là một màu xanh ngăn ngắt. Những dải mây trắng muốt, khổng lồ bồng bềnh trôi nhẹ ngay dưới chân cho ta cái cảm giác “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi” của người lính Biên phòng trên đường lên điểm tựa.

Và ở đây giữa núi rừng bao la, trùng trùng điệp điệp, trên cả ba hướng là một màu biếc xanh đồng nhất của cây rừng biên giới. Trong cái màu xanh biếc ấy, thi thoảng mẹ thiên nhiên tinh tế điểm xuyết vào đó một vài chùm hoa đỗ quyên, hoa mua hay một vài cành sim tím đỏ. Cảnh sắc ấy gợi cho ta cái cảm giác bình yên, thơ mộng. Nhưng cũng chính nơi đây, nơi lòng ta trào dâng niềm xúc động khôn xiết. Chúng ta nghĩ về Tổ quốc mình với niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc. Ở nơi đây, từng tấc đất thiêng liêng, từng gốc cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm máu xương của bao thế hệ cha ông. Biết bao thế hệ người Việt đã ngã xuống để gìn giữ bờ cõi mà chúng ta đang có được ngày hôm nay.

Săn mây

Và, trước biết bao những khó khăn gian khổ của nơi rừng núi xa xôi ấy, chúng ta nghĩ về hình ảnh những người lính Biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Chính các anh là những con người căng đầy nhiệt huyết đang ngày đêm tuần tra, canh gác để giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn Biên phòng trong mọi tình huống. Các anh như những chùm hoa thắm tươi thấp thoáng, ẩn hiện giữa núi rừng A Pa Chải mênh mang này.

NGUYỄN HỘI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: