Ngoại tôi – Tác giả Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh)

01/06/22 – 08:06

Tác giả Nguyễn Thị Hà

Ngày con lên bảy, tám tuổi, bố con tới nhà ngoại nói chuyện để vợ và tụi con ở nhờ tạm. Ông nội con không hợp bố nên lúc nào cũng khó chịu. Thế rồi một hôm ông đuổi hết: Biến hết, nhà mày đi ra khỏi cái nhà này của tao… tụi con còn nhỏ đứng nép vào một góc sợ không khóc thành tiếng. Bố mẹ con dẫn tụi con về ngoại vì chẳng đâu có thể đi được nữa. Nhà ngoại rất nghèo. Đất rõ rộng chỉ cất được căn nhà 3 gian lợp ngói cũ kỹ, liêu xiêu kê được 2 cái giường tre ọp ẹp.

          Ngoại chỉ khóc: Con ơi, làm sao nên nông nỗi này, con ơi… u có làm gì người ta đâu mà con lại khổ thế. Đời của U chồng mất sớm, U nuôi 5 chị em mày lớn gả chồng cả rồi. U tưởng rằng nhẹ gánh… con ơi…!!! Mẹ tôi nghẹn ngào nói: Thôi U để mẹ con của con ở đây tạm rồi chồng con lo liệu… tôi nép sau vách nhà nghe được mà cứ khóc nức nở. Ngày ấy ngoài việc khóc ra tôi chẳng biết làm gì. Buồn thay bác tôi vì chồng làm xa nhà bạt vô âm tín nên đã về với bà từ lâu, giờ thêm nhà tôi thực chỗ ngủ khốn khó. Ngoại cùng mẹ tôi với bác lọ mọ dọn nhà ngang (giờ gọi là kho chứa đồ) để lấy chỗ ở. Hai chị em tôi được về nhà ngoại sướng lắm không còn bị ông lườm cũng được đi chơi với bạn mới. Lúc đó có cơm ăn là quá hạnh phúc. Dường như chỉ ăn khoai, ăn rau là chính. Hy hữu lắm mới được ăn bát cơm đầy, ấm bụng mà hạnh phúc. Tôi nhớ nhà ngoại không có nhà tắm. Chỉ tối đến căng 1 tấm chiếu vắt tạm qua cái sào thế là tắm thôi. Bọn trẻ con như tôi thì tắm tiên tự do ngay ngoài sân giếng. Mà tôi nhớ lần gội đầu bằng tro kinh khủng. Ngoại đi làm, mẹ và bác cũng đi làm. Tôi lấy tro bếp ra loay hoay kiểu gì quên không lọc qua lớp khăn vải màn cứ thế đổ vào thau đồng lấy nước dội thẳng lên đầu. Gội mà như không gội, đã thế còn rất vui vẻ khoe: Ngoại ơi con tự tắm gội rồi. Ngoại không cần làm cho con đâu. Ngoại giật mình khi nhìn đầu tôi toàn tro bếp, cứ thế là ngoại ôm tôi khóc mà không nói gì… năm tháng dù ít ỏi ở bên ngoại nhưng tôi hiểu ra rằng chúng tôi về đây khiến ngoại gầy hơn nhiều. Mỗi bữa cơm đông đủ con, cháu tuy vui mà dường như ngoại vẫn khóc không lý do. Mỗi tối trước khi ngủ mẹ bảo chúng tôi nấu cơm xong nhớ để rơm cháy hết rồi mới ra khỏi bếp kẻo bị cháy. Gian bếp và nhà kho sát nhau khi ngủ thi thoảng tôi còn thấy mùi rơm rạ, mùi vỏ trấu ngoại hầm khoai lang để ăn sáng. Có đêm mẹ khóc có thể vì khói bếp đun bay sang hoặc giả vì chính cuộc đời của mẹ.

Ảnh minh hoạ internet

Nhà tôi lênh đênh sống vô định như con thuyền giữa biển khơi không bến đậu riêng mình. Tụi nhỏ như bọn tôi dễ quên những tổn thương nên vui vẻ sống. Tới khi bố tôi vay mượn mua được mảnh đất ao cuối làng vắng bóng người qua lại. Ít lâu sau cất được cái nhà nhỏ nhỏ để gia đình về ở với nhau. Ngày tụi tôi chuyển đồ đi Ngoại khóc quá trời, hỏi gì không nói. Những ngày ở nhà mới còn cơ cực khổ hơn ở cạnh gian bếp nhà ngoại. Lúc nào cũng ăn rau, ăn khoai cơm trắng không có. Mang tiếng nhà nông mà cứ tới vụ gặt là hết thóc. Bố mẹ làm thuê làm mướn suốt ngày. Tụi tôi chị em tự trông nhau có gì ăn lấy. Tôi nhớ mãi hình ảnh ngoại vào nhà lôi từ bụng ra bọc gạo chừng 2 kg: nấu gì cho con cái nó ăn. Nói rồi Ngoại lại đi bộ về. Tôi chạy đi cùng ngoại ra tận đầu ngõ, nhìn bóng lưng ngoại vội vàng, tất tưởi, lúc nào quần cũng vặn lên vài gấu. Ngoại của tôi làm mướn quanh năm cứ tới vụ thóc là đi quét khắp xã. Tôi đi cùng ngoại khi không phải trông em. Đồ nghề của ngoại đơn giản lắm: 1 cái liềm, 1 cái dần, 1 cái thúng, 1 bao tải dắt ở lưng. Ngoại nhặt từng bông thóc ở những ruộng họ đã gặt xong. Phần lớn ngoại nhặt từng hạt thóc rơi trên đám cỏ ở tại chỗ họ xếp lúa để gánh về. Ngoại lấy liềm rẫy cỏ đi rồi bốc vào dần, sàng vứt bỏ đất cát, rơm rạ vương lại rồi cho vào cái thúng. Cả ngày ngoại cứ tha thẩn hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Ngoại đi khắp nơi bằng đôi chân trần của mình. Khi được đầy tải ngoại báo cho con cháu mang về. Năm nào cũng vậy, ngoại quét thóc rồi phơi, số thóc ấy đã nuôi chúng tôi lớn khôn như hôm nay.

          Tới một ngày nọ, mẹ gọi cho con báo ngoại ốm nặng lắm. Con vội về. Con nhìn ngoại nằm trên chiếc giường gỗ cũ kỹ được thay cho chiếc giường bằng tre năm xưa. Ngoại nhỏ xíu, lọt thỏm trên giường. Người ngoại đã gầy đi quá nhiều, tới mức con sốc khi chút nữa không tin vào mắt của mình. Khi con người kề cận với sinh tử qua một thời gian cơ thể cũng bào mòn nhanh thật. Con ngồi bên ngoại, cầm bàn tay toàn gân, gầy đét chỉ toàn là da bọc xương. Con khóc. Con khóc nức nở, khóc như ngày xưa ngoại ôm con vào lòng mà khóc vậy… ngoại khi này cũng nhìn con cười gượng gạo, đầy mỏi mệt… con thấy tim mình đau buốt, tê tái, nhức nhối trong im lặng…

          Mỗi con người sinh ra đều đã mang sẵn trong mình nỗi khổ riêng nào đó. Nhưng bằng một khát khao sống một cuộc đời có ý nghĩa tôi luôn nỗ lực tốt hơn. Nhớ về ngoại tôi nhớ cả những niềm đau mà chỉ khi lập gia đình tôi mới nhận ra vì sao ngoại khóc ngày ấy. Ngoại đã trở về với thinh không còn tôi đang tiếp tục một cuộc sống mới với gam màu tươi đẹp hơn. Tình yêu thương của ngoại đã giúp tôi đi qua năm tháng đói khổ ấy được dễ dàng hơn. Có những khoảnh khắc sẽ không thể nào bị mất dù năm tháng có chênh chao dường nào. Ngoại của tôi thích ăn cau trầu lắm. Ngoại coi cau như thứ đồ ăn tuyệt vời nhất trên cõi tạm này. Ngoại lúc nào cũng gói ghém từng bọc gạo cho chúng tôi ăn. Ngày ấy không có ngoại không biết cuộc đời chúng tôi sẽ đi theo hướng nào. Tiếc rằng khi trong tay có được nhiều thứ hơn lại chẳng thể tặng ngoại được nữa. Trong trái tim con ngoại như một vị Bồ tát sống giúp con bớt đi những gian truân. Yêu ngoại thật nhiều dù con biết rằng ngoại chỉ là không ở cùng con cõi tạm này thôi. Con mãi mãi nhớ ngoại!

Nguyễn Thị Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: