Những cảm xúc vụn nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 – Tản văn Nguyễn Hương

28/07/23 – 08:07

Tác giả Nguyễn Hương

 

Những cảm xúc vụn nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7

          Những ngày tháng Bảy, giữa cái nắng nóng như đổ lửa, mỗi người đều có những xúc cảm riêng khi nghĩ về Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Là một người sinh ra sau chiến tranh, tôi cũng không ngoại lệ.

          May hôm nay đang nghỉ hè rảnh rỗi, tôi dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Và cuốn sách tôi chọn đọc lại, đó là “Một thời hoa lửa” của nhóm tác giả Tạ Bích Loan, Nguyễn Trương Quý, Phạm Thu Nga, Phạm Thị Vàng Anh. Trong cuốn sách ấy, những bức hình, những câu chuyện về 81 ngày đêm chiến đấu khốc liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị đã được tái hiện một cách chân thực, sinh động. Ở đó còn là sự hy sinh của bao người lính, sự mất mát của nhân dân và sự đồng lòng của cả một dân tộc. Thực sự đó là câu chuyện lịch sử đầy sống động được ghi lại qua những chứng nhân tham gia trực tiếp vào những trận chiến. Và cảm xúc của tôi, một người thuộc thế hệ 8X là sự xúc động, tự hào, biết ơn.

          Tôi đã từng theo cha đến thành cổ Quảng Trị, đến Nghĩa Trang Trường Sơn, đến mảnh đất lắm nỗi mất mát, thừa sự anh dũng ấy. Tôi theo bước chân cha để đọc những cái tên là đồng đội của ông trên những ngôi mộ, để thắp những nén hương thơm. Nhưng khi ấy, chúng tôi cũng chỉ thắp được một số ít ngôi mộ mà thôi. Ở đó, tôi thấy nhiều nhất là khu vực của các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,… Mảnh đất ấy, thế hệ cha chú nằm lại, hóa thân vào non sông, đất nước. Bởi thế, hôm nay, cầm trên tay suốn sách, tôi đã chầm chậm mà đọc lại lời thơ của chiến sĩ Lê Bá Dương từng viết: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.

          Tối qua tôi cùng các con có tham gia chương trình thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ của địa phương nơi mình sinh sống. Ngoài cán bộ địa phương tôi thấy có sự tham gia khá đông của thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh, nhân dân và đặc biệt là sự có mặt đông đảo của các bạn thanh niên. Khi nhạc bài “hồn tử sĩ” vang lên, ánh sáng được tắt đi, dưới những ngọn nến lung linh, mọi người đứng nghiêm trang, lặng lẽ… Thực sự cảm xúc lúc đó rất gọi tên. Nhưng tôi thấy dường như có một mạch ngầm đang kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Dù không nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ đó cũng là một hình thức giáo dục lòng biết ơn với mọi người, nhất là với những người sống trong cuộc sống êm ấm hôm nay.

          Bố tôi cũng là một người lính, một thương binh nên khi tuổi cao, bệnh viện dần trở thành bạn đồng hành. Những người đồng đội của ông năm xưa có người nằm lại chiến trường, có người đã về với tiên tổ, những người còn lại thì sức ngày càng cạn đi. Đêm qua ông cùng với các cựu chiến binh khác thắp hương cho đồng đội mình. Từng đi qua cuộc chiến, từng gắn bó với quê hương trong những giai đoạn khó khăn nên nhiều lúc ông cũng thể hiện nỗi buồn và sự thất vọng về đời sống… dù sao đó cũng là nỗi niềm của cả một thế hệ có nhiều cống hiến cho đất nước!

          Những ngày này, nhiều câu chuyện xúc động của về những người lĩnh và thân nhân được kể lại. Và cùng với đó đôi khi là những tiếng thở dài, những giọt nước mắt bởi mất mất mát chưa thể nguôi ngoai, bởi những quan tâm chưa được tròn vẹn. Chỉ mong, ngoài chế độ nhà nước thì các địa phương, các đoàn thể và cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa tới các gia đình chính sách, để khỏi xuất hiện những nỗi niềm khó gọi thành tên nơi thân nhân các liệt sĩ, thương binh. Bởi những hy sinh ấy là chẳng thể bù đắp…

Nguyễn Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: