Quê mình ở đâu hả mẹ – Tác giả Lê Hoàng Phương (TP. Hồ Chí Minh)

01/06/22 – 07:06

Tác giả Lê Hoàng Phương

Mỗi sáng tôi cùng mấy ông bạn đồng hương uống cà phê quán cốc ở một góc ngã tư gần nhà. Chúng tôi vừa nhâm nhi ly cà phê vừa luận bàn thế sự. Tôi nhìn dòng người hối hả. Cảnh người bươn chải mưu sinh, lại thấy mủi lòng cho bao số phận. Rồi tự nói với lòng, mình vẫn còn may mắn hơn bao người. Dẫu cuộc sống chẳng giàu có gì nhưng cũng có một công việc ổn định, có được chốn đi về, có một gia đình, nghĩ đến đó thôi tự dưng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Sài Gòn sáng nay trời dịu nắng. Cảnh tấp nập thường nhật cũng không còn. Hôm nay là 26 Tết, những người bán hàng rong cũng giảm dần, đang nhâm nhi ly cà phê thì có một giọng bên ngoài đường vọng vô:

– Hôm nay chú có ăn xôi không chú?

Tôi ngẩng đầu lên, gật gật mấy cái rồi nói:

– Cho em một gói.

Chị cầm hộp xôi đến bên bàn đưa cho tôi, lẽo đẽo theo sau vẫn là thằng bé chừng năm tuổi gầy gò, xanh xao mà thường ngày chị vẫn dẫn theo.

– Hôm nay bán đắt không chị? – Tôi hỏi chị.

Chị cười rồi bảo: Chậm lắm chú ơi, người ta về quê hết rồi.

Tôi hỏi tiếp:

– Chị không về quê hả?

Chợt thằng bé ngẩng đầu lên hỏi mẹ:

  • Quê mình ở đâu mẹ, chị không nói gì chỉ đưa mắt nhìn nó một cái, nó cúi đầu lặng im.

Chị quay sang trả lời câu hỏi của tôi, tiền nong đâu mà về chú ơi, với lại mình cảm thấy có lỗi với gia đình từ ngày đi đến giờ có dám về quê đâu.

Tôi hỏi tiếp chứ chị không định đưa thằng nhỏ về thăm quê để cho nó biết nội ngoại kẻo lỡ..

Không trả lời câu hỏi của tôi, chị cầm mười ngàn rồi ra đẫy xe đi bán tiếp. Nhìn theo chị rồi suy ngẫm câu hỏi của thằng nhỏ mà thấy nhói lòng. Chắc trong lòng của chị cũng buồn lắm, nhưng biết nói sao với thằng nhỏ bây giờ.

Tôi ăn xôi của chị hằng ngày mỗi sáng, nên biết chị cũng khá lâu. Có một lần tôi hỏi:

– Sao chị không để thằng nhỏ ở nhà đi học mà cứ dẫn theo mỗi ngày thế? Chị nghèn nghẹn trả lời: Chị cũng muốn lắm chú ơi, nhưng không thể!

– Chứ còn ba nó đâu ?  

Nhìn ánh mắt đượm buồn của chị thì tôi biết mình đã chạm vào nỗi đau của chị rồi. Chị lắc đầu ngao ngán rồi nói, chán lắm chú ơi ổng bỏ đi rồi. Tôi lại hỏi, sao thế chị, dường như tìm đúng người, chị mở lòng tâm sự. Hai người yêu nhau từ ngoài quê, chị cũng đã ngoài ba mươi, anh nhỏ hơn chị hai tuổi, thấy anh thật lòng thật dạ muốn cưới chị làm vợ nên chị cũng bằng lòng. Ngặt nỗi hai bên gia đình cũng không thuận lắm, nên hai đứa dẫn nhau vào Sài Gòn làm ăn đợi thời cơ chín muồi rồi về quê thưa chuyện lại với gia đình. Nhưng điều gì đến cũng phải đến, sau gần hai năm ở bên nhau chị cấn bầu, trong lòng vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì rồi đây trong căn nhà trọ này sẽ có thêm thành viên mới, lo vì không biết đối diện với gia đình như thế nào. Rồi cái gì đến cũng sẽ đến, ngày chị chuyển dạ anh đưa chị đi sinh, khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời chưa kịp mừng thì nhận ngay một cú sốc, bác sĩ bảo thằng bé bị thiếu máu bẩm sinh. Nghe xong chị rụng rời tay chân, anh cũng buồn bã ngồi đó chẳng nói điều gì, chỉ thấy anh trầm lặng suy tư, âu cũng là số phận dẫu sao nó cũng là núm ruột của mình sinh ra chị nghĩ thế. Rồi mấy hôm sau chị xuất viện về nhà, bắt đầu hành trình mới, cứ một vài tháng lại đưa con đi viện, rồi một năm hai năm số tiền tích cóp cũng không còn, cuộc sống lại khó khăn hơn. Chồng chị trở nên cáu gắt, hay la cà nhậu nhẹt, tính khí thất thường không còn như xưa.

Ảnh minh hoạ internet

Dự cảm của người phụ nữ mách bảo rằng sóng gió sẽ ập đến với chị bất kỳ lúc nào. Rồi một ngày kia anh không quay về phòng nữa, một mình chị đơn độc giữa Sài Gòn hoa lệ, không bạn bè, không người thân, chị cảm thấy cô đơn hụt hẫng. Trong tận cùng của sự đau khổ, chị nghĩ đến cái chết để giải thoát đời mình nhưng chị không thể làm được. Vì chị còn có con, một mầm xanh bé nhỏ là kết quả của một cuộc tình dang dở, người mà chị mang nặng đẻ đau, nó có tội tình chi mà phải cô độc trên cuộc đời này. Chị phải sống, sống cho bản thân chị và sống cho con nữa, nên chị đã dẹp bỏ cái suy nghĩ yếu hèn đê tiện đó.

Cuộc đời của chị bước qua một ngã rẽ mới, khi xóm làng biết chuyện cũng chung tay giúp đỡ, hội phụ nữ địa phương cho chị vay vốn, cấp bảo hiểm hộ nghèo cho thằng bé nên cũng đỡ đần bớt tiền viện phí. Chị bắt đầu công việc bán xôi và cũng từ đó thằng bé đồng hành cùng với chị trên con đường mưu sinh. Chẳng biết sau này cuộc đời nó ra sao chứ hiện tại nó vẫn hạnh phúc hơn bao đứa trẻ cơ nhỡ khác.

Nhìn khung cảnh Sài Gòn những ngày cuối năm ai cũng hối hả tất bật, người có điều kiện thì về quê, người ở lại bon chen bươn chải kiếm thêm ít tiền để cái tết được sung túc hơn. Bỗng điện thoại reo lên, tôi bắt máy, đầu bên kia tiếng chị hai tôi vọng lại tết nay có về quê không em, tôi từ tốn trả lời, dạ không chị ơi tháng Hai em mới về, rồi chị hỏi thăm gia đình anh em một lượt, chúc tết xong rồi cúp máy.

Bất chợt tôi nghĩ đến chị bán xôi, giá như chị cũng nhận được cuộc điện thoại từ gia đình như mình thì chị vui lắm, mà người vui nhất chắc là thằng bé…

Ôi dòng chảy cuộc đời ôm trọn bao số phận, có người giàu, có người nghèo nhưng trên hết phải tự chọn cho mình một cách sống để còn thấy cuộc đời này vẫn đẹp. Tết này mong chị cùng con có được một cái tết ấm no…

Sài Gòn, 25/02/2022

Lê Hoàng Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: