Rét Nàng Bân và miền thơ ấu – Cỏ Ba Lá (Huế)

27/02/22 – 11:02

Tác giả Cỏ Ba Lá

 

      Huế sầu Huế trở gió đông
Em ngồi nhớ những mùa đông thuở nào
Rét về tím cả bờ ao
Thương cha với mẹ ngày nao gánh gồng…

Đêm trở lạnh! Vậy là cái rét nàng Bân bổng trở về sau những ngày nắng ấm đầu xuân. Tôi nhớ những ngày đông thuở bé – những ngày rét muộn của năm tháng bé bỏng, vô tư lự. Mái  tranh nghèo mưa dột mấy góc nhà, gió xuyên qua từng bức mành tre loang lỗ cũ màu năm tháng. Chị em chúng tôi co ro thu mình trong một cái chăn màu lính cũ kĩ. Tôi cũng không còn nhớ chiếc chăn màu rêu phong ấy có tự bao giờ. Nhưng nó là kỉ niệm của năm tháng tuổi thơ…

Cầu Tràng Tiền. Ảnh: Cỏ Ba Lá

Còn nhớ năm nào, vào một đêm trời đang dịu nhẹ thoang thoảng hương xuân, bỗng ngoài vườn hình như đang có tiếng ri rỉ khóc của những chiếc lá, tiếng chíu chít của đàn gà mới nở trong lòng mái mẹ, luồng gió lạnh ùa về ngoài ngõ, tiếng ức ức của chú Vện ở ngoài hiên, em mèo mướp vùi mình trong bếp tro chiều mẹ nấu. Rồi cái lạnh sốc thẳng vào nhà, phả vào lòng người những cơn rét buốt tận xương. Tôi nghe tiếng mẹ bảo:

“Rét muộn, rét trái mùa rét nàng Bân đây mà…”

Rồi mẹ từ từ kể với giọng ấm trầm giữa đêm đông, mẹ kể rằng:

“Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng, nàng Bân chậm chạp và vụng về hơn các chị em của mình. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con nhưng không biết làm cách nào, nên tìm chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Mùa rét đã đến, nàng muốn đan cho chồng một cái áo len. Nhưng nàng vụng về quá! Nàng đan mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng buồn lắm! Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng biết chuyện và cảm động. Thương con gái nên cho rét mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo.Từ đó, cứ vào khoảng tháng ba hàng năm. Tuy mùa đông đã qua từ lâu, mùa xuân cũng đến và trôi đi dần, mùa hè đang trên đường về nhưng bổng nàn rét quay lại mấy hôm. Người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân hay còn gọi là rét muộn”

Cũng thật là lạ. Chỉ sau một đêm, cái lạnh giường như đã bao trùm tất cả. Từ cành cây ngọn cỏ ở ven quê đến thành quách đền đài rêu xanh phủ kín cũng phải chiu trở mình ra hứng rét, một cái rét đến nhanh và bất chợt. Những màn mưa lâm thâm, những sợi mưa phùn, mịn như tơ, những hạt nhẹ ấy thôi cũng làm cho lòng người chùng xuống bất giác đưa lòng nhớ về những ngày xưa cũ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhà tôi nghèo! Nghèo đúng như cái nghĩa của chữ nghèo trần trụi của một thân cây khô trơ lỳ hứng chịu cái rét mùa đông vậy. Ba mẹ tôi lam lũ quanh năm vẫn không đủ no khi mà mọi cái khó khăn vẫn luôn đeo bám. Nào dám mơ có một chiếc áo ấm mới, một chiếc chăn bông mà trẻ con ai ai cũng thèm khát khi gió mùa lấn tới. Và mãi về sau, dẫu có thêm chăn mới nhưng tám chăn cũ mèm, rách tươm ấy vẫn ở trong miền kí ức của tôi suốt tuổi đời thơ ấu. Là một người bạn suởi ấm cho chị em chúng tôi khi cái rét muộn bất chợt tràn về giăng khắp lối trên từng con phố nẻo quê. Những đêm rét run người, gió lùa qua từng khe cửa, những đêm giá rét sương phai, có những đêm bất giác đứa em út của tôi lại thốt lên trong giấc ngủ không yên vì lạnh:

– “Chị ơi! Em lạnh quá! Em lạnh quá! Chân em đau quá! Chị ôm em ngủ đi! Em lạnh quá!…

Cuộc sống cơ hàn, tuy không được đủ đầy như bây giờ nhưng hình ảnh những đêm đông ngày thơ ấy vẫn ở mãi trong lòng tôi khi gia đình luôn bên nhau nồng ấm lúc mùa trở gió… Những bàn tay nhảy múa vũ điệu xòe hoa, những ngón tay cứ xòe ra như những bông hoa rồi chụm lại như những nụ búp dưới ánh lửa hồng khi mẹ tôi nhóm bếp. Những củ khoai lang nướng, sắn nướng được mẹ trao tay cho chị em chúng tôi nóng hổi. Hơi khói của than hồng, hơi nóng của khoai, hơi lạnh từ những khuôn miệng chúm chím cười phả ra vì lạnh. Tiếng cười khi thì khúc khích, lúc thì giòn tan xua đi cái lạnh của cái rét muộn tháng ba.

Ảnh minh họa: Internet

Rét muộn! Những con đường thường ngày bọn trẻ trong xóm thường tập trung đông đúc nô đùa ,cùng chơi các trò chơi dân gian, bán hàng, bắn bi nhảy dây, trò chơi ô ăn quan…trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Đàn gà con chíu chít mỗi ngày giờ cũng co cụm lại trong lòng gà mái mẹ ở một góc đâu đó; lũy tre làng cũng cúi đầu như co mình lại, lặng lẽ cam chịu bởi nàng rét cóng chợt ùa về không báo trước… Trên những con đường quê, trên từng góc phố nhỏ, trên mấy nhịp Trường Tiền vẫn thấp thoáng nhịp sống thường ngày của những dáng người gầy còm, khắc khổ, lầm lũi đi về của các ông, các bà, các chị. Họ vẫn lặng lẽ mưu sinh đi về sớm tối trong cái rét ngược mùa của “nàng Bân đan áo cho chồng”.

Thương lắm những ngày rét nàng Bâng ghé thềm! Dẫu mưa thâm, dẫu giá rét  mẹ tôi vẫn dậy từ rất sớm khi đất trời còn thoang thoảng hương đêm. Mẹ cắt vội mớ rau lang, hái đầy thúng ổi, đôi ba trái mít non hay quả đu đủ vừa chín màu cam mọng… Khi giọtt  sương tím còn cô đọng trên những thân cây vì rét. Trên vai đôi quang gánh, choàng tấm áo mưa màu trắng ngà mẹ vội vã bước đi cho kịp buổi chợ! Tấm áo chẳng làm đủ ấm một thân hình nhỏ nhắn, không đủ che chắn cho bờ vai gầy guộc của mẹ trên đường đông hun hút gió. Cái lạnh phủ kín cả khung trời, nhợt  tím vành môi, làm tê cứng bàn chân mẹ trên nẻo đường:

       “Cánh cò cõng nắng cõng mưa
 Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”
(Ca dao)

Tôi thích đôi quang gánh của mẹ, với đôi quang gánh đã nuôi chúng tôi khôn lớn. Tôi thường nhìn theo bước chân thoăn thoắt của mẹ cho đến khi dáng mẹ khuất dần sau khóm tre ở ngã ba đầu xóm nhỏ. Khóm tre một thời mà bọn trẻ trong xóm vẫn thường vui đùa trong suốt cả một tuổi thơ dữ dội, hoài niệm và tiếc nuối xa xôi, vời vợi… Nhớ các em tôi thập thà thập thò, chạy ra chạy vào đầu ngõ ngóng mẹ đi chợ về. Ngày ấy mỗi lần đi chợ về, thường khi mẹ mua cho gói kẹo cau, hay hộp kẹo bạc hà… Nhưng hôm ấy, trong miền buốt giá của “nàng Bân may áo cho chồng”, mẹ từ chợ về trên tay là những cuộn len đủ màu sắc với độ mới cũ khác nhau, những sợi dây len to nhỏ chắp nối. Nhưng chúng tôi lại vui sướng, nhảy lên la vang tận trời cao khi mẹ bảo: “Mẹ sẽ đang áo cho các con” .Sự vui mừng loé lên trong cả hồn mắt, gương mặt hớn hởi, chúng tôi chạy khoe với bọn trẻ làng trên xóm dưới… Nhìn trong đôi mắt mẹ tôi nhìn ra được mẹ cũng vui theo niềm vui của những đứa con mình…! Một niềm vui của trẻ con nhà nghèo vô tư, sự mừng rỡ xé tan cả bầu trời lạnh buốt…

Ảnh minh họa: In ternet

Những ngày sau đó tôi thấy mẹ ngồi đan mọi lúc mọi nơi. Đêm đêm mẹ ngồi dưới ngọn đèn đan từng mũi len với cả tình thương dành cho con trẻ. Nhưng do công việc đồng án với đủ thứ việc không tên nên áo vẫn chưa xong. Rồi thời gian trôi, đã qua hết mùa đông rồi sang tết. Và cái lạnh cũng không còn. Lúc đó mới là lúc mẹ vừa đan xong áo. Tôi nhìn mẹ như muốn nói là mùa đông không còn nữa mẹ ơi. Như ngầm hiểu mẹ bảo: 

“Mẹ xin lỗi nhưng ít hôm lại có đợt rét muộn, con sẽ được mặc áo con à…”

Rồi một hôm, đúng như lời mẹ nói, cái rét đến thật. Nắng xuân đang ngập tràn nhân gian chợt bầu trời mây xám kéo đến. Những luồng gió ùa về cùng những màn mưa lâm thâm càng làm cho cái lạnh càng thêm buốt giá. Thế là tôi đã được mặc áo mẹ đan trong tình yêu thương ấm nồng của mẹ trong cái rét muộn. Cái rét của nàng Bân.

Thời gian bỏ mặc tuổi thơ, bỏ mặc những mùa đông ngày cũ. Nhưng mỗi khi hoa xoan nở tím trời và đợt rét cuối cùng trong năm sót lại tràn về, tôi luôn hoài niệm nhớ về một thời nghèo khó. Thi thoảng tôi thường mang chiếc áo len cũ kỹ mẹ đan năm xưa ra nhìn ngắm. Biết bao dịp rét nàng Bân nối tiếp cứ thế trôi đi. Chúng tôi khôn lớn, trưởng thành. Nhớ những năm tháng tôi xa nhà, cứ đến cái rét trái mùa nghịch gió là mẹ lại thấp thỏm lo âu. Mẹ gọi điện hỏi thăm bao điều to nhỏ, dặn dò như con vẫn mãi là đứa trẻ con lên ba, lên bốn hôm nào:

“Huế lạnh lắm. Ở chỗ con có lạnh nhiều không. Nhớ giữ gìn sức khỏe. Nhớ mặc cho đủ ấm. Một mình ốm đau sẽ không biết làm sao…”

– “Dạ! Mẹ ơi…! Ở đây cũng lạnh nhưng con sẽ biết giữ ấm. Ở nhà mẹ nhớ đừng ra ngoài khi gió rét đậm vào buổi sáng sớm hay chiều muộn mẹ nhé…!”

 

Ảnh minh họa: Internet

Những lúc như thế tôi biết được rằng, dẫu có lạnh bởi đất trời thì hơi ấm mẹ giành cho tôi vẫn là lò sưởi xua đi từng luồng gió ngày đông. Tình mẹ ấp iu nồng đượm ngay giữa tim tôi ở cái lạnh nơi quê người. Đã có những tháng năm ở chốn Hà Thành, tôi đã từng thấm đẫm những cái rét cắt thịt da. Rét ở miền Bắc có dư vị riêng. Trời lạnh nhưng lại ít mưa, hoặc không mưa dai dẳng như ở Huế.

Cứ mỗi độ rét về , khi cái lạnh đi về ngang phố. Dù đang ở một nơi nào đó ở miền Bắc hay đang ở Huế thì tôi vẫn nhớ về những cái rét muộn ngày thơ cũ. Cái rét mà một đứa trẻ con trông đợi ngày đông để được mặc áo ấm. Cái đợi mong vô tư của một đứa trẻ làm chát lòng những người làm ba làm mẹ… Tôi đâu biết rằng cái lạnh của mơ ước trẻ con đó làm làn da ba mẹ tê cứng, cái lạnh như dao cắt khi ba mẹ vẫn phải đi lội dưới đồng sâu, chân tay lạnh cóng vẫn cầm từng bó mạ non cấy xuống với niềm mong mỏi cái ấm no cho ngày mai. Và vì đàn con đang tuổi ăn tuổi học mẹ ba phải cố gắng nhiều hơn. Dẫu biết rằng dù tôi không trông đợi, không mong ước thì mùa đông vẫn đến bên hiên nhà…!

Hôm nay lại là một cái rét muộn. Một cái rét sâu, ngang qua thành phố Huế, len lỏi xuống tận miền quê. Rét đi vào những ngôi làng nhỏ, khu phố, dù không mời gọi nhưng vẫn gõ cửa ghé thăm từng ngóc ngách, đi qua từng kẻ lá, xuyên qua những mái nhà, Những đồng lúa vừa gieo xạ, những luống khoai chìm nghỉm trong sự bao phủ của nàng đông nghịch mùa. Những con trâu, con bò, những đàn gà con mới nở tội nghiệp vì không chịu nổi giá lạnh đã vĩnh biệt chủ ra đi. Đau thắt lòng trong nước mắt giàn dụa của những người nông dân, chăn nuôi tần tảo hôm sớm, nắng mưa băng qua mấy mùa nương rẫy. Những ông già, bà già run rẫy, co ro khựng lại trong cái lạnh đến bất ngờ nhưng buốt sâu. Những em bé làn da nâu tím, vành môi run lập cập, mũi chảy nhễ nhại bơ phờ cả ánh mắt…

Nàng Bân năm nay lạnh hơn những năm trước. Những ngày rét ngược về giữa tiết trời xuân nắng ấm, phả vào không gian, phả vào lòng người hơi lạnh căm căm. Rét về giữa đất trời xứ Huế, khi cái tết vừa qua chưa lâu. Sự bịn rịn của kẻ ở người đi, của những đứa con xa quê về nhà ăn tết nay lại khăn gói lên đường để tiếp tục cho một hành trình mới, một năm mới ở xứ người. Để lại những người mẹ đứng tiễn con với nỗi lòng tê tái, lạnh lẽo giữa tiết trời sương giá. 

Đang đi trên những con đường xứ Huế quen thuộc. Tôi đưa hai bài tay vào túi áo như trốn những cơn gió thoảng qua mang theo những hạt mưa ray rắc vào hồn, chếch choáng. Lòng chùng xuống nhớ về rét muộn của ngày thơ cũ… Tôi nhớ về mẹ, về các em trong vùng trời đông ngây thơ tội nghiệp, nhớ thương của thuở năm nào…! Lớn rồi lại mơ ước quay về những tháng năm vô lo vô nghĩ. Nhớ về những khó khăn ngày xưa nhưng chị em bên nhau chẳng rời. Tôi nhớ cái tấm chăn ngày xưa ấy. Trải qua bao nhiêu cái rét của đất trời tôi nhận ra rằng vất vả cũng giống như cơn mưa rét những ngày đông; có buốt lạnh đến mấy rồi cũng sẽ có lúc ấm lên… Nếu như nàng Bân là người phụ nữ mẫu mực của tấm lòng yêu thương, độ lượng, chăm chỉ, xứng đáng được ca ngợi thì mẹ tôi cũng là một người như thế. Nhưng không phải là sự tích mà là ở giữa đời thường. Và còn rất nhiều những người phụ nữ, nhiều bà mẹ thương chồng thương con như thế tích cũ nàng Bân…

Trở về nhà sau một vòng quanh những con đường quen thuộc ngày nào dưới cái rét nàng Bân. Tôi chìm vào giấc ngủ với chiếc chăn ấm hơn và mơ những giấc mơ về mùa đông thuở bé…. Trời bừng sáng! Chợt… Tiếng chim lanh lảnh hót, tiếng lá lao xao, tiếng gà con lon ton theo mẹ, chú Vện đang chạy nhảy trêu đùa với quả bóng ngoài ngõ, em mèo mướp đang nằm sưởi nắng ở góc sân, những lộc biếc non xanh trên các hàng cây óng mượt lấp ló từng tia nắng vàng chiếu rọi. Bên thềm nhà, mẹ đang chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà bắt đầu một ngày mới.

Ánh bình minh dần lên cao đậu  trên ngọn cau rồi buông xuống những sợi nắng mượt mà ấm áp xuống sân nhà…! Mẹ bảo: – “Cái rét kì lạ, ngược mùa thật. Chợt đến rồi chợt đi. Nắng lên rồi! Tạm biệt rét nàng Bân! Bắt đầu những tháng ngày với những ước mong …!”

 

                                Huế ngày 22.02.2022

CỎ BA LÁ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: