22/11/21 – 10:11
Sàn bánh hỏi của má
Truyện ngắn Nguyễn Bá Nha
Bác xà ích ghì dây cương, ra hiệu cho con ngựa tía dừng hẳn rồi bảo tôi xuống xe. Tôi gửi tiền, chào bác rồi thong thả bước vào làng. Gần năm năm đi biền biệt, nay tôi trở về thăm quê trong dạ bồi hồi. Làng Nước Mặn vẫn yên bình, hoài cổ bên sông Cầu Ngói tồn tại hơn bốn trăm năm. Tôi nhớ ba má và em gái nhỏ. Bất chợt, thoảng trong hương gió nhẹ ngai ngái mùi rạ mới, tiếng rít từ lũy tre bên đồng Cây Giới. Giọng ai đó ru con dìu dặt: “Ầu ơ… mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ… hờ hơ ơ… mấy đời dì ghẻ mà thương con… hờ ơ ờ… chồng”.
Tiếng ru như làm não lòng, bàng hoàng kẻ cố hương. Tôi không dám trách ai đó đang ru những lời buồn, nhưng tôi cảm thấy không vui, dẫu biết những lời ru góp nhặt của ông bà xưa là đúc kết từ hơi thở cuộc sống bao đời. Tôi nghĩ trên đời này vẫn còn có những tấm lòng bao dung, nhân hậu của những người kế mẫu. Tôi mong những âm vọng ấy đừng lọt tai má tôi. Tôi không muốn má chạnh lòng, vì má tôi là người phụ nữ “thương con chồng”.
Tôi lớn lên trong lời ru êm ả của bà, những giọt sữa ngọt lành của cô dì, bà con lối xóm. Má Mười của tôi sinh ra tôi và cũng giã từ cuộc đời ở tuổi đôi mươi. Tôi không biết mặt má. Hồi não đến giờ, tôi cứ mong gặp má dù chỉ một lần trong mơ. Trong cuộc đời của đứa trẻ 75 ngày tuổi đã mồ côi mẹ, có may mắn được kế mẫu yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng như con ruột thì quả là điều hạnh phúc, phép màu diệu kỳ của cuộc nhân sinh.
Tôi có hai má. Má Mười sinh ra tôi mà không dưỡng được vì đoản mệnh. Má Hà xuất hiện trong cuộc đời tôi như một sự hiện thân của vị cứu tinh. Từ lâu, tôi cứ ngỡ là chiêm bao hay tôi đang sống trong một huyền thoại tình mẹ, một thước phim truyện, một tập tiểu thuyết được dựng lên bởi một nhà văn nào đó khéo tưởng tượng. Bởi má tôi đã sống một cách sống giản dị, nhân hậu hiếm thấy. Với tôi, má Hà là Bồ tát hiện thân.
75 ngày chào đời, tôi non nớt, yếu ớt, hình hài bé tí chỉ 2,5 kg. Tôi khóc vì khát sữa và bắt đầu cuộc lay lất của bệnh tật, đói khát. Cô ruột tôi kể, tôi toàn bú ké, bú dạo từ đầu làng đến cuối xóm. Khi thì bú vú cô Dư (chị ruột ba tôi), khi thì bú vú mấy cô gần nhà, có cả bầu sữa mẹ sinh con “so”, cả bầu sữa thiếu phụ đã dăm bảy lửa. Khi thì bú vú da bà nội, rồi cô Út tôi. Và trời Phật thương tình đã ban cho tôi một người mẹ thứ hai trong cuộc đời, mà mãi đến bây giờ tôi chưa bao giờ biết xếp vần phát âm hai từ “dì ghẻ”. Tôi nghe kể đó là năm tôi lên ba.
Có lẽ, duyên hay nợ từ kiếp nào xa xưa mà má tôi – người con gái lớn lên đi lấy người chồng đã một đời vợ. Má dám chấp nhận đối mặt với lời cay nghiệt của thói đời, dèm pha của bạn bè cùng lớp, sự sỉ vả của họ hàng nhà ngoại. Má Hà và ba tôi đến với nhau cả hai đều tay trắng. Má tôi biết ba tôi nghèo. Ba tôi dắt vợ con lên núi lập nghiệp, ở nhờ nhà người dưng.
Ba má tôi lam lũ, làm lụng để tạo dựng mái ấm riêng mình bằng chính sức lao động, sự đồng cam cộng khổ. Má dành tình yêu thương đứa con bé bỏng, bệnh tật bằng cả tấm lòng của một người mẹ. Khi biết tập nói bi bô, tôi đã gọi: “Má, má!”. Chín năm má tôi mới có em bé, em gái tôi tên Út Nhi. Má yêu thương hai anh em như chính hai giọt máu của mình. Đi chợ mua quà gì cũng hai anh em đồng đều. Tôi thì thương em, hay nhường em.
Từ khi ba má lo bề gia thất cho tôi, tôi lại xin phép ba má để đi lập nghiệp ở vùng đất mới. Thế rồi, người nhà họ bên nội tôi cứ cay nghiệt cho rằng má tôi không thương tôi nên tôi ra đi. Năm tháng qua đi, má vẫn thầm lặng, không giải thích, không đôi co. Má vẫn lặng lẽ và trăn trở, gửi từng bao gạo cho tôi. Má bảo: “Nếu có cơ hội, con hãy gắng con nhé!”
Sau bao năm xa nhà, tôi chạy theo cuộc mưu sinh dài hơi. Vừa đến cửa nhà, tôi gọi: “Má, má ơi, con về rồi!”. Ngôi nhà được xây mới và khang trang hơn ngôi nhà tranh mà tôi từng sống thời thơ ấu. Tôi nhìn quanh không thấy má, tôi vào nhà và đi tìm. Tôi lên gác. Má tôi đang lau chùi bàn thờ ông bà và cả bàn thờ của má Mười tôi. Thấy thoáng bóng tôi từ cầu thang, má vui mừng nói to:
– Thằng Hai về hả con? Con đi đâu mà năm năm trời biền biệt vậy?
– Dạ, má ơi con về. Ba và em Út Nhi đâu rồi má?
– Ba con đi làm thợ nề ở Sài Gòn rồi con. Em Út Nhi nó làm công ty may ở Quy Nhơn. Mà con về một mình na? Sao con không dắt vợ con về chơi?
– Dạ, nay các cháu đang học và vợ con làm bận bịu làm rẫy nên không về được ạ.
– Vô rửa mặt đi con, rồi má lấy bánh hỏi, nhúng bánh tráng con ăn nhen.
– Dạ.
Má tôi đã già đi theo năm tháng. Tóc má đã ngã màu muối tiêu. Má ăn chay trường nhiều năm nay. Má phát tâm ăn chay, cầu nguyện cho con cháu được mạnh khỏe. Nói rồi má dọn bánh cho tôi ăn. Lâu lắm rồi tôi mới ăn bánh hỏi má làm. Ngon đến vô cùng!
Ăn miếng bánh hỏi của má vừa hấp nóng hổi, vừa được gỡ từ sàn tre làm tôi nhớ như in ngày cũ. Hồi nhỏ, tôi thường giúp má tách lựa và rửa lá hẹ. Có khi chợ không có bán lá hẹ, má phải dùng lá hành và phải lấy kim tước ra, cay ứa nước mắt. Và cứ mỗi đêm như thế, má ngồi bên ngọn đèn dầu hột vịt tước lá hành, lá hẹ để kịp sớm mai bán chợ.
Nghề làm bánh hỏi khá công phu, má tôi phải vất vả lắm mới học được. Má đã theo nghề suốt để mưu sinh, nuôi cả gia đình. Ba tôi hồi ấy làm rẫy, đến mùa mới có thu hoạch. Một mình má lo toan cơm áo gạo tiền, ơn qua nghĩa lại ở xóm làng đều từ sàn bánh hỏi của má.
Má phải ngâm gạo từ lúc gà gáy, mà phải là gạo hạt tròn, lúa nhà quê, gạo cũ mới làm được. Vì gạo hạt dài dẻo, lúa mới làm bột ép ra khuôn rất khó, sợi bánh bị nghẹt khuôn và không suông sợi bánh hỏi. Ngoài khâu chọn gạo, má tôi còn phải chọn loại dầu, phải là dầu tốt, không bị đông vào mùa mưa. Đó là kinh nghiệm mà tôi học lóm được lúc theo phụ má làm bánh.
Tiếp đến, má tôi ngâm gạo, vớt gạo rồi chở đi đến dịch vụ xay bột bằng xe đạp đến bảy cây số. Sau này, ba tôi thấy má cực nên về quê tìm mua cho bằng được bộ cối đá. Rồi cái cối đá đã giúp má chủ động hơn để xay bột bằng tay. Buổi trưa tan chợ, má nấu cơm xong là lại xay bột. Hình ảnh của má tôi tảo tần với dáng đứng xay bột trong tiếng kẽo kẹt luôn là hỉnh ảnh đẹp trong lòng đứa con xa quê. Tôi càng nhớ từng dụng cụ làm nghề của má: sàn tre, lò và nồi hấp bánh, thúng bánh, tàu lá chuối má tước ra và buộc lại thành cây quét dầu hành cho khách…
Tôi đang hoài niệm những ngày thơ ấu thì bỗng có
tiếng cô hàng xóm vang lên từ cửa:
– Chị Hà ơi, còn bánh hỏi không? Chị cân cho tui ba ký. Nhà hôm nay có khách. Bánh chị ngon, về ăn cháo lòng heo là nhất hạng.
Má tôi đang chưng hoa quả lên bàn thờ ông bà và bàn thờ má Mười. Má đáp vọng:
– Còn bánh chị ơi, mà còn đúng ba ký luôn chị ạ!
Cô hàng xóm thấy tôi về nên hỏi thăm:
– Ủa thằng Hai về hồi nào cháu?
– Dạ, cháu vừa về cô Năm. Cô chú khỏe chứ ạ?
– Khỏe cả con. Mày đi đâu biệt tích biệt tăm vậy? Sao bỏ nhà bỏ quê đi ở quê vợ?
– Chuyện dài cô Năm ạ! Con đi học lấy cái chữ cô ạ.
– Học gì nữa bay? Nay học chi cho lắm, thằng cháu cô nó có học hành gì đâu, nó mần hồ tháng cũng mười mấy triệu. Sao cháu không theo nghề này, kiếm nhiều tiền về nuôi dì mày?
Tôi chưa kịp trả lời cô Năm, má tôi nói dặm vào:
– À, cháu nó học đại học đó chị. Tội nghiệp, lúc trước lập nghiệp ở Tây Nguyên nhà khó khăn quá nên cháu nghỉ học sớm, đi làm nông. Giờ cháu cố gắng học lại cũng tốt.
– Thiệt không đó, sao đi học trong mát mà đen thui như “nậu” làm rừng làm rẫy vậy? – Cô Năm Lẻo nhìn tôi soi mói.
– Hay mày ghét bà dì ghẻ mà bỏ nhà đi?
– Dạ, dì nào ạ? Con chỉ có má, má con chứ bộ!
Tôi rất bực mấy câu hỏi soi xỉa của cô Năm. Cô Năm Lẻo nổi tiếng là buôn dưa lê ở cái làng Nước Mặn này. Chuyện nhà người chưa tỏ mà cô Năm Lẻo đã tường từng li từng tí. Biết má thương tôi, mà cô vẫn “đàn đệm” vài câu cho nhà tôi mất vui. Má tôi nháy mắt ra hiệu như là mặc kệ cô Năm. Tôi bâng quơ và chuyển sang chuyện khác. Mắt má đỏ và đượm buồn.
Cô Năm mua bánh đã về, má tôi lại tiếp tục lau bàn thờ má Mười. Hình như bàn thờ má Mười luôn được một bàn tay cần mẫn, chăm chỉ, đều đặn mỗi ngày của má Hà lau sạch đến bóng cả thanh đèn đồng, lư gỗ. Trên bàn thờ, má đã đơm hoa quả, má thắp nhang vái lâm râm: “Chị Mười sống khôn thác thiêng, độ trì cho thằng Hai. Con mình nó đã đỗ đạt. Hôm nay, ngày rằm tháng Bảy, em có chút lòng thành tưởng nhớ chị! Con nó cũng đã trở về, nó thăm chị thăm em! Nam mô A Di Đà Phật!”.
Bữa cơm chay đạm bạc rau quả chỉ có hai má con. Vẫn không thể thiếu món bánh hỏi còn nóng hơi ấm như tình mẹ. Tôi ăn hết sàn bánh vừa ra lò đầu tiên của buổi chiều. Tôi mong gặp ba và Út Nhi, mà chắc Tết mới đoàn tụ được. Đã năm mùa lúa trổ đòng, tôi xa làng quê. Tôi nhớ những buổi chăn bò bên gò Ông Bảy, gò Chùa Bà… những kỷ niệm xưa cứ ùa về. Tôi ước mình trẻ lại, để phụ giúp má ép bánh hỏi, vớt bánh, tước lá hành…
Nguyễn Bá Nha
Nguồn: Văn nghệ Bông Tràm
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Con hẻm – Tản văn Lưu Giang
Giấc mơ trưa – Thơ Lê Thịnh (Nha Trang)
Biển và em – Thơ Phan Hồng Phong (Nghệ An)
Ta về – Thơ Lưu Giang
Hoài niệm – Thơ Lê Hoàng Phương
Chúc mừng sinh nhật chị gái An Khuyên – Thơ Cô Đỏ Quán
Chiếc xe đồ chơi bằng gỗ – Thơ Lê Thi (Đắk Lắk)
Phượng ơi – Thơ Lưu Giang